Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Suy ngẫm về ‘tính quần chúng’ của cái ác



Trong tác phẩm Tội ác và hình phạt của văn hào Nga Dostoevski, chàng sinh viên Rashonikov trước khi quyết định giết chết bà già cho vay nặng lại tự đặt ra cho mình câu hỏi: Trong trường hợp này Napoléon sẽ làm gì? Tính mạng của một cá nhân tồi tệ, ăn bám xã hội có nghĩa lý gì so với cuộc sống của một vĩ nhân, người có thể mang lại biết bao lợi ích cho nhân quần [1]?
Và Rashonikov – người vẫn tự nghĩ về mình như một vĩ nhân – đã phạm tội, không phải vì anh ta cần tiền mà vì anh ta coi đó là một thử thách cần vượt qua đối với một “Napoléon” bởi lẽ “vô độc bất trượng phu”. Điều ác mà anh ta làm được biện minh bởi một thứ lý tưởng hay triết lý sống nào đó mà anh ta thực sự tin tưởng và sẵn sàng trả giá cho
Thế kỷ 20 là thế kỷ có nhiều cuộc chiến tranh kinh khủng nhất: số người chết vì tay đồng loại trong thế kỷ 20 nhiều hơn tất cả những thời gian trước đó trong lịch sử tồn tại của loài người. Tại sao lại có thể như thế? Triết gia người Đức Hannah Arendt từng suy nghĩ về bản chất của cái Ác trong suốt 30 năm, kể từ năm 1933 – năm Hitler lên nắm quyền và thi hành chính sách phát xít, bài Do Thái ở Đức trước khi có được câu trả lời trong tác phẩm Eichmann ở Jerusalem – Báo cáo về sự tầm thường của cái Ác” (Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil).
Hannah Arendt sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hanover, Đức. Bà từng theo học triết học với hai bậc thầy triết học vĩ đại nhất của nước Đức trong thế kỷ 20 – Heidegger và Karl Jaspers. Bà cũng từng là người yêu của Heidegger – cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh – trong một thời gian dài. Năm 1941, trước sự khủng bố người Do Thái của phát xít Đức, Arendt trốn thoát sang Mỹ. Bà nhập quốc tịch Mỹ năm 1950, tham gia giảng bài ở nhiều trường đại học danh tiếng và là nữ giáo sư chính (full professor) đầu tiên ở Princeton vào năm 1959. Năm 1961, nhận lời của tạp chí New Yorker, bà sang Israel theo dõi phiên toà ở Jerusalem xử tên trung tá SS Adolf Eichmann – một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm chính cho thảm họa Holocaust của người Do Thái ở châu Âu. Eichmann tham gia lập kế hoạch và người trực tiếp chỉ đạo việc bắt nhốt người Do Thái trong các trại tập trung cũng như đưa họ vào các lò thiêu người. Các bài viết của bà trên tạp chí New Yorker về phiên toà này sau đó được tập hợp và bổ sung thành tác phẩm Eichmann ở Jerusalem – Báo cáo về sự tầm thường của cái Ác, xuất bản năm 1963. Tác phẩm này nhanh chóng trở thành kinh điển và là một kiệt tác chính trị-đạo đức học trong thế kỷ 20.
Chúng ta vẫn quen nghĩ rằng cái ác là một cái gì đó thật ghê gớm và những kẻ phạm tội ác là những kẻ khác xa với người bình thường. Nhưng trong tác phẩm của mình, Hannah Arendt lý giải hành động của Eichmann không phải do những thú tính, cũng không phải do sự cuồng tín vào lý tưởng Quốc xã hay chủ nghĩa bài Do Thái. Eichmann chưa bao giờ tỏ ra ghét người Do Thái, thậm chí còn có một số bạn bè là người Do Thái. Y tham gia SS hoàn toàn là một sự tình cờ và để có việc làm chứ không phải do lý tưởng Quốc xã. Về khía cạnh tâm lý, trong phiên toà, chính phủ Israel đã cử sáu chuyên gia tâm lý tìm hiểu về Eichmann và họ đều không tìm thấy bất cứ một trục trặc tâm lý nào, dù là nhỏ nhất, ở kẻ được mệnh danh là “tên đồ tể của châu Âu” này. Dựa trên những chứng cứ thu thập về cuộc đời của Eichmann, Hannah Arend nhận thấy động cơ duy nhất của tên sát nhân này chỉ là muốn thăng tiến trong công việc. Y không hề cảm thấy cắn rứt lương tâm khi làm điều ác vì y cho rằng y chỉ làm đúng và làm tốt những gì mà cấp trên giao phó và luật pháp cho phép. Theo Eichmann, y không phải chịu trách nhiệm gì vì không những y chỉ tuân thủ mệnh lệnh cấp trên mà y còn làm đúng theo tinh thần luật pháp nước Đức lúc đó. Nói tóm lại, kẻ giết sáu triệu người Do Thái tỏ ra là một công dân Đức bình thường, một người nếu trong hoàn cảnh khác rất có thể sẽ là một nhà kinh doanh năng nổ hay một công chức tuân thủ pháp luật, một người chồng, người cha tốt, người hàng xóm thân thiện.
Từ trường hợp Eichmann, Hannah Arendt viết về “sự tầm thường của cái Ác”. Bà bác bỏ một luận điểm phổ biến thời đó (và có lẽ cả bây giờ) rằng những tên tội phạm Quốc xã là những kẻ bất bình thường tâm lý và khác biệt với những người bình thường. Theo bà, tội ác của Eichmann, cũng như của rất nhiều tên tội phạm Quốc xã khác, bắt nguồn từ sự mù quáng tuân thủ mệnh lệnh và những điều luật vô đạo đức của một chính thể vô đạo đức. Tội ác đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự khuyến khích từ dư luận phổ biến trong xã hội đó và sự đồng phạm của những người xung quanh y. Eichmann từng thú nhận, y cảm thấy nhẹ cả người như Pontius Pilate [2] sau khi rửa tay, khi chứng kiến việc những thành viên có vị thế trong xã hội đều nhiệt tình hưởng ứng Giải pháp Cuối cùng cho vấn đề Do Thái của Hitler. Cái gốc của tội lỗi đó, chính là ở việc nhân danh một thể chế quyền lực trên cao (luật pháp, cấp trên), Eichmann đã đánh mất khả năng lựa chọn và chịu trách nhiệm đạo đức cá nhân với các hành động của mình, đánh mất sự tưởng tượng, đặt mình vào địa vị những nạn nhân và tự đối thoại với bản thân. Với Eichmann, việc đưa người Do Thái vào các lò thiêu người cũng không khác gì các công việc bàn giấy quan liêu khác mà y phải thực hiện. Trong sự ý thức về hành động của cá nhân và trách nhiệm đạo đức, Eichmann rất khác với nhân vật Rashonikov của Dostoevsky. Dù động cơ lệch lạc, nhưng Rashonikov vẫn có được tự do ý chí. Eichmann thì không, y để kẻ khác chọn lựa cho y và mù quáng đi theo sự lựa chọn có sẵn đó.
Cuốn sách của Hannah Arendt khi ra đời gây một cú sốc lớn trong dư luận thời đó. Một số học giả lên tiếng phản đối Arendt, cho là bà bào chữa cho những tên tội phạm Quốc xã (làm sao cái bọn ghê tởm đó lại có thể giống người bình thường được!), thậm chí còn kết tội bà kỳ thị người Do Thái ở Đông Âu – những nạn nhân chính của Eichmann. Nhưng ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm của Hannah Arendt. Một khi đánh mất ý thức trách nhiệm cá nhân, những người bình thường nhất cũng có thể trở thành đồng loã với cái ác. Đã có nhiều bằng chứng trong lịch sử về điều này.
Dưới thời Đức phát xít đã không chỉ có một Eichmann mà hẳn còn rất nhiều Eichmann khác mà chúng ta không biết tên. Ở một phạm vi rộng hơn, những tội ác thời Quốc xã còn có sự tán đồng hay bàng quan của rất nhiều người dân bình thường trong xã hội. Trong cuốn Những đao phủ tự nguyện của Hitler (Hitler’s Willing Executioners) xuất bản năm 1996, nhà chính trị học Daniel Jonah Goldhagen cho rằng người dân Đức bình thường không những biết mà còn ủng hộ việc thanh toán người Do Thái. Luận điểm này nhận được những phản ứng khác nhau từ dư luận nhưng không phải không có lý khi chúng ta biết rằng trong thời Hitler nắm quyền và khủng bố người Do Thái, hầu như không có một hoạt động kháng cự hay bảo vệ người Do Thái một cách có tổ chức nào ở nước Đức. Trong một cuốn sách khác có tên là Những người bình thường: Tiểu đoàn cảnh sát trù bị 101 và Giải pháp cuối cùng ở Ba Lan, nhà sử học Christopher Browning nghiên cứu một đơn vị cảnh sát đóng ở các trại tập trung Ba Lan vào năm 1941. Những người lính trong đơn vị này hoàn toàn không phải là các tín đồ Quốc xã mà hầu hết đều là những người dân bình thường ở độ tuổi trung niên bị bắt lính nhưng không đủ sức khỏe nên được chuyển sang công việc coi trại tập trung. Thế nhưng chính những người bình thường này, chứ không phải lực lượng cảnh sát SS nổi tiếng tàn bạo, đã bắt, nhốt và thủ tiêu người Do Thái. Điều đáng nói là khi viên sĩ quan chỉ huy đơn vị này cho phép những người lính có thể chọn không làm nhiệm vụ nếu họ cảm thấy việc giết chóc là quá nặng nề thì hầu hết vẫn chọn lựa tiếp tục công việc này. Tác giả Christopher Browning cho rằng những người lính trong đơn vị 101 phạm tội ác không phải vì hằn thù hay ý thức hệ mà chỉ đơn giản là thi hành mệnh lệnh cấp trên và để không bị gạt ra ngoài rìa.
Khi quân Đồng minh chiếm được nước Đức năm 1945, họ ngạc nhiên trước việc có rất nhiều người Đức tự nhận mình là không ủng hộ chế độ, nhưng đều không làm gì cả và bỏ mặc cho những tội ác diễn ra. Những người Đức đó được người Mỹ gọi một cách mỉa mai là “Những người Đức tốt” (Good Germans). Một bài báo trên tờ New York Times tháng 5/1945 viết về họ như sau: “Trong quân đội của chúng ta, binh lính bảo nhau là chẳng có một tên Quốc xã thực thụ nào ở Đức cả. Chỉ có “những người Đức tốt” thôi. Tất cả những tội ác chống lại loài người mà nước Đức phạm phải đều do một ai khác làm”.
Đó là trong thời Quốc xã, dưới một chế độ phân biệt chủng tộc, khủng bố, chà đạp quyền con người và đòi hỏi người dân phải tuân thủ những luật lệ khắc nghiệt của nó. Trong các điều kiện ít khốc liệt hơn, liệu những luận điểm của Hannah Arendt về “sự tầm thường của cái Ác” có còn thuyết phục? Tiếc thay, một số thí nghiệm của các nhà khoa học dường như lại khẳng định điều này. Tháng Bảy năm 1961, ba tháng sau phiên tòa xử Eichmann ở Jerusalem và loạt bài chấn động dư luận của Hannah Arendt trên tờ New Yorker, nhà tâm lý học Stanley Milgram ở trường Đại học Yale bắt đầu thực hiện một loạt thí nghiệm được gọi tên là “Thí nghiệm Milgram” nhằm đo lường mức độ cá nhân sẵn sàng tuân thủ những mệnh lệnh trái với lương tâm mình.
Thí nghiệm Milgram gồm một người đóng vai giáo viên và một người đóng vai học sinh. Người ta nói với người tình nguyện tham gia thí nghiệm và một người khác (cũng đóng vai tình nguyện tham gia thí nghiệm nhưng thật ra là người của Milgram) là họ sẽ tham gia thí nghiểm kiểm tra tác động của hình phạt tới việc tiếp thu kiến thức. Người tình nguyện thực sự sẽ đóng vai giáo viên. Hai người sẽ được cách ly để không thể nhìn thấy nhau. “Giáo viên” được trao một dụng cụ có thể tạo ra sốc điện cho nạn nhân. “Giáo viên” sẽ đưa ra lần lượt một bảng câu hỏi (đã được chuẩn bị) cho “học sinh”. Nếu “học sinh” trả lời sai, “giáo viên” sẽ tăng điện áp như là một hình phạt với học sinh. Trong suốt cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học làm cho “giáo viên” tin rằng “học sinh” thực sự đang bị trừng phạt bằng điện giật nhưng thực ra họ sẽ gắn một băng ghi âm ghi các lời rên la của “học sinh” khi điện áp đạt tới mức nào đó. Trong băng ghi âm, tới một mức điện áp nào đó, “học sinh” sẽ kêu lên rằng mình có bệnh tim và xin được ngừng thí nghiệm. Lúc này các “giáo viên” đều hỏi người tổ chức thí nghiệm có nên dừng không. Nhưng khi được trấn an là họ sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nếu có bất trắc xảy ra thì hầu hết trong số họ đều lựa chọn tiếp tục tăng điện áp. Trong quá trình làm thí nghiệm, khi các “giáo viên” muốn dừng thí nghiệm, người phụ trách sẽ yêu cầu họ tiếp tục. Chỉ sau 5 lần được yêu cầu liên tục thì người phụ trách mới cho dừng (tất nhiên, các “giáo viên” không được biết điều này). Bằng không, thí nghiệm sẽ được tiếp tục tới tận cùng, khi mức điện áp đạt mức tối đa 450 Volt.
Kết quả thí nghiệm của Milgram là có tới 65% số người tình nguyện tham dự tiếp tục tăng điện áp cho tới mức tối đa 450 Volt, dù đa số đều cảm thấy khó chịu và một số sẵn sàng trả lại tiền để ngừng thí nghiệm. Một loạt các thí nghiệm sau đó của Milgram và của các tác giả khác cũng cho kết quả tương tự – khoảng 2/3 số người tình nguyện “tuân thủ” mệnh lệnh tăng điện áp tới mức tối đa, bất chấp các bứt rứt hay e ngại có thể. Thí nghiệm Milgram cho thấy dưới áp lực của mệnh lệnh và khi không phải chịu trách nhiệm cá nhân, rất nhiều người bình thường sẽ thực hiện những việc làm có thể đưa lại hậu quả tai hại tới sức khỏe và tính mạng người khác.
Một thí nghiệm tâm lý nổi tiếng khác là thí nghiệm “Nhà tù Stanford” (Stanford prison experiment) của Philip Zimbardo và các đồng sự ở trường Đại học Standford. Thí nghiệm này chia các sinh viên tham gia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên, trong đó một nhóm đóng vai tù nhân và nhóm kia đóng vai cai ngục. Các điều kiện của thí nghiệm được tạo ra mô phỏng với nhà tù thực. Các cai ngục mặc đồng phục, có gậy gỗ, đeo kính đen và làm việc theo ca. Trong khi đó, tù nhân mặc đồng phục tù bằng vải sơ không có đồ lót, được gọi bằng số thay vì tên (nhằm làm mất tính cá nhân của đối tượng). Tù nhân mặc áo có gắn số hiệu và phải đeo một cái xích nhỏ quanh cổ chân để khiến họ luôn nhớ rằng họ đang ở trong tù. Ngoại trừ việc không được xâm phạm về thân thể với tù nhân, các cai ngục được phép làm bất cứ những gì cần thiết để duy trì trật tự của nhà tù.
Kết quả thí nghiệm Stanford cho thấy diễn biến tâm lý phức tạp của hai nhóm và sự xuống cấp về đạo đức. Trong quá trình thí nghiệm, xảy ra đụng độ giữa tù nhân và cai ngục, cai ngục tấn công tù nhân bằng bình chữa cháy, trừng phạt những người cứng đầu bằng cách giam cách ly… Khoảng 1/3 số người đóng vai “cai ngục” có dấu hiệu trở nên khoái trá với việc làm hại người khác (sadistic) trong khi rất nhiều “tù nhân” bị khủng hoảng tinh thần. Tình trạng khủng hoảng và biến đổi về nhân cách này khiến thí nghiệm phải dừng lại sớm hơn dự định, chỉ sau 6 ngày so với thời gian dự tính là 2 tuần.
Hai thí nghiệm của Milgram và Zimbardo gợi ra những điểm đáng sợ về khả năng một người bình thường có thể trở nên tàn nhẫn và phạm điều ác trong nhiều trường hợp: khi họ không phải chịu trách nhiệm cá nhân, khi cái tôi của họ và của nạn nhân bị mờ đi, khi họ không phải trực tiếp chứng kiến sự chịu đựng của nạn nhân, và khi một thứ quyền lực nào đó ở trên họ ra lệnh hay dung túng cho họ làm điều đó… Đã có một số bộ phim được xây dựng trên các thí nghiệm này, ví dụ như phim Thí nghiệm (Das Experiment) của Đức năm 2001 mô phỏng thí nghiêm Nhà tù Stanford.
Nhưng đáng sợ hơn cả là những gì xảy ra trên thực tế. Khi vụ tai tiếng ở nhà tù Abu Ghraib xảy ra tháng Ba năm 2004, nhiều người đã bị sốc khi chứng kiến sự tương đồng kỳ lạ giữa thí nghiệm Stanford và những gì thực tế xảy ra ở nhà tù Abu Ghraib ở Iraq. Dù một số người cho rằng sự kiện này chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng các nghiên cứu kỹ lưỡng về tâm lý các cai tù Abu Ghraib và về điều kiện ở nhà tù này cho thấy hoàn toàn không phải vậy. Những cai ngục như Charles Graner, như Lynndie England trước đó đều không có vấn đề gì về tâm lý và đều được gia đình, bạn bè, hàng xóm đánh giá như những công dân tốt, thân thiện. Để bào chữa cho mình, cả Lynndie England lẫn Charles Graner đều cho rằng họ chỉ là những người lính và họ chỉ biết tuân thủ lệnh trên. Không những thế, cả gia đình, bạn bè họ cũng bào chữa cho họ. Mẹ của England, nữ cai ngục tai tiếng với bức ảnh thòng dây vào cổ một tù nhân để kéo như với súc vật, phát biểu “Bọn chúng chỉ làm những trò trẻ con ngốc nghếch thôi. Chỉ là mấy trò nghịch ngợm”. Sự kiện nhà tù Abu Ghraib là hiện thực hóa những gì từng xảy ra trong thí nghiệm Stanford và cho thấy sự tha hóa tiềm ẩn của con người [3] .
Trái với Mạnh Tử khi cho rằng con người mang thiện tính từ lúc mới lọt lòng mẹ, Tuân Tử nói: con người sinh ra, tính vốn ác. Từ xưa tới nay, cả các nhà triết học lẫn các nhà khoa học vẫn loay hoay tìm hiểu đâu là bản chất con người nhưng đều không có một câu trả lời nào thoả đáng. Hannah Arendt không tìm cách trả lời đâu là bản chất con người. Cái mà bà muốn tìm hiểu là bản chất của cái ác? Theo bà, cái ác thật tầm thường – vì lẽ nó ở trong mỗi con người bình thường và bất cứ khi nào nó cũng có thể quẫy đầu đứng dậy.
Như thế có phải Arendt bi quan, mất lòng tin vào con người không? Liệu có phải hầu hết mọi người bình thường đều có thể trở thành một Eichmann, đều có thể phạm những tội ác kinh tởm nếu có động cơ phù hợp? Không phải vậy. Arendt vẫn tin vào khả năng lựa chọn đạo đức của con người trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi người lựa chọn hoàn toàn bất lực về chính trị. Bà viết: “Dưới những điều kiện kinh khủng, hầu hết mọi người sẽ chọn tuân thủ nhưng vẫn có một số sẽ bất tuân thủ”. Bà lấy ví dụ trường hợp Đan Mạch, khi người dân nước này từ chối không giao người Do Thái cho Hitler dù rằng Đan Mạch lúc đó đang bị quân Đức chiếm đóng. Khi Hitler định trực tiếp bắt người Do Thái ở Đan Mạch, y nhận ra rằng ngay cả các viên chức Quốc xã ở Đan Mạch cũng đã nhiễm tinh thần nhân đạo ở nơi này và không thể xuống tay với mức độ nhẫn tâm như những kẻ đồng sự ở nhiều nơi khác tại châu Âu.
Người ta vẫn luôn có thể chọn cách nói không với cái Ác, thay vì việc chấp nhận biến mình thành một công cụ của nó, hoặc trở thành một kẻ ngoài cuộc “mũ ni che tai” mặc cho nó hoành hành. Và những câu chuyện về những anh hùng như doanh nhân Oskar Shindler (nguyên mẫu phim Bản danh sách Schildler), như chủ khách sạn Paul Rusesabagina (nguyên mẫu phim Khách sạn Rwanda) sẽ luôn là những khích lệ đối với chúng ta. Nếu những kẻ như Eichmann trước khi thành hung thần cũng là những người bình thường thì những Shindler, Rusesabagina cũng không khác gì với đa số những người quanh họ trước khi có những hành động anh hùng cứu sống hàng trăm, hàng ngàn người. Con người luôn có thể lựa chọn giữa Thiện và Ác dù hoàn cảnh thế nào. Và Hannah Arendt vẫn luôn tin như vậy.
———————————
Chú thích:
[1]Cũng Dostoevsky có một câu trả lời khác cho câu hỏi này qua lời nhân vật Alyosha trong Anh em nhà Kazamazov. Khi được hỏi Alyosha có sẵn sàng đổi lấy việc một đứa trẻ bị tra tấn tới chết lấy hạnh phúc của nhân loại hay không, câu trả lời của Alyosha là không.
[2]Pontius Pilate, tổng trấn La Mã ở Jerusalem, rửa tay phủi bỏ trách nhiệm sau khi giao Jesus cho người Do Thái đóng đinh.
[3]Tác giả của thí nghiệm Stanford là Zimbardo đã viết một cuốn sách có tên Hiệu ứng Lucifer: Để hiểu tại sao người tốt lại trở thành kẻ ác (The Lucifer Effect: Understanding How Good People Turn Evil) so sánh sự kiện nhà tù Abu Ghraib với thí nghiệm Stanford.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: