Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đối mặt với mạo hiểm kinh tế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: AP
Theo giới chuyên gia, nếu nền kinh tế Trung Quốc tuột dốc, quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể bị suy yếu trong khi sức mạnh của nhóm đối lập gia tăng.
Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn
Tuần này, trong cuộc đối đầu kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế, Bắc Kinh đã đưa ra lập trường được đánh giá là cứng rắn: Hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống thấp nhất trong 11 năm qua.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình không có lựa chọn nào khác trong cuộc đối đầu trên mặt trận kinh tế với Tổng thống Donald Trump bởi ông cần thể hiện sức mạnh để duy trì sự kiểm soát vững chắc đối với bộ máy chính trị và bộ máy tuyên truyền.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng hành động, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa việc nền kinh tế nước này sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh có thể sẽ tích lũy các khoản nợ khổng lồ, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
"[Chủ tịch] Tập Cận Bình đã thay đổi tư duy chiến lược", ông Thời Ân Hoằng, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói. "Ông ấy quyết tâm phản kháng và khiến người Mỹ phải nhượng bộ trước".
Đậu nành nhập khẩu ở một cảng của thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Trung Quốc cho biết hiện tại họ sẽ không nhập khẩu đậu nành và nông sản khác của Mỹ. Ảnh: NYT
Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, hiệu lực sẽ bắt đầu từ ngày 1/9. Điều này đẩy căng thẳng giữa hai nước lên nấc thang mới. Chỉ một ngày trước khi ông chủ Nhà Trắng đưa ra quyết định, đại diện đàm phán Mỹ-Trung Quốc đã tổ chức đàm phán thương mại nhưng không có kết quả tại Thượng Hải.
Sau đó, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách điều chỉnh đồng Nhân dân tệ xuống quá mức "lằn ranh đỏ", 1 USD đổi 7 NDT lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Trung Quốc cũng cho biết, nước này sẽ không nhập khẩu đậu nành và các loại nông sản khác của Mỹ. Đến thứ Hai tuần tiếp theo, Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Điều này gặp phải sự phản kháng mãnh liệt từ Bắc Kinh. Báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo cáo buộc Washington "vô trách nhiệm", trong khi Thời báo Hoàn cầu lại chỉ trích Mỹ "có thể phá hỏng cuộc chơi và gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nước này không lường trước được".
Theo The New York Times, chiến lược của ông Tập được áp dụng trên nhiều phương diện nhưng mang mục đích chung là đáp trả Mỹ. Dường như có một đội ngũ cứng rắn xung quanh ông Tập Cận Bình, bao gồm Bộ trưởng Bộ Thương mại Chung Sơn, người gần đây đã tham gia nhóm đàm phán thương mại của Trung Quốc.
"Giờ đây, ông Tập Cận Bình đang thể hiện ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Ông sẽ không khuất phục trước hành vi hùng hổ của chính quyền Tổng thống Trump", ông Victor Shih, Phó giáo sư tại phân viện San Diego, Đại học California kiêm chuyên gia về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc nói.
Ông Tập đối mặt với mạo hiểm
NYT cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc có thể đang tin rằng ông sẽ duy trì tới khi Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ. Tại kỳ họp Lưỡng hội hồi tháng 3/2018, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) đã thông qua bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước. Điều này giúp ông Tập trở thành người nắm quyền lực lâu nhất hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông.
"Xét về tính hợp pháp, điều này giúp ông Tập Cận Bình kiểm soát quyền lực", Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Gavekal Dragonomics nhận định.
Tuy nhiên theo giới phân tích, chiến lược của ông Tập không phải là không có rủi ro. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tuột dốc, quyền lực của ông có thể bị suy yếu trong khi sức mạnh của nhóm đối lập gia tăng.
Nếu Trung Quốc hoàn toàn vũ khí hóa tiền tệ, nền kinh tế của họ sẽ chịu tổn thất. Nhưng ông Tập đã ẩn ý rằng đất nước có thể vượt qua khó khăn này. Vào tháng 5 vừa qua, khi cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung bất ngờ bị phá vỡ, ông Tập đã đến một vùng đất cách mạng Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây, kêu gọi người dân Trung Quốc chuẩn bị tâm lý bước vào cuộc vạn lý trường chinh mới - kiên trì trải qua gian khổ để giành lợi ích lâu dài.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm song phương tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 6. Ảnh: NYT
Phó Giáo sư Victor Shih cho rằng, ông Tập không chỉ đang khích lệ người dân mà còn yêu cầu dùng phương pháp này để đối phó tình hình kinh tế hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất trong 30 năm. Có những dấu hiệu cho thấy tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi nền kinh tế này khởi sắc trở lại. Bắc Kinh hiện đã cho phép các dự án cơ sở hạ tầng lớn hoạt động, do đó tạm thời tạo ra tăng trưởng kinh tế và cơ hội việc làm.
Nhưng để đạt được điều này, các khoản nợ của Trung Quốc cũng đã tăng lên, thâm ngân sách cũng sắp đạt mức cao nhất trong những năm gần đây. Việc cắt giảm thuế đáng kể nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đã khiến chính quyền trung ương thiếu nguồn thu cần thiết để hỗ trợ địa phương.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng bắt đầu cảm thấy khó khăn. Trong vài tháng qua, người dân Trung Quốc đã phải đối mặt với sự tăng giá mạnh của các loại thực phẩm chính như trái cây và thịt lợn.
Theo NYT, chừng nào lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc còn tăng thì Bắc Kinh có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến thương mại bất chấp những bất ổn về kinh tế này. Lần cuối cùng Trung Quốc thực hiện phá giá đồng NDT vào năm 2015, khi đó ngân hàng trung ương cuối cùng phải chi 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ tỷ giá NDT,
Tuy nhiên, báo Mỹ cho rằng, tình hình ông Tập phải đối mặt phức tạp hơn. Hiện nay, ông Tập muốn thúc đẩy Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Vì vậy, nước này đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng do đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không được lưu hành rộng rãi bên ngoài Trung Quốc buộc các dự án của Trung Quốc phải sử dụng đồng đô la Mỹ. Sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc sẽ khiến hàng hóa nước này có sức cạnh tranh hơn và tạm thời giúp bù đắp tác động của thuế quan đối với nền kinh tế nhưng nó lại gây ra những hạn chế nghiêm trọng đối với các công ty Trung Quốc kinh doanh ở nước ngoài và sử dụng đồng USD.
"Dự trữ ngoại hối giảm có thể phá vỡ mô hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc", ông Shih nói. "Trung Quốc có thể in đồng Nhân dân tệ vô tậ, nhưng họ không thể in đô la Mỹ."
theo Trí Thức Trẻ
|
nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét