Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Tư liệu LS (Nghiên cứu )

Cái Chết Của Một Hàng Tướng:
  DƯƠNG VĂN MINH 
                                                                                 (1916-2001)




Image result for đại tướng dương văn minh                                                                                             
                                              Ông Dương Văn Minh chẳng có tội gì với đất nước, mà còn có công lớn cứu dân



Ngày 9/8/2001, vài bằng hữu điện thoại, e-mail hay fax cho tôi bản tin ngắn về cái chết của cựu Đại tướng Dương Văn Minh (1916-2001). Tại Pasadena, tiểu bang California, mà không phải Việt Nam như nhiều người tưởng nghĩ. Theo báo chí Mỹ, Tướng Minh, 86 tuổi, chết tại bệnh viện Huntington Memorial Hospital tối ngày Thứ Hai 8/8/2001, sau khi bị té từ xe lăn xuống đất trong một phòng cho mướn (apartment) chiều ngày hôm trước, Chủ Nhật, 7/8/2001. (Theo một nguồn tin khác, ông Minh chết ngày Thứ Bảy, 6/8/2001. Tin này có lẽ chính xác hơn).
Còn nhớ năm 1982, khi sang Pháp nghiên cứu lần đầu tiên để sửa soạn viết luận án, tôi được tin Tướng Minh mới từ Sài Gòn qua Pháp chữa bệnh. Người cho biết tin này là ký giả Nguyễn Ang Ca, ngày ấy định cư ở Belgium (Bỉ). Anh Ca tiết lộ thêm rằng theo lời thân nhân Tướng Minh, ông ta đã hoàn tất một tập hồi ký dành riêng cho cháu ngoại (con ông bà Nguyễn Hồng Đài và Dương [Thị?] Mai), sẽ được ấn hành sau khi Tướng Minh chết. Trong thời gian nghiên cứu lần thứ hai ở Pháp, từ 1985 tới 1988, được tin Tướng Minh đã biến mất ở Paris, “nghe đâu trở lại Việt Nam.” Bây giờ mới rõ tin ấy sai lầm. Tướng Minh đã âm thầm qua Mỹ định cư, sống với vợ chồng người con gái.
Việc Tướng Minh “tuyệt tích giang hồ” cũng dễ hiểu. Từ năm 1963, ông Minh trở thành kẻ thù của nhiều hơn một thế lực chính trị tại Việt Nam.
Nhóm kẻ thù hằn học nhất là những người ủng hộ và còn tưởng nhớ Tổng thống Ngô Đình Diệm (1955-1963). Cuộc đảo chính 1/11/1963 không những chỉ mang lại cái chết cho ba anh em nhà họ Ngô, mà còn khiến nhiều cộng sự viên và nha trảo của chế độ bị tử hình (Phan Quang Đông, đồ tể miền Trung), tù đày (Dương Văn Hiếu, Nguyễn Văn Y, Trần Kim Tuyến, Nguyễn Văn Hay), tịch thu tài sản, truy nã, săn đuổi, v.. v... Trong khi đó, Giám mục Nguyễn Văn Thuận, cháu ngoại ông Ngô Đình Khả—hiện đã trở thành Hồng Y ở Vatican—cũng muốn khôi phục lại thế giá cho các bậc trưởng thượng của mình, qui tụ tàn dư đảng Cần Lao làm hậu thuẫn chính trị. Tướng Minh, người đào mộ vùi chôn nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam và gây nên cảnh tang tóc thê lương của họ Ngô, khó thể được yên lành.
Ngay trong hàng ngũ quân đội nhiều người cũng không muốn “huynh đệ chi binh” (đúng ra có lẽ phải là “binh chi huynh đệ”) với Tướng Minh. Trung tướng Nguyễn Khánh tìm mọi cách triệt hạ, khiến Tướng Minh phải lưu vong qua Thái Lan khá lâu. Thủ lãnh nhóm Young Turks là Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001) cùng những Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên nhất quyết không cho Tướng Minh hồi hương để tranh cử Tổng thống năm 1967.
Mãi tới năm 1968, do sự can thiệp của Thủ tướng Trần Văn Hương (1904-1982?), và giữa cao trào thanh toán phe “Bắc Kỳ” Nguyễn Cao Kỳ-Nguyễn Ngọc Loan, Tướng Minh mới được về nước. Phía sau đặc ân của ông Hương này là kế hoạch vận động tinh thần bài Bắc Kỳ từ thời Nam Kỳ tự trị của Nguyễn Văn Thinh-Lê Văn Hoạch-Nguyễn Văn Tâm-Trần Văn Hữu (1946-1947), đồng thời chuẩn bị dùng ông Minh làm con cờ thí cho cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 1971 của liên danh Thiệu-Hương. Nhưng giờ chót, sau khi Tướng Kỳ bị loại bỏ vì thiếu người giới thiệu, Tướng Minh đột ngột rút lui. Cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975, đứa con “hợp hiến” thứ hai của Đại sứ “Tủ lạnh” Ellsworth Bunker, bỗng trở thành “cậu con nuôi” “trưng cầu dân ý” của liên danh “mồ côi” Thiệu-Hương.
Rồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “mất nước” (sic) lên đầu ông “hàng Tướng” này.
[Những lời thở than, khóc lóc “mất nước” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “Tổ Quốc” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]
Cho tới ngày Tướng Minh nhắm mắt, chẳng mấy ai được nghe Big Minh tâm sự về những tao ngộ đời ông. Tập hồi ký mà anh Nguyễn Ang Ca “tiết lộ” với tôi thực chăng hiện hữu và bao giờ sẽ được ấn hành? Tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Nga, Trung cộng cũng chưa mở ra đầy đủ, nhất là việc Tướng Minh được Quốc Hội cử làm Tổng thống ngày Chủ Nhật, 27/4/1975. Đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon đã thủ diễn vai trò nào trong màn bi kịch chính trị và ngoại giao này? Việc phán định công và tội của Tướng Minh hẳn còn nhiều năm nữa mới đủ sử liệu để suy xét.
Bài này không có ý định phê bình hay đánh giá Tướng Minh. Chỉ ghi lại những dữ kiện lịch sử tương đối khả tín nhất để những người nghiên cứu sau này đỡ mất công tra cứu.

PHÂN ĐOẠN I: Tướng Dương Văn Minh và Đệ Nhất Cộng Hòa



Image result for đại tướng dương văn minh

Tướng Dương Văn Minh sinh năm 1916 tại Vĩnh Long (lại có tin sinh ngày 19/2/1916 ở Mỹ Tho). Thường được biết như "Big" Minh, để phân biệt với Minh "nhỏ" (Sylvain Trần Văn Minh, Ki-tô giáo). Ông Minh thuộc loại to lớn so với người Việt bình thường, cao hơn 1 mét 80 (6 feet), và nặng hơn 90 ki-lô.
Năm 1940, ông Minh gia nhập quân đội Pháp, tốt nghiệp khóa Hạ sĩ quan trừ bị Thủ Dầu Một. Nổi danh là một lực sĩ chạy đua nước rút, nên được thăng cấp Thượng sĩ. Năm 1946, lên cấp Thiếu úy. Hai năm sau, lên Trung úy, rồi chuyển qua Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Từ đó, thăng tiến rất nhanh vì Quân đội Quốc Gia đang thành lập, thiếu cấp chỉ huy.
Trong hai năm 1954-1955, khi chỉ huy Phân Khu Sài Gòn/Chợ Lớn, Đại tá Minh "lớn" đã giúp Thủ tướng Ngô Đình Diệm bẻ gẫy được cuộc đảo chính của Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh cùng các tổ chức vũ trang Bình Xuyên và Hòa Hảo (qua các chiến dịch Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ, Thoại Ngọc Hầu). Nhờ vậy, ông Minh từng được ca ngợi là “anh hùng rừng Sát [Sác],” và vài năm sau đã lên tới chức Trung tướng.
Nhưng sau khi đã dẹp xong mối hiểm họa giáo phái, Tướng Minh bị thất sủng. Có tin hai anh em ông Diệm-Nhu nghi Tướng Minh dấu đi một phuy (fut hay thùng) vàng cùng quí kim tịch thu được của Lê Văn “Bảy” Viễn, thủ lĩnh Bình Xuyên, ở mật khu Rừng Sác mà không giao nạp cho chính phủ. Nguyên cớ chính là Tướng Minh chống việc chính trị hóa quân đội theo kiểu Cộng Sản Bắc Việt (hay, Đài Loan, nếu muốn)—tức bắt các cấp chỉ huy quân đội phải gia nhập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, thường gọi tắt làCần Lao. Bởi thế ông Minh chỉ được giao nắm những chức vị không có quân như Thanh tra quân đoàn, rồi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hành quân, v.. v... Lòng ghét bỏ ông Minh của anh em ông Diệm-Nhu càng tăng lên khi Tướng Minh giữ lập trường “trung lập” trong cuộc đảo chính hụt 11/11/1960 của nhóm Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, v.. v... (Xem Chính Đạo [ed.], et al., Nhìn lại biến cố 11/11/1960 [Houston: Văn Hóa, 1996]) Uy tín Tướng Minh với chế độ cũng khó thể gia tăng khi Trung tá Vương Văn Đông đề nghị Tướng Lê Văn Tỵ rồi đến Tướng Minh làm Bộ trưởng Quốc Phòng chính phủ quân sự chuyển tiếp.(Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963, tr. 202)
Từ tháng 10/1961, Tướng Minh được một số viên chức ngoại giao Mỹ đánh giá như có khả năng tạm thay Tổng thống Diệm, hoặc phụ giúp Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ nắm quyền miền Nam nếu xảy ra việc gì chẳng may cho ông Diệm.(FRUS, 1961-1963, I:409-10) Nhưng ông Minh cũng có khá nhiều kẻ thù. Tướng Raymond Nguyễn Khánh, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, nuôi hiềm khích cá nhân với ông Minh từ lâu.(Ibid., I:710) Hiềm khích này có thể bắt nguồn từ xuất thân binh nghiệp, danh lợi, và sự chia chác không đều chiến lợi phẩm, khi ông Khánh làm Chỉ huy phó cho ông Minh trong chiến dịch đánh Bình Xuyên. (Xem Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, [Văn Hóa: 2002] tập I, chương IX) Bộ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần thì cho rằng Tướng Minh “chỉ ưa than phiền,” bỏ qua nhiều cơ hội chiến thắng, hoặc làm những việc kỳ quái như đưa Nhảy dù vào mặt trận bằng quân xa thay vì thả máy bay, v.. v... (FRUS, 1961-1963, I:530)
Sau khi tuyên bố tình trạng “lâm nguy” vào mùa Thu 1961, ông Diệm không thay đổi thái độ với Tướng Minh. Khi một số viên chức Mỹ, kể cả Tướng Maxwell D. Taylor, Tổng Tham Mưu trưởng Liên Quân, muốn đề nghị Tướng Minh lên chỉ huy quân đội (Ibid., I:80, 372), Tướng Edward G. Lansdale cực lực phản đối. Theo Lansdale—người nhiệt thành ủng hộ họ Ngô từ năm 1954, và mùa Thu 1961 được ông Diệm xin đích danh làm cố vấn riêng, nhưng Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963) không chấp thuận—Tướng Minh từng tuyên bố muốn đảo chính.(Báo cáo ngày 27/12/1961; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 11, tr. 427; FRUS, 1961-1963, I:719n2) Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần hay Tướng Paul Harkins, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân Viện [MACV], cũng nghi ông Minh mưu làm đảo chính từ năm 1960.


Image result for đại tướng dương văn minh
Ông Diệm luôn luôn nghi ngờ Tướng Minh. Khi người Mỹ yêu cầu Tướng Minh soạn thảo kế hoạch tấn công chiến khu D (ở Tây Ninh) để tạo một chiến thắng nào đó, hầu vận động dư luận Mỹ, ông Diệm ra sức bắt bẻ từng chi tiết. Thí dụ như ông Minh muốn thành lập các chiến đoàn với cấp tiểu đoàn, ông Diệm chẳng những không chấp thuận mà còn cho người điều tra phải chăng ông Minh muốn đảo chính. Rồi sai Tướng Lê Văn Tỵ Tổng Tham Mưu trưởng, thông báo cho ông Minh biết chỉ đồng ý việc sử dụng các đơn vị cấp đại đội.(FRUS, 1961-1963, II:9-10, 24-5) Cuối cùng, ngày 18/7/1962, ông Diệm tiết lộ với Tướng Harkins quyết định hủy bỏ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hành quân của Tướng Minh vì “thiếu khả năng.”(Ibid., II:536) Chẳng hiểu quyết định này liên hệ gì đến kế hoạch tìm giải-pháp-khác-Diệm bắt đầu manh nha từ năm 1960, và được nghiên cứu ở Oat-shinh-tân từ cuối năm 1961 hay chăng.(Ibid., II:64, 232, 459-60, 598-600) Do áp lực của Mỹ, Tướng Minh vẫn còn được tước “Cố vấn quân sự.”
I. Cuộc Đảo Chính 1/11/1963:
]
Năm 1963, ông Minh cùng một số tướng tá làm đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Vài ba người cho rằng ông Minh đã “nhận lệnh Mỹ để làm đảo chính.” Tướng Minh còn bị cáo buộc đã ra lệnh thảm sát anh em ông Diệm-Nhu vào sáng ngày 2/11, trên đường dẫn giải từ nhà thờ “cha Tam,” Chợ Lớn, về Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi họ đã xin đầu hàng.
Tôi sẽ tự hạn chế trong hai vấn đề trên; và, tránh thảo luận nên hay không nên đảo chính, đảo chính hay cách mạng, vì những tra vấn này khó vượt qua khuôn khổ suy luận và phê phán, thuần là trò chơi của trí tuệ và xúc động.
A. “Big” Minh có nhận lệnh người Mỹ để đảo chính hay không?
Để tìm hiểu thực chăng Tướng Minh nhận lệnh Mỹ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, cần lược xét vài dữ kiện sau:
(1) “Big” Minh thù ghét chế độ từ lâu:
Trước hết, từ lâu, “Big” Minh hơn một lần muốn giết hai ông Nhu-Cẩn hoặc đảo chính ông Diệm. Không đợi tới ngày Ngoại trưởng Dean Rusk muốn vợ chồng ông Nhu, và nếu cần, chính ông Diệm, “đi nghỉ mát dài hạn” (từ khoảng ngày 13/7/1963; VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 298, 315), hoặc Đại sứ Henri Cabot-Lodge nhận lệnh Tổng thống Kennedy giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo ở Nam Việt Nam (tháng 6/1963). Từ tháng 11/1961, ông Minh cùng các Tướng Lê Văn Kim, Lê Văn Nghiêm và Đại tá Phạm Văn Đổng ít nhiều dính líu đến một dự định đảo chính.(FRUS, 1961-1963, I:682; Báo cáo ngày 27/12/1961; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 11, tr. 427) Chính anh em ông Diệm cũng biết điều này, và cử người điều tra, theo dõi, rồi tước đoạt binh quyền của ông Minh.
Cho tới năm 1963, sở dĩ ông Minh chưa ra tay vì màng lưới bảo vệ ông Diệm của người Mỹ—sự bảo vệ mà cựu hoàng Bảo Đại từng cay đắng gọi là “mù lòa.” Tướng Minh và các chiến hữu chỉ muốn người Mỹ đừng ngăn cản, hay không mật báo cho anh em ông Diệm-Nhu biết kế hoạch đảo chính của mình. Việc Kennedy cho phép Đại sứ Cabot-Lodge toàn quyền hành động, và ông Lodge (cũng một giáo dân Ki-tô Vatican như Kennedy và anh em ông Diệm) quyết định không thể làm việc với ông Diệm được nữa, chỉ mở ra cho Tướng Minh và những người muốn thay đổi chế độ cơ hội để hành động.
Hơn nữa, là một Phật tử, Tướng Minh (cũng như các ông Lê Văn Nghiêm, Đỗ Mậu, v.. v...) không thể buông xuôi hai tay làm ngơ trước cảnh anh em ông Diệm ngược đãi Phật Giáo, lùng bắt sinh viên học sinh, vu cáo đối lập là Cộng Sản. Bề ngoài, ông Diệm ra vẻ rất công bình, tuyên bố “sau lưng Hiến Pháp còn có tôi,” đồng ý thỏa đáp các nguyện vọng của Phật giáo (Tuyên cáo chung ngày 16/6/1963 giữa ông Diệm và Hòa thượng Thích Tịnh Khiết), nhưng không thực thi những điều hứa hẹn. Ngược lại, ngầm thả lỏng cho (hoặc không kiểm soát nổi) hai vợ chồng Ngô Đình Nhu-Trần Thị Lệ Xuân đẩy Phật Giáo đến chân tường. Trong những buổi đàm thoại với viên chức Mỹ và Pháp thì đặt điều vu cáo Phật giáo bằng những luận cứ mà một người có óc suy luận trung bình và lương thiện tối thiểu cũng không dám phát biểu.(VNNB, I-C: 1955-1963) Nên chẳng phải ngẫu nhiên mà đầu năm 1973, khi sắp lìa đời tại bệnh viện Grall, Thượng tọa Thích Thiện Hoa ân cần trối trăng với hàng tăng lữ đừng bao giờ quên công đức của Đại tướng Minh với Phật giáo trong mùa pháp nạn 1963! (Tôi nghĩ Hòa thượng Thích Tâm Châu, một lãnh tụ tranh đấu đầu tiên ở Sài Gòn, cũng đồng ý với nhận xét trên).
Tóm lại, ghép tội (đúng hơn là vu cáo) ông Minh “nhận lệnh Mỹ” để làm đảo chính không đúng, hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc, bất chấp sự thực lịch sử: Giữa anh em ông Diệm-Nhu và Tướng Minh chẳng còn chút thiện cảm nào để mất.
(2) Liên hệ giữa Tướng Minh và ông Diệm:
Có người còn lên án ông Minh và phe nhóm đã “phản bội” ông Diệm. Cáo buộc này quá vội vã, không đúng sự thực, nếu chẳng phải bất chấp sự thực. Giữa ông Diệm và ông Minh chẳng hề có tình đồng chí cũ, hay nghĩa thày-trò, hiểu theo nghĩa cấp chỉ huy và thuộc hạ. Liên hệ giữa Thủ tướng Diệm và Tướng Minh chỉ khởi sự từ ngày ông Diệm về nước vào hạ tuần tháng 6/1954. Nó là sự nối kết quyền lợi, do Mỹ dàn xếp, để loại bỏ Tướng Nguyễn Văn Hinh cùng phe thân Pháp. Hai người là cộng sự viên, hơn cấp chỉ huy và người tùy tùng. Ông Diệm là lá bài chính trị của người Mỹ, trong khi Tướng Minh là một trong những lá bài quân sự. Nói cách khác, hai ông Diệm và Minh cùng “làm quan” cho người Mỹ, hầu biến miền Nam vĩ tuyến 17 thành một “nước” (không hề qui định hay dự trù trong Hiệp ước Geneva ngày 20-21/7/1954). Văn hoa hơn, miền Nam trở thành “tiền đồn chống Cộng của Thế giới Tự do,” dù dân miền Nam (cũng như miền Bắc) chỉ có quyền “tự do” duy nhất là được đói khổ, đàn áp, tù đầy, tra tấn dã man, đẩy ra mặt trận, và chết chóc.
Bản hiệu triệu của ba ký giả Chu Tử, Hiếu Chân và Từ Chung trên tờ Ngôn Luận, số đặc biệt chào mừng cách mạng thành công ra ngày 4/11/1963—trích lại trên bán nguyệt san Bách Khoa (số 165, ngày 15/11/1963, tr. 93) của ông Huỳnh Văn Lang, một cựu lãnh tụ Cần Lao—phần nào nói lên sự thực này: Ba nhà báo Chu Tử, Hiếu Chân và Từ Chung tự trách đã “đánh đĩ tâm hồn, cam tâm làm gia nô cho họ Ngô trong chín năm qua.” Ngay đến báo Sài Gòn Mới của Bà Bút Trà, có liên hệ với Bộ trưởng Canh Nông Lê Văn Đồng, cũng than phiền rằng “luôn luôn bị áp bức, khủng bố,” “[h]àng ngày phải chịu trăm chiều tủi nhục, bắt buộc phải viết những điều trái ngược với lòng mình, để hoan hô những cái điêu ngoa, giả dối, tàn ác, bất nhơn của gia đình họ Ngô.” (Bách Khoa, số 165 [15/11/1963], tr. 93-4; trích trong VNNB, IC: 1955-1963 [2000], tr. 391)
(3) Bản chất sự liên hệ giữa Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm.
Cho tới hiện nay, vì lý do nào đó, vẫn chưa ai nói lên được bản chất sự liên hệ giữa Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm. Sự im lặng hay thiếu hiểu biết này gây ra nhiều ngộ nhận trong việc diễn giải các biến cố lịch sử. Phe Cộng Sản thường dùng chiêu bài tuyên truyền quen thuộc, lên án chính sách Mỹ ở Việt Nam là “tân thực dân” [Neo-colonialism], và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là “bù nhìn” [puppet regime]. Lối gọi tên này không chỉnh. Tài liệu Liên sô Nga, Trung Cộng, và ngay chính tài liệu Cộng Sản Việt Nam đã tiết lộ rằng vị thế chiến lược quốc tế của chế độ “cách mạng xã hội chủ nghĩa” tại miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 chẳng sáng sủa gì hơn miền Nam. Thực ra, Hà Nội còn chịu cảnh một cổ hai tròng: chẳng những nằm trong quĩ đạo quốc tế Cộng Sản của Nga, mà còn bị bóp cổ, chẹn họng bởi điều mà sử quan Cộng Sản Việt Nam có thời gian gọi là “chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn” của Trung Cộng.
[Xem, chẳng hạn, “Sách Trắng” ngày 25/9/1979 của Hà Nội; Trung Quốc từ Mao đến Đặng, Văn Trọng chủ biên (Hà Nội: 1984); Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh, do Phạm Như Cương chủ biên (Hà Nội: 1979); Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền nước lớn (Hà Nội:Tạp chí Cộng Sản, 1982); hay, những tựa sách khác in trong thập niên 1980.
Nực cười là một thời các tư tưởng gia Việt Cộng như Hồ Chí Minh, Trường Chinh hay Tố Hữu, đích thân hay chỉ thị thuộc hạ “gân cổ bắc loa mồm” ca tụng thứ liên hệ quốc tế vĩ đại này bằng những danh từ thống thiết nhất như “môi hở, răng lạnh,” “đời đời nhớ ơn,” v.. v... Phía sau hậu trường thì cắt đất xin quân viện để đánh chiếm miền Nam.]
Phần Việt Nam Cộng Hòa thích gọi Liên bang Mỹ là “Đồng Minh” và ngược lại. Nhưng danh xưng chính xác hơn là quốc gia bảo trợ và chế độ vệ tinh. Mối liên hệ ông chủ- đầy tớ này phản ảnh rõ ràng qua tài liệu văn khố Mỹ, hàng trăm tác phẩm nghiên cứu và hàng ngàn bài báo xuất bản tại Mỹ từ năm 1956 tới 1975, nếu chẳng phải còn kéo dài tới ngày nay. Người Mỹ, và cả người Pháp trước đó, chỉ coi người bản xứ Đông Dương như công cụ chống Cộng hay lính đánh thuê, trong một cuộc chiến “ủy thác” [proxy wars] để tiết kiệm xương máu công dân Mỹ.
Với vị thế bảo trợ, từng khai sinh và nuôi dưỡng chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ Mỹ thường bị kết tội, dù đúng hay sai, là đã đứng sau mọi biến cố quan trọng tại Việt Nam, từ những cuộc tranh đấu của các đảng phái, tôn giáo, phe nhóm, tới “thay ngựa giữa dòng” v.. v... Thực ra, người nghiên cứu sử nghiêm túc về sự can thiệp của Mỹ không thể không liên tưởng đến chính sách “cơ mi” mà các triều đình phong kiến Trung Quốc khi xưa đã áp dụng: Cho tới năm 1960, người Mỹ chỉ muốn đưa ra những chính sách đại cương, và cử cố vấn theo dõi việc thực hành của giai tầng trung gian bản xứ. Bởi thế, người Pháp và rồi anh em ông Diệm được chính phủ Dwight D. “Ike” Eisenhower (1953-1961) cho hưởng những quyền hành rộng rãi trong khi thực thi chiến lược hoàn cầu chống Cộng và ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng xuống vùng Đông Nam á. Nhưng cơ quan tuyên truyền của Mỹ, do nhu cầu chính trị, tô hồng chuốt lục cho ông Diệm thành Chí Sĩ, lãnh tụ, “bao năm từng lê gót quê người” nên ông Diệm ngỡ tưởng mình quả thực là Chí Sĩ, lãnh tụ vĩ đại—quên đi cái dĩ vãng của một gia đình ba thế hệ trung gian bản xứ phục vụ quân xâm lược Pháp từ buổi đầu cho tới phút chót; bản thân từng man khai lý lịch để làm quan cho Pháp càng sớm càng tốt (nếu tin được lời ông Ngô Đình Luyện giải thích với tác giả); ngoài mặt “chống Pháp” mà bề trong thú nhận Bảo hộ Pháp là “bát cơm dòng họ Ngô”; ngụy tạo thành tích “từ quan chống Pháp” mà thực chất chỉ là cuộc tranh giành quyền lực với nhóm trung gian bản xứ khác, đang lên, tiêu biểu bằng ông Phạm Quỳnh.(Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập [Houston: Văn Hóa, 1999-2000], tập III).
[Tôi vẫn nghĩ nếu gọi ông Diệm là người yêu nước, phải tôn xưng ông Phạm Quỳnh làm nhà đại ái quốc. Sự đóng góp của ông Phạm Quỳnh cho đất nước Việt Nam về giáo dục và văn học vượt xa tội hợp tác với Pháp. Riêng gia đình họ Ngô, ngoài các tội hình sự của Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, còn vi phạm nhiều tội ác chống nhân quyền, mà chẳng có đóng góp gì ngoài hành động biến Ki-tô giáo thành kẻ thù của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, v.. v... trong một thời gian dài. (Xem, chẳng hạn, Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư, tái bản lần 1 (Houston: Văn Hóa, 2000).]
Nhưng từ năm 1957, chế độ Diệm bắt đầu bộc lộ nhược điểm căn bản của nó. Chống đối nổi lên khắp nơi, trong mọi giai tầng xã hội. Cuộc ám sát hụt ông Diệm tại Hội chợ Ban Mê Thuột năm 1957 mới chỉ là dấu hiệu tiên khởi. Trong khi đó, anh em ông Diệm ngày thêm kiêu ngạo, tự cô lập với quần chúng, xa lánh dần cộng sự viên cũ. Bất cứ một chống đối nào—dù chỉ trong khuôn khổ muốn chân thành hợp tác—đều bị coi như nguy hiểm cho chế độ, và bị anh em ông Diệm-Nhu coi như chống đối chính cá nhân mình. Trường hợp Y sĩ Trần Văn Đỗ (chú ruột Trần Thị Lệ Xuân, vợ ông Nhu), Nguyễn Tăng Nguyên (người theo ông Diệm về nước năm 1954), Luật sư Nguyễn Hữu Châu (anh rể Lệ Xuân), hay ông Vũ Văn Thái (Tổng Giám đốc Ngoại viện), cựu Thủ hiến Trần Văn Lý, Luật sư Lê Quang Luật, Y sĩ Phạm Hữu Chương chỉ là dăm thí dụ được nhiều người biết đến. Bản tuyên cáo tháng 4/1960 của 18 trí thức, nhân sĩ (thường được biết như Tuyên cáo Caravelle; Gravel, I:316-21), hay cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960 của nhóm Đại tá Nguyễn Chánh Thi cho thấy sự bất mãn chế độ đã lan tràn từ giới trí thức thành thị tới hàng ngũ quân đội, xương sống của chế độ.
Trong khi đó, Cộng Sản Bắc Việt ngày một ưu thắng trong kế hoạch nhuộm đỏ miền Nam. Nguyên từ năm 1956, dưới áp lực của chiến dịch Diệt Cọng và Tố Cọng, nhiều cán bộ Cộng Sản được gài lại miền Nam đã phải rút ra chiến khu, công khai chống lại chế độ Diệm bằng vũ lực. Do nhu cầu sinh tồn, cán bộ Cộng Sản liên kết với một số tàn quân giáo phái và Bình Xuyên—với sự trợ giúp của vài tổ chức lưu vong ở Pháp như Trần Văn Hữu, Trần Đình Lan, Lê Văn Thu, Hồ Thông Minh, Phạm Huy Cơ, v.. v...—dưới chiêu bài giải phóng miền Nam. Tới năm 1959, sau khi đã đồng ý cắt đất cho Bắc Kinh để xin quân viện, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn gửi quân xâm nhập miền Nam. Khởi đầu là tái tổ chức căn cứ, rồi khủng bố, ám sát ở vùng nông thôn hẻo lánh, sau đó tiến lên cấp xã, cấp quận, cấp tỉnh.
[Năm 1958, 193 viên chức hành chính và cảm tình viên bị VC giết hại; năm 1959, 239 nạn nhân; trong sáu tháng đầu năm 1960, tổng số nạn nhân lên tới 780 người. Số người bị bắt cóc tăng từ 236 người năm 1958, lên 344 người năm 1959, và 282 người trong 6 tháng đầu năm 1960. (FRUS, 1958-1960, I:539n5). Nhưng nhiều chuyên viên thế giới vẫn khẳng quyết rằng cuộc chiến tại miền Nam là “nội chiến” giữa các phe phái đối nghịch nhau].
Mùa Thu năm 1961—phần vì tình hình hỗn loạn ở Lào, quân CSBV chiếm cứ Tchépone; phần vì một chuỗi thiệt hại về quân sự trong hai tháng 9-10/1961, đặc biệt là cuộc thất thủ tỉnh ly Phước Thành ngày 18/9/1961 (khiến tỉnh trưởng bị bêu đầu, phó tỉnh trưởng và 10 công chức khác thiệt mạng); tiếp nối bằng cái chết bí mật ngày 1/10/1961 của Đại tá Hoàng Thụy Năm, đại diện VNCH trong ổy Ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến [ICC]—ông Diệm ban hành tình trạng “lâm nguy” (Luật 54/21 ngày 18/10/1961), tập trung mọi quyền hành còn sót lại vào dinh Độc Lập, biến cơ quan dân cử và tư pháp thành vật trang sức cho chế độ.
Nhưng tình hình chẳng khả quan hơn. Ngoài mặt trận, vào giữa năm 1962, an ninh đã ở mức báo động đỏ. Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam [MT/GPMN] chính thức hoạt động từ khoảng mùa Xuân 1962, như một cánh tay chính trị ngoại vi của Bắc Việt, để cuộc chiến có cái bề ngoài “nội chiến” mà các chuyên viên thế giới ưa thích diễn tả.(VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 248-50) Trong nội bộ, tin đồn đảo chính lưu truyền khắp nơi. Ngày 27/2/1962, hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đánh bom Dinh Độc Lập, nhưng không thành công trong việc tiêu diệt họ Ngô.
Nguy hiểm hơn nữa là giao tình giữa ông Diệm và Mỹ ngày một xấu đi. Những lời khen ngợi ông Diệm như “người của phép lạ” đã lạnh tắt dư âm. Từ năm 1957-1958, viên chức Mỹ bắt đầu tố cáo chế độ “Cảnh sát trị” [police state], cùng những vi phạm nhân quyền khác ở miền Nam —những cáo buộc với chứng cớ quá hiển nhiên đến độ Lansdale phải vụng về bào chữa: Đảng Cần Lao cũng như chế độ miền Nam là sản phẩm của Mỹ; tự lúc khai sinh nó đã độc tài, cách nào trách nó không dân chủ! Trong khi đó, anh em ông Diệm không còn hoàn toàn tin tưởng vào Mỹ nữa. Những lời chỉ trích trên báo chí Tây phương, rồi đến lời bàn tán “Họ Ngô phải ra đi” [The Ngos must go] của các viên chức Mỹ trẻ, và nhất là cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960 khiến anh em ông Diệm hoài nghi sự ủng hộ của Mỹ. Chỉ một việc xin đưa Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào chiếm phi trường Tân Sơn Nhất để dẹp đảo chính mà Đại sứ Elridge Durbrow cũng không chấp thuận. Lại còn áp lực hai bên phải hòa giải, thương thuyết. Nên ông Diệm chẳng cần bận tâm đến công lao của Durbrow và trưởng lưới CIA “Bill” Colby—ngăn chặn quân Nhảy Dù đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, hay pháo của phe đảo chính nã vào Dinh Độc Lập và thành Cộng Hòa—mà chúi mũi dùi vào những nhân vật như Miller, Carver, v.. v... bên cạnh nhóm đảo chính. Họ Ngô công khai tuyên bố “có bàn tay lông lá” phía sau cuộc đảo chính trên. (Theo tin đồn của chế độ Diệm, Luật sư Hoàng Cơ Thụy được Mỹ cho vào bao đựng văn thư đưa trốn khỏi nước)
Thực ra, từ năm 1959 người Mỹ mới bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Việt Nam. Một trong những lý do là tình hình Lào ngày thêm rối loạn. Trong khi đó, Hà Nội công khai tuyên bố chủ trương “thống nhất đất nước” bằng võ lực. Dẫu vậy, phải tới thời Kennedy, Mỹ mới bắt đầu leo thang sự can thiệp. Chiến lược hoàn cầu của Kennedy phần nào thay đổi so với chính sách của người tiền nhiệm: Kennedy muốn giành lại ưu thế về quân sự, chính trị và ngoại giao với Liên Sô Nga sau các biến cố phi thuyền Sputnik, phi cơ thám thính U-2, hay Cuba. Kennedy quyết định đương đầu với sách lược “chiến tranh giải phóng quốc gia” của điện Krem-li bằng mọi giá. Xương sống của chủ thuyết Kennedy là kế hoạch chống phản loạn (Counter-Insurgency Plan, viết tắt là CIP; thường được các tác giả Cộng Sản gọi là chiến tranh đặc biệt).
Trước viễn ảnh suy sụp của chế độ Diệm-Nhu, chính phủ Kennedy bỏ chính sách cơ mi cũ, muốn can thiệp mạnh hơn. Chưa làm lễ nhiệm chức, Kennedy đã phái Tướng Lansdale qua Sài Gòn từ ngày 2 tới 14/1/1961 để dò xét tâm ý ông Diệm hầu thiết lập một kế hoạch riêng cho Việt Nam. Tiếp đó là các chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, Tướng Maxwell D. Taylor, kinh tế gia Eugene E. Staley. Ngày 22/11/1961, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia [HĐ/ANQG] Mỹ phê chuẩn Nghị quyết NSAM 111 về Việt Nam. Nghị quyết mang tên “Giai đoạn đầu của Kế hoạch Việt Nam” này dựa trên tờ trình của Bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara và Ngoại trưởng Dean Rusk ngày 11/11/1961—chỉ gạch bỏ lời cam đoan rằng Mỹ sẽ can thiệp cho tới chiến thắng cuối cùng. Mỹ quyết định sẽ giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh bại cuộc nổi dạy của “Việt Cộng” bằng mọi cách, ngoại trừ việc đưa quân chiến đấu vào đây. Kế hoạch này gồm nhiều điểm, từ quân sự tới kinh tế, chính trị, và bình định. Về quân sự, Mỹ sẽ tăng cường số cố vấn, thử nghiệm những kỹ thuật chiến tranh mới (như trực thăng vận, thiết vận xa, thuốc khai quang), v.. v... Sau đó sẽ nghiên cứu việc đưa quân chiến đấu vào miền Nam, nếu cần.
[Tháng 9/1963, Ngoại trưởng Rusk vẫn khẳng định Mỹ không muốn đưa quân chiến đấu vào miền Nam để tránh rơi vào tình trạng tương tự như Pháp trước đó, dù Mỹ cũng không muốn bỏ rơi miền Nam.(FRUS, 1961-1963, IV:185)]
Về phương diện hành chính và chính trị, Mỹ ra sức khuyến khích ông Diệm thay đổi lề lối cai trị, cho phép những người ngoài đảng Cần Lao tham gia sinh hoạt chính trị để tạo thế đoàn kết quốc gia.
Về phương diện quân sự, ông Diệm rất vui vẻ đón nhận quân viện và chính sách mới của Mỹ. Chẳng hạn như từ ngày 15/6/1961, ông Diệm luôn thúc dục Mỹ phải thực hiện càng sớm càng tốt việc sử dụng thuốc khai quang để phá hoại mùa màng trong mật khu Việt Cộng. Chỉ có hai trở ngại là vấn đề lập một Bộ Tư lệnh hỗn hợp Mỹ-Việt (sau Mỹ bỏ qua); và vấn đề cho quân đội được quyền tự trị.
Về phương diện chính trị, anh em ông Diệm-Nhu cương quyết chống việc mở rộng chính phủ. Thái độ ông Diệm với cố vấn dân sự Mỹ ở các tỉnh cũng rất lạnh nhạt (như không cho cố vấn ở chung với Tỉnh trưởng; ngầm khuyến khích bất hợp tác).
Về phương diện bình định nông thôn—một lãnh vực ông Diệm không mấy chú tâm trước năm 1960—ông Nhu đưa ra hai kế hoạch Khu Trù Mật và ấp Chiến lược. Tự hào đây là quốc sách cứu vãn miền Nam, anh em ông Diệm-Nhu thường không hài lòng khi thấy báo chí Mỹ chỉ trích chiến lược này nói riêng, và chế độ độc tài, gia đình trị của họ Ngô nói chung. (Báo chí và chuyên viên về Việt Nam thỉnh thoảng nhắc đến hai tiếng “giáo phiệt Ki-tô”—tức dùng thiểu số Ki-tô cai trị một quốc gia đại đa số dân chúng không theo đạo này)
(4) “Phiến Cộng” trong Dinh Gia Long:
Đáng ngại hơn nữa, và đây là thảm kịch của họ Ngô nói riêng, toàn dân quân miền Nam nói chung, qua kế hoạch “chiêu hồi,” anh em ông Diệm bị lôi cuốn dần vào cái bẫy sập “hòa bình, thống nhất, trung lập” của Hà Nội, với sự cổ võ của chính phủ Charles de Gaulle. Bẫy sập này bắt đầu mở ra trước hoặc sau bài chúc Tết của Hồ Chí Minh vào dịp đầu năm 1962—Hồ ngỏ ý mong mỏi thương thuyết “để hòa bình thống nhất Tổ quốc, trên cơ sở độc lập, dân chủ như Hiệp định Giơ-ne-vơ [Geneva, 20-21/7/1954] qui định.” (Báo cáo số 41/AS, Roger Lalouette gửi Couve de Murville; AMAE [Paris], CLV, SVN, hộp 91; Nhân Dân, 1/1/1962; Hồ Chí Minh Toàn Tập, 1989, 9:272) Vì thế, có tin ông Hồ đã gửi cho ông Diệm một chậu đào “vui Xuân” Nhâm Dần (1962)—chậu đào rồi sẽ tưới bằng máu họ Ngô.
[Theo Tướng Đỗ Mậu, ông Diệm khoe chậu đào này do bà con ngoài Bắc gửi tặng. Một nhân chứng khác, ông Cao Xuân Vỹ, cho rằng Hồ gửi chậu đào trên vào dịp Tết Quí Mão, 1963]
Trọn năm 1962 và đầu năm 1963, Hà Nội tiếp tục tung ra những màn hỏa mù ngoại giao “hòa bình, thống nhất trên cơ sở Hiệp định Geneva,” qua bài viết của Thiếu tướng Nguyễn Văn Vịnh, chuyến viếng thăm India của Y sĩ Phạm Ngọc Thạch, và đặc biệt, những cuộc tiếp xúc bí mật với anh em ông Diệm-Nhu. Vào tháng 5/1963, trong bài phỏng vấn của Alfred Burchett trên tờ báo chuyên về ngoại giao của Liên Sô Nga, New Times [Tân Thời Báo], Hồ còn lập lại đề nghị này như để khuyến khích họ Ngô.
Đại sứ Pháp Roger Lalouette—qua thư riêng của ông Diệm xin Paris cứu nguy vào mùa Thu 1961, và kế hoạch “trung lập hóa” Đông Dương của Tổng thống de Gaulle—đã hướng dẫn anh em ông Diệm lạc dần khỏi vòng quĩ đạo che chở và dung dưỡng của Mỹ. Giáo hoàng John XXIII (1958-1963), người từng trao đổi quà tặng với Nikita Khruschev nhân dịp Giáng Sinh, cũng ít nhiều tiếp tay anh em ông Diệm-Nhu trong việc “ve vãn” [flirting] Cộng Sản này (với niềm tin rằng Hồ Chí Minh chủ hòa, và Trung Cộng chủ chiến). Ngoài ra, cũng cần đề cập đến không khí hòa hoãn đặc biệt giữa Mỹ và Nga vào cuối năm 1962, đầu năm 1963. Tháng 12/1962, Khruschev đề nghị hai siêu cường nên hạn chế cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử. Ngày 10/6/1963, Kennedy đáp ứng bằng bài diễn văn tại Đại học American ở Kentucky, kêu gọi tiến về một nền hòa bình thế giới. Khruschev hết lời ca ngợi, và ngay sau đó, đại diện Mỹ, Bri-tên cùng Nga bắt đầu thương thuyết về vấn đề hạn chế thí nghiệm bom nguyên tử. Ngày 5/8/1963, Hiệp ước ngưng thí nghiệm nguyên tử trên không gian, trong khí quyển và dưới nước ký tại Mat-scơ-va.
Chính ông Nhu không dấu diếm người Mỹ những cuộc tiếp xúc bí mật với cán bộ Cộng Sản trong khuôn khổ quốc sách “chiêu hồi” (như ý định xin về hàng của một Đại tá Cộng Sản và 3 tiểu đoàn ở Lào). Có lần, ông Nhu đã kiêu hãnh chỉ vào chiếc ghế trước mặt, khoe với viên chức tình báo Mỹ rằng một cán bộ cao cấp Việt Cộng vừa ngồi ở đó.
[Cho tới nay vẫn chưa có tài liệu rõ ràng về những đầu mối bản xứ giúp ông Nhu ve vãn Việt Cộng. Có người cho rằng Mã Tuyên, một lãnh tụ Hoa kiều ở Chợ Lớn, là đầu mối quan trọng. Lại có tin Albert Phạm Ngọc Thuần [sau đổi thành Thảo], cựu Giám đốc Mật vụ của Ủy Ban Hành Chính Kháng chiến Nam Bộ (1947-1949), và lúc đó giữ chức Thanh tra ấp Chiến lược, với cấp Trung tá, là đầu mối khác. Ngoài ra, phải kể Vũ Ngọc Nhạ của cụm tình báo chiến lược A-22, và các ổ trí vận ở Sài Gòn dưới quyền Trần Bạch Đằng, kể cả em gái Bộ trưởng Trần Lê Quang, v.. v...]
Đây có lẽ là lỗi lầm chiến lược lớn nhất của anh em ông Diệm. Sở dĩ ông Diệm được đưa về làm Thủ tướng vào tháng 6/1954, hay viện trợ và ảnh hưởng chính trị Mỹ giúp khai sinh và dung dưỡng chế độ Việt Nam Cộng Hòa suốt hơn 8 năm sau Hiệp định Geneva, không nhắm mục đích cho ông Nhu bắt tay với Cộng Sản Hà Nội, hoặc, theo lời Ngoại trưởng Rusk, không để bà Nhu “vỗ tay reo hò” khuyến khích việc “nướng thịt sư.” Dù Đại sứ Frederick E. Nolting và Trưởng lưới Tình báo Trung ương (CIA) tại Sài Gòn, John H. Richardson, ngoảnh mặt làm ngơ—với hy vọng ông Nhu không bán đứng miền Nam cho Hồ—nhiều viên chức ở Oat-shinh-tân không dấu bất bình. Họ lo ngại rằng một ngày nào đó vợ chồng ông Nhu, mà ảnh hưởng đang khiến ông Diệm lu mờ dần, sẽ đòi hỏi Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam, thành lập một chính phủ liên hiệp với Hà Nội hay MT/GPMN. Hai viên chức ngoại giao có tiếng nói mạnh nhất là W. Averell Harriman và George W. Ball của Bộ Ngoại Giao, từng nổi danh về lập trường chống Cộng. Họ nỗ lực vận động bắt vợ chồng ông Nhu cùng Tổng Giám mục Thục rời nước.
(5) Thái độ giới truyền thông Mỹ:
Trong khi đó một nhóm ký giả trẻ như Neil Sheehan, Malcom Brown, David Halberstam, v.. v... được Trung tá Paul Vann, cùng viên chức trong Dinh Gia Long (Trần Kim Tuyến, Nguyễn Đình Thuần), và cán bộ tình báo chiến lược Bắc Việt (như Vũ Ngọc Nhạ, Pham Xuân ẩn) cung cấp tin tức mật—do những lý do và mục đích khác nhau—tìm cách trình bày chiến cuộc ở miền Nam và gia đình họ Ngô dưới những góc cạnh bi quan nhất. Sợi giây xuyên suốt qua những bài tường thuật của họ là trận chiến đang thua và Mỹ không thể thắng trận với anh em họ Ngô. Theo họ, Nam Việt Nam đang trở thành một thứ “bãi lầy” hay “cát lún,” nghĩa địa của uy tín và danh dự của siêu cường Mỹ. (“Chiến thắng” Ấp Bắc vào đầu năm 1963 chỉ là một thí dụ) Qua những cuộc phỏng vấn Ngô Đình Nhu và nhất là Lệ Xuân, họ biến vợ chồng Nhu-Lệ Xuân thành một thứ quái vật đen của chế độ. Vì không thích bị chỉ trích, họ Ngô tìm đủ cách phản ứng. Từ áp lực Tòa Đại sứ Mỹ can thiệp, tới sử dụng tờ nhật báo Mỹ ngữ ở Sài Gòn, Times of Vietnam [Việt Nam Thời Báo], hay vài ký giả nổi danh như Margueritte Higgins, Joseph Alsop, v.. v... để trả đũa. Rồi dần dần đến những biện pháp kiểm duyệt, trục xuất, và ngay cả bạo động. (Xem David Halberstam, The Making of A Quagmire (New York: Random House, 1965; Neil Sheehan, The Bright Shining Lie (New York: Vintage Books, 1988), tr. 269-371)
(6) Ông Diệm mất dần bạn cũ:
Từ năm 1962, nếu không phải sớm hơn, người Mỹ bắt đầu nghiên cứu một giải-pháp-khác-Diệm.(VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 256-8) Ngay những người thân cận cũ của ông Diệm trong nhóm Bạn Mỹ của Việt Nam [American Friends of Vietnam] như Giáo sư Wesley Fishel, Joseph Buttinger, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield (1903-2001), Lãnh tụ Khối đa số Thượng viện, không dấu sự hoài nghi khả năng của anh em ông Diệm. Cuối năm 1962, Mansfield còn yêu cầu Kennedy tái duyệt xét chính sách của Mỹ, tức nghiên cứu việc rút khỏi miền Nam trước khi quá trễ. (Báo cáo ngày 18/12/1962, FRUS, 1961-1963, II:Tài liệu 330; VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 239-40, 268-9)
(7) Chiến dịch chống Mỹ của Ngô Đình Nhu:
Như một phản ứng dây chuyền, hai anh em ông Diệm-Nhu bèn vận hết sức lực tự cứu. Một mặt, ông Nhu xúc tiến mạnh hơn việc móc nối Cộng Sản, qua trung gian của Pháp và Khâm sứ Vatican Salvadore d’ Asta. Trong bóng tối, ông Nhu bí mật gặp Phạm Hùng, Phó Thủ tướng đặc trách vấn đề thống nhất, ở vùng Bà Rịa.(William Colby, Lost Victory, 1989, tr.103; Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 [1994], tr. 50-3) Mặt khác, ông Nhu và vợ (Lệ Xuân) mở chiến dịch bài Mỹ. Chua ngoa nhất, dĩ nhiên, là Lệ Xuân. Ngay Đại sứ Nolting—người nhiệt thành ủng hộ ông Diệm—từng đe dọa sẽ rời khán đài danh dự trong Lễ Hai Bà Trưng năm 1963, nếu Lệ Xuân đả kích Mansfield. Hoặc, từ chối lên Đà Lạt nghỉ mát với Bà Nhu vào dịp cuối tuần vì những lời tuyên bố vô trách nhiệm của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới do Lệ Xuân làm chủ tịch.
(8) Mùa Phật Đản đẫm máu:


Image result for đấu tranh Phật giáo ở VN 1963, 1964Image result for đấu tranh Phật giáo ở VN 1963, 1964

Tiếp đó, một chuỗi biến cố trầm trọng xảy ra. Nẩy lửa nhất là cuộc nổi dạy của Phật giáo trong dịp lễ Phật đản 8/5/1963. Khởi đi từ “khẩu lệnh” cấm treo cờ Phật giáo của ông Diệm, cuộc chống đối của tăng ni, Phật tử và quyết định đàn áp của chế độ đưa đến cuộc thảm sát man rợ trước đài phát thanh Huế (khiến 9 người thiệt mạng, kể cả hai thiếu nhi—một thứ tội sát nhân (murder), vi phạm luật chiến tranh (war crimes) và vi phạm nhân quyền (crimes against human rights) mà Liên Hiệp Quốc lên án.
[Thoạt tiên ông Diệm biện bạch với viên chức Mỹ rằng có bàn tay khủng bố của Cộng Sản ném lựu đạn.(Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 285, 286) Mãi đến chiều ngày 8/6/1963, ông Diệm mới chịu nhìn nhận rằng cấp dưới đã báo cáo sai lạc là Cộng Sản ném lựu đạn.(Ibid., tr. 293) Nhưng những người tưởng nhớ họ Ngô vẫn khăng khăng rằng các nạn nhân đã chết vì một trái lựu đạn “bí mật” của Cộng Sản. Tác giả Cao Thế Dung thì nói đến một trái mìn đặc biệt của nhân viên tình báo Mỹ Scott nào đó.
Cho tới năm 2002, vài người còn nhắm mắt lại mà nguyền rủa quả lựu đạn hay trái mìn của “Cộng Sản” hoặc “tình báo Mỹ” không hề hiện hữu trên!]
Dù biết và thú nhận thuộc hạ báo cáo sai lạc, ông Diệm vẫn cho lệnh Đại tá Đỗ Cao Trí “tái lập trật tự” ở Huế, và Đại tá Lâm Văn Phát “ổn định tình hình” ở Đà Nẵng. Sau đó, phong tướng cho Đại tá Trí để thay Tướng Lê Văn Nghiêm chỉ huy vùng I. Thuộc hạ các ông Cẩn-Thục tự do sử dụng cảnh sát, công an, mật vụ, Nhảy Dù, cảnh sát, xe tăng, khói độc (blister gas) và quân khuyển để đàn áp biểu tình. Họ bắt giữ bừa bãi (arbitrary detention) và tra tấn (torture) hàng ngàn người vô tội theo phương cách Trung cổ.
Tại Sài Gòn, các lãnh tụ Phật giáo nổi danh chống Cộng như Thượng tọa Thích Tâm Châu, Thích Quảng Độ đều đứng lên bảo vệ Phật giáo. Điều khiến đại đa số thầm lặng và ngay cả người thân cận với ông Diệm xa lánh dần chế độ là phe tranh đấu Phật giáo chỉ đưa ra những nguyện vọng rất ôn hòa—bình đẳng tôn giáo và hủy bỏ Dụ số 10 đặt Ki-tô giáo lên hàng tôn giáo duy nhất được công nhận.(Phỏng vấn điện thoại ông Đỗ Mậu, 1/2002)


Image result for đấu tranh Phật giáo ở VN 1963, 1964Image result for đấu tranh Phật giáo ở VN 1963, 1964Image result for đấu tranh Phật giáo ở VN 1963, 1964

Không muốn làm mất vui ngày lễ mừng 25 năm thụ phong Giám mục (Tae Deum) của ông Thục (từ 25 tới 27/6/1963), ông Diệm lại ra tay “tái lập trật tự” theo đúng phương cách ở miền Trung. Dùi cui, vòi rồng, khói ngạt, quân khuyển, mật vụ, công an, rồi đến Lực lượng Đặc biệt, Nhảy Dù. Thái độ cứng rắn của anh em ông Diệm-Nhu, với nữ phát ngôn viên bán chính thức Lệ Xuân, đưa đến cuộc tự thiêu vì đạo pháp của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963, mồi lửa đầu tiên thiêu hủy chế độ. Rồi đến cuộc tự sát bằng thuốc độc của nhà văn Nhất Linh ngày 6/7/1963—để phản đối thứ “cong lý” của chế độ, khi ông Diệm đưa nhóm liên hệ đến cuộc đảo chính 11/11/1960 ra tòa xét xử hầu răn đe những người chống đối—cái chết đẩy giới trí thức, học sinh, sinh viên nhập cuộc.
Nhưng đáng sợ hơn là hậu quả của chính sách bàn tay sắt trên, tức sự bất mãn trong giới quân đội và công chức. Ngay những người thân thiết với chế độ cũng xa lánh, hay tích cực hơn, tìm cách tổ chức lật đổ họ Ngô. Quân đội có các Tướng Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Đôn, Lê Văn Nghiêm, Phạm Xuân Chiểu, v.. v... Dân sự có Y sĩ Trần Kim Tuyến (với sự yểm trợ của Thượng tọa Tâm Châu, Thiện Minh, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình). Ngoài ra, còn nhóm Ki-tô miền Nam, cựu Cần Lao, của các ông Huỳnh Văn Lang, Phạm Ngọc Thảo, v.. v...
Như đổ dầu vào lửa, suốt mùa Hè 1963, thái độ vợ chồng Nhu-Lệ Xuân thêm hung hăng, khiêu khích. Hai vợ chồng Nhu công khai vu cáo cuộc tranh đấu của Phật giáo do “Cộng Sản” chủ trương hay xúi dục (trong khi chính ông Nhu đang móc nối với Cộng Sản); nhục mạ những cuộc tự thiêu là “nướng thịt sư”; v.. v... Ngày Thứ Năm, 1/8, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ CBS, Lệ Xuân tố cáo các lãnh tụ Phật giáo đang âm mưu lật đổ chính phủ. Theo Lệ Xuân, tất cả những gì Phật tử đã làm chỉ có "nướng thịt sư" (barbecue a bonze) với xăng nhập cảng. Hai ngày sau, 3/8, trong lễ mãn khóa huấn luyện bán quân sự cho Thanh Nữ Cộng Hoà, Lệ Xuân lên án Phật tử là phản loạn đang sử dụng các thủ thuật Cộng sản phá hoại quốc gia. Đại sứ Trần Văn Chương, cha của Lệ Xuân, mượn đài V.O.A. [Đài Tiếng nói Hoa Kỳ] lên án con gái là vô lễ và hỗn láo[impertinent and disrespectful] trong buổi phát thanh ngày Thứ Ba, 6/8/1963. Lệ Xuân bèn sai báo Times of Vietnam (số ra ngày Thứ Năm, 8/8/1963) phỏng vấn để trả lời, khẳng định chỉ nói lên sự thực, và các lãnh tụ tranh đấu không đại diện cho Phật giáo hay dân tộc Việt Nam.
Để trả lời Lệ Xuân, ngày Chủ Nhật, 4/8, Đại Đức Nguyên Hương (Huỳnh Văn Lễ) tự thiêu trước Dinh Tỉnh trưởng Phan Thiết. Sau đó Phật tử tranh đấu biểu tình đòi lại xác. Hôm sau, 5/8, một tăng sĩ khác tự thiêu ở Sài-Gòn để đòi bình quyền tôn giáo.
Ông Nhu ra sức bênh vực Lệ Xuân. Khi Đại sứ Nolting than phiền, Nhu biện hộ rằng Lệ Xuân có quyền phát biểu ý kiến riêng của một công dân. Cá nhân ông Nhu cũng tuyên bố với hãng thông tấn Reuters rằng sẽ xuống tay với chùa Xá Lợi vì các tăng sĩ đang âm mưu đảo chính. Rồi đe dọa rằng nếu không giải quyết được vấn đề Phật giáo, sẽ có một cuộc đảo chính chống Mỹ và Phật giáo.(Ngày 5/8, New York Timesđăng lại tin này của Reuters).
Lối chụp mũ “Cộng Sản” và “âm mưu lật đổ chính quyền hợp pháp” này, được ông Diệm và Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương “làm phép lành,” không chỉ có tính cách mạ lỵ vu vơ như ở hải ngoại hiện nay. Chúng mang sức mạnh của bạo lực man rợ hôn ám các ngục tù và cơ quan cảnh sát, an ninh của chế độ: Đêm đêm, mật vụ lùng bắt học sinh, sinh viên, cùng Phật tử, và đối xử với họ như những nghi can Cộng Sản khác. Nước xà-phòng (còn gọi là sà-bông, do chữ savon) đổ vào cuống họng, rồi cho đi “tàu ngầm,” “tàu bay;” quay điện vào tai, hay bộ phận sinh dục; dùng đèn tụ quang hàng ngàn watts (oắt) chiếu vào mắt; học sinh, sinh viên bị nhốt vào những phuy [fut] chứa nước phơi giữa trời nắng, cho điều tra viên cầm dùi cui gõ bên ngoài. Và bất cứ thứ đòn tra tấn dã man nào khác mà nha trảo chế độ có thể sáng chế ra. Hai chữ “dã man” phải dùng vì không còn tĩnh từ nào đủ diễn tả cảnh người hành hạ người như nha trảo chế độ Diệm khủng bố dân chúng miền Nam, chỉ vì quyết tâm đòi hỏi tự do, dân chủ hay khác niềm tin tôn giáo. (Trong số thân hữu của tôi có quí ông Phạm Mộng Chương, Vũ Văn Lê, Nguyễn Văn Năng, hiện đang cư ngụ tại Houston, từng nếm mùi ngục tù và tra tấn của chế độ họ Ngô) Phần những lời đả kích Mỹ của vợ chồng Nhu-Lệ Xuân—chẳng hiểu do muốn chứng minh với Bắc Việt thành tâm hòa hợp, hòa giải, hay để trả đũa báo chí Mỹ—biến thành những chiếc đinh, từng chiếc, từng chiếc, đóng dần lên quan tài của chế độ.
Ngày Thứ Năm, 8/8, báo New York Times đăng trên trang nhất bài của ký giả David Halberstam, từ Sài-Gòn, với tựa "Bà Nhu Tố Cáo Mỹ Bắt Chẹt ở Việt Nam" [Mrs. Nhu Denounces U.S. for "Blackmail" in Vietnam]. Theo Halberstam, Lệ Xuân tuyên bố rằng Tổng thống Diệm không có dân chúng ủng hộ, phải dựa vào vợ chồng Nhu. Song song với bài trên có bài của Tad Szulc ở Oat-shinh-tân, tiết lộ mối quan tâm ngày một gia tăng của chính phủ Kennedy về việc chính phủ Diệm khó sống còn nếu không hòa hoãn với Phật giáo. Trong khi đó, tuần báoNewsweek, số đề ngày 9/8/1963, đăng một bài đặc biệt về “Rồng Cái” [Dragon Lady] Lệ Xuân.
Tại Oat-shinh-tân, ngày 9/8, Michael Forrestal thuộc Ban Tham mưu HĐ/ANQG làm phiếu trình lên Kennedy về thái độ của vợ chồng Nhu. Báo cáo này cũng nhắc đến việc ba quốc gia Cao Miên, Ceylon [Sri Lanka ngày nay], Nepal đã đưa vấn đề Phật giáo ra trước văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc; và, Liên Hiệp Quốc có thể sẽ họp Đại Hội Đồng để thảo luận.
Ngày 10/8, Nolting gặp ông Diệm về Lệ Xuân. Khi ông Diệm lập lại lối biện hộ rằng Lệ Xuân có quyền phát biểu ý kiến riêng, Nolting bảo thẳng Diệm rằng nếu không đích thân giải quyết, ủng hộ Đại sứ Trần Văn Chương, và chấm dứt tình trạng “động kinh” [schizophrenia] hiện tại, thì đừng trông đợi sẽ duy trì được liên hệ tốt với chính phủ Mỹ. Ông Diệm đành hứa là sẽ cứu xét các biện pháp đối với Lệ Xuân, và đã nghĩ đến việc cho Lệ Xuân "nghỉ." Trong báo cáo về Oat-shinh-tân, Nolting đề nghị cho Lệ Xuân đi "nghỉ dài hạn" vì vượt ngoài sự kiểm soát của cha mẹ và anh chồng. Tổng Giám Mục Thục cũng được thăng cấp [về Vatican]. Phó Tổng thống Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, Bửu Hội, và chính Ngô Đình Nhu đều đồng ý.(FRUS, 1961-1963, III:560-1)
Ngày Thứ Hai, 12/8—sau khi được chỉ thị phải áp lực ông Diệm tái xác định chủ trương hòa hoãn với Phật Giáo (FRUS, 1961-1963, III:537-8)—Nolting lại gặp ông Diệm. Vì họ Ngô đã có quyết tâm từ sau buổi họp mật tại Huế vào cuối tháng 6/1963, ông Diệm trút tội cho các tăng ni thiếu thành thực, và trách thế giới không biết đến việc các sư giả muốn lật đổ chế độ.
[“Sư giả” là sáng chế của họ Ngô—mùa Hè 1963, người ta thấy xuất hiện trên đường phố, rạp hát, tiệm ăn nhiều thanh niên cạo đầu trọc, mặc áo tu sĩ Phật Giáo, chửi thề, ăn nói tục tĩu. Ai cũng biết đây là sáng kiến của nha trảo họ Ngô].
Ông Diệm cũng phủ nhận nguồn tin mật mà Bộ trưởng Thuần tiết lộ với viên chức Mỹ tối hôm trước là Lệ Xuân cùng em ruột, Trần Văn Khiêm, với sự quay mặt làm ngơ của Nhu, đang tổ chức một toán cảnh sát đặc biệt để bắt cóc đối thủ. (ít tuần sau, Khiêm khoe với một ký giả Aus-tra-li-a [Australia] danh sách những người cần bị tiêu diệt)
Nhưng vì Nolting sắp hết nhiệm kỳ, ông Diệm hứa sẽ cho Nolting biết quyết định vào tối đó, khi gặp nhau tại dạ tiệc tiễn biệt—lời hứa ông Diệm không giữ. Câu trả lời đích thực của ông Diệm được Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ phát biểu trong buổi họp báo ngày hôm sau, 13/8. Ông Thơ tuyên bố sẽ truy tố một số người tham dự biểu tình ngày 8/5/1963; và những người bị bắt sau ngày ra Tuyên cáo chung 16/6/1963 có thể không được khoan hồng. Trong phần hỏi đáp, ông Thơ so sánh trường hợp Lệ Xuân với những lời chỉ trích chính phủ VNCH của TNS Mansfield. Ngày này, như để trả lời ông Thơ, Đại đức Thanh Tuệ, 17 tuổi, tự thiêu tại chùa Phước Duyên.
Bạch Cung và Bộ Ngoại Giao Mỹ không dấu được bực dọc. Trong công điện ngày 13/8 gửi Nolting, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng buổi họp báo của Thơ khó thể kết luận là "hoà hoãn." Và đặt câu hỏi liệu ông Diệm có chịu đi nghỉ mát chung với vợ chồng Nhu một thời gian, để Phó Tổng thống Thơ làm Quyền Tổng thống, và ông Ngô Đình Luyện làm cố vấn hay Thủ tướng?(FRUS, 1961-1963, III:564-5)
Trọn ngày Thứ Tư, 14/8, Nolting cố thuyết phục, nhưng ông Diệm quyết không chịu ra thêm một bản tuyên bố nào về chính sách hòa hoãn với Phật Giáo. Khi vào chào từ biệt lúc 11G00, Nolting chỉ được nghe ông Diệm ca ngợi công lao ông Nhu đóng góp vào quốc sách chống Cộng. Tới phút chót, sau khi Nolting lại đe rằng liên hệ giữa Mỹ và VNCH sẽ bị tổn thương nếu Diệm không tuyên bố rõ ràng ai đang thực sự cai trị miền Nam, cải thiện dư luận về những lời tuyên bố của Lệ Xuân, ông Diệm mới hứa sẽ ra tuyên cáo trước khi Nolting rời Sài Gòn.(FRUS, 1961-1963, III:565-6)
“Tuyên cáo” của ông Diệm thực ra là bài phỏng vấn của Marguerite Higgins đăng trên The New York Herald Tribune ngày 15/8. Ông Diệm tuyên bố vẫn theo chính sách ôn hoà với Phật giáo, và ngầm đả kích những lời tuyên bố lỗ mãng của vợ Nhu. Ông Diệm và gia đình cũng rất vui lòng về việc bổ nhiệm tân Đại sứ Henri Cabot-Lodge. Nhưng đây chỉ là món quà chia tay với Nolting, và để trấn an dư luận Mỹ. Các viên chức Mỹ không thỏa mãn với thứ “Tuyên ngôn” qua phỏng vấn báo chí này: Nó không những bán chính thức mà Diệm có thể phủ nhận hay cải chính bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, phong trào tranh đấu của Phật Giáo ngày một lớn mạnh. Tại Huế, ngày Thứ Tư, 14/8, một thợ mộc Phật tử phụ trách việc treo biểu ngữ và cờ bị bắn chết. Hôm sau, 15/8, ni cô Diệu Quang tự thiêu tại chùa Ninh Hoà. Sinh viên Huế cũng bắt đầu xao động. Từ giữa tháng 8/1963, họ công khai chống đối việc thay thế Viện trưởng Đại học Huế Linh mục Cao Văn Luận bằng Giáo sư Nguyễn Hữu Thế.
Giọt nước làm tràn ly, và cũng chiếc đinh đầu tiên đóng lên nắp quan tài VNCH, là cuộc tấn công hầu hết các chùa chiền trên toàn quốc vào nửa đêm ngày 20, rạng ngày 21/8/1963.
Đây là một tội ác vi phạm nhân quyền khác, nặng nề gấp trăm lần cách dùng đèn cầy [nến] đốt hậu môn tù nhân mà có nhân chứng tiết lộ rằng Tri huyện Ngô Đình Diệm sính dùng để khảo cung nghi can ngày còn làm quan cho Pháp hơn 30 năm trước. Cuộc tấn công này và những thủ thuật bưng bít, xuyên tạc của anh em ông Diệm-Nhu trong những ngày kế tiếp—như ông Diệm cả quyết rằng chỉ lục soát vài chục ngôi chùa lớn trong số 4,700 chùa khắp miền Nam—gỡ xuống chiếc mặt nạ “tiết trực tâm hư” của ông Diệm, và gột sạch bất cứ thiện cảm nào còn sót lại với ông ta trong đám đông thầm lặng cũng như viên chức Mỹ.
Cho đến nay, vẫn còn người cố tình xuyên tạc về biến cố tấn công các chùa chiền đêm 20 rạng 21/8. Bởi thế tưởng nên thuật lại tóm lược biến cố trên.
(9) Cuộc tảo thanh chùa chiền:
Ý định tấn công các chùa chiền và ban hành thiết quân luật từ nửa đêm ngày 20/8 không được giữ bí mật hoàn toàn như người ta thường nghĩ. Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần đã cho nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ biết về Thiết quân luật trước nhiều giờ.(FRUS, 1961-1963, III:595n2) Một ký giả Mỹ cũng tự nhận được “mật báo” từ một viên chức nào đó tại Dinh Gia Long, nên đã tới chùa Xá Lợi trước khi xảy ra cuộc tấn công. Và, thực ra, từ hơn nửa tháng trước, đích thân ông Nhu đã răn đe trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters là sẽ phá tan chùaXá Lợi, nhưng khi bị Nolting chất vấn đã qui trách cho ký giả Mỹ dẫn không đúng lời mình.
Người đưa ra đề nghị thiết quân luật là các Tướng, do André Đôn cầm đầu. Nhưng không hiểu các Tướng có biết đến kế hoạch mật của ông Nhu. Người được giao trách nhiệm tổng quát ở Sài Gòn là Trung tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân Đoàn III, kiêm Tổng trấn thủ đô. Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt, và Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô thành, chỉ huy Cảnh sát mặc giả quân phục. Tại chùa Xá Lợi (Sài-gòn), cuộc tấn công khởi sự vào khoảng 1 giờ sáng. Binh sĩ LLĐB và Cảnh Sát sử dụng cả lựu đạn khi lục soát. Hòa thượng Tịnh Khiết và Thượng tọa Tâm Châu cùng Ủy ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đều bị bắt. Hơn 30 người bị thương. Chỉ có hai tăng sĩ chạy được qua cơ quan USOM, gần chùa Xá Lợi xin tị nạn (Thượng tọa Trí Quang xin tị nạn vài ngày sau). Mặc dù các giới chức Việt Nam áp lực phải trao trả hai tăng sĩ trên, nhưng XLTV Đại sứ Trueheart từ chối. Ông Nhu bèn cho lệnh đặt kẽm gai cô lập cơ sở USOM, ngoại bất nhập, nội bất xuất. (Gravel, II:210; Tâm Châu 1994:19;FRUS, 1961-1963, III:595-7; Xem thêm Phạm Trọng Nhân, "Cuốn sổ tay của một nhân viên ngoại giao nhân vụ tấn công chùa Xá Lợi;Bách Khoa, số 169 (15/1/1964), tr. 31-43, và số 170 (1/2/1964), tr. 21-31).
Chỉ riêng tại Sài-gòn, 2,000 tăng ni Phật tử bị bắt. Ngoại trừ Hòa thượng Tịnh Khiết được phóng thích ngay, hầu hết các lãnh tụ tăng ni tranh đấu đều bị giam giữ. Nhiều người bị tạm giam trên những sà-lan nổi trên sông Sài-gòn. (Giống như chế độ Decoux giam giữ tù binh Cộng Sản trong cuộc nổi dạy ở miền Nam vào tháng 11/1940)
Tại Huế, khoảng 3 giờ đêm tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi. Đồng bào quanh chùa đánh mõ, gõ thùng thiếc báo nguy. Đợt tấn công đầu, Cảnh sát Dã chiến bị đẩy lui. Sau đó, Đỗ Cao Trí cho lệnh nổ súng. Giáo sư, sinh viên và học sinh tranh đấu trong vụ cách chức Linh mục Viện trưởng Cao Văn Luận trong hai ngày 17-18/8 cũng bị bắt giữ tại tư gia.
Theo Đại sứ Pháp, người có mặt bên ông Nhu suốt thời gian tấn công chùa chiền, viên chức Việt còn bỏ vũ khí, truyền đơn vào các chùa để vu cáo Phật giáo âm mưu lật đổ chính phủ. Anh em ông Diệm-Nhu cũng cắt hết điện thoại của các cơ quan Mỹ hầu mong bưng bít sự thực. Các phi vụ bị tạm ngưng. Báo chí bị kiểm duyệt gắt gao.(CLV, SV, 17:28; FRUS, 1961-1963, III:598-9)
Ngày 6/9, ông Nhu biện bạch với một viên chức CIA Mỹ rằng ngày 8/5 đang đi nghỉ mát với gia đình. Nhu cũng không liên quan gì đến việc ban hành thiết quân luật hay tấn công chùa chiền. Tối ngày 18/8, các Tướng đã yêu cầu Diệm ban hành thiết quân luật. Ngày 19 hay 20/8, Đỗ Cao Trí cũng vào gặp Nhu trình bày một kế hoạch tấn công các chùa và danh sách những người cần bắt mà Trí đã chuẩn bị từ một tháng trước. Nhu chỉ là con dê tế thần trong cuộc khủng hoảng này. Từ sau ngày 21/8, Nhu vẫn theo đuổi chính sách hòa hoãn. Nhân viên CIA có cảm tưởng Nhu dấu diếm sự thực [deception]. (FRUS, 1961-1963, IV, Tài liệu 69)
Để che đậy cho tội ác có thể bị truy tố ra trước Tòa Hình sự Quốc tế này, trong buổi họp chính phủ đặc biệt vào 5 giờ rưỡi sáng ngày 21/8, ông Diệm hoàn toàn im lặng về cuộc đánh chùa, bắt tăng ni, mà chỉ nói nhiều đơn vị Cộng Sản đang xâm nhập một số tỉnh lﬠquận lần thủ đô nên phải thiết quân luật để tảo thanh theo điều 44 Hiến pháp. Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu và Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ phản đối nhưng không kết quả.
Đúng 6G00 sáng, Tổng thống Diệm chính thức tuyên bố thiết quân luật qua đài phát thanh. Đồng thời tiết lộ vì Tướng Lê Văn Tị bệnh nặng đã cử Trung tướng Trần Văn Đôn làm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, và Tướng Tôn Thất Đính được phong làm Tổng trấn. Sau đó, ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.(AFP) Đài phát thanh quân đội cũng đọc một nhật lệnh dài của ông Nhu, kêu gọi Thanh Niên Cộng Hòa phải ủng hộ chính quyền.
Ngay trong ngày 21/8, Tướng Đôn báo cáo qua điện thoại với Tướng Harkins rằng chính ông Diệm ra lệnh Thiết quân luật để chống lại Phật giáo. Hiện mới chỉ sử dụng một tiểu đoàn Dù, 1 tiểu đoàn TQLC, và quân cảnh ở Sài-gòn. Tuy nhiên, các đơn vị ven đô đều đặt trong tình trạng báo động. Thiết giáp cũng xuất hiện trên đường phố Sài-gòn, Chợ-lớn và Huế.
Cuộc tổng tấn công chùa chiền xảy ra khi Đại sứ Henri Cabot-Lodge mới từ Honolulu qua Tokyo, và dự định ghé thăm Hong kong ít ngày, trước khi tới Sài Gòn để trình ủy nhiệm thư vào ngày 26/8. Oat-shinh-tân vội gửi một chuyến phi cơ quân sự đặc biệt cho Lodge tới ngay Sài Gòn. Khoảng 21G30 ngày 22/8, Lodge mới có mặt tại thủ đô miền Nam.
Đại sứ Cabot-Lodge là một lãnh tụ quan trọng của Đảng Cộng Hòa Mỹ. Năm 1960, Lodge từng đứng chung liên danh với Richard M. Nixon, nhưng bị liên danh Kennedy-Johnson của đảng Dân Chủ đả bại khít khao. Từ tháng 6/1963, khi Oat-shinh-tân hỏi ý kiến về việc đề cử Lodge, ông Diệm không phản đối, nhưng không dấu sự bất mãn và lo ngại. Ông Nhu mỉa mai Lodge là Toàn quyền [Gouverneur General], trong khi ông Diệm tuyên bố dù có gửi 10 Lodge qua Việt Nam, Mỹ vẫn phải huấn luyện người bắn pháo binh vào Dinh Gia Long.
Trong buổi tiếp kiến Kennedy vào trưa ngày 15/8, Cabot-Lodge có cảm tưởng rằng Kennedy đặc biệt lo ngại về tình hình Việt Nam, và hàm ý rằng chế độ Diệm đang đi vào đoạn kết. Cuộc tấn công chùa chiền ngày 21/8 đặt Lodge trước một việc đã rồi. Một cái tát xiếc, như một ký giả Mỹ nhận định, nếu xét kỹ những áp lực và đòi hỏi “hòa hoãn với Phật giáo” của Oat-shinh-tân.
Ngay trong ngày 23/4, Cabot-Lodge cho nhân viên đi tiếp xúc hầu hết các nhân vật cao cấp Việt để có được một hình ảnh rõ ràng về tình hình. Lodge còn mời các ký giả Mỹ tới tham khảo hầu cải thiện liên hệ giữa Tòa Đại sứ với các ký giả. Không kém quan trọng, Lodge cho người đi tháo gỡ dây kẽm gai mà Cảnh sát giăng kín trụ sở USOM, đích thân tiếp xúc hai nhà sư xin tị nạn, và gặp đại diện nhóm Caravelle.Lodge còn tiếp xúc với Đại sứ Italia Giovanni d’Orlandi và Khâm sứ Vatican Salvadore d’Asta. Chỉ trong vòng 24 giờ, Lodge đã nắm vững được tình hình. Trước hết, quân đội không dính líu gì đến cuộc tấn công chùa chiền, và nhóm Tướng Dương Văn Minh, André Đôn, Lê Văn Kim muốn làm đảo chính.
Hai biến cố khác chấn động dư luận là việc Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đột ngột từ chức chiều ngày 22/8, và cạo đầu phản đối chính sách đàn áp Phật giáo. Hôm sau, ông Diệm không chấp thuận cho ông Mẫu từ chức, chỉ cho nghỉ dài hạn ba tháng, qua Nepal hành hương. Ngày Thứ Bảy, 24/8, ông Mẫu tới đại học Luật khoa nói chuyện với sinh viên, và trước khi ra về hẹn sẽ gặp lại vào ngày hôm sau. Nhưng từ ngày này, ông Mẫu bị giam lỏng tại gia. Hai ngày sau, 26/8, trên đường ra phi trường để qua India, ông Mẫu bị Tướng Tôn Thất Đính cản lại tịch thu thông hành theo lệnh của ông Diệm. (Nhân 1964 a:39) Mãi tới ngày 29/8, ông Mẫu mới được rời nước.
Biến cố thứ hai là ngày 23/8 sinh viên Y-Dược Sài Gòn xuống đường ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật tử và sinh viên, giáo chức tại miền Trung. Việc sinh viên Y-Dược, được coi là cốt cán của chế độ và những thành phần bảo thủ nhất trong xã hội, nghiêng về phe Phật Giáo cho thấy uy tín chế độ đã suy tàn. Anh em ông Diệm-Nhu tìm cách vuốt ve, nhưng không thành công. Sáng Chủ Nhật 25/8, hàng chục ngàn sinh viên học sinh biểu tình tại Chợ Bến Thành và nhiều địa điểm khác trong thủ đô. Hai anh em ông Diệm-Nhu thẳng tay đàn áp. Nhiều người chết, bị thương, hay bị bắt giữ. Vì dám chống đối chế độ, sinh viên, học sinh được chụp ngay cho cái mũ “Cộng Sản.”
Chưa hết. Cuộc tấn công chùa chiền ngày 21/8 gây nên những phản ứng sâu đậm khắp thế giới. Từ ngày 11/6, bức hình tự thiêu của Thượng tọa Quảng Đức đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu của Phật giáo và chính sách giáo phiệt Ki-tô của anh em ông Diệm. Vào thượng tuần tháng 8/1963, một số nước Phật giáo chính thức yêu cầu triệu tập Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận. Ngày 22/8, từ Nam Vang, chính phủ Hoàng Gia Cao Miên ra tuyên cáo:
Chính phủ Hoàng gia Căm-bốt kinh hoàng đón nhận tin chính phủ Sài-gòn đàn áp man rợ các tăng ni và Phật tử Nam Việt Nam vào rạng sáng ngày 21/8/1963. Việc tấn công các chùa bằng lực lượng tinh nhuệ của chính phủ, việc tàn sát tăng ni, việc bắt giữ, việc phong tỏa các nơi thờ tự đang diễn ra tại thủ đô Việt Nam là một thách thức thế giới văn minh. Trong lịch sử hiện đại chỉ có chế độ Hitler mới dám vi phạm những tội ác chống lại quyền tối thượng của con người như thế.”
Tiếp đó, chính phủ Sihanouk kêu gọi các quốc gia tố cáo và ngăn chặn tội ác đàn áp Phật giáo của chính phủ Diệm. Nam Vang còn kêu gọi Vatican cho lệnh chính quyền Diệm và tín đồ Ki-tô phải theo đúng nguyên tắc cao cả của Ki-tô giáo. (CĐ số 896, ngày 23/8/1963, Phnom Penh gửi Paris; CLV, SV, d. 17)
Ngay đến Vatican, điểm tựa vững chắc nhất của chế độ Diệm, cũng bất bình. Khâm sứ Vatican d’Asta từng bảo thẳng ông Diệm rằng việc tấn công chùa chiền và đàn áp Phật Giáo làm hại cho uy tín Vatican và đi ngược lại quyền lợi của quốc gia Việt Nam.
Tại Mỹ, dư luận báo chí cực kỳ sôi nổi. Hầu hết các cơ quan ngôn luận đều yêu cầu chính phủ Mỹ có thái độ tức khắc. Tờ New York Times kịch liệt lên án chính phủ Diệm, mà sự mất lòng dân, độc tài và tàn bạo biểu lộ qua cuộc đàn áp Phật giáo. Báo này cũng chỉ trích chính phủ Kennedy đã không sử dụng áp lực thích đáng với ông Diệm và chậm trễ trong việc minh định thái độ. (CĐ số 4879/83, Đại sứ ở Mỹ gửi BNG; CLV, SV, 17:29) Những báo khác gọi chế độ Diệm là độc tài, cảnh sát trị, làm mất giá trị sự tham chiến của lính Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng. (CLV, SV, 17:33) Chỉ riêng tờ New York Herald Tribune muốn chính phủ Kennedy tiếp tục yểm trợ chính phủ Diệm trước hiểm họa Cộng Sản. Marguerite Higgins, trong loạt bài viết về chế độ Diệm trên New York Herald Tribune, lập lại hầu như nguyên văn lời tuyên truyền của chế độ Diệm: không hề có kỳ thị tôn giáo mà những biến động ở Việt Nam thuần có tính cách chính trị, do Cộng Sản giật dây, với sự hỗ trợ của báo chí ngoại quốc, đặc biệt là Mỹ.
Trong khi đó, việc Đại sứ Trần Văn Chương từ chức (hoặc bị ông Diệm cách chức, nếu muốn) cũng gây bối rối cho chế độ. Rồi ngày 24/8/1963, ông Vũ Văn Thái—cựu Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện, hiện đang làm cho cơ quan LHQ tại Lome, Togo— cũng viết thư cho Harriman, đề nghị Tổng thống Diệm và gia đình phải ra đi. Nội dung thư ông Thái cũng tương tự như thư riêng của ông Vũ Văn Mẫu gửi Chester Bowles từ New Dehli.(FRUS, 1961-1963, IV:114-5. Ngày 5/9/1963, Harriman mới chuyển thư này cho Bundy, Cố vấn ANQG của Kennedy).
Chính phủ Kennedy bồn chồn theo dõi những phản ứng bất lợi này. Các viên chức cao cấp Mỹ không muốn cuộc tranh đấu của Phật Giáo khiến tình hình quân sự và chính trị miền Nam thêm suy thoái. Bởi thế, Oat-shinh-tân đẩy mạnh kế hoạch bắt vợ chồng ông Nhu và Tổng Giám Mục Thục ra đi. Mối quan tâm duy nhất của người Mỹ chỉ còn là số phận ông Diệm. Đa số vẫn muốn giữ ông Diệm; nhưng vấn nạn là thật khó tách rời ông Diệm khỏi các anh em. [Tối ngày 22/8/1963, tức khoảng 8G56 ngày 23/8/1963, Roger Hilsman chỉ thị cho Lodge: Chính sách về Phật giáo không thay đổi; tìm cách giảm quyền lực Nhu]. (FRUS, 1961-1963, III:605)
Vận mệnh nhà Ngô rơi gọn vào bàn tay tân Đại sứ Cabot-Lodge. Những tiết lộ của Tướng André Đôn, Quyền Tổng Tham Mưu trưởng, trong buổi nói chuyện với Trung tá Lucien Conein tại Bộ Tổng Tham Mưu ngày Thứ Sáu, 23/8, cung cấp cho Lodge những viên đạn đầu tiên để bắn vào phe bênh vực ông Diệm quanh Kennedy. Trước hết, André Đôn yêu cầu đài V.O.A. cải chính là Cảnh sát đặc biệt của ông Nhu mà không phải quân đội đã tham gia cuộc đàn áp, tấn công chùa chiền. Tướng Đôn cũng khẳng định khoảng 1,420 tăng ni bị bắt giữ khắp miền Nam trong đêm 21/8 không phải cán binh Cộng Sản.
Nhận định về anh em họ Ngô, Tướng Đôn cho rằng ông Nhu là "khối óc" [thinker] của ông Diệm; nhưng ông Diệm có quyền quyết định tối hậu. Vẫn theo Tướng Đôn, Lệ Xuân hành xử như "vợ" [platonic wife] của ông Diệm. Ông Diệm chưa bao giờ lấy vợ và không quen có đàn bà bao quanh. Chín năm qua, Lệ Xuân lo chăm sóc ông Diệm sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc. Lệ Xuân săn sóc, nói chuyện, giúp ông Diệm giải tỏa áp lực, và giống như bất cứ người vợ Việt Nam nào, thống trị gia đình. Giữa ông Diệm và Lệ Xuân không có liên hệ tình dục. Ông Diệm chưa hề trải qua mùi vị tình dục. Tình trạng giữa ông Diệm và Lệ Xuân, theo Tướng Đôn, giống như Hitler và Eva Braun.
Tướng Đôn còn tiết lộ ông Diệm rất thích những thanh niên đẹp trai. Một Trung sĩ làm vườn, nhờ đẹp trai, đã được ông Diệm cất nhắc lên hàng Trung tá, trông coi dinh điền quân đội. Theo Tướng Đôn, không thể tách rời ông Diệm với vợ chồng Nhu. Nếu phải chọn giữa hai anh em ông Diệm và Nhu, Đôn muốn thấy ông Nhu ra đi. (FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 275)
[Xin đừng vội trách ông Đôn bịa đặt. Tối ngày 26/8, ông Diệm (dù đã 66 tuổi) nói với Đại sứ Lodge là ông ta từng cảnh cáo Lệ Xuân rằng “sẽ lấy vợ,” nếu Lệ Xuân không ngừng phát ngôn bừa bãi.(VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 326) Trong hồi ký của McNamara, đoạn nói về Lệ Xuân, cũng tương tự như nhận định này. McNamara còn gọi Lệ Xuân là "một mụ phù thủy."
Vài Tướng lãnh Việt còn đi xa hơn, cả quyết từng thấy bà Lệ Xuân lả lơi, tình tứ bên ông Diệm. Tướng Nguyễn Chánh Thi thường gọi Lệ Xuân là “đĩ điếm,” làm ô uế Dinh Độc Lập.]
Đêm Thứ Bảy 24/8, sau khi nhân viên Mỹ tiếp xúc với các Tướng Lê Văn Kim, Nguyễn Khánh, v.. v... Cabot-Lodge gửi công điện báo cáo về những Tướng muốn xin yểm trợ làm đảo chính. Tuy nhiên, theo Lodge, thực trạng Sài-gòn cho thấy một âm mưu đảo chính chẳng khác gì "viên đạn bắn trong đêm."
Tại Oat-shinh-tân, tối ngày 24/8 [sáng Chủ Nhật, 25/8 VN], XLTV Ngoại trưởng George W. Ball chỉ thị cho Cabot-Lodge:
Phải áp lực cho vợ chồng Nhu ra đi; nếu Diệm không đồng ý, sẽ phải tái xét lại vấn đề ủng hộ Diệm. Lodge được quyền nói với các Tướng đang âm mưu đảo chính rằng Mỹ sẽ tuyên bố cắt quân và kinh viện để chứng tỏ việc ngưng yểm trợ Diệm. Ngoài ra, Lodge cũng được quyền cho VOA cải chính rằng quân đội không dính líu gì đến cuộc tấn công các chùa chiền. (CĐ số 243; FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 281).
Xin mở dấu ngoặc nhỏ để bàn thêm về công điện số 243 của Ball vào tối 24/8 nói trên. Công điện này chấp thuận trên nguyên tắc đề nghị của Lodge: Phải áp lực vợ chồng Nhu-Lệ Xuân ra đi, nếu ông Diệm không đồng ý, sẽ phải tái xét lại việc ủng hộ ông Diệm. Thật ra, kế hoạch bắt ông Thục và vợ chồng ông Nhu ra đi đã được cựu Đại sứ Nolting dàn xếp từ thượng tuần tháng 8/1963. Nhưng công điện 243 gửi đi khi TT Kennedy, McNamara, Rusk cùng Giám đốc CIA John McCone đều không có mặt tại Oat-shinh-tân. Bởi thế, mặc dù đượcKennedy phê chuẩn trước khi gửi đi (Roger Hilsman, To Move A Nation, tr.487-8), có người chê trách Ball vượt quá quyền hạn. (dựa theo luận cứ của Tướng Taylor; Swords and Plowshares, tr. 292-4) Thứ nữa, nếu Ball vượt quá quyền hạn, trong các phiên họp HĐ/ANQG Mỹ kế tiếp phải có ai đó chống lại. Sự thực hoàn toàn trái ngược: Khi được Kennedy hỏi ý kiến, không một ai bài bác công điện tối ngày 24/8 của Ball. Cuối cùng, sau một loạt những cuộc hội họp sôi nổi, ngày 30/8 HĐ/ANQG Mỹ quyết định quay mặt cho các Tướng làm đảo chính (tức rút lại sự bảo vệ chế độ Diệm). Ngoài ra, nếu ông Ball vượt quá quyền hạn, hẳn không thể tiếp tục ngồi ở Bộ Ngoại Giao, và dưới thời chính phủ Johnson (1963-1969) còn được giao trách nhiệm tìm hòa bình cho miền Nam.
Công điện 243 là hậu quả trực tiếp đầu tiên của cuộc tấn công các chùa chiền. Trước ngày này, cố vấn của Kennedy chia làm hai phe về vấn đề Việt Nam. Phe quân đội, kể cả Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara, và CIA muốn tiếp tục ủng hộ ông Diệm. Trong khi đó, phe dân sự, gồm Bộ Ngoại Giao và Cố vấn An Ninh Quốc Gia, muốn tách rời ông Diệm khỏi ảnh hưởng các anh em, nghĩa là phải đưa ông Thục, Nhu và bà Lệ Xuân rời nước. Người đứng sau chủ trương “Diem must go” hay “không thể chiến thắng với anh em ông Diệm” này là Tướng Roger Hilsman, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách Viễn Đông vụ (mới thay W. Averell Harriman vì Harriman được thăng chức Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Chính trị vụ). Hilsman là một cựu chiến binh Thế chiến thứ hai, chuyên viên về du kích chiến. Hilsman đã thảo công điện số 243 nói trên, và được Harriman chấp thuận. Mike Forrestal, một nhân viên Ban Tham mưu HĐ/ANQG tại Bạch Cung, gửi cho Kennedy, đang nghỉ cuối tuần ở Hyannis Port. Trong khi đó, XLTV Ngoại trưởng Ball gọi điện thoại cho Kennedy, trình bày về công điện trên. Kennedy chấp thuận cho gửi qua Sài Gòn nếu các cố vấn cao cấp đồng ý. Ball gọi Rusk ở New York, Rusk đồng ý dù không thích lắm. Harriman gọi CIA, John McCone không có mặt, nên Richard Helms, Phó Giám đốc đặc trách kế hoạch, đồng ý. Forrestal gọi Thứ trưởng Quốc Phòng Gilpatric, cả Gilpatric và McNamara chấp thuận. Gilpatric gửi một bản sao công điện cho Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của Kennedy. Taylor chống lại, nhưng McNamara không đồng ý với Taylor. Theo Robert Kennedy, em trai Tổng thống Kennedy, sau này Kennedy hối tiếc, và cho việc gửi công điện trên là một sai lầm.(McNamara, In Retrospect, 52-5)
Ngay trong ngày Chủ Nhật, 25/8, tại Sài Gòn, Cabot-Lodge triệu tập một phiên họp đặc biệt với Tướng Harkins, Tư lệnh MACV, và John H. Richardson, trưởng lưới CIA. Sau đó, điện về Oat-shinh-tân, đề nghị cho các Tướng xúc tiến việc đảo chính. Lodge cũng tiết lộ đã thông báo cho các Tướng biết rằng Mỹ chỉ muốn loại Nhu, vẫn giữ Diệm; nhưng về ông Diệm, tùy thuộc ở quyết định của các Tướng. (FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 285)
Mặc dù các cố vấn của Kennedy không nhất trí về đảo chính, và chính Kennedy không muốn thay ngựa, cuối cùng Oat-shinh-tân cho Cabot-Lodge toàn quyền quyết định. (Ibid., III: tài liệu 286)]
Tóm lại, cuộc tấn công các chùa chiền đêm 20 rạng 21/8 là một dấu mốc cực kỳ quan trọng trong liên hệ giữa anh em ông Diệm và chính phủ Kennedy. Mặc dù tự nó—và toàn bộ cuộc tranh đấu của Phật giáo nói chung—chưa đủ lật đổ chế độ Diệm, cuộc tấn công đêm 20 rạng 21/8 này chặt đứt mối liên hệ thiết thân suốt hơn 9 năm trời giữa ông Diệm và nước Mỹ. Phản ứng của anh em ông Diệm và Lệ Xuân—qua cách chụp mũ Cộng Sản để đàn áp, chống Mỹ để tự vệ (đồng hóa tham vọng cá nhân và gia đình với chủ quyền “quốc gia”), hoặc móc ngoặc Hà Nội—đã tạo phản ứng nghịch chiều. Trên con đường độc đạo của mình, anh em ông Diệm sống sót thêm được hơn hai tháng nữa phải được coi như một phép lạ.
Khi không còn thể lấy giấy gói lửa được nữa, trong tháng 10/1963, anh em ông Diệm-Nhu sai thủ hạ (Trần Hữu Duệ, một tay chơi nổi danh Sài Gòn) dùng nữ sắc và rượu thịt gài bẫy quay phim con heo các đại diện “khả kính” trong phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc. Hành động này không những tự nó là một hình tội cản trở công lý, mà còn bộc lộ rõ “đạo đức” của anh em ông Diệm-Nhu.
[Cuốn Nhật ký Đỗ Thọ nhắc đến màn gài bẫy này từ nhiều thập niên trước. Mới đây cựu Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu trưởng Lữ Đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống, cũng thú nhận trên báo Văn Nghệ Tiền Phong tiểu xảo trên. Một cựu sĩ quan thông dịch cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc hồi đó, hiện ngụ tại Houston, Texas, đã tiết lộ với tác giả thủ đoạn này từ lâu. Vậy mà nhũng người muốn che đậy tội ác cho họ Ngô—dù biết rõ hơn ai hết vụ dàn cảnh quay phim con heo trên—vẫn cố vin vào “báo cáo” của phái đoàn LHQ (danh số A/5360, sau khi các thành viên được trao tặng những tấm hình một đời khó quên ô nhục của mình) để ngụy biện cho chính sách kỳ thị tôn giáo của anh em ông Diệm hay vụ tấn công rạng sáng ngày 21/8/1963. Tội nghiệp cho bốn chữ “lương thiện trí thức!”].


PHÂN ĐOẠN II: 


Chính các Tướng đề nghị đảo chính

Cuộc đảo chính 1/11/1963 tiến triển theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là kế hoạch đảo chính ngày 1/9/1963, và rồi mới tới cuộc đảo chính ngày 1/11/1963.
1. Kế hoạch đảo chính ngày 1/9/1963:
Kế hoạch đảo chính do chính các Tướng đề nghị với viên chức Mỹ từ tháng 6/1963. Người đứng ra tiếp xúc với tình báo Mỹ là Trung tướng André Đôn. Tháng 6/1963, giữa cao trào tranh đấu Phật Giáo, Tướng Đôn cùng em rể là Lê Văn Kim (lấy Gabrielle Trần Văn Đôn) đã yêu cầu đại sứ Nolting cho phép làm đảo chính, nhưng Nolting giận dữ từ chối. Ngày 8/7/1963, ông Đôn lại tiết lộ ý định với một sĩ quan CIA.
Khoảng đầu tháng 8/1963, André Đôn gia nhập nhóm Tướng Minh, qua đường dây Tướng Kim. Từ vài năm trước, hai Tướng Minh và Kim đã tìm cách đảo chính. Những ngày kế tiếp, nhiều người tham gia, ngoại trừ Huỳnh Văn Cao (vì là thành phần tín cẩn của chế độ) và Tư lệnh Hải Quân. Tại QĐ IV, dù Tướng Cao không được tiếp xúc, Tư lệnh Phó đồng ý. Tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh QĐ II, đồng ý nhưng vẫn ở Pleiku, có lẽ để nếu cần sẽ phản lại.
Ngày Thứ Sáu 23/8, nhân dịp anh em ông Diệm-Nhu tấn công chùa và bắt giữ tăng ni trên toàn quốc, Tướng Đôn lại than phiền với nhân viên tình báo Mỹ, và hỏi ý kiến về việc lật đổ chế độ. Tướng Kim, với cương vị phụ tá báo chí của Tướng Đôn, cũng nối lại liên hệ với tình báo Mỹ. Gặp Rufus Phillips, Giám đốc Phòng Cải Cách Điền Địa của cơ quan USOM, ngày 23/8, Kim than phiền quân đội đã trở thành "tay sai" của Nhu: Chính ông Nhu đã mưu mẹo để các Tướng yêu cầu ban hành thiết quân luật. Tướng Kim còn tiết lộ ông Nhu đã cho lệnh Cao Xuân Vỹ dùng Thanh Niên Cộng Hòa tổ chức phản biểu tình các học sinh, sinh viên dự trù vào ngày 25/8. (FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 174)
Việc công khai đàn áp Phật giáo ngày 21/8 không chỉ tạo cho nhóm Tướng Minh thêm một lý do để đảo chính mà còn khiến rất nhiều người thân cận chế độ xa lánh anh em Diệm. Sáng Thứ Bảy 24/8, khi Phillips đến nhà Bộ trưởng Phụ tá An Ninh Nguyễn Đình Thuần ăn sáng, ông Thuần nói đến lúc vợ chồng Nhu phải ra đi. Theo Thuần, ngày 23/8, ông Diệm viết thư cho Lệ Xuân, yêu cầu từ nay đừng tuyên bố gì nữa. Đồng thời, cho Tướng Bénoit Trần Tử Oai, Cục trưởng Tâm Lý Chiến, và Tổng Giám đốc Thông Tin biết lệnh này. Theo Thuần, nếu Mỹ cả quyết, các Tướng sẽ hành động.(FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 273)
Đại tá Đỗ Mậu (Giám đốc An Ninh Quân Đội), Tướng Nguyễn Khánh (Tư lệnh Quân đoàn II), Trần Thiện Khiêm (Tham Mưu trưởng Liên quân), hay Nguyễn Văn Thiệu (Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, từng “rửa tội” để mua chuộc lòng tin của anh em ông Diệm-Nhu) đều thay đổi thái độ. Ngày 22/8, Đại tá Đỗ Mậu gặp Tướng Đôn, xin gia nhập tổ chức đảo chính. (Mậu 1993, tr. 614) Trưa ngày 24/8, Thiếu tướng Khánh yêu cầu được gặp một nhân viên CIA để minh định không yểm trợ ông Nhu. Theo Khánh, các tướng đã chán nhận lệnh của họ Ngô, và muốn biết Mỹ có yểm trợ hay chăng. Nếu các nhà chính trị, trong trường hợp bị cắt viện trợ, muốn ngả theo Cộng sản hay chủ trương trung lập, quân đội sẽ nổi dậy. Theo Khánh, Trần Thiện Khiêm là đồng minh chắc chắn nhất của Khánh. (Ibid., III, tài liệu 284)
Trung tá Phạm Ngọc Thảo—người thân của Tổng Giám Mục Thục, từng cứu giá chế độ trong cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, và đang giữ chức Thanh tra Ấp Chiến Lược, nhưng sau này được Cộng Sản truy tặng chức liệt sĩ—cầm đầu một nhóm đảo chính khác. Albert Thảo hợp tác với nhóm ông Huỳnh Văn Lang và cựu đảng viên Cần Lao trong Liên Kỳ Nam-Bắc Việt cũ. Hai Tướng Khiêm và Raymond Khánh cũng có liên hệ; nhưng cả hai lại nghi Albert Thảo là Cộng Sản nằm vùng, hoặc vì một lý do nào đó, chỉ ậm ừ cho qua.
[Theo tài liệu Mỹ, Albert Thảo đã vận động đảo chính từ nhiều tháng trước ngày 30/8, và cũng báo cáo với cơ quan CIA tại Sài-gòn (CAS) về âm mưu đảo chính của hai nhóm Trần Kim Tuyến, Huỳnh Văn Lang.(FRUS, 1961-1963, IV:40) Ngày Thứ Sáu, 30/8, cơ quan CIA báo cáo rằng có 3 tới 5 tiểu đoàn theo Thảo. Lực lượng này đủ sức duy trì tình thế từ 3 tới 4 tiếng đồng hồ, trong khi chờ đợi các Tướng nhập cuộc. Thảo muốn đảo chính trong vòng 1 tháng, hoặc sớm hơn. Thảo muốn mời Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Chương, Trần Lê Quang, Vũ Văn Thái, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Hữu Châu. Thảo cũng liên lạc với các lãnh tụ Đại Việt. Thảo nói muốn cầm đầu ngành An ninh quân đội, tham gia chính phủ.(FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 22)
Mới đây, hồi ký Nhân chứng một chế độ của ông Huỳnh Văn Lang, nhất là tập III, đã trình bày khá đầy đủ về liên hệ giữa ông và Phạm Ngọc Thảo. (Xem thêm Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 307, 325). Tuy nhiên, trường hợp Albert Thảo khá phức tạp. Albert Thảo là loại tình báo tam tứ trùng, vừa liên lạc với Mỹ, Dinh Gia Long, các phe đảo chính, vừa có thể cung cấp tin tình báo cho Cộng Sản. Không phải vô tình mà sau này Cộng Sản phong Albert Thảo làm liệt sĩ.]
Ít ai ngờ nhất là ngay Trần Kim Tuyến—người thân cận của ông Nhu, vừa nắm cơ quan Mật vụ của chế độ, vừa lo kinh tài cho đảng Cần Lao—cũng mưu đảo chính từ tháng 7/1963. Vì việc này, ông Tuyến bị đầy đi làm Tổng Lãnh sự ở Phi Châu (Cộng Hòa Arab, rồi Morocco), nhưng vì gốc an ninh tình báo nên các quốc gia trên không nhận, phải tạm lưu trú ở Hong Kong.
Tóm lại, muốn đảo chính ông Diệm không chỉ có Tướng Minh, người nổi danh chống đối chế độ. Hầu hết các Tướng và Tư lệnh đơn vị, cùng những người “thân tín” của họ Ngô đều muốn ra tay.
Nhiệt thành, hăng say nhất trong việc lật đổ chế độ Diệm là lực lượng sinh viên, học sinh. Như đã lược thuật, sinh viên học sinh bắt đầu chú tâm đến thời sự sau cái chết của nhà văn Nhất Linh vào tháng 7/1963. Tới tháng 8/1963, họ mới tìm được cơ hội nhập cuộc. Ngọn lửa tranh đấu đầu tiên được thắp lên ở Huế, khi ông Diệm cách chức Viện trưởng Đại học của Linh mục Cao Văn Luận. Ngày 15/8, sinh viên và học sinh Huế biểu tình, chính quyền thả cả quân khuyển để đàn áp. Xô xát dữ dội. Một số bị bắt. (Nguyễn Ngu Í 1964a:43) Hai ngày sau, trong lễ bàn giao giữa Linh mục Luận và ông Nguyễn Hữu Thế, đến lượt các Giáo sư từ chức tập thể: Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Y khoa (người đã từ chối chứng nhận các nạn nhân cuộc thảm sát tối 8/5 trước Đài Phát Thanh Huế là do mảnh lựu đạn gây nên); Bùi Tường Huân, Khoa trưởng Luật khoa; Tôn Thất Hanh, Khoa trưởng Khoa học; Nguyễn Văn Trường, Ban Khoa học Sư phạm; Lê Tuyên. Tân Viện trưởng Thế phải vào Sài-gòn báo cáo. Linh mục Luận cũng bỏ vào Đà-nẵng. Các giáo sư lại ký kiến nghị yêu cầu đưa Linh mục Luận trở lại. (Nguyễn Ngu Í 1964b:28)
Chiều đó, sinh viên Huế cản đường Bộ trưởng Giáo dục Trình khi ông Trình ra phi trường vào Đà-nẵng.Ngày Thứ Ba, 20/8, Viện trưởng Thế cho lệnh những buổi hội họp trong khuôn viên trường phải xin phép trước.
[Thứ Hai, 19/8/1963: Sinh viên Huế hủy bỏ một cuộc biểu tình vì sợ bị chụp mũ Cộng Sản (ngày kỷ niệm Cách Mạng tháng 8/1945)].
Tại Sài Gòn, ngày 23/8—sau cuộc tổng tấn công chùa chiền và nhất là việc tân Đại sứ Cabot-Lodge đến nhận nhiệm sở sớm hơn hạn định—sinh viên Y-Dược khoa biểu tình đòi trả tự do cho Phật tử. Hai ngày sau, Chủ Nhật 25/8, hàng ngàn sinh viên học sinh tụ họp trước chợ Bến Thành, Sở Thú, bến Bạch Đằng v.. v... Một nữ học sinh tên Quách Thị Trang bị bắn trọng thương, rồi qua đời trong Tổng Y viện Cộng Hoà. Theo kết quả sơ khởi khoảng 500 sinh viên, học sinh bị bắt. Quân đội và Cảnh sát thẳng tay đàn áp. Hơn 200 xe đạp và xe gắn máy mà học sinh, sinh viên sử dụng để kéo đến chỗ biểu tình bị bỏ rơi gần các khuôn viên đại học vào xế trưa. Từ đêm trước các đơn vị quân đội, có cả tuần thám xa, đã kéo về thành phố ngăn chặn các ngả đường. Các công sự phòng thủ, kẽm gai được giăng ra tại nhiều ngã tư và dọc đường từ Bộ Ngoại Giao tới trường Luật, nơi cựu Ngoại trưởng Mẫu dự định đến hội thảo. Theo tin ngoại giao Pháp những cuộc truy lùng, bắt giữ tiếp tục khắp nơi. Các trường học phải đóng cửa để đề phòng bạo động.(CLV, SV, 17:84)
Mật Vụ Miền Trung của Dương Văn Hiếu truy tầm và bắt giữ bất cứ ai bị nghi ngờ tham dự đảo chính hay biểu tình. Các trại tù lớn nhất là trại Lê Văn Duyệt (nằm trong Quân trấn Sài-gòn, do Thái đen cầm đầu), Võ Tánh (Chợ Bà Chiểu, do Nguyễn Thiện Giai cầm đầu), Sở Thú, bến Bạch Đằng. (Ngày 18/9/1963, Tướng Minh khẳng định với quan chức Mỹ là trong trại Lê Văn Duyệt có tới hai trại tù giam giữ người chống chế độ; FRUS, 1961-1963, IV:272-3) Theo các nhân chứng, Mật vụ miền Trung tra tấn nạn nhân tàn nhẫn hơn cả VC hay Mật thám Pháp. Có người chỉ vì ngồi chung xe một đồng nghiệp trùng tên với một nghi can mà ông ta không hề quen biết, cũng bị bắt giam, lấy cung và tra tấn hơn ba tháng. Nhiều nhân viên MACV và Tòa Đi sứ Mỹ cũng bị bắt vì tình nghi liên hệ vào việc tổ chức đảo chính. (Phỏng vấn ông Phạm Chung, một nhân chứng từng đi tù cả thời Việt Minh lẫn Diệm, năm 1999-2000)
Không khí Sài Gòn ngột ngạt kinh hoàng.
Tối Chủ Nhật 25/8 ấy, thêm một biến cố khác xảy ra trong hậu trường chính trị. Nhân dạ tiệc chào mừng Đại sứ Lodge tại tư dinh Quyền Ngoại trưởng Trương Công Cừu, ông Nhu chính thức gặp mặt một sứ giả của Hà Nội. Đó là Mieczylslaw Maneli, Trưởng đoàn Poland [Ba Lan] trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. (Maneli 1971, tr. 137-9). Theo Maneli, từ mùa Xuân 1963, nhiều nhân vật ngoại giao đã yêu cầu Maneli gặp Nhu. Trong số này có Đại sứ Pháp Lalouette, Đại sứ India Ram Goburdhun, Đại sứ Italia d’Orlandi và Khâm sứ Vatican d'Asta. Họ cho biết đã nói với Nhu về Maneli, và Nhu ngỏ ý muốn gặp. Ngay sau buổi gặp sơ khởi, Maneli vội báo cáo về Warsaw, đồng thời thông báo với Đại sứ Liên Sô Tovmassian ở Hà-nội và Hà Văn Lâu. Lâu và Đại sứ Liên Sô tán thành.
Tình hình nghiêm trọng hơn khi trong bản tin phát thanh của đài V.O.A. vào lúc 8 giờ sáng địa phương ngày Thứ Hai, 26/8, phát ngôn viên BNG Mỹ khẳng định quân đội VNCH không đánh chiếm chùa chiền, mà chỉ có các lực lượng trực thuộc Phủ Tổng thống, không thuộc quyền Bộ Tổng Tham Mưu. Ngoài ra còn bình luận rằng viện trợ Mỹ có thể bị cắt.(Lodge không hài lòng về bản tin này; FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 287)
Bài phát thanh này khiến ông Nhu tin rằng Cabot-Lodge quyết định loại bỏ mình. Nhu bèn hạ lệnh bắt giữ tất cả những người chống đối. (Ibid., III:637n2)
Ngày 27/8/1963, Đại sứ Lalouette báo cáo về Paris rằng André Đôn tuyên bố Diệm đã lợi dụng và phản bội lòng tin của quân đội, cuộc tấn công chùa và bắt giữ tăng ni Phật tử làm hoen ố danh dự quân đội. Lực lượng tấn công chùa là LLĐB của Lê Quang Tung và Cảnh sát của Cò Túc [Tư?], dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Đính. Tung, Tư và Đính là ba trụ cột của cuộc đảo chính do Ngô Đình Nhu cầm đầu.
Hiện nay Nhu quyền thế nhất nước. Diệm chỉ còn là lãnh tụ thứ hai. Chân dung Diệm bị Thanh Niên Cộng Hòagỡ bỏ tại công sở trong vài quận đô thành. Chính Đính cho lệnh bắt giữ Vũ Văn Mẫu ngày hôm qua. Cũng có tin Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân, đã bị bắt. (CLV, SV, 17:42)
Sau một buổi họp mật, Lodge, Harkins cùng Richardson quyết định tạm thời không cho Harkins tiếp xúc với các Tướng, để Conein và nhân viên CIA khác lo việc liên lạc. Nhóm ông Đôn-Minh sẽ được lưu ý là Mỹ không nhúng tay vào đảo chính; và khuyến cáo ông Đôn tránh đổ máu, hoặc giảm thiểu đổ máu tối đa.
Tối đó, Đại sứ Cabot-Lodge trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Diệm. Theo Lodge, ông ta bảo thẳng ông Diệm rằng tại Massachusetts người ta nghĩ Lệ Xuân là Quốc trưởng VNCH, và dân chúng đọc những bài báo mà Lệ Xuân gọi những vụ tự thiêu là nướng thịt sư. Ông Diệm trả lời rằng đã nói với Lệ Xuân vài lần, nhưng Lệ Xuân khẳng định là một Dân biểu có quyền phát biểu ý kiến.
Khi Lodge nêu vấn đề phóng thích những người bị bắt, ông Diệm nói đã thả gần hết. Để chứng tỏ Phật tử là thiểu số trong nước, ông Diệm trưng dẫn một tài liệu do chùa Xá Lợi xuất bản; theo đó, tại Việt Nam chỉ có hơn 1 triệu tăng ni, Phật tử, và khoảng 2 triệu người liên hệ. Trước khi cáo từ, ông Diệm nhắc nhở Lodge rằng Mỹ kiều phải biết giữ trật tự. (FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 292, 296)
Buổi gặp mặt này chẳng có gì vui vẻ. Hôm sau, 27/8, Cabot-Lodge gặp ông Nhu. Ông Nhu yêu cầu Mỹ phải ngưng những lời tuyên bố làm tổn hại quốc thể VNCH. Người Mỹ nói quá nhiều, trong khi tại Việt Nam người ta nói quá ít. Về những lời tuyên bố của Lệ Xuân trên báo Life ngày 16/8, ông Nhu nói vợ mình là một Dân biểu, có quyền tự do phát biểu ý kiến. Ông Nhu còn tuyên bố đã chỉnh đốn lại tình hình trước ngày Lodge tới Sài-gòn (dự trù vào 26/8). Nhờ vậy, không còn cuộc tự thiêu nào.
Những lời biện bạch của ông Diệm về Phật giáo trong buổi sơ kiến trình ủy nhiệm thư—như Phật giáo chỉ là thiểu số ở Việt Nam, hay Phật giáo đã bị Cộng Sản xâm nhập—và giọng điệu khiêu khích của ông Nhu trong buổi gặp mặt ngày 27/8, đẩy Lodge vào vị thế khó thể dung thứ ngay cả với ông Diệm. Rồi đến buổi họp báo cùng ngày 27/8 của Tướng Tôn Thất Đính để giải thích lý do tấn công các chùa chiền, huênh hoang tự nhận mình là “anh hùng quốc gia,” đã bẻ gãy được âm mưu của Cộng Sản, Phật Giáo và “bọn phiêu lưu quốc tế.” Ngoài ra, còn tin đồn tòa Đại sứ sẽ bị tấn công, chiếm đóng, âm mưu ám sát cá nhân Cabot-Lodge, v.. v... Không còn là cái tát xiếc nữa mà đã trở thành công khai thách đố, khiêu khích.
Thời gian này, Oat-shinh-tân cũng cử Paul Kattenburg, Trưởng đoàn Việt Nam, qua Sài Gòn thị sát tình hình. Khi tiếp Kattenburg ngày 28/8, ông Diệm ra sức biện minh việc đàn áp Phật giáo. Trước khi từ biệt, ông Diệm nói với người bạn quen biết đã 10 năm: "Cố giúp chúng tôi." Kattenburg chua chát đáp: "Xin giúp chúng tôi nữa."
Trong khi đó, nhân viên Tòa Đại sứ tiếp tục liên hệ với các Tướng làm đảo chính. Ngày 26/8, Conein gặp Tướng Khiêm, và một nhân viên CIA khác (Spera) gặp Tướng Khánh, hứa Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ sau khi thành lập chính phủ mới. Ngày 27/8, Conein hứa với Khiêm sẽ cho gia đình các Tướng an toàn ra ngoại quốc trong trường hợp đảo chính thất bại, và sẽ cung cấp sơ đồ phòng thủ trại Long Thành của LLĐB. Hôm sau, 28/8, Conein giao cho Khiêm sơ đồ phòng thủ nói trên. Ngày 29/8, một nhân viên CIA gặp cả hai Tướng Minh và Khiêm. Để trấn an các Tướng, Phillips tìm gặp riêng Tướng Kim, xác định rằng Lodge đã phái nhân viên CIA trên đến gặp Minh và Khiêm, và còn thêm rằng chính Tổng thống Kennedy cho lệnh. Khi Kim muốn người Mỹ tiếp tay thảo kế hoạch, Lodge cũng đồng ý.(FRUS, 1961-1963, IV:79-80) Viên chức Mỹ còn thu xếp để các nhóm và cá nhân chống chế độ hợp tác với các Tướng.
Nhưng nhóm Tướng Minh vẫn còn nghi ngại bị người Mỹ gài bẫy. Ngày 29/8, khi Trung tá Conein tiếp xúc, ông Minh nói không tin Kennedy đồng ý cho làm đảo chính; ngoại trừ trường hợp Mỹ tuyên bố ngưng viện trợ kinh tế cho chế độ Diệm. Lodge vội gửi điện văn về Oat-shinh-tân, và ngày 30/8, Hội đồng ANQG Mỹ chấp thuận yêu cầu của Tướng Minh.(Gravel, II: 238-239, 738-739; FRUS, 1961-1963, IV:21, 32-3) Ngày 29/8 [30/8 VN], HĐ/ANQG Mỹ còn cho lệnh Tướng Harkins tiếp xúc với các Tướng để họ hết hoài nghi, đồng thời nhấn mạnh Mỹ muốn loại bỏ vợ chồng Nhu, nhưng không đề cập gì đến số phận ông Diệm.
Anh em ông Diệm-Nhu đã đoán biết âm mưu của các Tướng nên điều động Lực Lượng Đặc Biệt [LLĐB] của Lê Quang Tung vào thủ đô, chốt chặn các vị trí bằng thiết giáp. Tối ngày 29/8, có tin ông Nhu sẽ bắt giữ các Tướng chủ chốt trong vòng 24 giờ. Nhân viên CIA cấp tốc báo động cho Tướng Kim, nhưng việc này không xảy ra.
[Người báo tin có thể là ký giả Mỹ, hay một nhân viên thân cận với Dinh Gia Long, vì nhân vật mà tên họ chưa được giải mật này đã từng tiết lộ trước tin các chùa chiền sẽ bị tấn công đêm 20 rạng 21/8]
Ngày 30/8, ông Nhu triệu tập các Tướng ở Bộ Tổng Tham Mưu, tuyên bố vụ rắc rối với Phật giáo đã qua, nhưng những kẻ đứng sau lưng chưa bỏ cuộc. Nhiệm vụ của quân đội là phải nghe lệnh chính phủ. CIA muốn Nhu ra đi. Có nỗ lực vận động báo chí quốc tế chống lại VNCH. Nhiều viên chức Mỹ tại Sài-gòn xúi dục và cổ võ các phóng viên, ký giả chống lại chính phủ Việt Nam. Đại sứ Lodge đã hiểu rõ tình thế hơn, và Nhu có thể lèo lái ông ta. Theo Tướng Khiêm, ông Nhu còn tâm sự sẽ theo bất cứ điều gì người Mỹ muốn và được Tổng thống Kennedy ủng hộ. Nhu nói thân với Richardson, Trưởng sở CIA.(FRUS, 1961-1963, IV:90-2) Những lời tuyên bố của ông Nhu ít nữa cũng có một tác dụng tâm lý: Những người âm mưu đảo chính không khỏi lo âu về tâm ý thực sự của người Mỹ. Các Tướng còn phân vân chẳng hiểu vợ chồng Nhu có ăn lương CIA hay chăng.
15 Tướng tham dự, kể cả Trần Văn Đôn, Dương văn Minh, Trần Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Nghiêm, Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu, Trần Tử Oai, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Là, Trần Ngọc Tám, Nguyễn Giác Ngộ, Văn Thành Cao, Mai Hữu Xuân, Huỳnh Văn Cao.
Quan trọng hơn nữa, nhóm Big Minh cảm thấy chưa có đủ lực lượng, vì chưa thuyết phục được Tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Vùng III kiêm Tổng trấn Sài Gòn.
[Nỗ lực thuyết phục Đính đã bắt đầu sau cuộc họp báo ngày 27/8 của Đính. Phe đảo chính dùng kế khích tướng, dèm pha rằng Đính đã bị Nhu lừa, và chính phủ Diệm phải chịu ơn Đính mới đúng. Rồi xúi Đính vào gặp Diệm, yêu cầu Diệm phong mình làm Bộ trưởng Nội Vụ. Diệm giận dữ từ chối, bắt Đính lên Đà-lạt "nghỉ phép." Lợi dụng cơ hội, nhóm đảo chính thuyết phục Đính ngả theo. Tuy nhiên, Đính chưa quyết định dứt khoát].
[Theo Dương Văn Minh, mãi tới tháng 10/1963, Tôn Thất Đính mới đi tìm ông Minh. Sau một hồi chuyện vãn, Đính đột ngột nói: “Đại ca, quê hương chúng ta đang bị nguy hiểm. Đại ca bảo tôi phải làm gì?” Ông Minh ra chỉ thị cho Tướng Đính về đảo chính. Những ngày kế tiếp, ông Minh tìm cách hòa giải giữa Tướng Đính và Kim vì sau cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, Đính đã cho lệnh bắt giữ Kim, lúc ấy đang là Chỉ Huy trưởng trường Đà-lạt. (VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 361-2) Ngày 26/5/1964, ông Khánh nói với Cabot-Lodge rằng sau khi nghiên cứu hồ sơ của Ngô Đình Diệm về cuộc đảo chính 11/11/1960, những người chủ mưu có liên hệ chặt chẽ với Pháp và muốn ủng hộ Kim làm Thủ tướng.(FRUS, 1964-1968, I:381)].
Cuối cùng, sau hơn 24 giờ cắt liên lạc với tình báo Mỹ, sáng Thứ Bảy, 31/8, ông Khiêm mới báo cho Tướng Harkins biết rằng kế hoạch đảo chính vào ngày hôm sau, 1/9, bị tạm gác. Theo Khiêm, Big Minh vẫn chưa thực sự tin chính phủ Mỹ đồng ý cho đảo chính vì cấp bậc của Conein quá nhỏ; cần những người như Harkins hay Lodge xác định. Do đề nghị của Harkins, Khiêm hứa sẽ dàn xếp cho Harkins gặp Tướng Minh. Đồng thời tiết lộ rằng André Đôn có kế hoạch yêu cầu ông Diệm cải tổ chính phủ, đưa ba Tướng nắm các bộ Quốc Phòng, Nội Vụ và Tổng Nha Thông Tin; Ngô Đình Nhu sẽ làm Thủ tướng hoặc điều hợp tổng quát.(Gravel, II:265; FRUS, 1961-1963, IV: Tài liệu 32, 33 [tr.65-6])
Chiều đó, khi gặp Phillips, Lê Văn Kim nói Nhu và LLĐB của Lê Quang Tung phòng thủ kỹ càng, khó thể hành động. Sẽ tiếp tục chuẩn bị, nhưng cần bí mật. Khi Phillips nói Khiêm đã gặp Tướng Harkins và tuyên bố các Tướng đồng ý cho Nhu làm Thủ tướng; đổi lại, quân đội được nhiều quyền hơn, Kim rất giận dữ. Kim hẹn gặp lại vào buổi tối. Khi gặp lại, Kim nói Khiêm không báo cáo gì cho Minh về buổi gặp Harkins. Các Tướng không bao giờ chấp nhận Nhu; họ chưa thể ra tay vì Nhu và Tung đã chuẩn bị, và các Tướng thiếu phương tiện. (FRUS, 1961-1963, IV:64-6)
Lý do nào đi nữa, âm mưu đảo chính ngày 1/9 phải đình hoãn. Lúc 18G00 ngày 31/8, Lodge báo cáo về Oat-shinh-tân là các Tướng chẳng có tinh thần hay tổ chức để thực hiện.
[Theo tờ Times of Viet-Nam, cơ quan ngôn luận bán chính thức của vợ chồng ông Nhu, cuộc đảo chính này dự trù vào ngày 28/8, nhưng bị ông Nhu bẻ gãy bằng cách tuyên bố Thiết quân luật ngày 21/8; Times of Viet-Nam, 2/9/1963; Công điện số 747, ngày 2/9/1963, Saigon gửi Paris; CLV, SV, 17:51]
Ngày 4/9, cơ quan CIA Sài-gòn nhận định về âm mưu đảo chính thất bại trên như sau: Hai bên “không thắng, không bại.” Diệm-Nhu biết rằng Mỹ khuyến khích các Tướng làm đảo chính, và CIA nhúng tay vào vụ này. Có thể họ biết gần hết những phương cách CIA đã thực hiện. Có thể chính phủ VNCH nhận hiểu họ còn gặp khó khăn với các lãnh đạo quân đội, đa số dân chúng, và chính phủ Mỹ. Diệm-Nhu đang thẩm giá sự kiện chính phủ Mỹ yểm trợ một lãnh đạo khác và sẽ đi đường xa để khuyến khích, và yểm trợ lãnh đạo mới ấy. Bước sắp tới, cả hai chính phủ VNCH và Mỹ phải đạt được thỏa thuận để Mỹ có thể tiếp tục viện trợ, dù thay đổi đôi chút về hình thức cũng như việc thực thi. (FRUS, 1961-1963, IV:92-3)
2. Cuộc đảo chính ngày 1/11/1963:
Sau khi các Tướng tạm ngừng đảo chính, người Mỹ chẳng có lựa chọn nào khác hơn tiếp tục liên hệ với chính phủ Diệm. Một mặt, Oat-shinh-tân thực hiện kế hoạch “áp lực và thuyết phục” [Pressures and Pursuasion Track].(Hilsman, To Move A Nation, tr. 508) để loại anh em ông Diệm. Mặt khác, Cabot-Lodge vẫn mở cửa cho một giải pháp đảo chính.
a. Thục và Lệ Xuân ra đi:
Ngay trong ngày 31/8, Cabot-Lodge điện về Oat-shinh-tân, yêu cầu chuyển sang áp lực ông Diệm thay đổi nhân sự và chính sách Phật Giáo qua phương thức “áp lực và thuyết phục.” Về nhân sự, cần ông Thục và bà Lệ Xuân rời nước; ông Nhu sẽ lo kế hoạch ấp Chiến lược; và lập thêm chức Thủ tướng, giao cho ông Nguyễn Đình Thuần phụ trách. Về chính sách, cần phóng thích sinh viên, học sinh, tăng sĩ và Phật tử, hủy bỏ Luật số 10, các chùa chiền phải được giải tỏa và trùng tu, và chính phủ tỏ thái độ hòa hoãn với Phật Giáo. Lodge yêu cầu đích thân Kennedy tuyên bố những điều kiện trên tại Oat-shinh-tân.(FRUS, 1961-1963, IV:66-7) Lodge cũng thêm rằng có tin Nhu đang bí mật tiếp xúc với Cộng Sản qua trung gian hai đại sứ Pháp và Poland [Ba Lan], vì hai chính phủ này muốn một giải pháp trung lập giữa Bắc và Nam Việt Nam. (Maneli đã tiết lộ với CIA việc tiếp xúc với ông Nhu; rồi ngày 30/8, Đại sứ Lalouette cũng xác nhận với Lodge về việc Nhu móc nối với Cộng Sản). Để tạo áp lực tâm lý, từ nay, Lodge không nói chuyện với anh em ông Diệm-Nhu nữa nếu chưa tham khảo Bộ Ngoại Giao. Chính phủ Việt Nam, theo Lodge, đã hành xử như “những kẻ dối trá và tội phạm” [has acted both as liars and criminals].
Trong buổi họp tại Bộ Ngoại Giao sáng Chủ Nhật, 31/8 (khoảng nửa đêm cùng ngày tại Sài Gòn), Phó Tổng thống Johnson và các cố vấn của Kennedy không đi đến quyết định rõ ràng nào. Đa số muốn cho ông Diệm cơ hội chót, tức vẫn giữ ông Diệm, chỉ đưa ông Thục, và bà Lệ Xuân rời nước; riêng ông Nhu sẽ chỉ còn lo kế hoạch ấp Chiến lược.(FRUS, 1961-1963, IV:69-74, 80-1) Oat-shinh-tân chỉ thị Lodge tiếp xúc lại với ông Diệm, và Kennedy sẽ dùng buổi họp báo ngày 2/9 tại Mỹ để áp lực (như Lodge đã đề nghị). Nếu không thể dùng đường lối ngoại giao và chính trị để thuyết phục, Mỹ sẽ tạm ngưng viện trợ. Ngoại trưởng Rusk còn cho lệnh Lodge, nếu cần, bảo thẳng ông Diệm phải chứng tỏ cho người Mỹ thấy rằng chính phủ Kennedy “không thể đòi hỏi quốc dân Mỹ bị giết để yểm trợ Bà Nhu trong khát vọng nướng thịt sư.”(Ibid., IV:76-9)
Ông Nhu dường như bất chấp áp lực của Mỹ. Ngày 1/9, các báo thủ đô chạy tin lớn trên trang nhất lời tuyên bố ngày 29/8 của Tổng thống Pháp de Gaulle—đề nghị hai miền Bắc và Nam tham dự một hội nghị hoà bình, thống nhất, và trung lập hoá miền Nam.(CLV, SV, 91:156) Thực ra, de Gaulle chỉ lập lại những gì đã từng nói với Kennedy trong chuyến thăm Pháp từ 31/5 tới 2/6/1961. Nhưng ở thời điểm liên hệ Mỹ-Việt đang căng thẳng này, đề nghị của de Gaulle mang một ý nghĩa đặc biệt. Nói theo Bộ trưởng Văn hóa Trương Công Cừu, chính phủ Diệm “hiểu rõ mọi hàm ý của Paris.” Ông Nhu cũng đã cho Bản tin Việt Tấn Xã ngày 30/8 đăng trên trang nhất trọn bài diễn văn của de Gaulle.
Thật khó đoán de Gaulle có hàm ý gì. (Thời gian này, Trần Văn Hữu cũng chủ trương trung lập, và có liên hệ với Bộ Ngoại Giao Pháp. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng cổ võ trung lập.) Chỉ biết lời tuyên bố trên gây sôi nổi dư luận Mỹ. Ngày 30/8, New York Herald Tribune nhận định rằng de Gaulle muốn yểm trợ Diệm, gây ảnh hưởng ở Việt Nam. Tờ New York Times cho rằng de Gaulle bày tỏ sự bất mãn với chính sách Mỹ. TờWashington Post nghĩ de Gaulle muốn Pháp sẽ thay thế Mỹ. Phía sau hậu trường, ngày 30/8 [31/8 tại Việt Nam], Đại sứ Pháp Hervé Alphand giải thích với Ngoại trưởng Rusk rằng giải pháp trung lập có thể thực hiện được vì hiện nay Mao Trạch Đông muốn chiến tranh, trong khi Hồ Chí Minh muốn hòa bình, và Hồ vốn chống Trung Hoa. Rusk không đồng ý, coi nền trung lập giả hiệu ở Việt Nam là điều nguy hiểm nhất, sẽ tạo nên những khó khăn cho các nước lân bang, kể cả Indonesia. Alphand hứa sẽ tuyên bố với báo chí rằng Pháp không có ý định dàn xếp với Diệm hay bành trướng ảnh hưởng và làm hại Mỹ. Rusk đề nghị Alphand giải thích rằng lời tuyên bố của de Gaulle phản ảnh quan điểm dài hạn của Pháp. Alphand cũng hết sức bệnh vực ông Diệm. Theo Alphand, mặc dù Diệm không được ưa thích, nhưng chưa tìm được ai thay. Rusk xác nhận không chống ông Diệm mà khó khăn chính là Nhu. Rồi hỏi ý Alphand về việc cho Nhu qua Pháp; Alphand đáp không hiểu Nhu có chịu qua Pháp nghỉ hưu hay chăng. (FRUS, 1961-1963, IV:59-61)
Tại Sài Gòn, Đại sứ Lalouette cũng muốn hòa giải giữa ông Diệm và Cabot-Lodge. Nhân dịp Lodge đến thăm xã giao, ngày 31/8, Đại sứ Pháp ca ngợi ông Diệm là quốc trưởng có khả năng nhất ở Đông Nam á; nhưng không là một nhà chính trị, không biết ăn nói, không biết cách gây thiện cảm với báo chí, v.. v... Phần Nhu rất thông minh, phụ giúp Diệm đắc lực. Theo Lalouette, ông Diệm có thể chiến thắng CS. Hiện trạng tại Việt Nam là do giới truyền thông tạo nên. Báo chí đã tạo nên sự xúc động quá mức ở hải ngoại hơn trong nước. Trong thời Pháp thuộc, nhiều sư tự thiêu nhưng chẳng gây nên phản ứng gì trong dân chúng. Tình hình đã êm dịu dần. Phật tử được phóng thích, Luật số 10 sẽ bị rút lại. Các chùa sẽ được sửa chữa do chính phủ chịu phí tổn. Một lễ sẽ được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Lệ Xuân sắp rời nước trong vài tháng để thăm India và Mỹ. Lalouette thêm rằng các viên chức Việt muốn được nói chuyện với Lodge, nhưng Lodge đứng xa, nên họ lùi lại. Rồi Lalouette đi thẳng vào vấn đề, hỏi: “Cần làm gì để hài lòng Mỹ?” Lodge đáp: “Loại bỏ vợ chồng Nhu.” Lalouette nghĩ rằng chuyện này không được, và đề nghị đưa một ai đó lên làm Thủ tướng, giảm bớt trách nhiệm của Nhu. Vẫn theo Lalouette, trong một hai năm nữa, chiến tranh du kích sẽ tàn đi. Việt Cộng đang thất vọng, và tinh thần xuống rất thấp ở miền Bắc. Khi cuộc chiến tranh du kích chấm dứt, sẽ có thể giao thương, gạo miền Nam, than miền Bắc. Sau đó sẽ đi đến thống nhất. Khi Lodge từ biệt, Lalouette nói: Hãy trấn an dư luận Mỹ và đừng đảo chính. (FRUS, 1961-1963, IV:58-9)
Lời khuyên của Lalouette khó thay đổi định kiến của Lodge với chế độ Diệm, những người mà Lodge đánh giá như “dối trá và tội phạm.” Chiều Thứ Hai, 1/9, Cabot-Lodge áp lực ông Nhu phải thực hiện ngay lời hứa với Đại sứ Nolting từ ngày 10/8: Đó là bắt Tổng Giám Mục Thục rời nước và Lệ Xuân ra đi. Phần ông Nhu cũng đồng ý rút lên Đà Lạt.(VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 288, 325-6, 336-7, 339-41)
Ông Nhu chưa chịu buông xuôi, quyết đổ thêm dầu vào lửa. Sáng ngày 2/9, ông Nhu tiếp Maneli ngay tại Dinh Gia Long. Trưa đó, tờ Times of Vietnam đi một bản tin nẩy lửa, 8 cột, với tựa "CIA Financing Planned Coup d' état" [CIA tài trợ kế hoạch đảo chính], lên án Mỹ và CIA đã âm mưu tổ chức cuộc đảo chính vào ngày 28/8 nhưng không bị Nhu bẻ gãy. Theo báo này, từ tháng 1/1963, các chuyên viên đảo chính Mỹ—từng thành công ở Turkey, Guatemala, Đại Hàn, nhưng thất bại ở Iran và Cuba—lũ lượt kéo tới Việt Nam. Mỹ đã tiêu từ 10 tới 24 triệu MK để thực hiện đảo chính, và quĩ mật này Quốc hội Mỹ không hề hay biết. Kế hoạch đảo chính thoạt tiên dự trù vào ngày 28/8, nhưng phải ngưng lại vì Việt Nam đã ra tay trước, thiết quân luật từ ngày 21/8. Các ký giả quốc tế ở Manila đã được “tin mật” rằng Diệm sẽ dừng lại ở Manila vào ngày 29/8, trên đường lưu vong. Giờ mưu định đảo chính là 11 giờ tối ngày 28/8, nhưng sau đó phải hoãn lại vì chính phủ Việt Nam biết rõ mọi chi tiết, và cương quyết chống đến cùng, cho dẫu phải tử chiến trên đường phố Sài-gòn. Tổng thống de Gaulle, vẫn theo báo này, tỏ ra rất bất mãn (indignant) vì một cuộc đảo chính tương tự không dễ dàng thành công, chỉ làm lợi cho Cộng Sản. Với cuộc tranh đấu của Phật Giáo, tờ báo Mỹ ngữ của ông Nhu thách đố các tu sĩ tiếp tục tự thiêu. (CĐ số 747, ngày 2/9/1963, Sài-gòn gửi Paris; CLV, SV, 17:51)
Sự khiêu khích mới này khiến Cabot-Lodge khó tha thứ cho ông Nhu. Nhưng người Mỹ thường tự hào họ là người của hành động [doers]; và, chẳng mấy quan tâm đến những lời sỉ vả, nhục mạ thô tục mà người Á Đông ưa thích (kiểu Mao Trạch Đông cho quân lính xếp hàng dài theo biên giới Nga, đồng loạt tụt quần trận, chổng mông về phía phòng tuyến Nga).
Bởi thế, Cabot-Lodge đẩy mạnh hơn kế hoạch “chuyển tiếp” của mình. Để tạo thêm áp lực, Lodge khai thác tối đa hành động ve vãn Cộng Sản của ông Nhu, với sự tiếp tay của Pháp.
Như đã lược nhắc, từ đầu năm 1963, nếu không phải sớm hơn, ông Nhu đã tìm cách tiếp xúc Cộng Sản (kể cả Phạm Hùng, đặc phái viên miền Bắc). Môi giới của ông Nhu là Đại sứ Lalouette và có thể ngay chính Giáo hoàng John XXIII (1958-1963). Nhân vật Maneli, Đại diện Ba Lan (Poland) trong Ủy Ban Quốc tế Kiểm soát Đình Chiến (ICC), chỉ là mặt nổi phụ thuộc, để ông Nhu dằn mặt người Mỹ về khả năng “ve vãn Cộng Sản” của mình. Nhưng đây lại là bằng chứng hiển nhiên duy nhất Lodge có trong tay về sự “phản bội” [chiến lược chống Cộng] của ông Nhu.
[Sau khi gặp ông Nhu ngày 25/8, Maneli thú nhận với Sở CIA Sài-gòn rằng Đại sứ Pháp làm trung gian cho Nhu tiếp xúc Phạm Văn Đồng. (Ngày 30/8, nhân viên CIA tiết lộ tin trên). Cabot-Lodge bèn nhờ một người bạn tiếp xúc với Maneli để khai thác thêm tin tức. Theo nhân vật còn dấu tên này, từ nhiều tháng trước, Nhu đã chủ trương trung lập hóa và thống nhất Việt Nam. Maneli yêu cầu một người [chưa rõ tên] làm trung gian để gặp Nhu, nói Maneli sẵn sàng làm chim xanh giữa Nhu với Đồng. Nhu đồng ý cho vợ đi dự Hội nghị Dân biểu Quốc tế để giữ sĩ diện. Trong khi đó, Nhu tuyên bố với các Tướng rằng đừng sợ Mỹ cắt viện trợ, vì nếu thế, sẽ có những nguồn tài trợ khác. Nhu cũng có thể liên lạc với Hà-nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn.
Mật báo viên trên thêm rằng Nhu muốn thương thuyết với Mỹ. Nếu Cố vấn chính trị Trueheart của Tòa Đại sứ gặp Nhu, có thể có giải pháp.] (FRUS, 1961-1963, IV:89-90)
Bởi thế, sau khi ông Nhu tiếp Maneli ngay tại Dinh Gia Long vào sáng ngày 2/9 để nhờ bàn việc hiệp thương, thống nhất với Phạm Văn Đồng, Lodge báo ngay về Oat-shinh-tân xin lệnh. (FRUS, 1961-1963, IV:84-5) Chiều ngày 2/9 đó, Lodge đích thân vào Dinh Gia Long gặp ông Nhu. Để tăng cường áp lực, Lodge mang theo cả Đại sứ Italia d’Orlandi và Khâm sứ Vatican d’Asta, vì hai người này là nhân chứng trong các âm mưu “ve vãn Cộng Sản” của ông Nhu (mà theo hình luật đương thời như Sắc Luật 47 ngày 21/8/1956 và 10/59 ngày 6/5/1959), sẽ bị kết án từ chung thân khổ sai tới tử hình). (VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 340-1, 102, 151).
Khó thể chối cãi việc ve vãn Cộng Sản, và trước đề nghị của Mỹ, Nhu đồng ý sẽ từ chức, rút lên Đà-lạt sau khi bãi bỏ Thiết quân luật, tức sau khi số nhân viên Mỹ tổ chức đảo chính đã rời Việt Nam. Nhu cũng muốn đài phát thanh Mỹ ở Việt Nam ngừng đả kích chính phủ; và tuyên bố từ nay người Mỹ nào vào Việt Nam cũng cần chiếu khán [visas]. Lệ Xuân sẽ rời Sài-Gòn ngày 17/9 để dự Hội nghị các Dân biểu tại Yugoslavia. Thục sẽ rời nước trong một tương lai gần. Nhu cũng đồng ý chính phủ sẽ có một Thủ tướng. Về kinh viện, Nhu muốn được vay dài hạn, với lãi xuất thấp, hơn là viện trợ. Như thế người Mỹ tránh được trách nhiệm về những gì người Việt làm.
Nhu nói không thể rời nước vì lý do tiếp xúc với Việt Cọng; những cán bộ VC này đã rất chán nản và muốn ngừng hoạt động (?). Sáu tháng trước, một Đại tá VC muốn đào ngũ với 3 tiểu đoàn, nhưng Nhu khuyên ông ta ở lại biên giới Lào chờ cơ hội thuận tiện. Một Tướng VC ở Miên cũng muốn gặp Nhu. Không những VC đang thất vọng mà còn cảm thấy đang bị Bắc Việt lợi dụng. Nhu tiên đoán trong tương lai BV phải tiếp tế bằng không quân. Tiếp vận đường biển đã bị ngăn cản, và đường bộ cũng hầu như bất khả.(sic) Nếu tiếp tế bằng phi cơ, sẽ bị phòng không bắn hạ.
Về cuộc gặp gỡ Maneli, Nhu nói Maneli đã yêu cầu Nhu chú ý đến tuyên bố của de Gaulle [ngày 29/8] và Hồ Chí Minh [ngày 29/5], rồi hỏi Nhu muốn chuyển lời gì cho Phạm Văn Đồng. Nhu trả lời “Chẳng có gì cả.”
Nhu cũng nói Trung Cộng đề nghị bán 2 phi cơ U-40.
Theo đúng lớp lang dự trù, tại Mỹ, trong buổi phỏng vấn truyền hình với Walter Cronkite trên đài CBS ngày 2/9, Kennedy tuyên bố chính phủ Diệm đã "xa rời quần chúng," cần thu phục lại sự yểm trợ của mọi người, và thay đổi về chính sách cùng nhân sự. Cuộc chiến Việt Nam là của chính người Việt, Mỹ chỉ có thể tiếp sức. Diệm không thể chiến thắng nếu tình trạng hiện tại không thay đổi. Việc đàn áp Phật tử, Kennedy tiếp, rất không khôn ngoan. Không thể chiến thắng bằng đường lối này. Kennedy hy vọng chính phủ [Diệm] phải thấy rõ rằng họ cần thực hiện những bước để lôi kéo lại sự yểm trợ của đám đông trong cuộc chiến tối thiết này. Được hỏi liệu chính phủ [Diệm] còn thời gian để lấy lại sự ủng hộ của đám đông, Kennedy nói nếu thay đổi chính sách, và có lẽ với thay đổi nhân sự, vẫn có thể lôi kéo được sự ủng hộ của quần chúng. Nếu chính phủ [Diệm] không thay đổi, cơ hội để chiến thắng không được tốt. Về bài diễn văn của de Gaulle, Kennedy tuyên bố không hiểu de Gaulle muốn gì. Tuy nhiên, cần lắng nghe những gì de Gaulle tuyên bố vì de Gaulle không phải là kẻ thù của Mỹ. Kennedy cũng khen ngợi Cabot-Lodge đã đặt quyền lợi quốc gia Mỹ lên trên sự nghiệp chính trị khi nhận chức Đại sứ ở Việt Nam. (FRUS, 1961-1963, IV:tài liệu 50)
Trưa hôm sau, 3/9, Kennedy phê chuẩn công điện chỉ thị cho Lodge gặp lại Diệm. Đồng thời cho phép Lodge và Harkins, nếu các Tướng tiếp xúc trở lại, cần khẳng định Mỹ không thay đổi lập trường.(FRUS, 1961-1963, IV:100-3) Tối đó [10G35 ngày 4/9 VN], McNamara, Rusk và Bundy vội chỉ thị Lodge nối lại liên lạc trực tiếp với Diệm mà không cần qua trung gian Nhu, vì mặc cả với Nhu chẳng khác nào nhìn nhận sự thăng tiến của Nhu. Trong buổi gặp Diệm lần đầu, Lodge phải giải thích về ý định của Kennedy qua bài diễn văn trên CBS: Kennedy rất mong chiến thắng và hy vọng rằng chính phủ VNCH hiểu được tầm quan trọng của sự thay đổi nhân sự. Lodge cần chứng tỏ sự bất bình của Mỹ về vấn đề đàn áp Phật giáo, vì sẽ làm hại nỗ lực chiến thắng CS. Mỹ không muốn lật đổ chính phủ, nhưng sẽ tìm cách cải thiện nó. Sau khi Lodge gặp Diệm, Harkins sẽ lại gặp Diệm và Thuần như thường lệ để lo việc chiến tranh. (FRUS, 1961-1963, IV:104-6)
Như để trả lời Kennedy và Lodge, ngày 4/9 Nhu sai Đính họp báo lần thứ hai. “Anh hùng quốc gia” Đính giải thích về danh từ "aventurier internationaux" bị vấp mắc trong tuần trước, và khẳng định tất cả các tướng lãnh Việt coi Ngô Đình Nhu như lãnh tụ, và tất cả đều tin cậy Nhu sẽ mang đến chiến thắng CS.(Báo cáo ngày 5/9/1963, Lalouette gửi Couve de Murville; CLV, 17:7; Đính 1998, tr. 418-20)
Trong khi đó, khi Lalouette vào gặp, ông Diệm nói tình hình nghiêm trọng vì các sư trẻ cực đoan đã thay thế những nhà sư lớn tuổi, khả kính cũ. (CLV, SV, d. 18) Nhu thì tiết lộ với Lalouette là có thể dàn xếp với Việt Cọng để chấm dứt chiến tranh, và để thực hiện việc này, Nhu sẽ yêu cầu Mỹ triệt thoái một số quân. Thuật lại với Lodge chuyện này xong, Lalouette nhấn mạnh rằng không thể thay Diệm-Nhu, và Mỹ phải hợp tác với họ. (FRUS, 1961-1963, IV:111) Bởi thế, ngày 4/9, Lodge xin phép được giải quyết mọi việc với Nhu trước khi gặp Diệm. Rusk đồng ý.(FRUS, 1961-1963, IV:111)
Việc này chưa xong, việc khác đã xảy ra. Ngày Thứ Năm, 5/9, nhân viên ngoại giao Tây Germany trao cho sứ quán Mỹ bài phỏng vấn Lệ Xuân trên báo Der Spiegel. Theo Lệ Xuân, Lodge đang âm mưu loại bỏ hoặc ám sát Lệ Xuân. Tổng thống Diệm quá yếu, cần sự yểm trợ của Lệ Xuân. Những khó khăn hiện nay là do báo chí bịa đặt và sự can thiệp của Mỹ. (Lệ Xuân nhìn nhận với một nhân viên Mỹ là đã viết phần lớn bài phỏng vấn này;FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 68)
Tối 5/9 [09G42 ngày 6/9 VN], Hilsman cho Lodge một vũ khí áp lực mới: Tiểu ban Viễn Đông của ổy Ban Ngoại Giao Thượng viện tỏ ý nghi hoặc về khả năng lãnh đạo của Diệm-Nhu, và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Tiểu ủy ban muốn có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại để có thể duy trì viện trợ. Thượng viện Mỹ nghĩ rằng dân chúng Mỹ không muốn yểm trợ một chính phủ đàn áp dân chúng và các tổ chức tôn giáo. Tiếp tục yểm trợ một chế độ như thế đi ngược lại nguyên tắc căn bản dân chủ. Các vấn đề khiến Thượng viện lưu tâm nhất là đường lối nguy hại của Diệm-Nhu, những nguy hiểm Mỹ bị đồng hóa với những chế độ đàn áp dân chúng tại Việt Nam và các nơi khác, những bài tường thuật trên báo chí về việc Nhu móc nối với Cộng Sản, sự thất bại của Mỹ khi không thể thay thế Diệm-Nhu, sự vắng thiếu định hướng của Mỹ. (FRUS, 1961-1963, IV:113) Ngay sau khi được công điện của Hilsman, Lodge trao cho đại sứ Italia và đại diện Vatican đọc, nhờ họ gặp Nhu, bảo thẳng Nhu rằng vợ chồng Nhu phải rời Sài Gòn trong 6 tháng. (Ibid.)
Sáng ngày 6/9, trong khi chờ d’Orlandi và d’Asta chuyển lời của mình, Cabot-Lodge sai nhân viên CIA vào gặp Nhu. ìng Nhu tuyên bố chẳng dính líu gì đến bài báo trên Times of Vietnam ngày 2/9; và ông Diệm không ưa Trần Văn Khiêm, nên không hề có việc cho Khiêm tái lập Sở Nghiên Cứu (Mật vụ). Đồng thời, Nhu chỉ trích một số nhân viên Mỹ cấp thấp tung tin chống chính phủ. Được hỏi về việc liên lạc với Hà-nội, Nhu nói Đại sứ Italia d'Orlandi và đại diện India tại Ủy Ban Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến, Goburdhun, đã yêu cầu Nhu gặp Maneli. Maneli khuyên Nhu nên lợi dụng những lời tuyên bố của de Gaulle và Hồ Chí Minh để thương thuyết với Hà-nội, và tự nhận đại diện cho Phạm Văn Đồng. Đề nghị miền Nam bán gạo và bia cho miền Bắc, đổi lấy than đá. Tuy nhiên, Nhu chối việc thương thuyết với Hà-nội, nói chỉ tiếp xúc Việt Cọng ở miền Nam. Nhu cũng hoàn toàn chống lại trung lập.
Về cuộc khủng hoảng Phật giáo, Nhu cho rằng mình bị biến thành dê tế thần. Từ sau ngày 21/8, Nhu vẫn theo đuổi chính sách hòa hoãn. Nhu cũng tuyên bố không chống Mỹ. Nhân viên CIA không tin lời Nhu, cho rằng Nhu dối trá. (FRUS, 1961-1963, IV, Tài liệu 69)
Tối đó, 6/9, d'Orlandi và d'Asta gặp Nhu, chuyển chỉ thị ngày 5/9 của Hilsman là vợ chồng Nhu phải ra đi. Nhu bị xúc động mãnh liệt, nói muốn thảo luận với Lodge. Hai đại diện của Lodge trả lời rằng không còn gì để “mặc cả.” Nhu chỉ có một lựa chọn: Rời khỏi Việt Nam trong 6 tháng. Tùy Nhu muốn nhận hay chối từ. (FRUS, 1961-1963, IV, Tài liệu 63)
Ông Nhu mất hẳn bình tĩnh, tuyên bố:
Tôi là con ngựa thắng cuộc. Họ phải bắt độ (bet) trên tôi. Tại sao họ muốn chấm dứt tôi? Tôi không muốn chỉ làm cố vấn cho Tổng thống Diệm, mà cho cả Cabot-Lodge. Tôi có thể rời Việt Nam một tháng, nhưng chuyện gì xảy ra cho 100 ấp chiến lược. Tôi đã biết chuyện gì xảy ra trong giới nhà binh. Nếu tôi rời nước, họ sẽ cướp chính quyền. Bọn cóc nhái [grenouillards] của CIA và USIS sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.
Nhu nói thêm Lệ Xuân sẽ rời nước ngày 9/9 để nghỉ hè ở ẽu Châu trong hai hay ba tháng. Nhu không rời nước, chỉ từ chức, không dính líu gì đến ấp chiến lược nữa. Một thời gian sau, sẽ xuất ngoại ba bốn tháng. Khi từ chức Nhu sẽ nói thẳng ra là bị đuổi đi [kicked out]. (Ibid., Tài liệu 72)
Tại Oat-shinh-tân, HĐ/ANQG họp liên tiếp trong ngày 6/9 [chiều và khuya ngày 6/9 tại Việt Nam] về chính sách đối với chế độ Diệm. Ai nấy đều đồng ý vợ chồng Nhu phải ra đi. Kennedy cũng muốn Lodge liên lạc trực tiếp với ông Diệm, không nên quá tin tưởng ở các trung gian. Để có nhiều yếu tố hơn trước khi quyết định số phận chế độ Diệm—tức duy trì ông Diệm hay thay bằng một lãnh đạo mới, như Nguyễn Ngọc Thơ, Dương Văn Minh, v.. v...—Kennedy gửi Tướng Victor Krulak và Joseph Mendenhall qua Việt Nam để nghiên cứu tình hình tại chỗ từ ngày 6 tới 9/9/1963. (FRUS, 1961-1963, IV:117-20)
Chiều đó [8G42 ngày 7/9 tại VN], Rusk chỉ thị Lodge mở lại liên lạc với ông Diệm, yêu cầu giải quyết ngay các vấn đề khẩn thiết như bãi bỏ Thiết quân luật, phóng thích Phật tử và học sinh, sinh viên, bỏ kiểm duyệt báo chí, giải tỏa các chùa chiền, v.. v... Thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng. Rusk cũng yêu cầu Lodge nên cố tránh một cuộc đương đầu hay giao tối hậu thư, mà phải giải thích cho ông Diệm biết nước Mỹ đang hoạch định chính sách mới, trong khi chịu nhiều áp lực của báo chí, dư luận và Quốc Hội. (FRUS, 1961-1963, IV:128-9) Tuy nhiên, Lodge chưa gặp ngay ông Diệm mà có ý chờ ông Nhu thực hiện những gì đã hứa.
Hôm sau, 7/9, do áp lực của Khâm sứ d’Asta và Cabot-Lodge, Tổng Giám Mục Thục lên đường qua Roma cùng Giám mục Picquet. Có lẽ chẳng vui vẻ gì, ông Thục tuyên bố ở Roma rằng CIA Mỹ đang bỏ ra 20 triệu Mỹ Kim để âm mưu đảo chính vào ngày 21/9 sắp tới. Thục còn khẳng định các sư không tự thiêu mà bị giết bằng búa. Chẳng hiểu vì những lời tuyên bố này, hay một lý do nào đó, Giáo Hoàng Paul VI hủy bỏ buổi triều kiến dự trù, mà cũng chẳng đề cập gì đến việc thăng cấp Hồng Y. Vì mãi cuối tháng đó Công đồng Vatican II mới tái nhóm, ngày 11/9, ông Thục bay qua New York để vận động cho Lệ Xuân vào Mỹ “giải độc”—đòi hỏi “công lý,” như ông Diệm nói với Lodge; nhưng dưới mắt Cố vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy là một hành động biểu lộ “sự điên rồ tập thể của một gia đình cai trị” [collective madness in a ruling family] chưa hề thấy sau thời các Nga hoàng. (FRUS, 1961-1963, IV:175) Hồng y Spellman không chịu tiếp, nên chính phủ Mỹ phải can thiệp cho Spellman gặp mặt ông Thục.
Bà Lệ Xuân cũng rời Sài Gòn ngày 9/9 như ông Nhu đã hứa, để tham dự Đại hội nghị sĩ quốc tế Yugoslavia và “giải độc.” Vì sứ mệnh nặng nề, Lệ Xuân mang theo một đoàn tùy tùng, kể cả con gái là Lệ Thủy và một nữ bí thư. Nhưng ai nấy đều đoán biết tham vọng chính trị của Lệ Xuân bắt đầu đi vào đoạn kết. Những lời nhục mạ Phật giáo cùng cuộc tranh đấu bình quyền tôn giáo, xen kẽ với những lời đả kích cá nhân Kennedy cùng viên chức Mỹ [“pinks”] của “Rồng Cái” trong những tuần lễ kế tiếp chỉ mang lại sự bẽ bàng cá nhân và lòng khinh miệt, giận dữ với họ Ngô. Phật tử trên thế giới và tình báo Mỹ cùng cha mẹ ruột Lệ Xuân sẽ dạy bảo “Rồng Cái” thế nào là mặt trái của quyền lực—tức nỗi cay đắng, bẽ bàng của những con sô cẩu [chó rơm] của Lão tử khi cuộc cúng tế đã qua.
[Thời gian này, Mỹ bỗng mất một lá bài chính trị nuôi dưỡng bấy lâu. Tối Thứ Bảy, 7/9, Bộ trưởng Thuần gặp Rufus Phillips (nhân viên cao cấp USOM), tiết lộ ông Nhu đang nắm hết quyền lực trong nước. Thuần muốn từ chức, nhưng không dám vì sợ Nhu giết—ông Nhu nghi rằng Thuần đã bị Mỹ mua.(FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 76) Hôm sau, khi Trueheart đến thăm, Thuần lập lại những điều đã nói với Phillips và tỏ ý không tin các Tướng dám hành động. [Theo ông Thuần, Trần Thiện Khiêm trung thành với ông Diệm, nhưng có thể đang làm việc với Phạm Ngọc Thảo]. Thuần rất lo ngại cho tính mạng mình vì trên danh sách thủ tiêu của Trần Văn Khiêm có tên Thuần. Trong tổ chức của Khiêm có cả Đại tá Phước, tỉnh trưởng Vĩnh-long. Thuần đặc biệt quan tâm đến việc Đại sứ Italia, d' Orlandi, tuyên bố rằng Thuần sẽ làm Thủ tướng. "Bộ ông ta muốn tôi bị giết sao," Thuần than thở. Theo Thuần, Nhu đang muốn tiêu diệt Thuần, nói với ông Diệm rằng Thuần là nhân viên của Mỹ; bởi thế Diệm thay đổi thái độ với Thuần. LLĐB đã tung truyền đơn nói Thuần và Bộ trưởng Tư pháp Bùi Văn Lương lĩnh của Mỹ hàng trăm ngàn Mỹ kim. Thuần đã mang truyền đơn này vào than phiền với Diệm. Nhu cũng tung tin đang được Lodge yểm trợ, và sẽ trở thành cố vấn chính trị của Lodge. (FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 75) Trueheart nghĩ rằng Thuần đã bỏ hết mọi hy vọng, chỉ lo toan cho tính mạng sống và sự an toàn của gia đình. Lá bài Nguyễn Đình Thuần cũng chấm dứt từ đó.]
Chính sách “áp lực và thuyết phục” của Mỹ vẫn tiếp tục. Ngày 8/9, David E. Bell, Giám đốc chương trình viện trợ Mỹ, tuyên bố trong một buổi trực tiếp truyền hình rằng Quốc Hội Mỹ sẽ cắt viện trợ nếu Diệm không thay đổi chính sách. Trong khi đó Thượng Nghị sĩ Frank Church và một số người khác chuẩn bị nạp các dự thảo luật đòi cắt viện trợ cho Việt Nam.
b. Áp lực Nhu rời nước:
Ngày 9/9, sau khi Lệ Xuân ra đi, Lodge mới gặp ông Diệm lần thứ hai sau ngày nhậm chức. Hai người thảo luận nhiều vấn đề, đặc biệt là Lệ Xuân và Thục. (Lệ Xuân từng đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước LHQ, và Nhu muốn yêu cầu Quốc Hội Mỹ điều tra chính sách của Kennedy. Thục thì tuyên bố Mỹ đã trả 20 triệu MK để lật đổ chế độ Diệm). Khi Lodge nói cần thay đổi nhân sự, như Nhu phải đi xa, ít nhất đến cuối năm 1963, ông Diệm hỏi ngược lại tại sao Nhu phải đi khi cần người trông coi ấp chiến lược.
Về vấn đề Phật giáo và những người bị bắt giữ, ông Diệm nói hiện chỉ còn giữ 70 tù nhân tham dự biểu tình. Ông Diệm cũng nói đại diện Việt Nam tại LHQ sẽ chứng minh nhiều ngôi chùa đã biến thành "nhà chứa" [bordellos], cảnh sát tìm thấy quần áo lót đàn bà, hình ảnh khiêu dâm, một nhà sư đã phá trinh tới 13 thiếu nữ. Chính phủ chỉ tảo thanh vài ba chục chùa trên tổng số 4,700 chùa. Tại chùa Xá Lợi, những thành phần khiêu khích đã ném đồ vật lên đầu khách đi đường, nên phải có thái độ. Học sinh, sinh viên bãi khoá vì chúng là Cộng sản. Khi Lodge đọc cho ông Diệm một bản tin của Reuters, dẫn lời tuyên bố của Tổng Giám Mục Thục rằng các tăng sĩ không tự tử mà họ đã bị giết bằng búa, ông Diệm chỉ im lặng. Trong báo cáo về Oat-shinh-tân, Lodge nhận xét ông Diệm nặng mang tinh thần Trung cổ.(FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 77)
[Ngày Thứ Năm, 5/9, khi trả lời thư ngày 31/8/1963 của Tổng thư ký LHQ U Thant, ông Diệm cho rằng không hề có việc đàn áp Phật giáo tại Việt Nam. Những cáo buộc trên thuần là “sản phẩm tưởng tượng của thực dân.” Các nước Phi và á châu đã bị “đầu độc bởi âm mưu quốc tế của phương Đông hoặc phương Tây chống lại VNCH.” Diệm cũng khẳng định đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề Phật giáo. (American Foreign Policy: Current Documents, 1963, pp. 869-70; FRUS, 1961-1963, IV:112)
Ngày này, phái đoàn Krulak và Mendenhall vừa hoàn tất chuyến tham quan (khoảng 24 giờ) Việt Nam. Họ được Lodge trình bày tóm lược buổi đối thoại với ông Diệm, và ý định muốn bắt ông Nhu rời nước càng sớm càng tốt.
Trong phiên họp ngày 10/9 tại Bạch Cung, hai bản báo cáo của Krulak và Mendenhall khiến Kennedy và các cố vấn nhức đầu. Hai báo cáo này khác nhau như ngày với đêm, bộc lộ rõ đường ranh phân chia trong giới cố vấn thân cận của Kennedy. Tướng Krulak cho rằng cuộc chiến vẫn tiến triển tốt đẹp, và cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại không ảnh hưởng gì đến quân nhân hay vùng nông thôn. Mendenhall kết luận rằng không thể thắng với anh em ông Diệm-Nhu, và người Việt bắt đầu thiếu lòng tin cả chính phủ Mỹ.Nhiều người tại Huế và Sài-gòn nói Cộng Sản còn [tốt] hơn cả chế độ Diệm. Nhiều người Việt không dám nói chuyện với Mỹ kiều, lo sợ bị bắt giam. Tại sáu tỉnh miền Trung Mendenhall đi qua, các sĩ quan cao cấp yểm trợ ông Diệm, nhưng sĩ quan cấp dưới bất mãn. Các cấp tỉnh trưởng, quận trưởng còn trung thành, nhưng mọi công chức cấp dưới chống đối. Tình hình quân sự có vẻ suy thoái trong tháng 8/1963. (FRUS, 1961-1963, IV:144-5)
Kennedy phải chua chát hỏi Krulak và Mendenhall rằng thực chăng hai người cùng thăm một xứ. Sau khi nghe thêm thuyết trình của Rufus C. Phillips và John Mecklin mới từ Sài Gòn về, Kennedy tạm thời chưa có quyết định rõ ràng về ông Diệm, dù số phận ông Nhu đã được định đoạt.
[Mecklin đề nghị nếu muốn làm đảo chính, cần chuẩn bị trước để đưa quân chiến đấu vào miền Nam, vì các chính phủ kế tiếp có thể suy yếu hơn Diệm. Phillips không đồng ý, vì sức mạnh của Nhu đã được phóng đại quá mức, trong khi đánh giá thấp những người chống đối. Nhu khiến người ta sợ và trọng, nhưng không trung thành. Hơn nữa, dùng lời không đủ thuyết phục họ Ngô. Không cần phải cắt hẳn viện trợ mà cắt những chương trình nào đó có hậu quả tâm lý nhắm vào Tung và Nhu. Phải sẵn sàng đương đầu những khó khăn do Nhu gây ra, và trút trách nhiệm sự thoái hóa trong cuộc chiến chống Cộng, nếu xảy ra, lên đầu Nhu. Không nên nghi ngờ các Tướng. Các Tướng chưa làm đảo chính vì họ không có lính trong tay, chưa có kế hoạch và chưa tin tưởng ở sự yểm trợ của Mỹ. Có thể dùng quân Mỹ trong trường hợp khẩn cấp như bảo vệ thân nhân Mỹ, nhưng dùng quân Mỹ để đánh VC là một lầm lẫn nghiêm trọng; IV:249-51]
Ngày 11/9/1963, ông Nhu lại thả thêm một quả bom khiêu khích Cabot-Lodge: Times of Vietnamloan tin bọn phiêu lưu quốc tế sắp chuẩn bị vòng thứ 2. Trong khi đó, Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình của giáo phận Sài Gòn ra thư luân lưu nói về thông điệp ngày 26/8/1963 của Paul VI (Paulius P.P. VI): Người giáo dân lương thiện phải trung thành với chế độ đang cầm quyền, bất kể sự chính thống của chế độ.(CLV 46:292-7)
Chẳng hiểu có bị ảnh hưởng bởi hai biến cố trên hay không, lúc 14G00 ngày 11/9, Lodge gửi công điện yêu cầu có biện pháp mạnh với chính phủ Diệm. Đã đến lúc phải dùng biện pháp trừng phạt [effective sanctions] hữu hiệu để lật đổ Diệm và thành lập chính phủ mới; và yêu cầu nghiên cứu gấp việc ngưng viện trợ, di tản thân nhân viên chức Mỹ để tránh rắc rối.
Là một cựu chiến binh Thế chiến thứ hai, Lodge cho rằng các sĩ quan trẻ không báo cáo hết sự thực về ảnh hưởng của biến cố Phật giáo đối với quân đội—họ không muốn làm thượng cấp phật ý. Đa số sĩ quan trẻ đều xuất thân từ thành phố, nói chung là có học, không thể dửng dưng nhìn hay nồng nhiệt ủng hộ chính phủ bắt giữ cha, chú, anh chị em họ. Ngay các binh sĩ cũng vậy. Mức độ đàn áp học sinh, sinh viên rất thô bạo. Có thể vài ba cán bộ Cộng Sản đã xâm nhập, nhưng sinh viên, học sinh không phải là Cộng Sản. Tin đồn mới nhất là các công chức cũng sắp xuống đường. Và chắc chắn các đoàn biểu tình sẽ chúi mũi dùi vào Mỹ nếu Mỹ không có thái độ. Con thuyền quốc gia miền Nam đang chìm đắm, và để cứu vãn tình thế, bất cứ biện pháp trừng phạt nào có thể sử dụng phải được thực thi, như tạm ngưng viện trợ. Nếu muốn loại bỏ [get rid of] Nhu, nên lấy việc ngưng viện trợ để đạt mục tiêu này. Lodge cũng đề nghị phải lôi cuốn [induce] những người muốn cầm quyền, như Big Minh; và chấm dứt ngay tình trạng “chờ đợi” vì thành phần ưu tú trong xã hội sẽ hết ý chí nếu chưa bị chế độ thủ tiêu. (FRUS, 1961-1963, IV:171-4)
Ngay chiều 11/9 [rạng sáng 12/9 tại Việt Nam] Kennedy triệu tập một phiên họp tại Bạch Cung để thảo luận về công điện của Lodge. Đa số ủng hộ việc cô lập Nhu. Tuy nhiên, Kennedy chưa có quyết định rõ ràng về việc thay đổi chính phủ cùng những biện pháp răn đe như ngưng viện trợ, di tản Mỹ kiều. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho Lodge biết quyết định trên, nhưng giải thích thêm rằng đang chuẩn bị kế hoạch di tản thân nhân viên chức Mỹ, cô lập Nhu dần dần kể cả việc cung cấp viện trợ trực tiếp cho các địa phương và đơn vị.
Rusk còn chỉ thị Lodge gặp Diệm trình bày về thái độ của Quốc Hội Mỹ và nhất là những lời phát biểu của Lệ Xuân. Tại Belgrade, Lệ Xuân tuyên bố rằng Kennedy là một chính khách, nên thường hòa phục dư luận. Theo Lệ Xuân, nếu những dư luận đó không đúng, giải pháp đứng đắn nhất không phải là đầu hàng mà phải nói lên sự thực. Lời tuyên bố này khiến Kennedy muốn tìm cách bắt Lệ Xuân im lặng.(IV: 195-6) Hôm sau, 13/9, Lodge đề nghị chẳng cần gặp Diệm thường xuyên khi không có đề nghị mới. Đồng thời xin nghiên cứu phản ứng trong trường hợp Ngô Đình Nhu yêu cầu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam như Lalouette và Thompson đã tiết lộ.(IV:205-6) Ngày 14/9, Lodge vẫn chưa muốn gặp Diệm về Lệ Xuân vì, theo Lodge, khi gặp nhau ngày 9/9, Diệm nói Lệ Xuân sẽ họp báo ở New York để đòi công lý, và có vẻ ủng hộ Lệ Xuân.
Ngày 12/9, Lodge cũng viết thư riêng cho Rusk, yêu cầu chuyển thẳng cho Kennedy, xin Lansdale thay Richardson. Theo Lodge, người Việt vẫn nghĩ rằng Richardson thân thiết với Nhu, dù thực tế Richardson là một viên chức Mỹ xuất sắc, tận tụy. (IV:205) Nhưng ngày 24/9, Lodge cho Rusk biết McCone không đồng ý.
Ngày 12/9, McCone cũng đưa ra một kế hoạch, theo đó tiếp tục yểm trợ Phó TT Thơ để đạt một thỏa ước với Phật giáo, bãi bỏ thiết quân luật, cách chức Ngô Trọng Hiếu, thay Nhu bằng một ủy ban tư vấn gồm những người như Trần Quốc Bửu, Trương Vĩnh Lễ, Trần Ngọc Liễn. Đặt LLĐB dưới sự chỉ huy của Bộ TTM.
Trong khi đó, ngày 12/9, Harkins báo cáo Cộng Sản đã xâm nhập vào phong trào tranh đấu Phật Giáo. Và bây giờ, tới sinh viên. Harkins cũng tin rằng đang thắng trận. (IV:194-5) Ngay chiều đó [6G00 ngày 13/9 VN], HĐ/ANQG thảo luận về công điện của Harkins. McCone khẳng định cơ quan CIA không có tin tức nào về việc này. (IV:199) McNamara muốn Harkins báo cáo chi tiết rõ ràng hơn. (Ibid) Harriman, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị vụ, cũng viết thư cho Lodge, yêu cầu phê bình về công điện của Harkins. (IV:209)
Ngày Thứ Bảy, 14/9, Oat-shinh-tân chỉ thị cho Lodge tạm thời đình hoãn tiền viện trợ kinh tế $18.6 triệu MK cho Nam Việt Nam.
Ngày 16/9, Lodge biện minh về việc dùng áp lực viện trợ như sau: Mỗi ngày người Mỹ chi tiêu 1.5 triệu Mỹ kim ở Việt Nam. Lodge muốn rằng viện trợ đó không tự động được giao cho Việt Nam, bất kể thái độ của Việt Nam đối với Lodge, người đại diện Tổng thống Mỹ tại địa phương. Lodge muốn anh em ông Diệm phải hiểu rằng mỗi lần gặp Lodge, anh em họ Ngô phải mang mặc cảm xin ân huệ của Lodge. Với ông Diệm, thuyết phục vô giá trị, vì đưa ra ý kiến gì, ông Diệm lập tức bị ông Nhu tẩy não. (IV:215-6)
Ngày 15/9, Rusk cho lệnh Lodge phải tạm ngưng đảo chính trước khi Oat-shinh-tân có quyết định rõ ràng. (IV:212)
Cơ quan CIA cũng trình lên Kennedy một báo cáo về “Vấn đề Nhu” [Problem of Nhu]. Theo trưởng phòng sưu tầm và nghiên cứu CIA, Nhu giữ vai trò quan trọng trong việc thực thi cuộc chiến chống Cộng; nhưng từ ngày 8/5, Nhu khiến cuộc tranh đấu của Phật giáo bùng nổ lớn, và có khả năng tạo nên một cuộc khủng hoảng chính phủ. Nhu là vật cản trở bất cứ giải pháp nào vì Nhu có ảnh hưởng lớn trên ông Diệm, Nhu nắm Mật vụ và Lực lượng Đặc biệt, Nhu chống Mỹ, liên hệ với Cộng Sản Bắc Việt, và dân chúng muốn Nhu phải ra đi. Ngay các Tướng Harkins và Krulak cũng muốn thấy Nhu ra đi. Theo Krulak nhiều sĩ quan cao cấp sẽ ngả theo Hà Nội nếu Nhu lên cầm quyền.
Nhu đã loại bỏ dần những nhân vật ảnh hưởng quanh Diệm, như Nguyễn Đình Thuần, Võ Văn Hải, v. v.. Vì thế Diệm tin rằng cuộc tranh đấu của Phật giáo do VC xen vào. Điều này khiến Diệm bị mất giá trị dưới mắt những người như Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, Tướng Lê Văn Kim, v.. v...
Nhu có tinh thần chống Mỹ, cáo buộc Mỹ là thực dân, phong kiến, đang muốn biến Nam Việt Nam thành chư hầu. Nhu tung tin một số viên chức Mỹ nằm trên danh sách sẽ bị thủ tiêu. Nhu nói rằng Mỹ phải giảm áp lực vì đang đe dọa nền độc lập của Nam VN. Nhu liên tục nói dối với Lodge và chánh sở CIA Sài-gòn về vai trò của mình trong cuộc tấn công chùa chiền.
Nhu thường nói nếu Mỹ cắt viện trợ sẽ có nguồn viện trợ khác. Nếu không có viện trợ, Nhu sẽ tìm cách thương thuyết với Hà-nội. Tin Nhu bắt đầu thương thuyết với Hà-nội lan truyền rộng rãi, khiến tinh thần binh sĩ hoang mang. Nhu tin rằng chỉ có Nhu mới cứu được Việt Nam. Cả Thuần và Hải đều nói Nhu nghiện thuốc phiện từ hai năm qua.
Tướng Harkins tin rằng nếu Nhu ra đi, tình hình Việt Nam sẽ sáng sủa hơn. Tướng Krulak tường thuật rằng các sĩ quan sẽ hân hoan thấy Nhu ra đi. Liên đoàn trưởng Nhảy Dù [Cao Văn Viên] rất muốn thấy Nhu ra đi. Đại tá Hoàng Văn Lạc nói Nhu không thể tồn tại quá 24 giờ nếu Mỹ tuyên bố ngưng yểm trợ. Trần Quốc Bửu cũng nghĩ rằng Nhu phải ra đi. Theo Võ Văn Hải, Diệm khó thể phục hồi được lòng tin của dân chúng nếu Nhu còn ở trong nước.
Trưởng Sở Sưu Tầm đồng ý với Tòa Đại sứ Sài-gòn rằng Nhu không được ưa thích, bị ghét bỏ, sợ hãi và không được tin cậy trong mọi giai tầng công chức, quân đội, trí thức thành phố. Sự thù ghét Nhu bấy lâu ngày một gia tăng khiến người ta chỉ trích chế độ đàn áp. Hughes cũng đồng ý với MACV rằng Nhu có thể thương thuyết với Hà-nội và đại đa số quân đội không chấp nhận Nhu. (FRUS, 1961-1963, IV:212-5)
Trong khi đó, phe đảo chính cũng bắt đầu nối lại liên lạc. Ngày Thứ Hai, 16/9, Trần Thiện Khiêm mời một nhân viên CIA tới gặp, tuyên bố vẫn tiếp tục dự định đảo chính. Theo Khiêm, các Tướng nóng lòng hơn khi thấy thêm nhiều chứng cớ về việc Nhu móc nối Cộng Sản. Tuần lễ thứ hai của tháng 9, các Tướng đòi Diệm nhường cho 4 ghế Bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, Chiến tranh Chính trị, và Giáo dục. Các Tướng đề nghị Big Minh, André Đôn hay Raymond Khánh làm Bộ trưởng Quốc Phòng (hy vọng là André Đôn sẽ được nhận), Tôn Thất Đính nắm Bộ Nội vụ (để Diệm dễ chấp nhận), Trần Tử Oai hay Lê Văn Kim nắm Bộ Chiến tranh Tâm lý, và Trần Văn Minh (nhỏ) hay Phạm Xuân Chiểu nắm bộ Giáo Dục. Ông Diệm tuyên bố sẽ cứu xét, nhưng chưa quyết định, chờ tới sau ngày bầu cử Quốc Hội [27/9/1963]. Khiêm còn tiết lộ Nhu nói với một số Tướng (như Big Minh, Lê Văn Nghiêm) về những cuộc tiếp xúc với Maneli. Theo Nhu, Maneli đã mang tới đề nghị của Phạm Văn Đồng về việc hiệp thương giữa Bắc và Nam; và Nhu đang nghiên cứu đề nghị trên, sẽ thông báo cho các Tướng biết thêm những bước kế tiếp. Nhu còn nói Lalouette từng đề nghị tương tự.
Ba Tướng chủ mưu đảo chính là Minh, Khiêm và Khánh. Các Tướng Kim, Chiểu và những người khác chỉ được tham khảo, nhưng không thiết lập kế hoạch. Cho tới hiện tại, kế hoạch của họ chưa bị lộ. Phần Tôn Thất Đính đã được Nhu chỉ thị chĩa súng vào Conein để dọa Conein. Đính tuyên bố đã được Mỹ cho 20 triệu đồng để làm đảo chính, nhưng Đính từ chối, và báo cáo với Nhu. [Hồi ký Tướng Đính không nói đến việc này] Khiêm cũng khẳng định các Tướng không theo Nhu nếu Nhu ngả theo Bắc Việt hay muốn trung lập. ( FRUS, 1961-1963, IV:239-40)
Hai ngày sau, Thứ Tư 18/9, một sĩ quan Mỹ đến gặp Tướng Minh tại trại Lê Văn Duyệt. Ông Minh tuyên bố VC tiếp tục đoạt tiên cơ, kiểm soát nhiều dân chúng hơn chính phủ. 80 phần trăm dân chúng không hiểu nên theo chính phủ hay VC. Diệm-Nhu tiếp tục bắt giữ đối lập, học sinh, Phật tử, các nhà giam chật ních. Hai doanh trại trong căn cứ Lê Văn Duyệt đầy tù nhân. Học sinh, sinh viên đang ngả theo VC. Tham nhũng, hối mại quyền thế tràn lan. Hầu hết tỉnh trưởng và quận trưởng là đảng viên Cần Lao, họ bắt dân phải hối lộ khi nhận được viện trợ Mỹ. Tiền này chuyển vào quĩ đảng Cần Lao. Tổng Giám Mục Thục nhúng tay vào “bất cứ việc gì ngoại trừ việc đạo.” Trái tim của binh sĩ không dồn vào chiến tranh, Tướng Minh nhấn mạnh. Các sĩ quan trung cấp đều trông đợi đảo chính. (FRUS, 1961-1963, IV:272-3; VNNB,I-C: 1955-1963, tr. 353-5).
Được hỏi ý kiến về nhận xét của Tướng Minh, Harkins không đồng ý. Theo Harkins, Big Minh đã bị nghi ngờ từ năm 1960, và không được nắm binh quyền. Minh không làm gì cho nỗ lực chiến tranh mà chỉ than phiền, và tìm cách đảo chính. Những lời nhận xét của Minh khó thể kiểm chứng. (FRUS, 1961-1963, IV:274-5, tài liệu 139)
Như để chứng tỏ thiện chí, ngày Thứ Hai, 16/9, Diệm hủy bỏ lệnh thiết quân luật.
Trong khi đó, tại Oat-shinh-tân, ngày Thứ Ba, 17/9, HĐ/ANQG Mỹ quyết áp lực Diệm phải tuân theo chính sách của Mỹ. (Phillips chống lại việc đưa quân Mỹ vào Việt Nam để thực hiện đảo chính). Kennedy chỉ thị cho Lodge là đã chấp thuận một kế hoạch tổng quát để thực hiện những cải cách về nhân sự và chính sách tại Nam Việt Nam, nhưng chưa thấy cơ hội tốt để loại bỏ chính quyền hiện tại. Dẫu vậy, Kennedy đồng ý cho Lodge quyền được tạm ngưng giao viện trợ để tăng cường áp lực khi thương thuyết, miễn hồ không cắt hoàn toàn viện trợ. Đồng thời, Oat-shinh-tân tham khảo Lodge về 13 điểm cần làm ngay, như tạo tinh thần hòa giải, phóng thích Phật tử và sinh viên học sinh, kiểm duyệt báo chí, việc sử dụng Lực lượng Đặc Biệt. Ngoài ra, tìm cách đưa vợ chồng Nhu khỏi nước, thí dụ như đi nghỉ dài hạn khoảng 6 tháng. Kennedy còn thông báo sẽ gửi McNamara và Taylor qua Việt Nam để thị sát tình hình. Kennedy nhấn mạnh rằng cần ý kiến của Lodge trước khi những sách lược trên được thực thi. (CAP 63516 ngày 17/9; FRUS, 1961-1963, IV:252-4) Lodge phản đối việc cử phái đoàn McNamara và Taylor, sợ rằng dư luận nghĩ Mỹ tiếp tục yểm trợ Diệm. (Ibid., IV:255) Nhưng thực ra, có lẽ vì McNamara và Taylor là hai người chống lại kế hoạch thay anh em ông Diệm-Nhu mà nhóm Harriman và Forrestal cùng Bộ Ngoại Giao chủ trương. (Ibid., IV:251, 256) Hôm sau, 18/9, Rusk cho Lodge biết chuyến đi của McNamara cần thiết để các chuyên viên quân sự nhận định tình hình tại chỗ. (Ibid., IV:Tài liệu 128)
Tối 18/9, ông Nhu dàn xếp mời vợ chồng Cabot-Lodge dự dạ tiệc, cùng Goburdhun (đại diện India trong UBKSQT), và XLTV Ngoại trưởng Cừu. Ông Nhu lập lại nhiều lần rằng các Phật tử đã bị giết mà không phải tự tử. Ngoại trưởng Cừu cùng một luận điệu. Khi ông Nhu đề cập đến vấn đề dự thảo Nghị quyết của TNS Church, Lodge nói đã có thêm 4 Nghị sĩ bảo trợ dự thảo này. Nhu vừa nói nói sẽ có hành động “vì sĩ diện của Kennedy,” thì bị Lodge ngắt lời, nói vấn đề không phải là sĩ diện của Kennedy mà là khả năng chung của Mỹ và VNCH để thực thi chính sách chống Cộng. Từ tháng 5/1963, điều gây nguy hiểm cho chính sách chống Cộng ấy là dư luận xấu, khiến tạo nên những mối nghi ngờ như thực chăng chính sách ấy xứng đáng để yểm trợ. Rồi Lodge đề nghị Nhu nên rời nước một thời gian, ít nữa cho tới tháng 12, sau khi việc chuẩn chi [cho tài khóa] đã hoàn tất. Ông Nhu cố biện bạch rằng nếu ra đi, không ai trông coiThanh Niên Cộng Hòa, một lực lượng cần thiết cho chiến thắng. Khi chia tay, Lodge lập lại nhiều lần là muốn Nhu trả lời càng sớm càng tốt. Theo Lodge, Nhu là “một tâm hồn lạc lõng, một con người bị ma ám, kẹt giữa cái vòng quái ác. Những Cơn Giận Dữ đang săn đuổi ông ta.” (Ibid., IV, Tài liệu 129)
Trưa hôm sau, 19/9, Times of Vietnam lại tố cáo những kẻ muốn giao số mệnh Việt Nam vào bàn tay CIA. Theo báo này, những thành phần chủ trương đảo chính gồm nhân viên USIS (Sở Thông tin Mỹ), đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), viên chức trẻ trong Tòa Đại sứ Mỹ và cơ quan USOM (Kinh tế). Tuy nhiên phe quân sự chống lại. Các nhóm thân đảo chính muốn sử dụng VNQDĐ và Đại Việt của Nguyễn Tôn Hoàn. Trong khi đó, Ủy ban Tương trợ Phật giáo tìm cách móc nối với các giáo dân Ki-tô ở Huế. Những cuộc vận động này do Thích Trí Quang, đang tị nạn tại tòa Đại sứ Mỹ và có liên hệ với Cộng Sản, cùng sự yểm trợ của những tên "phiêu lưu ngoại quốc." Không khí thủ đô VNCH trong ngày 19/9 cực kỳ nghiêm trọng. Có tin đồn Nhu ra đi, Tướng Đính bị thất sủng, và sẽ có đảo chính.
Ngày 19/9 này, Đại sứ Italia d’ Orlandi mật báo rằng Thuần tuyên bố chiến trường ngày một bất lợi và Thuần muốn rời nước. Báo cáo tin trên về Oat-shinh-tân, Lodge nhận xét: Tình hình ngày thêm tồi tệ ở Sài Gòn. Bây giờ chúng ta có cả chứng từ của Bộ trưởng Quốc phòng và vị Tướng số 1—không phải là sản phẩm của xưởng sản xuất tin đồn.” (FRUS, 1961-1963, IV:261n5) Lodge còn báo cáo trực tiếp lên Kennedy rằng anh em ông Diệm-Nhu đang băn khoăn dò đoán thái độ Mỹ, nên Lodge tiếp tục giữ thái độ xa cách, lạnh nhạt, đồng thời nghiên cứu những biện pháp “răn đe” [sanctions], nhưng chỉ sử dụng khi đã chắc chắn có kế hoạch đảo chính. Đại cương có thể tạm ngưng viện trợ về kỹ thuật và giao thông. Mục đích chính là tập cho viên chức Việt thói quen phải xin Lodge viện trợ, nhờ thế có thể thực hiện được những việc nhỏ. [Ngày 25/9, Ball đề nghị tạm ngưng chương trình PL 480. (Ibid., IV:290-1)]
Về dự thảo ngày 17/9 của Kennedy, theo Lodge, Diệm không muốn chứng tỏ tinh thần hòa hoãn. Diệm muốn khủng bố [terrorize] Phật tử và sinh viên, học sinh. Chắc chắn Diệm không chịu trả LLĐB về Bộ Tổng Tham Mưu, vì như vậy khác nào tự trói hai tay. Về thay đổi chính phủ, thực ra dân chúng chỉ oán ghét họ Ngô. Bộ trưởng thì chỉ có Trương Công Cừu là “gia nô” [the most shameless sycophant I have ever seen]. Lodge cũng nhắc đến nhận xét của Tướng Minh ngày 18/9, và đề nghị xin được tiếp tục thúc dục Dương Văn Minh nếu Minh muốn đảo chính. (Ibid., IV: Tài liệu 130, 131)
c. Phái đoàn McNamara-Taylor:
Ngày 17/9, Kennedy quyết định gửi Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara cùng Tướng Taylor, Cố vấn quân sự, qua thăm Việt Nam để tường trình thêm. Bốn ngày sau, Kennedy gặp riêng McNamara để thảo luận, rồi ngày 23/9, Kennedy chính thức ký chỉ thị chi tiết những điểm cần tìm hiểu. Kennedy còn thêm rằng phái đoàn phải gặp Diệm hai lần; đòi hỏi cải tổ; nhưng đừng đe dọa cắt viện trợ vì sẽ không hữu hiệu. (Ibid., IV:280-2) Ngày này, McNamara và Taylor lên đường ngay.
McNamara, tưởng nên lập lại, không muốn thay đổi chế độ Diệm. Taylor cĩng vậy. Nhưng chuyến viếng thăm Nam Việt Nam vào hạ tuần tháng 9, đầu tháng 10/1963 của McNamara và Tướng Taylor đóng chặt hơn những chiếc đinh trên nắp quan tài Đệ Nhất Cộng Hòa.
Ngày 25/9/1963, như để chào đón phái đoàn McNamara-Taylor báo Times of Vietnam đả kích lời phát biểu đòi cắt giảm viện trợ của Nghị sĩ Church và một số dân biểu khác. Theo báo này khoản tiền viện trợ cần cắt là 1,440,000 Mỹ Kim chi dụng cho các nhân viên CIA và 360,000 phụ chi khác để chuẩn bị đảo chính. (CLV, SV, d. 14)
Chưa có tài liệu nào chứng tỏ McNamara có được đọc bài báo trên hay không, và phản ứng ra sao.
Một trong những người đầu tiên McNamara gặp ở Sài Gòn là học giả “Smith” [P. J. Honey]. Giáo sư Honey nói tiếng Việt thành thạo, từng qua Việt Nam năm 1953 và 1960, lúc ấy là giảng viên Trường Nghiên cứu Đông Phương và Phi Châu ở London. Theo Honey, khi tới Việt Nam vài tuần trước, ông ta nghĩ rằng người Mỹ có thể tìm cách làm việc chung với anh em ông Diệm. Nhưng Honey đã lầm. Vài năm qua, ông Diệm đã già nua và chậm chạp quá mức. Lời chỉ trích chế độ trở thành công khai, từ giới quân đội tới dân sự. Việc ông Diệm đánh phá Phật Giáo làm cho dân chúng sửng sốt. Tất cả những yếu tố trên khiến Honey nghĩ rằng không còn cách nào khiến chế độ cởi mở hay thay đổi quan điểm của ông Diệm. Đã đến lúc nước Mỹ phải quyết định liệu có thể thắng được với chế độ Diệm hay chăng; riêng Honey cảm thấy câu trả lời là không.(Ibid., IV:293-5; In Retrospect, tr. 74) Theo William P. Bundy, người theo McNamara qua Việt Nam, lời chứng của Honey ảnh hưởng lớn trên McNamara. (Ibid., IV:293n2)
Tại Sài Gòn, ngày Thứ Sáu, 27/9, Richardson nói với McNamara rằng khủng hoảng Phật giáo kết tinh những bất bình ngủ yên bấy lâu. Việc bắt giữ tập thể học sinh, sinh viên (kể cả con em công chức, quân nhân) là điều xấu. Việc lùng bắt trong đêm khiến dân chúng ghét chế độ hơn. Nguyễn Đình Thuần đã hai lần từ chối chức Tổng thư ký Hội đồng chính phủ; dù Diệm nói trên thực tế Thuần sẽ hành xử như Thủ tướng. Vì vậy Thuần đang bị canh chừng—gia đình họ Ngô coi Thuần như người của Mỹ. Thuần thấy không ai có đạo đức giống Diệm, nhưng nếu họ Ngô tiếp tục cầm quyền sẽ dẫn đến “đại họa” [disaster]. Muốn cứu đất nước cần áp lực Diệm cải tổ, với điều kiện tiên quyết Nhu phải ra đi. Nhu khởi xướng cuộc tấn đánh các chùa. Đừng đánh giá bằng quan sát phiến diện, dân chúng đang tức giận. Hồ Tấn Quyền cũng không thể thuyết phục được chính cha mình về giá trị của chính phủ. Dân chúng ghét Lệ Xuân và em Lệ Xuân (Khiêm). Nếu Nhu định lên thay Diệm, chắc chắn sẽ có chiến tranh. Công An, Mật Vụ không những chỉ bắt giữ mà còn bắt cóc dân chúng, ngày cũng như đêm, chẳng khác gì Kadar ở Hungary. Quản nhiệm tờTự Do, tờ báo bị nghi thân Mỹ, cũng đã bị bắt. Các Bộ trưởng đều ứ đến cổ, muốn từ chức, nhưng sợ hậu quả. Trong nhà cựu Ngoại trưởng Mẫu có tới 36 nhân viên an ninh khi ông Mẫu sắp rời nước. Thuần có tên trong danh sách bị ám sát của Khiêm—một tên điên và ẩn ức tình dục. Bộ trưởng Kinh tế, một tín đồ Ki-tô cuồng tín, nói đêm qua mất ngủ vì những lời tuyên bố chống Mỹ của Nhu. Chỉ có CS hưởng lợi. (FRUS, 1961-1963, IV:301-3)
Trong thời gian ở Việt Nam, McNamara cũng được dịp chứng kiến cuộc bầu cử Quốc Hội nhiệm kỳ thứ ba (1963-1967). Một trong những ứng cử viên độc lập là Nguyễn Trân bị loại. Không một ứng cử viên đối lập nào được tranh cử. Cũng may, mãi tới ngày 7/10 mới công bố kết quả, bằng không McNamara sẽ thấy được rõ hơn nền “dân chủ” ở miền Nam: Trong số 123 người mới đắc cử, có 60 dân biểu đương nhiệm (25 người cũ thất cử). 96 người được chính quyền ủng hộ đắc cử: 55 người thuộcPhong Trào Cách Mạng Quốc Gia (CMQG), 19 phụ nữ mà tất cả đều thuộc Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ (LĐPN). Phạm Văn Thùng và Trần Sanh Bửu bị hai người Việt gốc Hoa đả bại. Đây là hai Dân biểu gốc Hoa đầu tiên. Theo chính phủ Diệm, 92.82% cử tri đi bầu. (IV: Tài liệu 155) Hai vợ chồng ông Nhu đều đắc cử trên 99 phần trăm dân số tại hai tỉnh mà Cộng Sản đã kiểm soát hầu hết vùng nông thôn.
27/9: CIA báo cáo rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ nữa [no longer “rational.”](IV:298)
Buổi thảo luận với ông Diệm tại Dinh Gia Long chiều ngày Chủ Nhật, 29/9, có lẽ là thùng nước đá lạnh đổ lên thiện cảm của McNamara và Taylor nói riêng, chính phủ Kennedy nói chung. McNamara cố xen vào những lời độc thoại của ông Diệm về thành quả tốt đẹp của chế độ mình, nói thẳng rằng những biện pháp đàn áp Phật tử gây trở ngại cho nỗ lực chiến tranh. McNamara cũng đề cập đến những lời tuyên bố "vô trách nhiệm" của Lệ Xuân, như gọi quân nhân Mỹ là những tên lính đánh thuê bé nhỏ [little soldiers of fortune]. Ông Diệm, dĩ nhiên, hết sức bào chữa cho Lệ Xuân, cũng như việc bắt giữ sinh viên, học sinh và tấn công các chùa đêm 20 rạng 21/8. Lệ Xuân, theo ông Diệm, đã bị đả kích tàn nhẫn mấy tháng qua và có quyền tự vệ, dù đôi khi quá đáng. Sinh viên học sinh đã bị những tay gây rối xúi dục, sau khi bị bắt đã hối cải đồng thanh ca tụng chế độ. Về việc đàn áp Phật giáo, McNamara “lạnh cóng” khi nghe ông Diệm nói rằng “lỗi lầm” của ông trong vụ Phật giáo là “đã quá tử tế [too kind] với Phật giáo.” (McNamara, In Retrospect, tr. 76) Ông Diệm còn khoe đã giúp đỡ Phật giáo, số chùa tăng gấp đôi dưới chế độ Diệm. Rồi lập lại những gì báo chí thân chính đã viết: các chùa chiền trở thành chốn hành lạc tập thể, bất cứ ai cũng có thể trở thành tăng ni nếu cạo đầu và mặc áo màu vàng; một trong ba nhà sư tị nạn tại USOM là cựu cảnh sát viên đã bị cách chức vì thiếu khả năng, sống lang thang cho tới hai ba tháng trước rồi tự xưng là tăng và xin tị nạn. (FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 158; Gravel, II:216). McNamara hiểu rằng ông Diệm không chịu nhân nhượng điều gì, và hình như nghĩ rằng cứ giải thích với người khác về những vấn đề tại Việt Nam là mọi chuyện được giải quyết. (McNamara, In Retrospect, tr. 75-7; FRUS, 1961-1963, IV:321)
[Sau khi đổ vào miền Nam hơn 2 tỉ Mỹ kim suốt 9 năm dài để duy trì chế độ họ Ngô, các quan chức Mỹ đang đối diện chứng nhức đầu quen thuộc của Toàn quyền Pierre Pasquier ba chục năm trước: Anh em họ Ngô tìm mọi cách bảo vệ quyền lợi của gia đình mình bằng mọi giá, bất kể thủ đoạn. (Xem Vũ Ngự Chiêu,Các vua cuối nhà Nguyễn, Tập III)].
McNamara và Taylor cũng tìm cách gặp nhóm Tướng Minh. Từ ngày 26/9, Trần Thiện Khiêm đã gặp nhân viên CIA để duy trì đường dây liên lạc. Theo Khiêm, cuộc tiếp xúc này do lệnh của “Big” Minh. Khiêm nói thêm rằng cũng biết phe dân sự đang âm mưu đảo chính, và Diệm đã cử Trần Kim Tuyến làm đại diện ở Cộng Hòa Ả Rập. (FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 149.(IV:291-292)
Buổi tối ngày 29/9, Tướng Taylor và McNamara “tình cờ” gặp Tướng Minh tại sân quần vợt tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, và muốn gợi chuyện vào lúc nghỉ giữa hiệp. Big Minh chỉ trao đổi những câu xã giao, và hẹn gặp Taylor bất cứ lúc nào tại văn phòng. (Swords and Plowshares, tr. 297-8) Tuy nhiên, mãi tới ngày 1/10, Taylor mới mượn cơ hội đến chào từ biệt để nghe Big Minh tâm sự rằng “quê hương đang bị xiềng xích và chẳng có cách nào tháo ra.”(FRUS, 1961-1963, IV:326-7)
Theo đúng lịch trình, McNamara và Taylor gặp ông Diệm lần thứ hai trước buổi dạ tiệc tại Dinh Gia Long.(Swords and Plowshares, tr. 298) Nhưng thái độ ông Diệm đã rõ: McNamara chẳng thể khuyên bảo ông Diệm được điều gì.
Ngày Thứ Hai 30/9, McNamara và Taylor gặp Phó Tổng Thống Thơ. Ông Thơ nhận định rằng nỗ lực Mỹ ở Việt Nam cần có 3 đặc tính: mau chóng, hữu hiệu, và thông minh. Mỹ mới có hai đặc tính đầu, còn thiếu đặc tính thứ ba—chưa dùng sức mạnh một cách thông minh. Thể chế cảnh sát trị ở miền Nam tạo nên nhiều bất mãn. Tình trạng bất mãn không chỉ ở thành thị mà lan tràn ở vùng thôn quê. Chỉ có từ 20 tới 30 ấp chiến lược được an toàn. Không thể thuyết phục mà cũng không nên cắt viện trợ. Nếu đưa quân Mỹ vào VN để làm đảo chính thì quá “khờ dại.” Vấn đề này có thể tìm hỏi Vũ Văn Mẫu. (FRUS, 1961-1963, IV:321-3; Gravel, II:249) (ý kiến của ông Thơ, người được Mỹ trù tính đưa lên thay ông Diệm nếu có đảo chính, rất có ảnh hưởng với McNamara. Nhưng McNamara không nhắc gì đến cuộc gặp ông Thơ trong hồi ký Inretrospect, mà chỉ mượn tỉ lệ ước lượng 50-50 chiến thắng Cộng Sản của Honey khi bàn về việc giữ ông Diệm; tr. 78)
Ngày 30/9 này, McNamara còn gặp Khâm sứ Vatican d’ Asta, gốc Sicilian, người hiểu biết rõ về gia đình họ Ngô. Theo d’ Asta, công an-mật vụ tra tấn nạn nhân. Hiện nay ông Diệm và Giáo hội xa cách nhau dần. Giới trí thức nghĩ rằng ông Diệm vẫn còn chỗ dụng, nhưng gia đình Diệm phải ra đi. Nhiều người nghiêng về phía trung lập hay ngả theo VC. Nếu ông Nhu nắm trọn quyền, việc đầu tiên ông Nhu sẽ làm là yêu cầu Mỹ triệt thoái, rồi thương thuyết với Cộng Sản, vì ông Nhu nghĩ rằng mình sẽ trở thành lãnh tụ của cả Việt Nam. D’ Asta đề nghị phải thay ông Nhu ngay. Vẫn theo d’ Asta, không một giáo sĩ nào dám trái ý Tổng Giám Mục Thục. Ông Thục đã khiến họ sợ hãi. Không thể lý luận với Nhu, Lệ Xuân, hay Thục. Điều duy nhất phải làm là ép Nhu ra đi. Dân chúng không hiểu thái độ người Mỹ ra sao. Chính phủ Mỹ không có một chính sách rõ ràng nào. (FRUS, 1961-1963, IV:tài liệu 160; In Retrospect, tr. 74-5)
Cũng trong ngày Thứ Hai, 30/9, William H. Sullivan, cố vấn Liên Hiệp Quốc của Bộ Ngoại Giao, báo cáo về những cuộc tiếp xúc với XLTV Đại sứ Pháp, Trưởng đoàn Canada trong UBQTKSẦC về vấn đề liên hệ Bắc-Nam. Họ nghĩ rằng việc Ngô Đình Nhu móc nối với Hà Nội chỉ là tin đồn, tuy nhiên chẳng phải không thể xảy ra. Miền Bắc đang gặp khó khăn kinh tế, muốn hiệp thương. Ngoài ra họ muốn trục xuất Mỹ để giảm bớt ảnh hưởng và áp lực của Trung Cộng. Ông Nhu có hai lý do để bắt tay miền Bắc: Nhu tin đủ khả năng đả bại VC, và muốn đuổi người Mỹ. Nhu đã thảo luận với Đại sứ Lalouette vấn đề này, hy vọng sẽ thương thuyết vào cuối năm. Tuy nhiên, ông Nhu lại tiết lộ với ký giả Joseph Alsop, bởi thế người Pháp không còn tin Nhu nữa. (FRUS, 1961-1963, IV:tài liệu 161)
Ngày 1/10, như đã lược nhắc, Tướng Taylor đến chào từ biệt Big Minh. Theo ông Minh, cuộc chiến gặp nhiều khó khăn. Ông Minh ngại rằng chiến thắng cuối cùng chưa có dấu hiệu gì. Vấn đề Phật giáo, đây là cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và Ki-tô. Các viên chức tỉnh đã nhường cho Ki-tô giáo nhiều đặc ân. Những cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh phản ảnh sự bất bình của cha mẹ. Có thể Cộng Sản đã phần nào xúi dục, nhưng căn bản là sự bất công thấm nhập mọi giai tầng xã hội. ìng Minh cảm thấy quê hương bị xiềng xích khó nỗi cựa quậy. Tướng Taylor đề nghị ông Minh có thể liên lạc với mình qua Tướng Harkins bất cứ lúc nào. (IV:326-7)
Ngày 2/10, McNamara và Taylor bay về Mỹ, và vắn tắt thuyết trình với Kennedy về chuyến tham quan Việt Nam. Hai người đề nghị phải áp lực Diệm thay đổi. Quân lực VNCH phải hoạt động mạnh hơn ở vùng IV để củng cố các ấp chiến lược. Đồng thời, tuyên bố sẽ rút 1,000 quân vào cuối năm. Về chính trị, ép Diệm phải cải cách, và sẽ dùng cách ngưng viện trợ vài ba chương trình làm áp lực. Không đồng ý đảo chính, nhưng đề nghị nên tìm một lãnh đạo mới. (Gravel, II:216; US-Vietnam Relations1945-1967, Bk 12, tr. 554-73; FRUS, 1961-1963, IV:336-46 [tài liệu 167])
Chiều đó, HĐ/ANQG họp bàn về báo cáo McNamara-Taylor. Kennedy chấp thuận tất cả đề nghị của McNamara và Taylor, nhất là việc triệt thoái 1,000 quân vào cuối năm 1963. Tuy nhiên, thời hạn rút quân không được công bố. Bạch Cung ra thông cáo về chuyến qua Việt Nam của McNamara và Taylor như sau: Tình hình quân sự có tiến triển, có thế rút 1,000 quân. Tình hình chính trị nghiêm trọng. Mỹ tiếp tục chống lại những hành động đàn áp tại miền Nam. Nhưng chính sách của Mỹ vẫn là giúp dân chúng tại đây đả bại xâm lăng và xây dựng một xã hội hoà bình, tự do. (Gravel, II:188; FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 167, 169, 170 (Record of Action No. 2472, 2/10/1963); In Retrospect, tr. 79-80) [Sau này là NSAM 263 ngày 11/10/1963; US-Vietnam Relations, Bk 12, tr. 578]
[Thứ Sáu, 4/10/1963, Đại sứ Pháp tường trình về báo cáo McNamara-Taylor: Mỹ đang đối diện sự nguy hiểm là, theo Sullivan, Ngô Đình Nhu sẽ chờ cơ hội mà Mỹ sẽ đặt ở Nam Việt Nam một guồng máy quân sự đủ mạnh và ông ta đủ quyền lực để đề nghị với Bắc Việt một cuộc ngưng bắn mà điều kiện sẽ là sự triệt thoái quân Mỹ. (CĐ số 5614-18, 4/10/1963; CLV)]

                                                           Nguyên Vũ

nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: