Nước Mỹ là kẻ thù – Phần cuối
Rõ ràng đã có cao trào chống lại Đặng vào tháng Tư năm 1993 khi 110 sĩ quan của Giải phóng quân nhân dân viết cho ông và Tổng bí thư Giang Trạch Dân đòi hỏi chấm dứt chính sách “khoan dung, tha thứ và hòa giải đối với Hoa Kỳ”. Bức thư chỉ trích Trung Quốc không chịu trả đũa Hoa Kỳ về việc bán F-16 cho Đài Loan, và sự đe dọa thương mại của Clinton. Trước ngày 1 tháng Năm, 12 tướng lĩnh Giải phóng quân Trung Quốc đã ký dưới một lá thư khác gửi cho Đặng, đề là “Hãy hành động và chống lại sự đe dọa và thách thức chính trị và kinh tế chống Trung Quốc”. Một tài liệu giải thích những lý do cho sự bất bình của giới quân sự nêu lên rằng: “Vì Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có nhữung xung đột kéo dài về chính sách ngoại giao, hệ thống xã hội và hệ tư tưởng khác nhau, nên sẽ không có khả năng cải thiện về cơ bản quan hệ Trung – Mỹ”. Rồi tháng Mười 1993, bộ máy an ninh đã liên kết được sự đồng tình chống Mỹ chung bằng cách triệu tập một cuộc họp chống gián điệp toàn quốc, ở đó các quan chức tố cáo Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, Nhật Bản và Đài Loan, về việc cho hoạt động một mạng lưới gián điệp rộng rãi trên đất Trung Quốc. Bộ trưởng An ninh quốc gia Jia Chunnang nói tại hội nghị: “Hoa Kỳ tiến hành những hoạt động gián điệp bằng cách lợi dụng những phần tử thù địch, các nhà ngoại giao, nhà báo, và việc trao đổi cán bộ học thuật”.
Xu hướng nhìn nhận Hoa Kỳ như kẻ thù công khai của Trung Quốc đã có được động lực mạnh mẽ tại một cuộc họp kín bất thường ở Bắc Kinh bắt đầu vào ngày 25 tháng 11. Trong 11 ngày, các chuyên gia hàng đầu về chính sách ngoại giao và quân sự Trung Quốc, đại diện cho Đảng Cộng sản, Giải phóng quân nhân dân, và các nhà tư tưởng dân sự, cùng với các thành viên lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, đã họp kín ở khách sạn Jingxi Bắc Kinh để thảo luận về chiến lược lớn của Trung Quốc. Một bài tường thuật chi tiết về cuộc họp, được các nhà phân tích phương Tây coi là chính xác, đã được công bố trên tờ Hong Kong, Cheng Ming, một tờ báo vốn thường hay phục vụ các phe phái chính trị, như một cơ quan không chính thức cung cấp những thông tin rò rỉ. Bài tường thuật mở đầu: “Đảng Cộng sản Trung Quốc coi ai như kẻ thù? – Chính là Hoa Kỳ”.
Báo cáo kết thúc của cuộc họp đặc biệt là một bản kế hoạch tỉ mỉ về chính sách dài hạn của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và thế giới còn lại. Báo cáo viết:
“Từ giai đoạn hiện nay cho tới đầu thế kỷ tới, mục tiêu quan trọng của chủ nghĩa bá quyền và đường lối dựa vào sức mạnh của Mỹ là Trung Quốc… Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc là thông qua các hoạt động kinh tế và thương mại để kiểm soát và trừng phạt Trung Quốc, và ép buộc Trung Quốc thay đổi phương hướng tư tưởng và làm cho Trung Quốc nghiêng về phương Tây; lợi dụng cuộc giao lưu và tuyên truyền để thâm nhập tư tưởng vào tầng lớp bên trên của Trung Quốc; hỗ trợ tài chính cho các lực lượng thù địch cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, và chờ đợi thời cơ thuận lợi để gây ra biến động; ủng hộ và khuyến khích các tập đoàn phương Tây áp đặt những trừng phạt với Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu chính trị; dựng lên lý thuyết về mối đe dọa Trung Quốc đối với các nước láng giềng châu Á cũng như gieo rắc sự chia rẽ giữa Trung Quốc với các nước như Ấn Độ, Indonesia, và Malaysia; và lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc”.
Sự nhất trí của cuộc họp kín – cũng được phản ánh trong báo cáo – là Trung Quốc phải tìm cách chống lại kẻ thù Mỹ bằng việc tìm kiếm đồng minh với thế giới Thứ Ba và, trên tất cả, với nước Nga. Cheng Ming cho biết rằng các nhà lãnh đạo quân sự cao tuổi, phần lớn được đào tạo ở Liên Xô khi bước vào binh nghiệp, đặc biệt hào hứng về quan hệ đồng minh với Nga. Dẫu sao, Trung Quốc cũng nhất quyết hành động theo hướng đó một khi sự thù hằn của họ đối với Hoa Kỳ ngày càng trở nên hiển nhiên. Tháng Tư 1996, Boris Yeltsin đến Bắc Kinh, và ký với Giang Trạch Dân một tuyên bố loan báo “một sự hợp tác chiến lược lâu dài” nhằm làm đối trọng với sức mạnh trên thế giới của Hoa Kỳ. Lúc đó Nga trở thành nước ngoài chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc về thiết bị và công nghệ quân sự tiên tiến, kể cả tên lửa đạn đạo điều khiển từ xa xuyên lục địa, máy bay chiến đấu tiên tiến Su-27, và tầu ngầm loại lớn. Thêm vào đó, hàng ngàn nhà khoa học và kỹ thuật viên Nga đang làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho các ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc.
Tuyên bố trong các khóa họp kín của các quan chức Trung Quốc đã được phản ánh trên báo chí và cả trong dư luận công chúng ở Trung Quốc. Trong một kiểu đấu tranh ăn miếng trả miếng, Mỹ đã bị thóa mạ về nhiều tội ác của chính họ. Năm 1996, có những bài báo kết tội rằng Hoa Kỳ đã sử dụng Trung Quốc như một mảnh đất để đổ hàng phế thải của họ (Đây là một sự xuyên tạc, cố tình hay không, về việc chuyên chở những rác giấy của Mỹ tới các nhà máy tái sinh ở Trung Quốc). Một cuộc đấu tranh khác trên phương tiện thông tin gồm cả việc xuất khẩu thuốc lá Mỹ sang Trung Quốc, trong đó ý thức của nhân dân Trung Quốc về nỗi bất bình trong lịch sử lại kết hợp với tinh thần bài ngoại hiện nay. “Chúng ta đang thực sự đối mặt với một cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai”, đó là trích dẫn lời của một nhà nghiên cứu Trung Quốc: rõ ràng ông quên rằng các nhà máy quốc doanh của Trung Quốc sản xuất hàng tá nhãn hiệu thuốc lá, “Việc các nhà sản xuất phương Tây ngày nay đổ thuộc lá vào Trung Quốc bằng mọi con đường có thể, hợp pháp hay bất hợp pháp, có thể coi chẳng khác gì việc đổ thuốc phiện vào thế kỷ 18. Khác nhau chỉ ở chỗ là ngày nay, với chính sách mở cửa, các cường quốc phương Tây không còn cần đến tàu chiến để đấm cửa chúng ta”.
Vào giữa những năm 1990, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc và những phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rằng khuynh hướng chống Mỹ mang tính dân tộc chủ nghĩa trở nên mạnh mẽ hơn. Một từ ngữ xuất hiện nhiều nhất để diễn tả chiến lược tai hại của Mỹ đối với Trung Quốc là “kìm hãm”, có nghĩa là một chính sách nhằm ngăn ngừa Trung Quốc trở thành một đất nước hùng mạnh, giữ cho Trung Quốc suy yếu, không có ảnh hưởng, và nghèo khổ. Hiện nay, như một học giả Mỹ đã nêu lên, hai từ trong tiếng Trung Quốc thông thường được dịch là “kìm hãm” có thể dịch chính xác hơn là “bóp nghẹt”. Dầu sao, Trung Quốc vẫn sử dụng từ này như một kiểu tố cáo toàn diện gắn liền với hầu như bất cứ một hành động nào của Mỹ mà Trung Quốc không ưa. Chẳng hạn năm 1996, khi Hoa Kỳ hoạt động để tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản và Australia, báo chí Trung Quốc phê phán những hoạt động này là “kìm hãm”. Thậm chí những hoạt động của Mỹ để tăng cường quan hệ với Việt Nam và Ấn Độ, và những ý kiến phàn nàn Trung Quốc về việc đánh cắp phần mềm máy tính, đã bị các phương tiện thông tin Trung Quốc gọi là “kìm hãm”.
Cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu 1996, ít lâu sau cuộc đụng đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở eo biển Đài Loan, cuốn sách Trung Quốc có thể nói “không” trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử gần đây. Bản tuyên ngôn mang tính dân tộc chủ nghĩa, chống Mỹ cao, theo một số trong những những người mà chúng tôi phỏng vấn ít lâu sau khi nó ra đời, phản ánh quan điểm của nhiều thanh niên Trung Quốc. Việc cuốn sách được viết ra do một nhóm trí thức trẻ vô danh và được xuất bản, có nghĩa là trong môi trường bị kiểm soát của Bắc Kinh, giới quan chức muốn nó có mặt trên thị trường, thật thế, đại sứ Trung Quốc ở Washington, Cahi Zeimin, viết lời mở đầu. Cuốn sách giới thiệu Hoa Kỳ như một kẻ thù ngoan cố và thâm căn cố đế, và đề xuất Trung Quốc phải tiến hành những bước sau đây trong số các bước đi khác:
+ Đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc văn hóa và kinh tế của Mỹ.
+ Bắt tay với Nga trong một liên minh chống Mỹ.
+ Tẩy chay lúa mì và các sản phẩm khác của Mỹ.
+ Đòi hỏi Mỹ phải đền bù vì họ đã sử dụng thuốc súng, giấy và các phát minh khác của Trung Quốc.
+ Tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng không cần đến quy chế tối huệ quốc và đòi hỏi thuế nhập khẩu cao đối với sản phẩm Mỹ.
Đứng trước tinh thần nhất trí chống Mỹ của các nhà lãnh đạo đảng và lãnh đạo quân sự, Đặng Tiểu Bình giờ đây đã suy yếu và lu mờ, phải rút lui vào những tháng đầu năm 1994. Ông tiếp tục biện hộ cho một thái độ ôn hòa đối với Hoa Kỳ, là nước có những thị trường có tác dụng sống còn đối với sự phát triển kinh tế vốn là mục tiêu hàng đầu của Đặng. Ông muốn rằng Trung Quốc ít nhất phải giảm bớt tinh thần chống Mỹ trong khi xây dựng sức mạnh quân sự, và như vậy sẽ có thể hoàn thành những mục tiêu quốc tế của mình.
Điều đó chẳng khác lắm với những gì mà phái chống Mỹ cũng muốn, mặc dầu họ ít thận trọng hơn trong việc biểu lộ sự bực bội đối với Hoa Kỳ so với mức độ mà Đặng cho là khôn ngoan – một vài nhà bình luận Mỹ đã nhận xét như vậy. Chẳng hạn, James Woolsey, cựu giám đốc CIA, đã nói với một nhà báo Nhật Bản rằng Chính phủ Trung Quốc dường như đã rơi vào ảnh hưởng của “những người mà trong quá trình ra quyết định, muốn có xung đột với Hoa Kỳ… Theo nhận xét của tôi, không có sự giải thích hợp lý nào khác”. Một năm trước đây, nhà Trung Quốc học Owille Shell viết rằng “như để có được cái gì đó thay thế cho tính hợp thức, nhiều nhà lãnh đạo đã không hề biết xấu hổ tìm cách cổ vũ những hình thức hiếu chiến của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc” trong khi Willy Wo-lap Lam, một nhà báo Hong Kong, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, nhận xét: “Vào buổi đầu của kỷ nguyên sau Đặng, một ban lãnh đạo rất yếu về tính hợp thức và cơ sở quyền lực đang hoàn toàn chơi “con bài chủ nghĩa yêu nước”. Lam nói tiếp, “chỉ có điều đó là có thể giải thích tại sao các phương tiện truyền thông Trung Quốc coi việc Trung Quốc bảo vệ vị trí của mình trong cuộc tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ giống như một cuộc đấu tranh “bảo vệ chủ quyền dân tộc và lòng tự trọng của nòi giống Trung Hoa””.
Ngay cả sau khi chính quyền Clinton đảm bảo với Trung Quốc rằng họ không gắn liền quy chế tối huệ quốc với vấn đề nhân quyền, thì giọng điệu chống Mỹ giận dữ của các phương tiện thông tin Trung Quốc vẫn tiếp tục. Những người dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, bỏ qua lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, tin rằng Trung Quốc có thể có hai con đường – vừa chuẩn bị đối đầu với Hoa Kỳ về mặt quân sự và chính trị vừa đồng thời được lợi nhờ những mối liên hệ thương mại và đầu tư với người Mỹ. Sách lược của họ, như chúng ta sẽ thấy, là một sách lược phức tạp và nhiều mặt, gồm cả vận động sự ủng hộ mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, việc sử dụng chiến tranh kinh tế và tự nhận thức vị trí của mình là một nước của Thế giới Thứ Ba, sự yếu ớt và nhỏ bé tương đối của họ so với người khổng lồ Mỹ. Bước tiếp theo là những cuộc hội nghị đảng toàn quốc giống như cuộc hội nghị đã diễn ra ở Bắc Kinh đầu năm 1994, Trung Quốc đang hy vọng rằng họ có thể chuẩn bị cho cuộc xung đột sắp tới với Hoa Kỳ ngay cả khi công khai phủ nhận những mục tiêu tối hậu của họ. Cho đến nay chiến lược này đã đạt được thành công xuất sắc.
Người dịch: Nguyễn Chí Tình
Nguồn: America is the Enemy – trong The coming conflict with China – Chương 1, 22-50pp
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét