Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài với Mỹ trên mặt trận thương mại với 3 “vũ khí” được phía Trung Quốc cho là lợi hại, nhưng thực tế có thể chỉ là “pháo tịt ngòi”.
Sự kiện:
Tin tức Trung Quốc
,Tin tức Mỹ
Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy hôm 13/6, chuyên gia Salvatore Babones tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (Úc), đồng thời là phó giáo sư tại Đại học Sydney, cho rằng, ba “vũ khí” mà nhiều người đang nói đến là cấm nhập khẩu đậu tương Mỹ, cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.
“May cho nước Mỹ và cho sức khỏe của hệ thống thương mại toàn cầu, những thứ này không dọa được ai”, ông Salvatore Babones viết.
Giá đậu tương giảm vì dịch tả lợn châu Phi
Năm 2018, khi khẩu chiến về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên cao, Trung Quốc áp thuế 25% lên đậu tương nhập khẩu từ Mỹ. Đậu tương là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và là cây trồng chính ở các bang miền trung tây nước Mỹ, nơi đông đảo cư dân hồi năm 2016 bầu ông Donald Trump làm tổng thống.
Mức thuế nhập khẩu 25% được coi là nguyên nhân sâu xa của tình trạng giá đậu tương giảm, dẫn tới làn sóng đóng cửa trang trại khắp miền trung tây nước Mỹ.
Đối thủ lớn nhất của Mỹ trên thị trường đậu tương toàn cầu là Brazil, nên người ta có thể mường tượng rằng, nông dân Brazil nhảy cẫng lên vui sướng khi thấy đơn hàng nhập khẩu đậu tương Brazil tăng. Nhưng trên thực tế, giá đậu tương Brazil giảm xấp xỉ 20% kể từ tháng 4/2018, gần bằng mức giảm hơn 20% của giá đậu tương Mỹ trong giai đoạn đó.
Nguyên nhân rất đơn giản: Đậu tương có thể thay thế tương đương được. Khi Trung Quốc mua đậu tương Brazil thay vì đậu tương Mỹ, châu Âu phải chuyển sang nhập đậu tương từ Mỹ để thay thế nguồn cung quen thuộc là Brazil. Thị trường đậu tương toàn cầu giống như quả bóng, bóp chỗ này thì nó phình ra ở chỗ khác.
Trên thực tế, giá đậu tương giảm là xu thế chung toàn cầu, không liên quan chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Giá đậu tương liên quan dịch tả lợn châu Phi đang tấn công nhiều nước trên thế giới.
Phần lớn đậu tương trên thế giới được dùng làm thức ăn cho lợn và một số vật nuôi khác, không phải cho con người và các công ty, trang trại lợn khắp Trung Quốc đang thiệt hại nặng nề vì dịch tả lợn châu Phi.
Kết quả là, việc Trung Quốc mua đậu tương Mỹ hiện giờ dừng hẳn. Việc này có thể trông giống như là lệnh cấm nhập khẩu đậu tương Mỹ. Nhưng thực tế là Trung Quốc không cần nhiều đậu tương vì họ không còn nhiều lợn để nuôi. Vì dịch tả lợn châu Phi tiếp tục hoành hành, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn của Mỹ sẽ tăng mạnh.
Trung Quốc nhập khẩu nhiều đậu tương Mỹ. Ảnh: Reuters.
Đất hiếm không hiếm, chi phí môi trường cao
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Các kim loại đất hiếm như neodymium, europium, terbium, dysprosium đóng vai trò quan trọng trong sản xuất một số loại nguyên liệu cao cấp và đồ điện tử.
Dù tên là đất hiếm, đất hiếm cũng không thực sự quá hiếm. Trên thực tế, Mỹ là nhà sản xuất đất hiếm quy mô lớn của thế giới cho đến khi các nguồn cung giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Mỹ hiện còn nhiều kim loại đất hiếm nhưng chi phí môi trường của việc tách chúng khỏi quặng rất cao khiến việc sản xuất đất kiếm trở nên không kinh tế. Tinh luyện khoáng chất ở Trung Quốc có chi phí thấp vì tiêu chuẩn môi trường chưa cao.
Nếu Trung Quốc thực sự áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm ra nước ngoài, giá các loại kim loại này sẽ tăng, phản ánh đúng chi phí kinh tế thực sự của chúng. Điều này thực sự là điểm tốt nếu xét ở góc độ môi trường.
Ngoại trừ áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm trên phạm vi toàn cầu, các biện pháp hạn chế xuất khẩu chúng đều vô dụng vì đất hiếm hoàn toàn có thể thay thế tương đương. Hồi năm 2010 Trung Quốc phát hiện ra rằng, sau khi họ áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, lệnh cấm không đem lại tác động như họ mong muốn. Neeus Trung Quốc bán đất hiếm cho nước khác, các công ty Mỹ có thể mua chúng từ nước đó hoặc chuyển sang các nguồn đầu vào thay thế.
Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất điện thoại di động. Ảnh: Outsider Club.
Bán tháo USD sẽ ảnh hưởng euro?
Trung Quốc hiện nắm giữ trên dưới 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong tổng dự trữ ngoại hối khoảng 3.000 tỷ USD. Nghe thì có vẻ nhiều tiền, nhưng so sánh với quy mô nền kinh tế và ngoại thương của một siêu cường kinh tế, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ tương đương với dự trữ của các nước đang phát triển khác. So với tổng nợ chính phủ của Mỹ xấp xỉ 22.000 tỷ USD, con số của Trung Quốc cũng không thực sự lớn.
Một số người cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, lãi suất đi vay của Mỹ sẽ tăng vọt và kinh tế sẽ lao đốc. Nhưng trên thực tế, trái phiếu kho bạc Mỹ được giao dịch nhiều, mỗi ngày khoảng 500 tỷ USD trên thị trường giao ngay. Giá trị giao dịch theo kiểu hoán đổi, quyền chọn, hợp đồng tương lai còn cao gấp nhiều lần. Vì vậy, thị trường dễ dàng hấp thụ toàn bộ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Nạn nhân lớn nhất của việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ có thể là Liên minh châu Âu. Trung Quốc giảm dự trữ đô la Mỹ thì buộc phải tăng tương ứng dự trữ ngoại tệ khác và đồng euro là ứng cử viên sáng giá nhất.
Nhưng giao dịch trái phiếu chính phủ của khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không mạnh và tập trung như đối với thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Việc Trung Quốc ồ ạt mua euro dự trữ có thể khiến giá đồng tiền này tăng vọt, gây sức ép khổng lồ đối với các nhà xuất khẩu hàng công nghiệp lớn của châu Âu.
Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% lên nhiều loại sản phẩm Trung Quốc và mức thuế này không áp dụng với hàng hóa đã trên đường vận chuyển. Vì thế, có một khung thời gian 4-6 tuần để các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận và tránh áp dụng mức thuế mới.
Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì Trung Quốc khó mà ăn miếng trả miếng về thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ vì Trung Quốc hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (420 tỷ USD năm 2018). Vậy, Trung Quốc sẽ dùng đến “vũ khí” nào nếu chiến tranh thương mại kéo dài?
Trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ bị Trung Quốc bán tháo? Ảnh: Wikipedia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét