Tác giả: Tô Văn Trường
Trước hết, phải khẳng định: Chỉ có hiền tài mới biết quý hiền tài và mới trọng dụng được hiền tài. Bởi vì nếu chỉ có đức mà không có tài thì khó đánh giá đúng tài năng của người khác. Chỉ có tài mà không có đức thì dễ ghen ghét, đố kị, không muốn ai hơn mình. (TVT)
KD: Tác giả Tô Văn Trường gửi cho bài viết này về chủ đề hiền tài. Nhưng tìm đâu người hiền tài trong cái XH tiểu nông này, XH mà “cái sân gạch nhà ông không được cao hơn cái sân gạch nhà tôi”?
Chợt nhớ câu của nhà văn Thép Mới khi ông còn sống, chứng tỏ ông rất hiểu đời, và trải nghiệm dày dạn: “Cái XH này như cái rọ cua. Con cua nào bò được lên miệng rọ, lập tức có con cua khác bò lên kéo xuống ngay”!
Có hiền tài nào đủ sức bò lên khỏi miệng rọ cua không?
—————————
Có một câu hỏi đang khiến rất nhiều người quan tâm :”Những gương mặt được Đại hội Đảng khóa tới chọn ra như thế nào?. Liệu được bao nhiêu người trí tuệ và bản lĩnh lên cao mà không phải chạy?. Cứ đánh giá cán bộ kiểu văn hóa tiểu nông “”thằng này ngoan, con kia biết điều” để đưa lên làm “địa chủ” nhờ cơ chế thì làm sao có được đội ngũ lãnh đạo thực tâm và thực tài.
Hiền – Tài nay cũng như xưa
Như sao buổi sớm mà chưa biết dùng
Chuyện xưa ở chốn hoàng cung
Tiểu nhân chèn lấn anh hùng…than ôi!
Gương Trần Nguyên Hãn còn soi
Vết đau Nguyễn Trãi xưa rồi còn đau.
Hiền – Tài lặn ngụp nơi đâu
Tai… huyền- Tài vận với nhau một vần
Chuyện về hiền tài và trọng dụng hiền tài là chuyện lớn xưa nay. Ở đâu hiền tài được trọng dụng thì ở đó có hưng thịnh. Nhưng hiền tài là ai? Phải trọng dụng hiền tài như thế nào? Và làm sao để xã hội ngày càng có nhiều hiền tài giúp nước?
Theo tôi hiểu:
Hiền tài = Hiền (value, motivation) + Tài (Ability).
Hay nói cách khác, hiền tài là người có đức có tài
Người chỉ có value (giá trị trong con người) mà không đủ trình độ và bản lĩnh thì chưa phải hiền tài để trao việc lớn. Ngược lại, người có tài mà bạc đức càng không phải hiền tài. Giao việc công cho những người này chỉ có hại.
Xưa nay trọng dụng hiền tài như thế nào? Trước hết, phải khẳng định: Chỉ có hiền tài mới biết quý hiền tài và mới trọng dụng được hiền tài. Bởi vì nếu chỉ có đức mà không có tài thì khó đánh giá đúng tài năng của người khác. Chỉ có tài mà không có đức thì dễ ghen ghét, đố kị, không muốn ai hơn mình.
Muốn dùng được hiền tài (“dụng nhân”) thì người lãnh đạo phải có phong cách lãnh đạo phụng sự (servant leadership), phong cách lãnh đạo khiêm nhường (humble leadership). Những người lãnh đạo mang phong cách này có tấm lòng bao dung như biển cả, coi việc trọng dụng hiền tài là một nghĩa vụ với dân tộc, quốc gia, là một chiến lược lâu dài, chứ không phải là chiến thuật nhất thời để lấy lòng người hay chỉ để thực hiện một vài nhiệm vụ khó khăn trước mắt, xong việc thì “vắt chanh bỏ vỏ”.
Nhưng tìm hiền tài ở đâu? Vua chúa xưa thường ban chiếu cầu hiền và tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn hiền tài. Những năm mới thành lập chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần kêu gọi người tài ra giúp nước, thậm chí còn coi việc tiến cử người tài là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tiến cử, tuyển chọn hiền tài ở nước ta chủ yếu là qua đánh giá trong hoạt động thực tiễn.
Những lãnh đạo được tuyển chọn qua hoạt động thực tiễn là những người làm việc hiệu quả nhưng cũng còn thiếu hụt nhiều phẩm chất của nhà lãnh đạo có tầm vóc, đúng như nhận xét của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong bài viết: ”Hãy học làm người tử tế đã” “Cán bộ lãnh đạo của ta chủ yếu là cán bộ chính trị, chuyên môn, chưa được bồi dưỡng những kỹ năng của chính khách. Cần phải coi làm chính trị là một nghề, do đó phải đào tạo bài bản: từ cách ăn, cách nói, cách trả lời phỏng vấn, ra quyết định, điều khiển cuộc họp, tiến hành đàm phán…
Phải làm sao tạo dựng được “văn hoá chính khách” chứ không thể mang “văn hoá đường phố” vào chính trường được. Đáng buồn là các học viện của ta và toàn bộ nền giáo dục thường không chú trọng việc đào tạo kỹ năng cho nên toàn bộ công, viên chức của ta thiếu tính chuyên nghiệp vv…”
Ý kiến của ông Vũ Khoan cho thấy để trở thành hiền tài thật sự thì phải học. Người trưởng thành trong trường đời phải học lý luận để có tầm nhìn xa trông rộng của chính khách, học quản trị để làm tốt công việc không phải chỉ bằng kinh nghiệm rất dễ lỗi thời của mình, học kỹ năng mềm để ứng xử như một chính khách chuyên nghiệp. Người trưởng thành từ trường học càng phải học nhiều hơn. Nói cách khác, hiền tài rất hiếm khi có sẵn. Nếu chỉ đặt vấn đề soi đuốc tìm người thì chưa đủ. Đất nước muốn có hiền tài thì phải đầu tư rất nhiều công sức bồi dưỡng, đào tạo hiền tài.
Một trong những phương pháp bồi dưỡng, đào tạo hiền tài là dựa vào những tác nhân chuyển đổi (change agents), như Hồ Chí Minh đã giao trọng trách cho Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Ngụy Như Kon Tum, v.v…, đặt lên vai những nhà khoa học này sứ mệnh tác nhân tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực của họ. Rồi chính họ trở thành “transformational leaders” tạo ra hàng ngàn “change agents”, nâng nền khoa học sơ khai của Việt Nam lên tầm phát triển mới.
Có thể nói những nhà lãnh đạo chân chính không chỉ lo trọng dụng hiền tài mà còn phải lo đào tạo hiền tài, nhân lên được hiền tài từ một số tác nhân ban đầu, đúng như người phương Tây nói: “Leaders don’t create followers but create more leaders.” (Tạm dịch: Lãnh đạo không tạo nên những người phò tá mà tạo thêm nhiều lãnh đạo).
Người tài chỉ nảy nở và phát huy được vai trò trong môi trường mà sự khác biệt được tôn trọng và đề cao. Mọi vật đều luôn thay đổi, và lớn lên bởi phá huỷ cái cũ và thay thế bằng cái mới tốt hơn, nhờ những “chất kích thích” vốn có từ bên trong, gọi là năng lực nội sinh (capacité endogene). Trong một quốc gia, năng lực nội sinh bắt nguồn từ những ý tưởng khác biệt được cọ xát, kiểm nghiệm trong thực tế của các tài năng. Nếu loại trừ những cái khác biệt thì năng lực nội sinh không được tăng cường. Sự vật không có đủ năng lực nội sinh thì không phát triển và cũng không hấp thụ được chi viện của ngoại lực, giống như một cây yếu bẩm sinh dù có chăm sóc tốt cũng không tốt lên được.
Ngày nay, thế giới đang bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên văn minh trí tuệ. Cạnh tranh quốc tế là cạnh tranh về tài năng. Tri thức và sáng tạo là nguồn lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. “Tri thức trở thành lực lượng sản xuất”, “khoa hoc trực tiếp làm ra sản phẩm” đúng như Marx nói. Không coi trọng tài năng, không bảo đảm môi trường dân chủ để tài năng phát triển thì nói phát triển, cạnh tranh quốc tế chỉ là khẩu hiệu trên giấy. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát huy nhân tài là điều kiện cần số một, tạo thể chế dân chủ là điều kiện đủ, thiếu nó thì nhân lực, tài năng chỉ còn là tiềm năng thôi.
Trong thế giới ngày nay, sáng tạo và tinh thần doanh nhân (entrepreneuship) là hai yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Cần có nhiều nhân tài khoa học và nhân tài kinh doanh quốc tế tài ba. Dân tộc ta không thua kém thông minh so với các nước, với thể chế công bằng dân chủ công khai minh bạch, những tài năng ấy sẽ sinh sôi nảy nở.
Nhìn ngay từ một vấn đề thời sự nóng bỏng giới cầm quyền Trung Quốc đang triển khai mục tiêu chiếm quyền kiểm soát Biển Đông, trắng trợn thôn tính chủ quyền biển đảo của Việt Nam có thể thấy sự đối phó của VN rất lúng túng do hậu quả một giai đoạn thiếu đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, dân chủ. Đến bây giờ mà vẫn loay hoay tìm mẹo Trạng Quỳnh để đối phó với mưu ma chước quỷ thì chắc chắn sẽ để lại những hậu quả thảm hại cho đất nước, dân tộc và lịch sử.
Ngẫm suy, đất nước ta đang rất cần những hiền tài ra giúp nước. Để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trong dụng hiền tài, phát huy vai trò của hiền tại trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc, chỉ có 1 giải pháp là Dân chủ hóa xã hội – dân chủ thực sự chứ không phải là “dân chủ định hướng XHCN”.
Xin mượn lời của cố Giáo sư Hòang Tụy đáng kính, lúc sinh thời ngay từ cuối năm 2013 khi bàn về hiền tài, cách lựa chọn nhân sự lãnh đạo của nước ta, để kết thúc cho bài viết này:
“Vào 10:37 Ngày 24 tháng 12 năm 2013,
Hoang Tuy <hoangtuy1927@gmail.com> đã viết:
Anh Trường thân mến,
Tôi rất tâm đắc những ý kiến của anh. Nói thẳng ra, chuẩn bị nhân sự như cách làm của ta: lãnh đạo tự chọn người kế tiếp để đưa ra bầu thực tế là “lấy phiếu tín nhiệm” chứ không phải theo một cơ chế sàng lọc tự nhiên lành mạnh, thì xu hướng suy thoái nhanh chóng của chất lượng đầu não lãnh đạo là KHÔNG TRÁNH ĐƯỢC.
Nếu chất lượng lãnh đạo ở một thế hệ là A thì ở thế hệ tiếp liền theo không vượt quá tA với 0<t<1, cho nên sau k thế hệ sẽ không vượt quá t^k A (t lũy thừa k của A). Vì t^k tiến dần rất mau tới 0, chẳng hạn với t=0,8 thì sau 2 thế hệ chất lượng đã không vượt quá 0,64 A rồi. Chính vì vậy mà từ Cách mạng Tháng 8 thế hệ đầu tiên chất lượng rất cao, nhưng đến thế hệ này thì đã tiệm cận đến …
Nhiều người sẽ bảo đó là logic toán học máy móc. Nhưng bỏ qua các con số định lượng cụ thể, chỉ xét định tính thì đó là logic cuộc đời. Đáng thương thay cho dân tộc ta.
Hoàng Tụy”
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét