Hai con của thương nhân giàu bậc nhất Sri Lanka đã tiến hành vụ khủng bố sát hại ba người con của tỷ phú giàu nhất Đan Mạch.
Nhà hàng ở khách sạn Shangri-La hư hại sau vụ đánh bom ngày 21/4. Ảnh: AFP.
|
Khoảng 9h (10h30 giờ Hà Nội) ngày lễ Phục sinh 21/4, Anders Holch Povlsen, tỷ phú giàu nhất Đan Mạch, đang dùng bữa sáng với gia đình tại nhà hàng Table One trong khách sạn Shangri-La ở thủ đô Colombo, Sri Lanka.
Cùng lúc đó, Ilham Ibrahim, con trai của một trong những thương nhân bán gia vị giàu có nhất ở Sri Lanka, đi thang máy xuống Table One. Đội mũ bóng chày và đeo ba lô lớn, anh ta bước vào thang máy với một người bạn mặc đồ giống mình. Ngay trước khi cửa thang máy mở ra, người bạn này cười với Ibrahim.
Vào thời điểm đó, số phận của hai gia đình Povlsen và Ibrahim sắp giao nhau.
Một người là tỷ phú USD, người kia là tỷ phú rupee (đồng tiền của Sri Lanka). Một người xây dựng khối tài sản bằng quần jean, áo cao cổ và các loại trang phục khác. Người kia tạo dựng cơ nghiệp bằng hạt tiêu trắng, hạt tiêu đen và các loại gia vị.
Chỉ trong một cái chớp mắt, 5 người con của họ, Ilham, Inshaf, Alma, Agnes và Alfred, qua đời trong vụ đánh bom. Hai con trai của Ibrahim đã kích nổ đai bom tự sát và cướp đi sinh mạng của ba người con nhà Povlsen.
Cộng đồng Hồi giáo tại Sri Lanka thắc mắc vì sao hai người con trong một gia đình thượng lưu lại làm điều đó. "Mọi người cứ hỏi tôi câu đó", Hilmy Ahmed, phó chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Sri Lanka, nói. "Tôi không biết liệu có câu trả lời cho việc đó hay không".
Khách sạn Shangri-La hiện lên như một tòa tháp đẹp mắt trên đường Galle Face ở Colombo. Nó cao 32 tầng với cửa kính màu xanh lam và nhìn ra Ấn Độ Dương. Nhà Povlsen ở lại đây trong kỳ nghỉ đến Sri Lanka vào dịp lễ Phục sinh.
Tỷ phú Anders Holch Povlsen. Ảnh: TV2.
|
Anders Povlsen là giám đốc điều hành công ty thời trang Bestseller. Đi cùng ông là vợ, Anne và 4 đứa con, tuổi từ 5 đến 15. Con gái cả Alma chia sẻ một vài hình ảnh về chuyến đi trên Instagram, cho thấy họ ở đây ít nhất 4 ngày.
Gia đình Povlsen từng đối mặt với những nguy cơ an ninh. Vào cuối những năm 1990, một kẻ tống tiền đã xâm nhập vào nhà của cha mẹ Anders và dọa giết họ nếu không được trả tiền. Vài năm sau, những kẻ bắt cóc bắt nhầm một người ở Ấn Độ để đòi tiền chuộc vì tưởng đó là Povlsen.
Soren Jakobsen, người viết tiểu sử về Povlsen, cho biết gia đình tỷ phú "coi an ninh là ưu tiên hàng đầu trong 20 năm qua". Anders, 46 tuổi, không thích bị chụp ảnh và không dùng mạng xã hội.
Gia đình Povlsen sống trong một biệt thự 600 tuổi ở nơi hẻo lánh. Họ cũng sở hữu một số lâu đài ở Scotland. Tạp chí Forbes ước tính ông có khối tài sản 8 tỷ USD.
Ông giao thiệp với các hoàng tử Đan Mạch, thậm chí còn nuôi gà và nấu bia với họ. Nhân viên của Bestseller và người dân trong thị trấn ông sống, Stavtrup, nói rằng ông rất thân thiện.
"Anders Holch Povlsen không kiêu căng mà là doanh nhân trung thực và có tầm nhìn. Đó là lý do nhiều người quý mến ông ấy", Jakobsen nói.
Đó cũng là điều nhiều người nói về gia đình Ibrahim.
Mohamed Ibrahim thích kể câu chuyện về chiếc nhẫn của mình. Vào cuối những năm 1960, ông là một thiếu niên ít học đến từ Delthota, thị trấn nhỏ ở trung tâm nông nghiệp Sri Lanka. Ông phải bán chiếc nhẫn yêu thích để có tiền một mình đi xe buýt đến Colombo.
Tại khu phố đông người Hồi giáo ở Colombo, ông làm đầu bếp rồi bán hành tây. Sau đó, ông bán vừng và hạt tiêu, từng bước tiến vào ngành buôn gia vị.
Khí hậu nhiệt đới và đất đai màu mỡ của Sri Lanka sản sinh ra một số loại gia vị được yêu thích nhất thế giới. Ibrahim điều hành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gia vị lớn nhất của quốc đảo, đưa 10.000 tấn hạt tiêu đến Ấn Độ mỗi năm.
Doanh nghiệp của ông chiếm thị phần lớn đến độ các thương nhân nói rằng ông có thể quyết định giá cả của thị trường. Ibrahim từng là chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Colombo, sống trong biệt thự triệu đô ở ngoại ô Colombo và có 6 chiếc xe sang.
Các thành viên gia đình cho biết ông Ibrahim dù đã ngoài 70 tuổi vẫn làm việc không biết mệt mỏi. Ông thức dậy vào 4h sáng, đến nhà thờ Hồi giáo rồi ăn sáng đơn giản tại nhà. Sau đó ông đến nhà máy gia vị, chà xát hạt tiêu giữa các ngón tay để kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Văn phòng của Ibrahim nằm giữa những cửa hàng trên đường Old Moor, nơi mùi thì là, ớt và quế hòa quyện trong không khí.
"Ông ấy gọi mọi người là anh em", nhà nhập khẩu A.B. Kaldeen kể. "Ngay cả các điều tra viên cũng nói với chúng tôi rằng họ biết ông ấy là người tốt".
Hàng xóm thường trông thấy ông đi trên đường Old Moor với đầu cúi, mắt nhìn xuống đất và khom lưng.
Con trai cả của ông, Inshaf, khoảng 35 tuổi, thì phô trương hơn. Anh ta lái chiếc xe sang màu trắng. Dáng người cao to vạm vỡ.
Inshaf được bồi dưỡng để tiếp quản cơ nghiệp của cha. Anh ta quản lý một nhà máy sản xuất ống đồng. Một bức ảnh từ năm 2016 cho thấy Inshaf cười rạng rỡ khi cùng cha nhận một giải thưởng từ bộ trưởng.
Inshaf (phải) và bố mình, Mohamed (giữa) nhận giải thưởng từ bộ trưởng Sri Lanka. Ảnh: Facebook.
|
Con trai thứ hai của Ibrahim, Ilham, khoảng 31 tuổi, sống lặng lẽ hơn. Những người buôn bán trên phố Old Moor hiếm khi thấy anh ta. Có vẻ công việc của Ilham là giám sát trang trại hồ tiêu của gia đình gần Matale, thành phố cách đó vài giờ lái xe.
"Ilham không bao giờ lộ mặt", một người họ hàng nói.
Một ngày trước vụ tấn công, Inshaf nói với vợ rằng anh ta đến Zambia, quốc gia ở trung nam châu Phi. Khi nói lời chia tay, Inshaf nán lại thêm bên ngoài xe và nói với vợ: "Em giữ gìn sức khỏe nhé".
Sau đó, anh ta check in ở khách sạn Cinnamon Grand tại Colombo. Em trai Ilham thì vào khách sạn Shangri-La. Inshaf sử dụng thẻ căn cước giả nhưng Ilham dùng giấy tờ tùy thân thật.
Tại Shangri-La, Ilham vào nhà hàng Table One với một người đàn ông được xác định là Zaharan Hashim, kẻ chủ mưu vụ tấn công. Giới chức nói rằng Zaharan là nhà truyền giáo đến từ miền đông đất nước, chuyên chiêu mộ phần tử cực đoan cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông ta đã thu hút người ủng hộ bằng cách đăng các video tuyên truyền lên YouTube.
Năm ngoái, Zaharan rao giảng thông điệp hận thù chống lại người không theo Hồi giáo ở một thị trấn cách trang trại hồ tiêu Ilham quản lý gần 50 km. Vào thời điểm đó, tại khu vực này có căng thẳng giữa những người theo đạo Phật, cộng đồng chiếm đa số ở Sri Lanka và người Hồi giáo, chiếm khoảng 10% dân số.
Zaharan Hashim ở trong thang máy khách sạn Shangri - La trước khi đánh bom ngày 21/4. Ảnh: Reuters.
|
Không rõ Zaharan và Ilham gặp nhau như thế nào, các thành viên của gia đình Ibrahim nói rằng Ilham sùng đạo hơn những người khác trong gia đình và người vợ trẻ của anh ta, Fatima, luôn che toàn bộ khuôn mặt của mình, điều khác thường ở Sri Lanka.
Có thể hiểu được sức hút khiến họ hợp tác với nhau. Nếu Ilham đang tìm kiếm sự dẫn dắt tâm linh, Zaharan có thể cung cấp điều đó. Và nếu Zaharan có kế hoạch giết người, thì gia tài của nhà Ibrahim có thể tài trợ cho mọi thứ.
Vào ngày lễ Phục sinh, tất cả các khách sạn lớn và nhà thờ đều đông đúc. Ilham và Zaharan vào nhà hàng Table One ở khách sạn Shangri-la từ hai hướng khác nhau. Khoảng 8h50, họ đánh bom tự sát.
Asanga Abeyagoonasekera, chuyên gia chính sách đối ngoại của Bộ Quốc phòng Sri Lanka, đang ở cùng gia đình trên tầng 9. Ông kể rằng cả tòa nhà rung chuyển.
Abeyagoonasekera vội vã chạy xuống đường cùng vợ và hai con trai nhỏ. Ông nhìn thấy một phụ nữ phương Tây được khiêng đi. "Cô ấy ở ngay trước mắt tôi, cô ấy bị thương và trông rất vô hồn", Abeyagoonasekera kể.
33 người bị giết tại Shangri-La, trong đó có ba trong số 4 người con của Povlsen. Trong một bức ảnh chụp tại Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka ở Colombo vài giờ sau đó, một người đàn ông có vẻ là Povlsen nghe điện thoại di động, áo dính máu, mắt trái sưng lên. Khi một nhà báo yêu cầu phỏng vấn, ông lắc đầu.
Tại khách sạn Cinnamon Grand, Inshaf, đeo ba lô và đội mũ bóng chày, bước vào phòng ăn buffet. Anh ta dừng lại, đi về phía trước rồi lại quay lại.
"Cậy ấy rõ ràng đã chần chừ hành động", một thành viên gia đình nói. "Cậu ấy luôn kết nối với mọi người nhiều hơn Ilham".
Sau phút giây do dự, Inshaf cuối cùng vẫn kích nổ quả bom mang theo, giết chính mình và 20 người khác. Chỉ trong vài phút, 7 kẻ đánh bom tự sát trên khắp Sri Lanka kích nổ tại ba khách sạn và ba nhà thờ.
Vì Ilham sử dụng thẻ căn cước thật khi check in khách sạn, cảnh sát nhanh chóng tìm ra anh ta là ai. Cảnh sát đổ đến biệt thự của nhà Ibrahim.
Đón họ ở cửa là Fatima, vợ của Ilham. Cô xoay người và đi lên cầu thang. Trước mặt ba đứa con của mình, Fatima kích nổ đai bom tự sát, giết chính mình và các con cùng ba cảnh sát. Giới chức cho biết cô có thể đang mang thai.
Sau khi hai con trai phạm tội, Ibrahim bị còng tay và bị cảnh sát giải đi. Ngày hôm sau, Povlsen, vợ và đứa con duy nhất sống sót rời Colombo trên máy bay riêng.
Tuần trước, hơn 1.000 người ở thị trấn của Povlsen, Stavtrup, đã diễu hành trước nhà của gia đình để chia buồn. Một số người không kìm được nước mắt.
Ông Ibrahim vẫn đang bị giữ. Hầu hết cộng sự tin rằng ông không biết gì về âm mưu đánh bom tự sát của hai con trai.
Phương Vũ (Theo NYTimes)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét