Trong tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Uông Triều, sự hiện diện của bản ngã, mang nặng suy tư là mạch nguồn xuyên suốt.
Mười một tác phẩm trong tuyển tập này, đại diện cho hai dòng chảy khác biệt trong văn chương của anh. Một bên là những truyện ngắn hậu hiện đại mang màu sắc mới mẻ, soi tỏ muôn mặt của đời sống. Dòng chảy còn lại là các truyện ngắn lịch sử với lối viết “giải thiêng” độc đáo và mang nặng suy tư. Đằng sau lớp bụi mờ của thời gian, có những nỗi buồn chưa bao giờ khuây khỏa.
Để tồn tại, chúng ta phải lừa dối chính mình
Trong một số tiểu thuyết như: Tưởng tượng và dấu vết hay Người mê, nhà văn Uông Triều luôn trăn trở về sự tồn tại của “cái tôi” cá nhân trong mỗi con người. Có thể nói sự hiện diện của bản ngã là mạch nguồn trong sáng tác của anh, xuất hiện liên tục trong cả truyện ngắn và tiểu thuyết.
Ngoài danh vọng, tiền tài thì việc được sống thật với cảm xúc và suy nghĩ của bản thân luôn là khao khát của nhiều người. Nhưng để làm được điều đó, quả thực không dễ dàng. Thế nên, cuộc đời dần biến thành sân khấu và lắm kẻ sống trọn kiếp người chỉ để hoàn thành vai diễn tẻ nhạt của chính mình. Họ chán chường với đời sống tẻ nhạt, giả dối và rập khuôn, nhưng không tìm được cách thoát khỏi “nhà tù” dành cho chính mình.
Một gã đàn ông trung niên hợm hĩnh có lẽ đã quá quen với vẻ nuột nà, mỹ lệ của cô người tình. Anh ta cũng chẳng lạ gì phong thái nhu mì, yếu đuối của người vợ tần tảo. Những người đàn bà đó sống thật với gã, hay họ chỉ trưng lên một lớp mặt nạ được tô vẽ kĩ càng cho hợp vai? Truyện ngắn Trong đám tang của mình sẽ cho độc giả câu trả lời.
Nhân vật chính là một gã trung niên đang nằm trong quan tài. Anh ta có chút hả hê vì đây là cơ hội để quan sát thật kĩ mọi người xung quanh. Để từ đó, tấn kịch đầy công phu của đời sống được hạ màn. Nhưng không, mọi thứ vẫn tiếp tục, chỉ có điều một diễn viên xuất sắc không còn cơ hội ra sân khấu. Cả đời, anh ta thầm tự đắc vì đã lừa gạt được người khác. Bất ngờ thay, trong khoảnh khắc này, vị trí của con mồi và kẻ đi săn dần thay đổi. Hãy chờ đến phút chót để biết câu trả lời.
Xuyên suốt nhiều truyện ngắn: Trong đám tang của mình, Giấc mơ của ông già và cô gái trẻ, Nhân cẩu, Bò hoang phố cổ, hay Một ngày không đẹp trời là cuộc đối thoại giữa “cái tôi” và đời sống, nơi bản ngã của nhân vật được bộc lộ một cách triệt để. Kĩ thuật dòng ý thức được tác giả sử dụng đầy tinh tế. Thế giới nội tâm sâu sắc của con người ở nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau được nhà văn miêu tả một cách sinh động và sắc sảo.
Nhờ ngòi bút đa dạng và biến hóa của Uông Triều mà các nhân vật không bị hòa trộn và pha tạp vào nhau. Mỗi cá thể mang một màu sắc riêng, độc đáo và đầy ấn tượng. Trong dòng suy nghĩ tưởng như vụn vặt, người đọc có thể cảm nhận được cái tiếc nuối của một nghệ sĩ già trước cô gái trẻ xinh đẹp trong Giấc mơ của ông già và cô gái trẻ. Khốc liệt và chấn động hơn là nỗi đau của những con người cảm thấy mình bị cô lập. Họ chán ghét và một lòng muốn xa lánh đồng loại, mệt mỏi với xã hội lắm đua tranh đấu đá trong: Nhân cẩu, hay Một ngày không đẹp trời.
Tính đa diện, nhiều tầng nghĩa là một điểm hấp dẫn trong các truyện ngắn của nhà văn Uông Triều. Dõi theo mạch truyện, cùng nhân vật đi đến kết thúc, nhưng dư âm của câu chữ và cảm xúc vẫn còn đọng mãi trong lòng người đọc. Không chỉ dụng công khá nhiều trong việc khắc họa nội tâm và xây dựng tính cách nhân vật, hàng loạt bối cảnh đầy tính sáng tạo trong các truyện ngắn hậu hiện đại của nhà văn Uông Triều sẽ khiến độc giả không khỏi bất ngờ.
Lịch sử và những góc nhìn mới mẻ của hậu thế
Truyện ngắn lịch sử là một "địa hạt" thành công của nhà văn Uông Triều. Thay vì tái hiện lại những gì đã qua, anh chiêm nghiệm chuyện cũ và “chất vấn” lịch sử bằng góc nhìn đa chiều và tư duy mới mẻ của hậu thế. “Giải thiêng lịch sử” không phải là một khuynh hướng hoàn toàn mới trong văn học. Trước Uông Triều, đã có nhiều tác giả thử sức với “sân chơi” khá gai góc này, trong đó phải kể đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với bộ ba truyện ngắn lịch sử nổi tiếng: Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết.
Khuynh hướng “giải thiêng lịch sử” tạo điều kiện cho các nhà văn thể hiện cá tính của mình và thỏa sức sáng tạo, cái tôi của người viết được dịp bung tỏa trên trang giấy. Ngoài các truyện ngắn lịch sử trong Bò hoang phố cổ, trước đây, nhà văn Uông Triều cũng đã khá thành công với tiểu thuyết Sương mù tháng Giêng lấy bối cảnh triều nhà Trần.
Tình yêu và sự am tường nhất định về lịch sử đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả thỏa đam mê sáng tạo. Truyện ngắn lịch sử của anh không bó hẹp ở bất cứ triều đại hay nhân vật nào. Bối cảnh trong tác phẩm của Uông Triều trải dài ở nhiều giai đoạn và thời kì lịch sử khác nhau. Ngoài “giải thiêng” cho các anh hùng, hay danh nhân nổi tiếng, tác giả còn mang đến những góc nhìn mới mẻ về các nhân vật chịu nhiều tai tiếng trong lịch sử mà tướng giặc Phạm Nhan trong truyện ngắn Nước mắt sông Cầm là một ví dụ.
Trong tập truyện ngắn này, Nước mắt rồng thiêng là một tác phẩm rất đặc biệt. Đó là sự pha trộn hoàn hảo giữa hậu hiện đại và giải thiêng lịch sử. Viết về Nguyễn Trãi, người ta nói nhiều đến khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Thị Lộ, hay vụ án Lệ Chi Viên, nhưng nhà văn Uông Triều không đi theo những lối mòn ấy. Theo anh, Nguyễn Trãi là một người rất đặc biệt, xuất thân của danh nhân này đã khiến cho nhà văn cảm thấy rất hứng thú.
Một nhân cách lớn được sinh ra từ mối tình đặc biệt. Lấy bối cảnh là cuộc trò chuyện của một đôi tình nhân trong mối quan hệ ngoài luồng, nhà văn Uông Triều đã chất vấn và đối thoại cùng lịch sử. Khi ấy, nếu Trần Thị Thái và Nguyễn Phi Khanh không dũng cảm vượt khỏi những khuôn phép của lễ giáo và đạo đức đương thời, thì làm sao có được một danh nhân lớn như Nguyễn Trãi.
Bò hoang phố cổ là một sự thách thức cho những ranh giới của văn chương. Đối với nhà văn Uông Triều, sáng tác luôn đồng hành cùng sáng tạo. Để những tác phẩm của mình đọng lại trong lòng độc giả, trước hết, nhà văn phải không ngừng đổi mới chính mình. Với anh, không có ranh giới cho sự sáng tạo trong văn chương. Trước khi cầm bút, nhà văn hãy dũng cảm thể nghiệm những cái mới.
Sách hay / Zing
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét