Phong trào biểu tình dân chủ của người Hồng Kông đã bước sang tuần thứ 11. Trước diễn biến tình hình, nhà báo kiêm chuyên gia của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) Marc Thiessen hôm 15/8 đã có bài viết nhận định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bế tắc và khó có thể chiến thắng Hồng Kông. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có ít nhất ba lợi thế, ông hoàn toàn có thể sử dụng những đòn bẩy này để hỗ trợ Hồng Kông.
Trong bài viết, Marc Thiessen đã đưa ra những phân tích và lập luận của mình về tình hình Hồng Kông và những lợi thế của TT Trump.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo ĐCSTQ rằng nếu muốn đạt được thỏa thuận thương mại, họ “trước hết cần giải quyết vấn đề Hồng Kông một cách nhân đạo”. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ tuyên bố nếu Bắc Kinh phát động đàn áp tương tự sự kiện Lục Tứ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn đối với Hồng Kông, Hoa Kỳ sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh.
Marc Thiessen nhận định, trên thực tế, ĐCSTQ không có cơ hội chiến thắng trong vấn đề Hồng Kông và năng lực của họ yếu hơn hẳn so với suy nghĩ của nhiều người. ĐCSTQ tuyên bố “khắc chế”, nhưng sự thực là nếu ĐCSTQ có thể dễ dàng đánh bại người biểu tình ở Hồng Kông mà không phải trả cái giá quá đắt, thì chính quyền này sẽ lập tức không hô hào “khắc chế”.
Tình hình ở Hồng Kông rất khác so với phong trào dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước. Vào thời điểm đó, những người biểu tình chỉ tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn và dễ dàng bị ĐCSTQ coi là mục tiêu tấn công. Tại Hồng Kông, để tránh phát sinh tình trạng như sự kiện Thiên An Môn, những người biểu tình đã áp dụng sách lược “linh động như nước”, tổ chức phân tán tại nhiều địa điểm trong khắp thành phố. Họ đồng thời còn quay lại hình ảnh trực tuyến đăng lên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngay cả khi chính phủ Hồng Kông đánh bại người biểu tình ở một nơi, họ có thể bắt đầu lại ở một nơi khác. Ngoài ra, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không có lãnh đạo. Điều đó có nghĩa là không có nhóm nào là trọng tâm. Nếu ĐCSTQ bắt giữ một nhóm người này, lập tức sẽ có một nhóm khác tiếp tục.
Ba mươi năm trước, tại Quảng trường Thiên An Môn, hành động dọn dẹp quảng trường của ĐCSTQ đã được tiến hành trong đêm đen, vì thế mà nằm ngoài tầm nhìn của giới truyền thông. Nhưng hiện nay, các cuộc biểu tình của Hồng Kông được các phương tiện truyền thông quốc tế theo dõi sát sao, hàng triệu máy ảnh và điện thoại di động đều ghi lại nhất cử nhất động của sự kiện.
Ngoài ra, địa hình của Hồng Kông cũng rất có lợi đối với người biểu tình. Nếu quân đội của ĐCSTQ đưa quân vào, họ sẽ phải đối mặt với sự kháng cự kiên quyết từ người dân Hồng Kông. ĐCSTQ hy vọng sẽ phá vỡ sự ủng hộ của người dân đối với các cuộc biểu tình, nhưng nếu đưa quân đội đến Hồng Kông, nó sẽ có tác dụng hoàn toàn trái ngược.
So với 30 năm trước, ĐCSTQ hiện có công nghệ “nhận diện khuôn mặt”. Chính quyền đang xây dựng một quốc gia theo “phong cách Orwell” giám sát chặt chẽ người dân. Hiện mức độ hợp tác giữa Bắc Kinh và Hồng Kông trong lĩnh vực “nhận diện khuôn mặt” vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, những người biểu tình cũng có thể tận dụng ưu thế công nghệ để giao tiếp qua tin nhắn văn bản được mã hóa và phương tiện truyền thông xã hội. Nếu như ĐCSTQ tìm cách cắt đứt phương tiện liên lạc, điều đó cũng sẽ làm suy yếu ngành tài chính Hồng Kông vốn dựa vào luồng thông tin tự do.
Cuối cùng, sự can thiệp quân sự của ĐCSTQ không khác nào đánh dấu chấm hết cho thành phố quốc tế Hồng Kông, mà rõ ràng là Bắc Kinh không hề mong muốn như vậy. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, và có thể bị thu hẹp, nếu như ĐCSTQ quyết định trấn áp Hồng Kông, hàng loạt doanh nghiệp sẽ tháo chạy khỏi thành phố này, điều đó không khác gì giết chết “con gà đẻ trứng vàng” của Trung Quốc.
Vậy, TT Trump nên làm gì? Ông nên cảnh báo ĐCSTQ, nếu phong trào dân chủ ở Hồng Kông bị đàn áp, Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ “Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông 1992” và bãi bỏ tư cách ưu tiên của Hồng Kông. Bởi vì tiền đề của chính sách ưu đãi này xuất phát từ thực tế Hồng Kông phải là một thực thể duy nhất. Nếu Bắc Kinh đi vào và chiếm đóng Hồng Kông, vậy thì quyền tự trị “một quốc gia, hai chế độ” của phố này sẽ kết thúc, theo đó Hồng Kông không còn lý do về địa vị đặc thù để nhận ưu đãi nữa.
Ngoài ra, TT Trump cũng nên nói với ĐCSTQ rằng nếu Hồng Kông bị đàn áp, Hoa Kỳ sẽ chào đón người Hồng Kông đến tị nạn. Hồng Kông là một trong những thành phố kinh tế năng động nhất hành tinh. Người Hồng Kông chăm chỉ, sáng tạo và và có tinh thần lập nghiệp. Đây chính là nhóm người mà TT Trump và Hòa Kỳ luôn chào đón. Nếu ĐCSTQ không cần họ, TT Trump nên nói rằng: Chúng tôi hy vọng người Hồng Kông sẽ mang tinh thần lập nghiệp và năng lực sáng tạo đến Hoa Kỳ.
Cuối cùng, TT Trump nên nói rõ, chi phí can thiệp quân sự của ĐCSTQ sẽ dẫn đến việc tổn thất nguồn vốn, chảy máu chất xám và chấm dứt tình ưu đãi trạng thương mại ở Hồng Kông. Cũng sẽ không có thỏa thuận thương mại nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, do đó ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với trừng phạt thuế quan và quốc tế. Điều này có thể khiến kinh tế Trung Quốc đình trệ hơn, đồng thời dẫn đến sự bất ổn và các cuộc biểu tình tại Đại Lục. Nói cách khác, ngay cả khi hành động quân sự của ĐCSTQ tại Hồng Kông thành công, nó cũng sẽ trở thành một “thắng lợi bi thảm”.
Minh Ngọc / Trithucvn
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét