Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Thấy gì từ hội thảo quốc tế về chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế?


Nguyễn Trang Nhung 

2018-12-01 Hội thảo cho thấy tính hồ đồ khi một trong các diễn giả của nó, ông Tiến, đã mạnh miệng phát biểu rằng “Chúng ta ở đây không ai băn khoăn chuyện có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không. Chắc chắn là có. Tôi nghĩ rằng 100% chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta ngồi đây không đặt ra câu hỏi là có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không, bởi vì điều đấy là cần thiết, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trong bối cảnh của Việt Nam và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Câu hỏi chỉ là làm thế nào, chứ không phải là có làm hay không.”

Vịnh Hạ Long nơi có sân bay Vân Đồn
Sáng ngày 29/11, hội thảo quốc tế "Chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính (thuộc Bộ Tài chính) tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Ramana, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia từ các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc cùng các cá nhân, tổ chức khác. Nội dung chính của hội thảo bao gồm 4 tham luận của 2 diễn giả từ Việt Nam và 2 diễn giả từ Trung Quốc:

1. “Thực trạng phát triển đặc khu kinh tế ở Việt Nam và hàm ý chính sách”, PGS. TS. Đào Ngọc Tiến, Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương

2. “Mô hình phát triển và các chính sách tài chính cho phát triển các đặc khu kinh tế của Trung Quốc”, TS. Trương Ngọc Đán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Trung Quốc

3. “Chính sách tín dụng đối với đặc khu kinh tế”, TS. Phạm Ngọc Đỉnh, Nghiên cứu viên cao cấp (hạng 1) Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

4. “Cơ chế thuế ưu đãi của Trung Quốc nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đối với các đặc khu kinh tế”, TS. Liu Zuo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Luật Tài chính và Thuế, Hiệp hội Luật Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thuế, Tổng cục Thuế Trung Quốc.


Hội thảo "Chính sách tài chính đối với đặc khu kinh tế" (tên rút gọn) Blog Nguyễn Trang Nhung

Nhìn chung, hội thảo với các tham luận kể trên thiếu các yếu tố cần thiết để thực sự đạt được mục tiêu như nó tuyên bố là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và rút ra bài học cho Việt Nam. Cụ thể là:

Nó không đủ tính bao quát như tên gọi của nó (về “kinh nghiệm quốc tế”) khi chủ yếu đưa ra kinh nghiệm từ các đặc khu kinh tế của Trung Quốc và các khu kinh tế hiện có của Việt Nam.

Nó không đủ tính khách quan như nên có khi chủ yếu xem xét kinh nghiệm thành công mặc dù các nghiên cứu về các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy tỷ lệ thành công không hơn tỷ lệ thất bại.

Nó cho thấy tính hồ đồ khi một trong các diễn giả của nó, ông Tiến, đã mạnh miệng phát biểu rằng “Chúng ta ở đây không ai băn khoăn chuyện có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không. Chắc chắn là có. Tôi nghĩ rằng 100% chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta ngồi đây không đặt ra câu hỏi là có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không, bởi vì điều đấy là cần thiết, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trong bối cảnh của Việt Nam và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Câu hỏi chỉ là làm thế nào, chứ không phải là có làm hay không.”

Nó cho thấy tính mơ hồ khi ngay một chuyên gia như ông Tiến không chỉ ra được một bộ tiêu chí cụ thể để xác định sự thành công hay thất bại của các đặc khu kinh tế trong tương lai (nếu có). 


Trả lời câu hỏi của người viết về một bộ tiêu chí như vậy, sau khi kể đến mục tiêu tăng trưởng và mối liên kết của các đặc khu kinh tế với các vùng lân cận, ông Tiến nói thêm rằng để có một bộ tiêu chí thì “có lẽ chúng ta còn phải có một vài hội thảo tiếp theo, còn bây giờ không thể trả lời được câu hỏi là đánh giá sự thành công bằng những tiêu chí nào”.

Và, cho dù hội thảo có mục tiêu thực sự là gì, nó đã tái khẳng định ý chí thực hiện dự án đặc khu kinh tế của chính phủ, khi thể hiện rằng công tác chuẩn bị cho dự án vẫn đang được xúc tiến.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: