Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Dân Quân Biển trong Sự Kiện Haiyang Dizhi 8 Xâm Phạm Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Việt Nam

Nguyễn Thế Phương

Tuần Việt Nam ngày 24 tháng 7 năm 2019
01
Hình ảnh thu nhận được từ vệ tinh cho thấy tàu cảnh sát biển xung quanh Haiyang Dizhi 8 và ít nhất 1 tàu dân quân biển Qiong Sansha Yu0012. Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.
Có một phương diện mà ít người để ý trong sự kiện Tư Chính, đó chính là sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tới từ Hoàng Sa, bên cạnh chủ lực là các tàu hải cảnh. Một bộ phận quan trọng của chiến lược vùng xám, dân quân biển đóng vai trò quan trọng, là mũi nhọn giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa ở Biển Đông.
Chiến lược vùng xám còn được gọi là chiến lược tiệm tiến cưỡng bức, thường được các nước lớn có nhiều nguồn lực sử dụng để đạt được lợi ích mà không cần dùng tới vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Chiến lược này có hai đặc trưng căn bản.
Thứ nhất, không để xung đột vượt ngưỡng. Kiểm soát xung đột ở mức độ vừa phải, vừa có thể gây sức ép lên đối thủ, vừa có thể kiểm soát rủi ro trên thực địa một cách có thể chấp nhận được. Thứ hai, tiến từng bước nhỏ. Trung Quốc quan niệm rằng nếu tiệm tiến thì sẽ không tạo ra nguy cơ gây ra phản ứng quân sự, nhưng lại có thể từ từ khiến cho thực trạng tranh chấp thay đổi theo hướng có lợi. Rốt cuộc, tranh chấp lãnh thổ không thể giải quyết được chỉ trong một sớm một chiều. Với Trung Quốc, càng kéo dài thì càng có lợi.
Dân quân biển Trung Quốc được xây dựng như một nhành riêng biệt của lực lượng vũ trang. Sách trắng Quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc đã chỉ ra rằng dân quân là “lực lượng hỗ trợ và dự bị cho quân đội”. Lực lượng dân quân biển chủ yếu có mấy nhiệm vụ căn bản: (1) bảo vệ chủ quyền; (2) tiến hành tuần tra trinh sát; (3) phối hợp với các lực lượng chấp pháp biển; (4) tham gia cứu hộ cứu nạn và (5) hỗ trợ chiến đấu. Những nhiệm vụ giúp Trung Quốc chiếm ưu thế tại những khu vực tranh chấp.
Trung Quốc đầu tư rất lớn cho lực lượng dân quân biển. Lấy ví dụ như dân quân biển Tam Sa, lực lượng chuyên nghiệp nhất và cũng đóng vai trò quan trọng nhất trên Biển Đông, khi họ được trang bị vũ khí cá nhân phù hợp, được sử dụng những con tàu hiện đại, và được nhà nước trả lương hậu hĩnh.
Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, ĐHKHXH&NV TpHCM, thành viên cộng tác Dự án Đại Sự ký Biển Đông. Tác giả thứ nhất “Hồ sơ Dân quân trên biển của Trung Quốc” – hồ sơ chi tiết và đầy đủ nhất lần đầu được công bố bởi Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ở Việt Nam, tổng hợp nguồn tư liệu tiếng Anh.
———-

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: