“Hội nghị toàn cầu” diễn ra tuần qua tại thành phố Los Angeles nhằm cứu vãn chủ nghĩa tư bản với khẩu hiệu “Chia sẻ sự thịnh vượng” khiến người viết nhớ lại một phim Ấn Độ đã xem qua trên đài SBS cách đây nhiều năm, hiện đã quên tên.
Phim diễn tả bi kịch của một thanh niên trẻ, có học thức, có lương tâm và có tầm nhìn nhưng bị số phận đưa đẩy đến vai trò làm quân sư cho một ông trùm mafia. Phim cũng đầy những nhiều tình tiết éo le gay cấn, pha lẫn tình, tiền, máu, thuốc súng, ngục tù và nước mắt v.v… nhưng người viết chỉ nhắc lại một chi tiết liên quan đến nỗi lo của giới đại tài phiệt Mỹ hiện tại, thể hiện qua hội nghị nói trên.
Sau nhiều sáng kiến hiệu quả, thu phục lòng tin và chính thức trở thành “quân sư” của ông trùm mafia, anh trí thức lỡ làng này mới đủ tư tin để gan đưa ra đề nghị trái ngược 180 độ với mệnh lệnh mới của ông trùm: thay vì tăng “thuế” bảo kê các thương gia trong vùng, đã đến lúc phải giảm bớt, mà là giảm thật nhiều.
Trước sự ngạc nhiên của ông trùm mafia, nhà cố vấn giải thích: Tổ chức giàu mạnh là nhờ vào cộng đồng thương gia, cộng đồng này có phồn thịnh thì tổ chức mới vững mạnh theo. Nếu vắt kiệt sức lực của cộng đồng này bằng cách tăng “thuế” thì hoặc họ sẽ bỏ nghề, không kinh doanh nữa, hoặc họ sẽ bỏ đi xứ khác làm ăn. Họ bỏ nghề thì tổ chức không còn cớ gì để bảo kê, mất luôn tiền thuế. Họ bỏ đi xứ khác làm ăn thì tiền “thuế” lẽ ra về tay mình sẽ vào tay các băng đảng đối nghịch, càng có hại. Nhưng nếu giảm “thuế” thì không chỉ khiến các thương gia gắn bó và trung thành với họ hơn mà còn thu hút các thương gia từ nơi khác kéo về đây làm ăn, giúp cộng đồng thương mại tại lãnh địa mình phồn thịnh hơn. Như vậy việc giảm thuế có thể khiến tổ chức bị sứt mẻ thu nhập trước mắt nhưng sẽ cao hơn trong tương lai không xa.
Tóm lại, có thể diễn nôm triết lý của nhà trí thức làm quân sư mafia như thế này: mình ăn cơm sườn, ít ra phải cho thiên hạ húp cháo cá; nếu buộc họ húp cháo trắng hay thậm chí sa vào tình cảnh không có cháo để mà húp, không khép có ngày mình tiêu luôn đĩa cơm sườn!
Ý nghĩa này không khác câu chuyện ngụ ngôn “gà đẻ trứng vàng”: để đều đều lượm quả trứng vàng thì phải nuôi dưỡng sao để gà mạnh khỏe và mắn đẻ. Bóc lột nó đến mức kiệt quệ thì sẽ mất cả chì lẫn chài!
Đây hiện là nỗi lo của giới đại tài phiệt Mỹ. Họ mỗi ngày một giàu lên trong khi đại đa số chúng Mỹ ngày càng nghèo xuống. Mà đó không chỉ là tình trạng riêng của nước Mỹ mà là của chung chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu.
Trên thực tế thì tình trạng bất bình đẳng trên thế giới hiện đã sa vào đến tình trạng “không còn gì để nói”. Đầu năm ngóai tố chức Oxfam công báo bản báo cáo cho thấy trong năm 2017 có 42 tỷ phú sở hữu khối tài sản bằng một nửa dân số thế giới.
Theo báo cáo này tài sản của khoảng 3.7 tỷ người – tương đương phân nửa dân số thế giới – không hề gia tăng trong năm 2017. Thay vào đó, 82% tài sản toàn cầu được tạo ra trong năm 2017 thuộc về khoảng 1% những người giàu nhất.
Báo cáo này cho biết nhiều tỷ phú chi nhiều tiền bạc cho mục đích gây ảnhhưởng với các chính phủ… Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 tại Mỹ, nhiều tỷ phú bỏ ra không ít tiền để hậu thuẫn các ứng viên ưa thích. Trong đó, chỉ riêng tỷ phú Sheldon Adelson đã chi $ 113 triệu Mỹ kim cho các cuộc bầu cử liên bang.
Một số tỷ phú cũng cam kết dành phần lớn tài sản của họ cho hoạt động từ thiện tuy nhiên tài sản của họ lại đang tăng nhiều hơn so với số tiền cam kết hiến tặng. Năm 2010, tỷ phú Bill Gates có khối tài sản trị giá US$ 54 tỷ khi cam kết trên được công bố. Đến năm 2017 thì tài sản của ông là 90 tỷ Mỹ kim.
Tình trạng này khiến không ít nhà đại tài phiệt cảm thấy bất an như anh chàng quân sư nói trên và cho rằng đã đến lúc họ cần “vừa vừa phải phải” với thiên hạ, mình ăn cơm sườn thì ít ra dân cũng phải được húp cháo cá. Dân chúng chỉ có cháo trắng cầm hơi thì đâu còn dư dả tiền bạc để mua hàng hay sử dụng các dịch vụ đã và đang làm giàu cho họ? Tệ hơn nữa là dân chúng sẽ bất mãn, tạo điều kiện cho những hình thức cách mạng có thể ảnh hưởng đến cơ cấu chính trị hằng bảo vệ quyền làm giàu của giới tài phiệt.
Những tài phiệt bất an
Như đã nói, sự bất an này thể hiện trong khẩu hiệu “Driving Shared Prosperity” của hội nghị do viện nghiên cứu chính sách Milken Institute tổ chức. Hội nghị diễn ra tại khách sạn Beverly Hilton, quy tụ những nhà tài phiệt hàng đầu của nước Mỹ, có cả con gái cùng con rể của Tổng thống Donald Trump, Ivanka Trump và Jared Kushner. Đó là một hội nghị của dân nhà giàu, nơi mà trừ những khách mời ra, người ngoài đến dự phải trả giá vé ít nhất 15,000 Mỹ kim.
Sáng lập viên của viện này là nhà đại tài phiệt Michael Milken, cũng là một nhà đại từ thiện nổi danh dù từng bị điểm đem với án tù 22 tháng do giao dịch chứng khoán nội gián vào năm 1989. Trước đó, năm 1985 Milken đã lập ra giải thưởng giáo dục Milken Educator Awards cho những giáo viên có thành tích cao tại Mỹ, từ năm 1987 đến nay đã trao giải cho hơn 2,600 giáo viên, trong đó mỗi người được trao số tiền mặt 25,000 Mỹ kim, tổng cộng hơn $64 triệu Mỹ kim.
Viện Milken ra đời năm 1982 với mục tiêu “giải quyết những vấn nạn của chủ nghĩa tư bản” và mỗi năm, cứ vào mùa xuân, lại tổ chức một Hội nghị Toàn cầu (Global Conference) mà diễn giả là những nhà kinh doanh hay học giả với các bài tham luận trên các đề tài kinh tế, thị trường, dân số và tài nguyên nhân sự. Tuần qua, trong lịch sử hơn 20 năm của mình, lần đầu tiên viện này đưa ra khẩu hiệu “Chia sẻ sự phồn thịnh” cho thấy giới tài phiệt đang cảm thấy bất an trước tình trạng công chúng Mỹ đang sa dần vào tình thế “húp cháo trắng cầm hơi”.
Có thể nào lấy bớt chút “thịt sườn” của nhà giàu thông qua việc đóng thuế để thảy vào nồi cháo trắng của công chúng hay không?
Tại hội nghị nói trên, giới tài phiệt cãi nhau quanh vấn đề này, thể hiện qua hai quan điểm của trái ngược của Ray Dailo và Kenneth C.Griffin.
Dalio hiện là người giàu thứ 79 trên thế giới với gia tài 18.4 tỷ Mỹ kim. Còn Griffin là người giàu thứ 115 với gia tài 11.7 tỷ Mỹ kim. Nếu Dailo đề cao việc tăng thuế thì Griffin một mực bác bỏ.
Nên mở rộng hầu bao
Dailo là người sáng lập Bridgewater Associates, quỹ “hedge fund” lớn nhất thế giới. Cuối tháng Tư, Dailo đã nhận định trên trang LinkedIn cá nhân của mình về hiện trạng nước Mỹ, theo đó mô thức vận hành của nền kinh tế hiện tại này đang dẫn công dân của mình đi đến thất bại trong sân chơi toàn cầu.
Tỷ phú này cho biết ông đạt được “Giấc mơ Mỹ” khi từ một gia đình trung lưu tại quận Queens (New York) vươn lên thành người đứng đầu quỹ “hedge fund” lớn nhất thế giới là nhờ vào các trường công tốt cũng như chính sách tín dụng cho giới sinh viên. Hiện tại thì sự bình đẳng trong giáo dục và cơ hội mà ông từng may mắn được hưởng đã không còn nữa.
Theo ông thì trong khi hầu hết nghĩ rằng hiện tại Mỹ vẫn là quốc gia có cơ hội kinh tế lớn, thì tốc độ di chuyển của nền kinh tế này lại là một trong “những điều tệ hại nhất”:
· Thứ nhất: không có sự tăng trưởng về lương bổng nào trong thực tế. Đối với phần lớn người Mỹ kể từ năm 1980, nó chỉ đơn thuần là được điều chỉnh theo mức lạm phát.
· Thứ hai, cách biệt giàu nghèo quá lớn, giống giai đoạn cuối những năm 1930, ngay trước cuộc Đại khủng hoảng kinh tế.
· Thứ ba, hai phần ba số 60% dân Mỹ có thu nhập thấp nhất không có tiền tiết kiệm. Tình trạng kinh tế nhóm này đã có xu hướng đi xuống trong khoảng 40 năm.
· Thứ tư, 17.5% trẻ em sống trong nghèo đói. Dù có một số ngoại lệ, hệ thống giáo dục công ở Mỹ là một trong những thứ tệ nhất trong thế giới phát triển.
Theo Dalio thì trong những năm trở lại đây nước Mỹ có nguy cơ lặp lại sai lầm kinh tế lớn nhất như đã từng xảy ra vào những năm 1930. Ông nhận định: “Ngoài những kết quả xấu về kinh tế, thì khoảng cách về thu nhập, của cải, và cơ hội đang dẫn đến sự chia rẽ chính trị sâu sắc cũng như đe dọa cấu trúc xã hội ở Mỹ”.
Dalio cho rằng giới lãnh đạo Mỹ nên tuyên bố tình trạng bất bình đẳng là tình trạng khẩn cấp quốc gia và phân phối lại các nguồn tài nguyên sao cho công bằng cho với đại đa số người Mỹ.
Để phân phối lại tài nguyên thì dĩ nhiên là phải tăng thuế và Dailo đưa ra hai nguồn thu thuế chính: tăng thuế đối với cho giới nhà giàu và tăng thuế vào những kỹ nghệ gây ô nhiễm.
Ông cũng cho rằng các công ty cần phải liên kết mục tiêu kinh doanh với mục tiêu xã hội.
Trong khi đó thì chính quyền, cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang, Quốc hội và Tòa Bạch ốc cần phải hợp hiệu quả trong việc đề ra ngân sách và thực hiện chính sách tiền tệ.
Không nhả thêm một đồng
Phản bác quan điểm của Dailo, Griffin phát biểu trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Bloomberg ngay tại hội nghị vào hôm thứ Ba (30.4.2019): “Hút máu nhà giàu không phải là giải pháp” (Soaking the rich doesn’t work).
Cũng trong cuộc hội thảo hôm thứ Ba, trả lời chất vấn của một cử tọa, Griffin cho rằng những trục trặc hiện tại của nước Mỹ là do giáo dục chứ không phải là do định chế tư bản chủ nghĩa. Griffincũng chỉ ra vụ khủng hoảng tại Venezuella như là hậu quả của dường lối xã hội chủ nghĩa, cho rằng giới trẻ Mỹ không bao giờ đi theo con đường này.
Trên thực tế, ông Griffin đã lập lờ đánh lận con đen với khái niệm “xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta sẽ bàn tiếp ở phần dưới.
Mặt khác, chấp nhận những lời ông Griffin là đúng thì, thứ nhất, muốn hoàn thiện nền giáo dục tại Mỹ thì phải có tiền. Mà muốn có tiền thì phải đóng thuế, đặc biệt là đóng thuế nhà giàu vì dân nghèo Mỹ đã kiệt quệ.
Thế nhưng ông Griffin lại không muốn đóng thêm thuế.
Bản thân ông ta cũng đã là mục tiêu gây tranh cãi về việc đánh thuế nhà giàu.
Đầu năm nay Griffin tậu một penthouse có diện tích khoảng 2230 mét vuông tại khu Mahatan của New York với giá 238 triệu Mỹ kim. Vấn đề đáng nói là trước khi xây dựng penthouse này chủ đất đã đuổi hàng chục gia đình trung lưu khỏi chung cư và sự việc này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận mới về phân biệt giai cấp giàu nghèo trong xã hội Mỹ, nơi tầng lớp thượng lưu có thể lấy bất cứ thứ gì họ muốn.
Một vấn đề nữa là việc đóng thuế: vì Griffin có nhà chính tại Chicago, lẽ ra thuế nhà đất phải đóng phải được tính như là “pieds-a-terre”, tức chung cư phụ ở thành phố để thỉnh thoảng ghé đến vốn nặng hơn. Tuy nhiên căn nhà này được tính là biệt thự chỉ đóng thuế một lần nên nhẹ tiền hơn rất nhiều.
Trong những năm qua nhà tài phiệt này đã phô trương tài sản của mình bằng cách vung tiền cho tác phẩm nghệ thuật, từ thiện, bất động sản cao cấp, với penthouse 60 triệu Mỹ kim ở Miami, biệt thự 122 triệu Mỹ kim ở London. Tính ra, Griffin đã tiêu khoảng 700 triệu Mỹ kim cho bất động sản và chừng đó tiên cho các tác phẩm nghệ thuật, thí dụ năm 2016 đã bỏ ra 500 triệu Mỹ kim để tậu hai tác phẩm vẽ của Jackson Pollock và Willem de Kooning, là một trong những thương vụ nghệ thuật lớn nhất thế gới.
Cách vung tiền này đang bị nhiều chỉ trích như là đổ dầu vào lửa trước tình trạng bất bình đẵng.
Đổ dầu vào lửa… bất mãn
Sau phát biểu của Griffin, trong cuộc hội thảo vào tối thứ Tư của hội nghị trên, Dalio lo lắng cảnh cáo: “Nếu chúng ta không đồng ý (đóng thêm thuế), chúng ta sẽ phải đối mặt với một hình thức cách mạng để hủy bỏ chủ nghĩa tư bản để theo đổi đường lối cực đoan đối nghịch. Nếu chúng ta có một dân số với một chênh lệc giàu nghèo khỏng lộ và một tình trạng suy thoái kinh tế, hầu như sẽ có xung đột.”
Cũng có mặt tại hội nghị hôm thứ Ba, nhà tài phiệt Alan Schwartz, giám đốc hãng đầu tư Guggenheim Partners, nhận định “Nếu quý vị nhìn về cánh hữu và cánh tả, điều thực sự xảy ra là một đấu tranh giai cấp”.
Đồng nghiệp của nhà đầu tư này, Scott Minerd, giám đốc đặc trách đầu tư của công ty, nhấn mạnh rằng sự phân hóa giàu nghèo đang vỗ béo chủ nghĩa dân túy, là điều đã giúp ông Trump trở thành tổng thống.
Những nhà tài phiệt như thế đa số tập trung tại New York, thành phố được xem là trung tâm tài chính của nước Mỹ. Cũng chính tại thành phố này, Thị trưởng Bill de Blasio là người hơn ai hết lăn xả và cuộc chiến đòi thêm tiền thuế từ giới nhà giàu.
Với chủ trương “chống nhà giàu” nêu chính trị gia này đã là mục tiêu tẩy chay, vận động không bỏ phiếu từ giới nhà giàu. Tuy nhiên bất chấp các nỗ lực của giới nhà giàu, ông này đã đạt chiến thắng lẫy lừng vào năm 2013 và tái đắc cử vào năm 2017, cho thấy công chúng tại đây đang rất hậm hực với giới nhà giàu.
Đầu năm nay ông thị trưởng này tiếp tục kêu gọi thực hiện đánh thuế nhà giàu qua các thương vụ chuyển nhượng bất động sản cao cấp: mua nhà có giá trên 1 triệu Mỹ kim sẽ phải trả thêm 1% thuế. Khoản thuế này theo Thị trưởng Blasio là nhằm tái phân phối lợi ích trong xã hội, qua đó gia tăng ngân sách đầu tư nhà ở cho thành phần bình dân.
Hiện vấn đề phân hóa giàu nghèo và khủng hoảng nhà ở là một vấn đề nan giải tại New York khi rất nhiều cư dân rơi vào tình trạng vô gia cư hoặc phải ngủ trong xe do không đủ tiền thuê nhà. Trong khi đó thì thành phố không đủ tiền để xây chung cư mới lẫn việc sửa chữa, bảo trì những căn nhà cũ có giá cho thuê rẻ.
Với chủ trương chống bất bình đẳng thu nhập, ông Blasio kịch liệt chỉ trích chương trình cắt giảm thuế người giàu của Tổng thống Donald Trump: “Quý vị hãy nhìn vào những khoản chi khổng lồ này. Liệu bạn có cho rằng những cá nhân giàu có này không thể trả thêm tiền thuế? Vậy mà họ đang được Tổng thống Trump giảm thuế, giới nhà giàu đã sống trong cảnh nhung lụa và có cả một hệ thống thuế ưu đãi cho họ. Chương trình giảm thuế của ông Trump giờ đây chỉ khiến tình trạng này mở rộng hơn”.
Thậm chí chính tài phiệt Griffin nói trên cũng từng nghi vấn về chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Trump năm 2017, cho rằng chúng quá mạnh so với mức cần thiết để kích thích nền kinh tế.
Chính những bất mãn này đã giúp Alexandria Ocasio-Cortez, một phụ nữ da màu tự diễn tả mình là “xã hội chủ nghĩa” đắc cử dân biểu. Và chính những bất mãn này giúp Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cũng là một người “xã hội chủ nghĩa”, vẫn còn tìm ra động lực và cử tri ủng hộ để tiếp tục ra tranh cử tổng thống vào năm 2020.
Và chính những điều này đã khiến Viện Milky khẩn cấp bàn cách “Hiện đại hóa chủ nghĩa tư bản” với khẩu hiệu “Chia sẻ sự thịnh vượng” như đã nói ở trên.
Chia sẻ sự thịnh vượng
Như đã nói ở trên, nhà tài phiệt Griffin đã đồng hóa những biện pháp đòi tăng tăng thuế với chủ nghĩa xã hội (socialism), nêu ra trường hợp Venezuela như là viễn cảnh mà giới trẻ Mỹ không bao giờ chấp nhận.
Trên thực tế, kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8 năm 2018 cho thấy 51% giới trẻ ở Mỹ và 57% thành viên đảng Dân Chủ thích “chủ nghĩa xã hội”. Thực tế này đã từng thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2016: trong nội bộ đảng Dân chủ bà Hillary Clinton đã phải chật vật lắm mới thắng đối thủ theo “chủ nghĩa xã hội” Bernie Sanders, và sự ủng hộ cho ông này đến từ giới trẻ.
Sau đó, trong cuộc bầu cử bán phần quốc hội vào tháng Sáu năm 2018 hai ứng cử viên xã hội chủ nghĩa là Alexandria Ocasio-Cortez và Rashida Tlaib đã đắc cử vào Hạ viện Liên bang. Trước đó, vào tháng 11 năm 2017 ứng cử viên Lee J. Carter – một chuyên viên IT và là cựu binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ – đã đắc cử vào Hạ viện tiểu bang Virginia. Cả ba đều là đảng viên Dân Chủ và là thành viên của tổ chức “Democratic Socialists of Americ” (DSA).
Những đường lối mà DSA xiển dương hoàn toàn không phải là thứ “chủ nghĩa xã hội” từng tồn tại ở Việt Nam hay Venezuela mà là “san sẻ sự thịnh vượng”. Mặt khác, các nhà hoạt động DSA mạnh mẽ chống độc tài (như Bắc Hàn, Trung cộng, Venezuela) và không khoan nhượng những chính sách vi phạm nhân quyềm. Nhưng với đa số người Việt thì do cụm từ “xã hội chủ nghĩa” đã bị độc quyền sử dụng và diễn giải đã hơn nửa thế kỷ quả, hậu quả là cụm từ này luôn mang lại những kinh nghiệm đau thương và làm dấy lên nhiều ác cảm, bất kể nó đến từ đâu.
Trên thực tế, ngay từ năm 1980, trước khi khối cộng sản sụp đổ, ông Michael E. Harrington – đồng sáng lập viên DSA cùng với Eugene V. Debs và Norman Thomas – đã từng bác bỏ hình thái chính trị Liên Xô, Trung cộng và Đông Âu, tuyên bố chủ trương theo đuổi “chủ nghĩa xã hội không cộng sản”.
Theo Harrington thì do quyền kiểm soát chính trị và kinh tế đều nằm trong tay người giàu nên cán cân chênh lệch giàu nghèo ngày càng nghiêng về phía người giàu và đó là gốc rễ của những vấn nạn xã hội trầm trọng. Nhưng theo ông thì để thay đổi xã hội một cách lành mạnh, nước Mỹ phải dứt khoát chối bỏ cái gọi là “đấu tranh giai cấp” mà Karl Marx đã đề xướng, thay vào đó nước Mỹ phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và tiến hành cuộc chiến chống lại tình trạng bần cùng.
Ocasio-Cortez, một thành viên DSA vô danh tiểu tốt mới 28 tuổi thắng Dân biểu lão thành Joseph Crowley tại New York với những chủ trương mới mẻ: y tế miễn phí, đại học miễn phí, bảo đảm công ăn việc làm, phát triển nhiên liệu xanh, đánh thuế 70% những ai có thu nhập từ 10 triệu Mỹ kim trở lên.
Trên thực tế thì những chính sách trên hoàn toàn bất khả thi với nước Mỹ, ít ra là trong tương lai gần. Tuy nhiên việc những đảng viên DSA như Ocasio-Cortez đắc cử vẫn có những yếu tố tích cực khi buộc các chính đảng và chính trị gia, thậm chí cả giới tài phiệt phải xét lại con đường làm giàu của mình. Bằng chứng là hội nghị “Chia sẽ sự thịnh vượng” vao tuần qua của giới tài phiệt Mỹ. Dù họ vẫn cãi nhau, chưa ai chịu ai, đó vẫn là tín hiệu tốt để giải quyết tình trạng cách biệt giàu nghèo ngày càng sâu thêm.
Phạm Đức Đồng Hùng
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét