Ảnh minh họa: Jun Cen/New York Times.
Một bộ phận nhỏ trong giới tinh hoa của Trung Quốc gọi Tổng thống Trump là "vị cứu tinh". Tại sao lại như vậy?
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã từng gọi Trung Quốc là "kẻ thù", và ông cũng từng gọi Trung Quốc là "mối đe dọa lớn" của nước Mỹ. "Hãy nhớ rằng, Trung Quốc không phải là bạn của nước Mỹ!", vị Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter.
Theo nhà báo Li Yuan, cây viết của tờ New York Times, một bộ phận nhỏ người Trung Quốc đã ưu ái gọi vị Tổng thống Mỹ thứ 45 là "vị cứu tinh".
Sau đây là phần lược dịch từ bài viết của tác giả Li Yuan về vấn đề này.
"Vị cứu tinh"
Một vài người Trung Quốc gọi vị Tổng thống cực đoan của nước Mỹ là vị cứu tinh. Tại sao lại như vậy?
Tại những bàn tiệc tối, trong những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội và cả những cuộc trao đổi kín đạo, một số nhân vật "tinh hoa" thuộc giới trí thức và kinh doanh thường nửa đùa, nửa thật cổ vũ cho nhà lãnh đạo Mỹ - người đã gây dựng phần lớn sự nghiệp chính trị của mình dựa trên những phát ngôn có phần tiêu cực về Trung Quốc.
"Chỉ ông Trump mới cứu được Trung Quốc", một số người châm biếm. Một số khác thì gọi ông Trump là "trưởng ban tạo áp lực" trong công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Những lời "khen ngợi" nửa đùa, nửa thật trên cho thấy một bộ phận người Trung Quốc đang cảm thấy tuyệt vọng đến nhường nào. Họ lo sợ rằng đất nước mình đang đi sai đường, và cho rằng một người ngoài thích công kích như Tổng thống Trump có thể giúp Trung Quốc trở về con đường đúng đắn lần nữa.
Nhiều người trong giới tinh hoa Trung Quốc lo sợ rằng sau 40 năm cải cách và mở cửa, nước này đang dần rơi vào tình trạng suy thoái. Giữa nỗi lo sợ ấy, ông Trump và cuộc chiến thương mại bất ngờ xuất hiện.
Trong số rất nhiều yêu cầu được phía Mỹ đưa ra, thì có một điều đã khiến thành phần tư nhân - bán tư nhân Trung Quốc phấn khởi: Đó là việc Washington yêu cầu Bắc Kinh hạ thấp rào cản thương mại, và tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù cuộc chiến thương mại cũng khiến Trung Quốc lao đao, nhưng nhiều người đã nhìn thấy cơ hội trong đó.
Zhu Ning, một nhà kinh tế học tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết: "Cuộc chiến thương mại là một điều tích cực. Nó đã cho chúng tôi hy vọng trong lúc tuyệt vọng".
"Những yêu cầu của chính phủ Mỹ sẽ là sức ép khiến chúng tôi [Trung Quốc] tiếp tục cải cách", Tao Jingzhou, một đối tác của văn phòng luật Dechert có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. "Người Trung Quốc thường so sánh việc cải cách giống như tự chặt đi một cánh tay, nghĩa là điều đó rất khó khăn. Sẽ dễ dàng hơn nếu có người khác ép bạn làm như vậy".
Thậm chí, một số quan chức Trung Quốc nghỉ hưu cũng tin rằng cuộc chiến thương mại có tác dụng tích cực. Ông Long Yongtu, vị quan chức từng dẫn đầu đoàn đám phán giúp Trung Quốc bước vào tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã phát biểu tại một diễn đàn tháng trước rằng xung đột thương mại [với Mỹ] có thể là "một điều tích cực".
Đó có thể là "một áp lực có lợi giúp Trung Quốc tiến về phía trước", ông Long nói.
Một bộ phận nhỏ tại Trung Quốc coi ông Trump là "vị cứu tinh". Ảnh: CNN.
Ngoại lực không thể bằng nội lực
Những người lạc quan thường tập trung vào những dấu hiệu mà họ cho là chứng tỏ ông Trump đang có ảnh hưởng tại Trung Quốc.
Ví dụ, cuộc chiến thương mại và tình trạng tăng trưởng chậm bắt đầu từ giữa năm ngoái đã khiến chính phủ Trung Quốc quyết định nới lỏng một số chính sách như cắt giảm thuế, giảm gánh nặng lên thành phần tư nhân, hay mở rộng vai trò của thị trường trong nền kinh tế.
"Ngày càng có nhiều quyết định theo định hướng thị trường được cân nhắc hoặc thảo luận trở lại", nhà kinh tế học Zhu Ning cho biết. "Xét trên khía cạnh này, thì cuộc chiến thương mại đang thúc đẩy quá trình cải cách của Trung Quốc".
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như chỉ đang thực hiện các cử chỉ thân thiện với doanh nghiệp trên "bề mặt", tức là hành động mang tính chất phản ứng chứ không phải chủ động. Nói cách khác, điều này có nghĩa là tư duy lãnh đạo Trung Quốc, về cơ bản, vẫn không có thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, một mình ông Trump thì khó mà thay đổi được nhiều điều ở Trung Quốc. Nếu đồng thuận với quá nhiều yêu cầu của phía Mỹ, thì chính quyền Bắc Kinh sẽ mất định lợi thế và sức mạnh của mình. Do đó, sự cải cách thực sự cần phải được tiến hành từ trong nội bộ.
Thậm chí, chính các quan chức trong chính quyền của ông Trump cũng bày tỏ hy vọng rằng sẽ có những tiếng nói được cất lên từ trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh về vấn đề cải cách. Trong một cuộc phỏng vấn với đài NPR, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đưa ra bình luận về khả năng cuộc chiến thương mại có thể dẫn tới những thay đổi ở Trung Quốc.
"Cần phải bắt đầu từ những người Trung Quốc có niềm tin vào chuyện cải cách. Và những người đó phải là nhân vật cấp cao", ông Lighthizer nói.
Trong những bình luận công khai, ông Trump khẳng định sẽ thúc đẩy Trung Quốc mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn. Các cố vấn của Tổng thống cũng tuyên bố rằng ông sẽ gây sức ép nhằm khiến Trung Quốc cải cách kinh tế, tuy nhiên sẽ rất khó để kiểm chứng những cam kết của phía Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng mục tiêu chính trị quan trọng nhất của ông Trump không phải là giúp Trung Quốc cải cách. Có thể ông ấy chỉ muốn có gì đó để viết tweet thôi", nhà kinh tế học Zhu Ning kết luận.
theo Trí Thức Trẻ
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét