Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Hy vọng là thứ không bị đánh thuế?


FB Lưu Trong Văn
Gã rủ tiến sĩ Đặng Kim Sơn lên Vân Hồ để lấy thực tiễn đề nghị chính sách kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc ít người. TS Sơn và gã rất thống nhất, chính sách kinh tế này nên tập trung ưu tiên về thuế, giải phóng mặt bằng, hạ tầng cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư ở vùng có đồng bào dân tộc để họ làm ăn phát triển, từ đó hỗ trợ bền vững về lao động, thu nhập, giáo dục, văn hóa cho cộng đồng bà con các dân tộc.

Một thời gian sau, gã hỏi TS Sơn, chính sách ông đề đạt đến đâu rồi? Ông TS nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên thành viên Tổ tư vấn Kính tế của thủ tướng Dũng cười... cười...

Hiểu.

TS Sơn kể gã nghe, thủ tướng Phúc, thay thủ tướng Dũng có ý thành lập Tổ tư vấn Kinh tế cho mình sau khi Tổ tư vấn của thủ tướng Dũng tự giải thể cùng chức thủ tướng của thủ tướng Dũng. Thủ tướng Phúc muốn mời nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thành lập lại tổ tư vấn cho ông và mời ông Tuyển làm thủ lĩnh. TS Sơn nói với ông Tuyển ý muốn của thủ tướng Phúc. Ông Tuyển từ chối với lý do đưa ra là mình đã giúp cho ông Dũng rồi.

TS Sơn bảo chúng ta không giúp cho cá nhân thủ tướng nào, Dũng hay Phúc mà chúng ta giúp cho thủ tướng của nước Việt Nam. Ông Tuyển sau một hồi suy nghĩ rồi bảo, ông đến ông Bùi Quang Vinh đi, vận động ông ấy lập tổ tư vấn.

TS Sơn kể tiếp cho gã nghe, ông đến vận động nguyên bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh người có phát biểu nảy lửa hoài nghi về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tại diễn đàn Quốc hội. Ông Vinh như ông Tuyển từ chối. TS Sơn kể sau đó chính thủ tướng Phúc gặp ông Vinh, ông Vinh cũng từ chối.

TS Sơn kể tiếp. Ông gặp lại ông Tuyển nói về việc ông Vinh từ chối. Ông Tuyển bảo, nếu thủ tướng cam kết thực sự lắng nghe Tổ tư vấn và hành động thì chắc chắn ông Vinh và nhiều người khác sẽ nhận lời.

Ra thế, với tất cả tâm huyết và cả sự cay đắng của mình khi làm tổ trưởng tổ tư vấn cho thủ tướng Dũng, ông Tuyển - một người yêu nước đích thực, một người dâng hiến đích thực, quá hiểu rằng, tư vấn đúng đắn cho con đường kinh tế quốc gia phát triển là một chuyện, còn các nhà chức trách cùng hệ thống của họ có thực sự lắng nghe, biết nghe, biết vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc không và biết làm theo điều đúng đắn ấy không lại là một chuyện khác. Chuyện khác ấy hoàn toàn ngoài tầm với của các nhà tư vấn, dù họ là ai, tên tuổi lẫy lừng thế nào.

Ông Tuyển đã không muốn tên tuổi của mình chỉ để mông má cho ai đó nữa.
...

Người biết trân trọng, biết lắng nghe và biết hành động quyết liệt thay đổi thực trạng nền kinh tế theo các nhà tư vấn là thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chính ông Kiệt là người đầu tiên tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước mà đa phần xuất thân từ chế độ cũ, xuất thân từ các lò đào tạo tư bản như Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Lâm Võ Hoàng, Mai Kim Đỉnh, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Trọng Thức...

Nhờ thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, biết chọn người, biết tập hợp, dám nghe chứ không chỉ biết nghe và dám hành động thay đổi theo các tư vấn của các nhà tư vấn kinh tế chiến lược và thực tiễn này, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến hành đổi mới sang kinh tế thị trường, hòa nhập với kinh tế thế giới.

Gã nghĩ các nhà tư vấn qua các thời kỳ các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng đều rất giỏi và tận tâm với đất nước cả. Xin kể ra đây những tên tuổi như Nguyễn Trung, Trần Đức Nguyên, Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Võ Trí Thành, Nguyễn Đình Cung, Trần Đình Thiên, Đặng Kim Sơn, Phạm Chi Lan... đồng thời họ đều là những người có tư tưởng, quan điểm đổi mới mạnh mẽ không chỉ trong kinh tế mà cả trong thể chế chính trị. 

Thời thủ tướng nào có nhiều cải cách thay đổi tích cực hay nền kinh tế bết bát đi, suy sụp đi phụ thuộc ở lỗ tai, khả năng nghe và cái tâm nghe của thủ tướng ấy mà thôi.

Đấy cũng chính là điều ông Trương Đình Tuyển từng gay gắt nói trong cuộc tọa đàm của các nhà kinh tế chiến lược hàng đầu bàn thảo về chiến lược phát triển kinh tế cho đất nước trong một khu rừng ở Đắc Lắc cách đây gần chục năm mà gã có may mắn tham dự:
Chúng ta nói để làm gì? Quan trọng nhất là ai nghe?
...

Ai nghe?

Hôm nay thấy trên báo công bố danh sách 15 chuyên gia kinh tế trong Tổ tư vấn Kinh tế của thủ tướng Phúc. Gã có vui. Gã có hy vọng.

Không phải vì trong danh sách này có những khuôn mặt tài danh có uy tín không chỉ trong nước mà cả trên thế giới như các tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Đức Khương, Vũ Minh Khương, Trần Văn Thọ... những con người gã kính trọng và tin ở tài, tư tưởng tiến bộ cũng như đức của họ.

Mà với sự có mặt của ông Bùi Quang Vinh, nhân vật CHỈ CHẤP NHẬN VÀO TỔ TƯ VẤN NẾU CÓ CAM KẾT CỦA THỦ TƯỚNG LÀ SẼ NGHE, thì gã hiểu rằng, ở đây đã có sự cam kết của thủ tướng Phúc.

Hy vọng là thứ không bị đánh thuế.

Cuộc đời cứ nên hy vọng nếu biết thương cái thân của mình.

Chao ôi, còn cái thân của đất nước thì sao?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: