Mike Shanahan
BBC - Hơn 2.000 năm trước, một nhánh từ thân cây đặc biệt quan trọng đã được chiết ra theo lệnh của quốc vương Ấn Độ Ashoka Đại đế. Nó nằm ngay dưới tán cây nơi được cho là Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã đắc đạo.
Ashoka ban tặng dấu ấn vương quyền lên cành cây rồi trồng nó trong một bình làm bằng vàng ròng, rồi đưa cành cây lên núi và rồi đưa xuôi Sông Hằng xuống Vịnh Bengal.
Tại đó, nàng công chúa con ngài đã rước nó lên tàu ra khơi, đem tới Sri Lanka cung tiến cho nhà vua nước này. Vua Ashoka yêu mến cái cây tới mức ngài đã nhỏ lệ khi nhìn cảnh nó được đưa đi.
Câu chuyện này, được trích từ sử thi The Mahavamsa của Sri Lanka, nói tới cây bồ đề, mà các khoa học gia gọi là Ficus religiosa. Đúng như tên gọi của nó, cây bồ đề nối về với quá khứ hàng ngàn năm, trước cả thời vua Ashoka.
Thế nhưng bồ đề không phải là loại cây duy nhất. Nó chỉ là một trong số hơn 750 loại khác nhau trong chi họ sung. Không loài cây nào có sức mạnh hơn chi họ sung trong việc tác động tới trí tưởng tượng của con người.
Loài cây này xuất hiện trong mọi loại tôn giáo lớn, có ảnh hưởng tới các vị vua, các nữ hoàng, các nhà khoa học, và binh lính. Chúng đóng vai trò trong sự tiến hóa của loài người và trong thuở bình minh của văn minh nhân loại.
Những cái cây này không chỉ chứng kiến lịch sử mà chúng còn định hình lịch sử; nếu được nhìn nhận một cách đúng đắn thì có lẽ chúng thậm chí sẽ còn làm cho tương lai chúng ta trở nên phong phú hơn.
Hầu hết các loài cây có hoa đều nở bung cho thế giới chiêm ngưỡng, nhưng các loại cây thuộc chi họ sung lại giấu hoa bên trong những trái quả rỗng ruột. Và trong khi hầu hết các loài cây chôn vùi gốc rễ xuống đất, thì cây vả sống bám (strangler fig) lại khoe chúng trên phía trên.
Vả sống bám là loài cây thú vị, mọc lên từ những hạt cây do chim, thú thải ra, mắc lại trên các cây khác. Nhờ việc nảy nở từ tầng trên của những tán rừng rậm thay vì ở mặt đất tối tăm, hạt cây sống bám có đủ ánh sáng cần thiết để phát triển mạnh mẽ.
Trong quá trình phát triển, chúng mọc rễ dài từ trên không xuống dưới, và đám rễ ngày càng trở nên dày dặn, to cứng thêm, bao trùm và biến cây chủ thành một 'con mồi' sống. Chúng thậm chí còn có thể bóp nghẹt, làm chết những cây chủ to lớn, và phát triển mạnh mẽ, trở thành những khối cột cao lớn.
Có hai quốc gia đã dùng hình ảnh cây vả sống bám để trang trí trên phù hiệu.
Tại Indonesia, cây này biểu tượng cho sự thống nhất đến từ sự đa dạng, những cái rễ chằng chịt thể hiện cho vô số những hòn đảo tạo thành nước này.
Còn ở Barbados, nó được lấy cảm hứng từ cảnh nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Pedro a Campos được chào đón khi chiếc thuyền của ông cập đảo hồi 1536. Ông đã nhìn thấy nhiều cây vả sống bám mọc dọc bờ biển của đảo, loại cây có tên khoa học Ficus citrifolia. Từng chùm rễ khổng lồ màu nâu đỏ mạnh mẽ rủ từ những cành cây xuống trông giống như những lọn râu tóc được bện xoắn. A Campos đã đặt tên cho đảo là Los Barbados - "đảo râu dài".
Hơn 300 năm sau, nhà sinh vật học người Anh Alfred Russel Wallace đi khám phá các hòn đảo ở phía bên kia của Trái Đất. Ông nói các cây vả sống bám mà ông từng nhìn thấy trong hành trình odyssey kéo dài tám năm của mình trên khắp Quần đảo Malay là "những cái cây vô cùng độc đáo ở trong rừng". Việc chúng vượt qua được những trở ngại để tồn tại đã tạo cảm hứng để ông phát triển học thuyết tiến hóa nhờ sự lựa chọn tự nhiên, là thuyết hoàn toàn độc lập so với thuyết tiến hóa của Charles Darwin.
Nhưng vả sống bám đã bắt rễ được vào tâm trí con người từ rất lâu trước khi các nhà thám hiểm châu Âu bắt đầu hành trình trên biển.
Ta hãy nhìn vào cây bồ đề của Ashoka Đại đế. Những người theo Phật giáo, Ấn giáo và Gia-nai giáo (một loại tôn giáo phát xuất từ Ấn Độ) đã thờ phụng loại cây này trong suốt hơn hai ngàn năm qua.
Cây bồ đề cũng xuất hiện trong khúc chiến ca của giới Bà-la-môn hồi 3.500 năm trước.
Và trước đó nữa 1.500 năm, cây bồ đề xuất hiện trong các truyền thuyết, trong nghệ thuật của nền văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation).
Tại các nơi khác ở châu Á - mà có thể nói là trên toàn các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, các nền văn hóa đã tiếp nhận cây đa, cây đề như những biểu tượng quyền lực và là nơi để người ta tới làm lễ cầu nguyện.
Những cây này được xuất hiện trong các câu chuyện kể, trong văn hóa dân gian, và trong cả các nghi lễ về sinh sản.
Được tôn kính nhất là cây bồ đề Ấn Độ (Ficus benghalensis), loại cây có thể lớn tới mức từ xa nhìn lại thì trông nó giống như một khu rừng nhỏ.
Cây bồ đề Ấn Độ có thể phát triển rất to bởi rễ của chúng thả xuống từ các cành có thể hợp lại với nhau thành các cột trụ to, chắc như các cây sồi, đỡ cho các cành khổng lồ của cây, cho phép các cành cây mọc ra dài hơn, rồi lại tiếp tục thả xuống nhiều rễ thêm nữa.
Có một cây bồ đề ở Uttar Pradesh được cho là bất tử. Một cây khác tại Gujarat được cho là đã lớn lên từ một nhánh con chỉ bé bằng cái bàn chải đánh răng. Một cái cây khác, cây thứ ba, được cho là đã mọc lên khi một thiếu phụ lao mình vào dàn hỏa thiêu xác người chồng quá cố để quyên sinh theo. Cây này, mọc tại Andhra Pradesh, lớn tới mức đủ chỗ trú cho 20 ngàn người.
Những người châu Âu đầu tiên được hưởng bóng mát của cây bồ đề là Alexander Đại đế và đội quân chinh chiến của ông, vốn đặt chân tới Ấn Độ vào năm 326 trước Công nguyên.
Những câu chuyện kể của họ về cây này nhanh chóng đến tai nhà triết học Hy Lạp cổ đại, Theophrastus, người đã đặt nền móng cho ngành thực vật học hiện đại.
Ông đã nghiên cứu loại cây vả cho quả ăn được, vả tây, có tên khoa học là Ficus carica. Theophrastus nhận thấy có những con bọ tí xíu chui ra chui vào quả vả. Điều này trở thành một trong những khám phá thú vị nhất của ngành sinh vật học.
Hơn 2.000 năm trôi qua cho tới khi các khoa học gia phát hiện ra rằng mỗi giống vả lại có một loại côn trùng thụ phấn riêng cho mình, và một số giống vả thậm chí còn có hai loài côn trùng 'đặc chủng' như thế. Tương tự, mỗi loại bọ vả chỉ có thể đẻ trứng vào hoa của những loài vả nhất định mà thôi.
Mối quan hệ này đã bắt đầu từ hơn 80 triệu năm trước, và nó đã định hình thế giới kể từ đó tới nay. Các giống thuộc chi họ sung Ficus phải đảm bảo ra quả trong cả năm để đảm bảo sự sinh tồn cho các giống bọ thụ phấn cho nó. Đây là điều tuyệt vời cho các loài động vật ăn trái cây vốn rất khó tìm được thức ăn trong phần lớn thời gian trong năm. Thực sự, các trái sung, vả giúp nuôi, duy trì sự tồn tại của nhiều loài động vật trong đời sống tự nhiên hơn bất kỳ loài trái cây nào khác.
Có hơn 1.200 giống loài động vật khác nhau ăn quả vả, trong đó có một phần mười toàn bộ các loài chim trên thế giới, gần như toàn bộ các loài dơi ăn hoa quả đã được con người biết đến, và hàng chục loài linh trưởng. Đổi lại, các loài động vật này cũng giúp phát tán hạt cây đi các nơi. Bởi vậy, các nhà sinh thái học đã gọi quả vả là "những nguồn tài nguyên chủ yếu". Và cũng giống như hòn đá trụ của một cây cầu, nếu như cây vả biến mất thì mọi thứ khác cũng bị phá hủy theo.
Cây vả không chỉ giúp nuôi dưỡng động vật. Việc quả vả chín quanh năm có lẽ cũng giúp cho sự tồn tại bền vững của tổ tiên loài người trong giai đoạn sơ khai.
Những quả vả chứa nhiều năng lượng có thể đã giúp cho tổ tiên chúng ta phát triển não bộ to hơn. Có giả thuyết cho rằng bàn tay chúng ta tiến hóa để trở thành công cụ hữu hiệu nhằm đánh giá xem quả vả đã mềm chưa, tức là đã đủ ngọt, đủ dinh dưỡng, năng lượng để ăn hay chưa. Các loại quả vả nằm trong số những cây quả đầu tiên mà con người thuần hóa từ hàng ngàn năm trước.
Người Ai Cập cổ đại đã thuần hóa được một loài sung có tên gọi Ficus sycomorus (sung dại khô), là loài cây mà côn trùng thụ phấn cho nó hoặc đã tuyệt chủng, hoặc chưa từng có mặt tại vùng đất đó. Lẽ ra thì loài sung này sẽ không thể cho ra được nổi một quả sung chín. Thế nhưng những người nông dân đã tìm được cách 'đánh lừa' cây bằng cách dùng lưỡi dao vạch lên thân cây.
Trước đó rất lâu, quả sung đã là một nguồn thu chính của nông nghiệp Ai Cập. Các nhà nông thậm chí còn luyện cho khỉ biết trèo cây hái quả nữa.
Cây sung ở Ai Cập vừa là thực phẩm, vừa nuôi dưỡng những niềm tin tôn giáo. Các vị vua Ai Cập, Pharaoh, đem các quả sung khô vào hầm mộ của mình nhằm giúp linh hồn vua trên hành trình đi sang cõi bên kia thế giới. Các vị vua tin rằng nữ thần Hathor sẽ hiện lên từ một cây sung thần bí để đón họ vào thiên đường.
Từ phía bắc sang phía đông, loài họ hàng ngọt ngào hơn của sung dại khô Ai Cập là vả tây (F. carica) đã trở thành một loại thực phẩm quan trọng của một số nền văn minh cổ đại khác.
Vua Urukagina của nền văn minh lưu vực sông Ấn đã viết về loại quả này từ gần 5.000 năm trước. Vua Nebuchadnezzar II cho trồng chúng trong các khu vườn treo Babylon. Vua Solomon của Israel ca ngợi chúng trong một bài hát. Người Hy Lạp cổ đại và người La Mã nói quả vả là thứ hoa trái đến từ thiên đường.
Sức hấp dẫn của loài quả này có lẽ có thể được giải thích bằng một điểm quan trọng khác. Ngoài việc ngon ngọt, chúng còn có nhiều chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất.
Những lợi ích dinh dưỡng này đã được biết đến từ lâu. "Quả vả rất bổ dưỡng," nhà triết học La Mã hồi thế kỷ thứ nhất Pliny Già (Pliny the Elder) viết, "và là thứ thực phẩm ngon nhất mà những người bị ốm bệnh lâu ngày có thể ăn."
Một ví dụ nổi tiếng về sức mạnh trị bệnh của cây vả được nêu trong Kinh Thánh. Hezekiah, Vua vùng Judah, đã 'lâm bệnh đến chết' nhưng đã khỏe trở lại sau khi những kẻ tôi tớ đắp quả vả nghiền nhuyễn lên da ngài.
Khả năng trị bệnh của cây vả không chỉ nằm ở các quả cây. Các loại thuốc được phát triển qua hàng ngàn năm đã sử dụng cả vỏ cây, lá cây, rễ cây và cả nhựa cây nữa.
Việc dùng cây vả để chữa bệnh thậm chí còn có từ trước khi loài người hình thành. Tổ tiên còn sống gần gũi nhất với chúng ta là tinh tinh có vẻ như cũng biết cách dùng các loại cây này để chữa trị bệnh, cho thấy tổ tiên chung của loài người và tinh tinh cũng biết làm vậy.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda thỉnh thoảng quan sát được các con tinh tinh ăn những thứ thức ăn khác thường, chẳng hạn như vỏ cây hoặc lá cây vả dại. Những con tinh tinh này có lẽ đang tự chữa bệnh, các nhà nghiên cứu kết luânh. Các xét nghiệm cho thấy thành phần lá và vỏ cây vả có tác dụng chống khuẩn, các loài ký sinh trùng, và các khối u.
Cây vả, cây sung không chỉ giúp cho các nền văn minh, các nền văn hóa của con người phát triển. Chúng còn chứng kiến cảnh lụi tàn nữa, và thậm chí còn giúp chôn vùi, che giấu những kết cục suy tàn đó.
Chẳng hạn như các thành phố vĩ đại của nền văn minh lưu vực sông Ấn từng phát triển rực rỡ trong thời gian từ năm 3300 đến 1500 trước Công nguyên, nhưng chúng đã biến mất khỏi lịch sử loài người cho tới tận năm 1827, khi một kẻ đào tẩu bỏ chạy khỏi Công ty Đông Ấn có tên là Charles Masson phát hiện ra.
Những cây sống bám khổng lồ hiện lên sừng sững át hết các loại cây khác. Những đống đổ nát nhô lên như những gò đống bí hiểm. Người dân địa phương nói với Masson rằng đó là những vết tích còn lại của một xã hội bị thần linh trừng phạt vì "những ham muốn và những tội lỗi của nhà vua". Thực ra, chính là một trận hạn hán kéo dài đã khiến nền văn minh lưu vực sông Ấn tàn lụi.
Các cây vả sống bám cũng thay thế chỗ của con người ở những nơi bị nạn khô hạn xóa sổ, như các kim tự tháp của người Maya ở Tikal thuộc Guatemala, hay các ngôi đền Khmer ở Angkor Wat của Campuchia.
Trong các trường hợp kể trên, các cây vả đã giúp rừng xanh trở lại, bao phủ lên các khối kiến trúc bị bỏ hoang. Các hạt cây nảy lên từ các vết nứt trong tường đá. Rễ cây công phá các vết vữa và bao cuốn, bóp nghẹt những bức tường. Cây vả thu hút vạn vật tới sinh sống, và rồi những sinh vật đó lại đem hạt cây đi phát tán xa hơn. Cứ thể, rừng xanh dần lấn hết các khối công trình do con người dựng lên.
Sức mạnh này cũng đã được chứng kiến tại các núi lửa như Krakatoa, nơi trận núi lửa phun trào hồi 1883 đã hủy diệt toàn bộ sự sống trên đảo. Các cây vả tái chiếm những nơi vốn chỉ còn mỗi lớp nham thạch, khởi đầu cho sự hình thành của những khu rừng mới.
Ở khắp các khu vực nhiệt đới, các khoa học gia nay đang dựng lại hiệu ứng này với việc trồng các cây vả để tăng tốc tái phát triển rừng ở các nơi cây cối đã bị đốn mất gần hết do nạn chặt phá bừa bãi.
Và điều này đồng nghĩa với việc cây vả có thể đem lại hy vọng cho tương lai trong bối cảnh có tình trạng biến đổi khí hậu.
Cây vả cũng có thể giúp chúng ta thích nghi được với những điều kiện khắc nghiệt.
Ở vùng đông bắc Ấn Độ, người dân nắn rễ cây vượt sông, tạo thành những cây cầu sống dày dặn, vững chắc, giúp việc qua lại được dễ dàng trong những mùa mưa lũ.
Tại Ethiopia, cây vả giúp nhà nông thích nghi với nạn khô hạn bằng việc cung cấp bóng râm vô cùng cần thiết cho hoa màu, và thức ăn khô cho dê. Đây là những tác dụng có thể có ích cho cả những vùng khác nữa.
Nhìn chung, cây vả có thể giúp chúng ta hạn chế bớt tình trạng thay đổi khí hậu, bảo vệ tính đa dạng sinh thái, và cải thiện đời sống nếu như chúng ta tiếp tục trồng và bảo vệ chúng, điều mà nhân loại đã làm từ cả ngàn năm qua.
Trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, việc chặt hạ các cây thuộc chi họ sung, như cây đa, cây đề, là điều cấm kỵ.
Câu chuyện lịch sử dài lâu của loài cây đặc biệt này nhắc nhở cho chúng ta rằng chúng ta chỉ mới xuất hiện trên Trái Đất này thôi, so với quá trình 80 triệu năm tồn tại của chúng. Tương lai của chúng ta sẽ an toàn hơn nếu như chúng ta đưa những loài cây đặc biệt này vào kế hoạch đồng hành với chúng ta tới tương lai.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét