FB Trương Huy San
"Cấu thành hình thức" trong tố tụng đôi khi là vô cùng quan trọng. Tòa đã đi trước một bước, phần còn lại là trách nhiệm của các luật sư, quý vị muốn đóng vai trò của một bên tham gia tố tụng hay quý vị bằng lòng với vai trò "bình bông" rồi môi giới chạy án?
Một chế độ toàn trị không bao giờ có thể mang đến pháp quyền. Nhưng, pháp quyền không phải là thứ có thể ngửa mặt, há miệng chờ ban phát.
Tôi viết về pháp đình từ năm 1989, khi mà tòa soạn còn nhận được những lá thư, cuộc điện thoại của các cụ cách mạng lão thành chất vấn, "tại sao thằng đó mà Tòa còn cho bào chữa". Trong thập niên 1990s, ít ai nghĩ VN sẽ có một phiên tòa với những gì mà chúng ta có thể chứng kiến trong vụ Phương Nga - Toàn Mỹ. Thật trớ trêu khi người "phất cờ", làm thay đổi nhiều quan niệm về vai trò của những người tham gia tố tụng lại là một "nàng Kiều". Nhưng, phải thành thật mà thừa nhận rằng, "Nàng" đã cho thấy, công lý không bao giờ đến khi chính người trong cuộc không đấu tranh giành lấy nó.
Chắc chắn sẽ chưa có một phiên tòa thật sự nào cho các vụ án chính trị nơi mà tự thân việc vì để bảo vệ chế độ mà bỏ tù những người đấu tranh ôn hòa đã phủ nhận các giá trị của công lý, pháp quyền. Nhưng, đang có những dấu hiệu cho thấy ở các phiên tòa hình sự (trừ các án liên quan đến quan chức cũng có khuynh hướng chính trị hóa), tranh tụng đang được tôn trọng, nếu các bị cáo ra tòa cũng với tâm thế "chưa bị coi là có tội" và các luật sư chịu khó điều tra thu thập chứng cứ, thì cơ hội làm giảm "án bỏ túi" là có thật.
Dù có gốc là tướng công an, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đang có những nỗ lực cải cách thật sự, hy vọng là trước khi có thể cấu trúc hệ thống tòa án theo cấp xét xử chứ không phải theo cấp chính quyền, ông có thể có những bước đi để tòa án có thể từng bước độc lập với cơ quan điều tra, tôn trọng các diễn biến tranh tụng tại tòa, thay vì cứ "án tại hồ sơ" mà tuyên như trước.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét