Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Bắc Kinh không còn che dấu dã tâm xâm lược:


Ông Tập Cận Bình chuẩn bị lên thăm một tàu khu trục của hải quân nước này nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐ  Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hồi tháng Tư năm nay.

Bạch thư TQ nhắc tới VN, 
‘quyết bảo vệ chủ quyền Biển Đông’ 

VOA
05/08/2019

“Bạch thư Quốc phòng” mới được công bố của Trung Quốc có nhắc tới Việt Nam và Biển Đông đồng thời nói rằng các lực lượng vũ trang của quốc gia đông dân nhất thế giới “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” ở vùng biển tranh chấp, giữa bối cảnh tàu chấp pháp của hai nước “đối đầu” gần Bãi Tư Chính ở Trường Sa. 


Tài liệu có tựa đề “Quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ mới” viết rằng “tình hình Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] nhìn chung ổn định và cải thiện trong khi các nước trong khu vực đang xử lý phù hợp các rủi ro và khác biệt”.

Trong tuyên bố cho thấy Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, “Bạch thư Quốc phòng” ra ngày 21/7 nói rằng “mục tiêu cơ bản” của chính sách phòng thủ quốc gia của quốc gia đông dân nhất thế giới là nhằm bảo vệ “các quyền lợi và chủ quyền hàng hải của Trung Quốc”.

“Các hòn đảo trên Biển Nam Trung Hoa và quần đảo Điếu Ngư [tranh chấp với Nhật] là các phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Trung Quốc thực thi chủ quyền quốc gia để xây dựng cơ sở và triển khai khả năng phòng thủ cần thiết trên các hòn đảo và bãi đá ở Biển Nam Trung Hoa cũng như thực hiện các cuộc tuần tra ở vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông”, tài liệu có đoạn.

“Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán với các quốc gia trực tiếp liên quan trên cơ sở tôn trọng các dữ kiện lịch sử và luật quốc tế”.

“Bạch thư Quốc phòng” còn nói rằng Trung Quốc “tiếp tục làm việc với các nước trong khu vực để cùng duy trì hòa bình và ổn định” cũng như “kiên quyết duy trì quyền tự do hàng hải và bay ngang của tất cả các nước theo luật quốc tế”.

Hoa Kỳ, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thời gian qua từng tiến hành các hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, dẫn tới phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh.

Hồi đầu tháng Năm, hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ, có tên là Preble và Chung Hoon, đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần đá Ga Ven (Gaven) và đá Gạc Ma (Johnson) hiện thuộc kiểm soát của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng các tàu của Hoa Kỳ đã tiến vào vùng biển gần các đảo mà không có sự cho phép của Bắc Kinh, và hải quân Trung Quốc đã ra cảnh báo buộc các tàu này phải rời đi.

“Một số động thái có liên quan của các tàu Hoa Kỳ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, và phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự của các vùng biển liên quan. Trung Quốc không hài lòng và mạnh mẽ phản đối điều này,” ông Cảnh nói.

Trong khi đó, liên quan tới động thái trên của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng sau đó lên tiếng ủng hộ “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông.

“Bạch thư Quốc phòng” của Trung Quốc nói rằng “Hoa Kỳ đang tăng cường các liên minh quân sự ở Thái Bình Dương và củng cố việc can thiệp và triển khai quân sự, gây thêm phức tạp cho an ninh khu vực”.

Tài liệu này cho biết thêm rằng “kể từ năm 2012, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đã triển khai các tàu tham gia hơn 4.600 cuộc tuần tra an ninh hàng hải và 72 nghìn hoạt động thực thi luật pháp và bảo vệ quyền lợi”.

“Bạch thư Quốc phòng” cũng nhiều lần đề cập tới tên Việt Nam, trong đó nhắc tới việc Trung Quốc “đặt ưu tiên hàng đầu nhằm xử lý các khác biệt và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau nhằm duy trì sử ổn định láng giềng” cũng như việc Bắc Kinh đề xuất “thiết lập đường dây nóng quốc phòng trực tiếp với Việt Nam”.

Tài liệu này nói thêm rằng “kể từ năm 2014, năm cuộc họp cấp cao về biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được tổ chức”. Đây cũng là năm Bắc Kinh đã đưa giàn khoan dầu Hải dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình của người Việt.

Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, “Bạch thư Quốc phòng” của Trung Quốc nói rằng “kể từ giữa năm 2016, Trung Quốc và Philippines tăng cường đối thoại về an ninh biển, đưa hai bên trở lại xử lý vấn đề Biển Đông thông qua việc tham vấn hữu nghị”.

2016 cũng là năm Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện về Biển Đông với Trung Quốc.

Ngày 12/7/2016, PCA bác bỏ yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc và ủng hộ vụ kiện của Philippines do Tổng thống khi đó của nước này, ông Benigno Aquino, khai mào. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sau khi nhậm chức, người kế nhiệm ông Aquino, ông Rodrigo Duterte, dường như "làm ngơ" thắng lợi này và "xích lại" gần hơn với Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: