Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Doanh nghiệp ngoại cảnh báo ‘thiệt hại kinh tế nghiêm trọng’ do Luật ANM


04/12/2018 - 26 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đưa lên mạng 3 bản kiến nghị phản đối Luật An ninh Mạng, thu hút được hơn 110.000 chữ ký trong gần 5 tháng trở lại đây, theo thông tin đăng trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân trên nền tảng Facebook. Một nhóm có tên Save NET cho biết hôm 1/12 họ đã chuyển danh sách chữ ký của bản kiến nghị cuối cùng, với yêu cầu quốc hội “hoãn thi hành” Luật An ninh Mạng, đến các văn phòng đại biểu. Save NET nhấn mạnh rằng “đây chưa phải là điểm dừng” và họ sẽ tiếp tục phản đối Luật An ninh Mạng chừng nào luật này “còn đe dọa tới sự tự do biểu đạt của người dân”.

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu hôm 4/12 cảnh báo việc thực thi Luật An ninh Mạng có thể gây ra “thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”, cũng như “ảnh hưởng” đến sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Việt Nam. Những cảnh báo trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội, một sự kiện thường niên, theo tin trên các báo mạng Một Thế Giới, Tin Tức, Vietnam Finance và Bnews.

Các bài tường thuật của báo chí trong nước cho hay đại diện cho Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCham, tại sự kiện là ông Michael Kelly, chủ tịch của hiệp hội này tại Việt Nam. Đại diện cho Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam là các ông Chủ tịch Denis Brunetti và Đồng Chủ tịch Nicolas Audier.

Một trích đoạn phát biểu của đại diện AmCham, được báo chí trong nước đăng lại, nêu ra lo ngại rằng Luật An ninh Mạng và một dự thảo nghị định liên quan nếu được thi hành sẽ “buộc cục bộ hoá dữ liệu”, đồng nghĩa với “cản trở luồng dữ liệu tự do”, mà điều này có thể gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho nền kinh tế Việt Nam.

Luật An ninh Mạng gây nhiều tranh cãi, lo lắng, được ban hành hồi tháng 6/2018, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 sắp tới. Một dự thảo nghị định về thực thi luật được công bố vào đầu tháng 10/2018 với một số điều khoản bị xem là “xâm phạm không gian riêng tư” càng làm gia tăng sự phản đối từ nhiều giới.

Các công ty dịch vụ đấy họ thấy rằng tốn kém quá, tự nhiên phải có rất nhiều người, phải kiểm soát nội dung, phải liên lạc với nhà chức trách, phải mở văn phòng đại diện, và chi phí đội lên. Và người ta bảo ‘Thôi, tôi không mở dịch vụ trên nền tảng internet ở Việt Nam nữa'. Luật sư Trần Vũ Hải

Có hai điểm trong dự thảo nghị định bị giới kinh doanh và công chúng xem là “cực kỳ nghiêm trọng”.

Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu từ Cục An ninh mạng, Bộ Công an.

Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Quy định này, nếu chính thức được áp dụng, sẽ “tạo nên gánh nặng lớn” về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.

“Việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp … Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các ‘đám mây’ [điện toán] trong một loạt lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại”, đại diện của AmCham nêu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, theo Một Thế Giới.

Đại diện của EuroCham chỉ ra thực tế là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang vận dụng tối đa các cải tiến của công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và thương mại xuyên biên giới. Theo lời của vị đại diện này, nhiều công ty đang sử dụng điện toán đám mây, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và các công nghệ thông minh để vận hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện của EuroCham lưu ý rằng những công nghệ đó được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài, hầu hết không có cơ sở hay chi nhánh tại Việt Nam. Vì vậy, vị đại diện nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nêu trên “cần có khả năng chuyển tải dữ liệu xuyên quốc gia”.

Đánh giá Việt Nam trong bối cảnh chung của các nước ASEAN, đại diện EuroCham cho rằng “Nghị định Hướng dẫn Luật An ninh mạng sẽ tạo sự ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo”, theo tin trên các báo.

Việt Nam sẽ sớm trở thành “quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa”, vị đại diện nêu ra nhận xét.

Trong hoàn cảnh như vậy, đại diện của EuroCham khuyến nghị rằng để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững của Việt Nam trong khu vực, phù hợp với thực tiễn và các tiêu chuẩn bảo mật ngày càng cao của quốc tế, “Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam”.

Vị đại diện nói thêm rằng một số quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này.

Internet, mạng xã hội ngày càng có nhiều người sử dụng ở Việt Nam

Luật sư Trần Vũ Hải, chủ hãng luật có hợp đồng với nhiều công ty ở Việt Nam, chia sẻ với VOA góc nhìn của ông về tác động của Luật An ninh Mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài:

“Các công ty dịch vụ đấy họ thấy rằng tốn kém quá, tự nhiên phải có rất nhiều người, phải kiểm soát nội dung, phải liên lạc với nhà chức trách, phải mở văn phòng đại diện, và chi phí đội lên. Và người ta bảo ‘Thôi, tôi không mở dịch vụ trên nền tảng internet ở Việt Nam nữa, hoặc nếu chúng tôi làm mà bị chặn thì tốt nhất là chúng tôi không làm”.

Ông Hải đưa ra nhận định rằng do “ngao ngán” với các rào cản và chi phí ở Việt Nam, các công ty công nghệ của nhiều nước sẽ tránh làm ăn, và như vậy “có lẽ chỉ có những công ty công nghệ Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong không gian mạng Việt Nam”.

Riêng về các đại công ty như Facebook, Google và YouTube của Mỹ, vị luật sư dự đoán rằng họ “chưa chắc đã chịu” tuân thủ các quy định của Luật An ninh Mạng, mà thay vào đó họ sẽ vận động để giới chức Mỹ can thiệp thông qua “những thoả thuận song phương”.

Nghị viện châu Âu sẽ có cuộc tranh luận về Luật An ninh Mạng. Và họ cho rằng Luật An ninh Mạng là cản trở, và dẫn tới có khả năng là sẽ có nhiều người họ không ủng hộ luật đó. Và nếu không thông qua [EVFTA], Việt Nam phải mất thêm 1, 2 năm để vận động, và cũng chưa biết nó thế nào. Luật sư Trần Vũ Hải

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, đại diện EuroCham nhắc nhở rằng Luật An ninh Mạng của Việt Nam có thể tác động đến số phận của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, EVFTA.

Các báo Tin Tức và BNews cho biết Đồng Chủ tịch ông Nicolas Audier đã phát biểu tại diễn đàn rằng mới đây Ủy ban châu Âu đã trình dự thảo hiệp định lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu để phê chuẩn. Mặc dù ông Audier xem đó là “bước tiến tích cực”, song ông cảnh báo là quy trình phê chuẩn “chưa kết thúc” vì còn “nhiều thách thức” đang chờ ở phía trước.

Ông lưu ý rằng qua phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế, “vấn đề liên quan tới Luật An ninh Mạng sẽ là một trong những thảo luận thiết yếu ở Nghị viện châu Âu”, theo các bản tin.

Về vấn đề này, luật sư Trần Vũ Hải nhận định với VOA:

“Nghị viện châu Âu sẽ có cuộc tranh luận về Luật An ninh Mạng. Và họ cho rằng Luật An ninh Mạng là cản trở, và dẫn tới có khả năng là sẽ có nhiều người họ không ủng hộ luật đó. Và nếu không thông qua [EVFTA], Việt Nam phải mất thêm 1, 2 năm để vận động, và cũng chưa biết nó thế nào”.

Đại diện của EuroCham, ông Nicolas Audier, khuyến nghị chính phủ Việt Nam “nên đánh giá rộng hơn” mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh Nạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế.

Trong khi đó, đại diện AmCham bày tỏ hy vọng “được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam” về các tiếp cận chính sách nhằm “thúc đẩy các mục tiêu cơ bản” của Luật An ninh Mạng, đồng thời “giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam”.

Theo dõi các ý kiến được hai hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan trọng ở Việt Nam nêu ra tại Diễn dàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Vũ Hải nói chính phủ Việt Nam cần có đề xuất với quốc hội về việc “hoãn hiệu lực” của luật này vào ngày 1/1/2019 tới, hay ít nhất cũng nên “sớm đề xuất sửa” luật này.

Trong khi đó, 26 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đưa lên mạng 3 bản kiến nghị phản đối Luật An ninh Mạng, thu hút được hơn 110.000 chữ ký trong gần 5 tháng trở lại đây, theo thông tin đăng trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân trên nền tảng Facebook.

Một nhóm có tên Save NET cho biết hôm 1/12 họ đã chuyển danh sách chữ ký của bản kiến nghị cuối cùng, với yêu cầu quốc hội “hoãn thi hành” Luật An ninh Mạng, đến các văn phòng đại biểu.

Save NET nhấn mạnh rằng “đây chưa phải là điểm dừng” và họ sẽ tiếp tục phản đối Luật An ninh Mạng chừng nào luật này “còn đe dọa tới sự tự do biểu đạt của người dân”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: