Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

NGÀY NÀY NĂM ẤY: 20-8-1968


Hữu Thọ


NGÀY NÀY NĂM ẤY: 20-8-1968. Nửa đêm, lính đặc nhiệm Liên Xô đánh chiếm sân bay Ruzyne ở thủ đô Praha của Tiệp Khắc. Từ đầu đến đuôi, chiến dịch diễn ra chỉ trong 8 phút 59 giây rưỡi. Từ đó, cái tên “chiến dịch 9 phút” đã đi vào lịch sử ngành tình báo quân đội Liên Xô. 
Tiệp Khắc là gì?
Là quốc gia tồn tại từ tháng 10-1918 đến 31-12-1992. Chả là Thế chiến 1 kết thúc, Đế quốc Áo-Hung thua, phe thắng trận xẻo 1 miếng của Áo (trở thành Séc), thiến 1 miếng của Hungary (là Slôvakia), ghép thành Séc-Slôvakia. Cái tên Tiệp Khắc là rút gọn từ phiên âm tiếng Tàu: Tiệp Khắc Tư Lạc Phạt Khắc. Năm 1938 Tiệp Khắc bị phát xít Đức xé ra, phần phía tây (Séc) do Đức bảo hộ, phần phía đông (Slôvakia) trả cho Hungary. Năm 1945 Thế chiến 2 kết thúc, Liên Xô ráp lại như cũ. Cũng như các nước XHCN Đông Âu khác, Tiệp Khắc được Liên Xô bảo hộ bởi Hiệp ước Quân sự (khối Vácsava) và Hội đồng Tương trợ Kinh tế (khối SEV).
Từ giữa thập niên 1960, miền Bắc Việt Nam thấp thoáng hình bóng Tiệp Khắc qua những chiếc xe đạp Favorit. Chú tôi được mua theo tiêu chuẩn phân phối 1 chiếc với giá 602 đồng, oách lắm nhé. Tôi nhảy phóc lên “pooc-ba-ga” để chú đèo đi mấy vòng. Hồi đó cũng có xe đạp Eska, nhưng ít hơn, do các lưu học sinh từ Tiệp Khắc mang về. Ngoài ra còn có xe đạp thiếu nhi Liên Xô, xe Mifa của Đông Đức, Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc. Vào bộ đội, tôi phân biệt được súng AK Tiệp Khắc với AK Trung Quốc và được biết vùng Séc là trung tâm sản xuất súng AK của khối Vácsava, báng súng làm từ một loại gỗ trồng tại Slôvakia.
Thấy Tiệp Khắc ậm ạch quá, cuối tháng 12-1967 nhà lãnh đạo Liên Xô Brêznép sang tận nơi, hạ bệ Bí thư thứ nhất Novotný, đưa Dubcek lên thay nhằm thực thi cải cách. Nhưng rồi Dubcek quá đà, hướng đi mới về dân chủ và kinh tế có vẻ lệch khỏi quỹ đạo. Sau mấy cuộc triệu tập để uốn nắn mà không xong, Brêznép quyết định dùng vũ lực, huy động 200.000 lính, 2.000 xe tăng và rất chi là nhiều phương tiện quân sự vào cuộc.
Đêm hôm ấy, 2 chiếc AH-12 (đọc là AN-12) của Liên Xô bay về phía Praha, xin hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Ruzyne vì “động cơ bị trục trặc”. Hai máy bay vừa tiếp đất, 120 lính đặc nhiệm tỏa ra chiếm đài chỉ huy, đường băng, tháp không lưu, trạm biến áp, lối ra vào, kho chứa nhiên liệu. Liền sau đó, 6 chiếc AH-12 chở theo 360 binh sĩ và vũ khí nối đuôi nhau hạ cánh. Tất cả diễn ra chỉ trong 9 phút. Kinh!
Cùng lúc đó, đặc nhiệm Liên Xô nằm vùng phối hợp với lính dù tiếp viện nhanh chóng chiếm các vị trí chiến lược ở Praha: đài phát thanh, tháp truyền hình, các trạm viễn thông. Đồng thời, từ các ngả đường biên giới, bộ binh cơ giới và xe tăng Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Hungary đồng loạt tiến vào Tiệp Khắc. Bí thư thứ nhất Dubcek, thủ tướng Cernik và chủ tịch Quốc hội Smyrkovsky bị bắt, buộc phải lên đài phát thanh ra lệnh cho quân đội án binh bất động và kêu gọi dân chúng không kháng cự rồi được đưa sang Mátxcơva. Tại đây, Brêznép bắt họ ký văn bản cam kết Tiệp Khắc tuyệt đối phục tùng Liên Xô. Nếu không, sẽ xóa sổ nước này, sáp nhập Slovakia vào Liên Xô, biến Séc thành khu tự trị do Liên Xô quản lý.
Sáng sớm 21-8-1968, dân chúng Prague sững sờ khi thấy tràn đầy lính và xe tăng của Khối Quân sự Vácsava. Sự xuất hiện kịp thời và đúng lúc của các lực lượng quân sự với vũ trang đầy đủ này đã cho cả thế giới thấy được khả năng phản ứng của quân đội Liên Xô và khối Vácsava thật là đáng nể.
Chuyện dân chúng phản ứng thế nào, ném đá, đánh đập binh sỹ và đốt xe tăng Liên Xô ra sao… để khi khác. Hé!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: