Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Tự thưởng thức nghệ thuật cũng phải được cho phép?


>> Hoa hậu Phương Nga sẽ vô tội theo… khoa học pháp lý?
>> Nữ diễn viên bị truy tố trong vụ án Hà Văn Thắm là ai?


Đặng Vỹ

NQL - Có một chiều lá thu rơi vàng ngõ hẹp. Một sớm tinh mơ chim chóc hót trên cành lá đẫm sương mai. Bạn vội chạy ra khỏi nhà, và đi… xin phép. Rồi sau đó mới đem vĩ cầm hay ghi-ta ra công viên, ngân nga?

Lúc đó thì còn đâu những chiếc lá vàng rơi trên tiếng vĩ cầm dìu dặt. Còn đâu “Những tiếng đàn rơi như lá / đổ xuống đêm thu ai nhặt âm thầm” (thơ Nguyễn Đăng Vũ).

Còn đâu gió ngàn lững thững bay về nơi cuối trời chân mây trắng. Còn đâu chim chóc hát ca vang lừng, bướm ong bay lượn cùng uống sương mai.

Tất cả còn đâu, khi 7 giờ 30 chốn công quyền mới mở cửa, đủng đỉnh 8 giờ mới làm việc, và “cấp phép” xong thì theo quy định của Hà Nội, đã mất tong… nhanh nhất 1 ngày!

Tách bạch giữa việc người mẹ bênh con với việc “quản lý” của những người làm công tác trật tự đô thị, gác qua việc người mẹ có lời lẽ có thể chưa đúng với thực tế về thái độ của từng người trong cuộc, tóm tắt câu chuyện ngắn gọn người ta vẫn thấy cái cốt lõi: Có một em bé 15 tuổi kéo vĩ cầm bên bờ hồ (hay tuyến phố đi bộ), là nơi công viên công cộng, và các nhân viên gồm công an, trật tự đô thị đến hỏi “giấy phép biểu diễn”.

Kinh doanh nghệ thuật thì phải xin phép, là điều đương nhiên. Hoặc biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại nơi công cộng có tổ chức, có quy mô, cũng phải xin phép, là tất yếu. Bởi anh phải xin phép để chính quyền còn biết mà hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự cho chính anh, và ở chốn đông người.

Nhưng một cá nhân yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật, tự biểu diễn, tự thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ tình yêu nghệ thuật của mình đến con người mà bị hỏi giấy phép, thì những người làm nhiệm vụ giữ trật tự đô thị có lẽ đang có vấn đề.

Hoặc cái tư duy “cấp phép”, tư duy xin – cho đã ăn sâu vào tâm trí họ. Hoặc có thể cái tai của họ không nghe và hiểu được âm nhạc.

Nếu đàn hát hoặc biểu diễn nghệ thuật đường phố mà phải xin phép, thì có lẽ các cán bộ trong đoàn làm công tác trật tự đô thị ở Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh bắt phạt hết những người hát kẹo kéo, múa vòng, múa lửa, làm xiếc, kéo đàn hàng đêm trên các nẻo phố phường. Họ biểu diễn kiếm tiền đấy. Và họ cũng chẳng thèm xin phép ai cả!

Nghệ thuật đường phố, ở nhiều quốc gia, được xem là vẻ đẹp, là gương mặt của thành phố. Chúng ta đã từng đi du lịch, và cũng đã thấy rất nhiều đoạn video đăng tải trên mạng, ở nước ngoài, người ta biểu diễn ngay bên đường. Phía trước có thể là cái mũ, chiếc hộp cacton, hoặc một vật gì đó đựng tiền. Họ biểu diễn say mê, dù khách có cho tiền hay không. Bởi đơn giản, đó thuần túy là tình yêu nghệ thuật, họ đem san sẻ cho con người. Những người đó, được xã hội tặng cho một cái tên gọi đầy trân trọng và ngưỡng mộ: Nghệ sĩ đường phố.

Ở Việt Nam cũng không thiếu nghệ sĩ đường phố. Họ, có thể trình độ biểu diễn chưa đạt đến độ tuyệt diệu, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật và tình thần san sẻ, họ cũng được trân trọng như những nghệ sĩ thực thụ. Thậm chí, những nghệ sĩ hành nghề nghệ thuật, khi biểu diễn được trả tiền, có khi còn hét cát-sê tóe lửa; còn những nghệ sĩ đường phố chỉ có duy nhất là niềm đam mê san sẻ. Họ phải được trân trọng nhiều hơn nữa.

Chính thứ trưởng Vương Duy Biên, người phụ trách Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đã nói rằng việc em bé biểu diễn không có gì phải đòi hỏi giấy phép cả. “Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn. Bởi vậy, người ta đòi hỏi những người làm lĩnh vực an ninh trật tự phải biết phân biệt giữa biểu diễn âm nhạc đường phố với biểu diễn vì mục đích thương mại, cái gì cho phép, cái gì nên khuyến khích và cái gì không khuyến khích”, thứ trưởng Biên nói về chính trường hợp này.

Có lẽ lãnh đạo các cơ quan có những nhân viên thế này cũng nên suy nghĩ sau sự việc. Giao việc cho những người không hiểu gì về công việc thì chỉ có hại cho việc công, hại cho hình ảnh cơ quan, hại cho cái chung, và hại cho tất cả.

Không có nhận xét nào: