Trần Thanh Vân
Thưa ông Nguyễn Đức Chung,
Tôi là Trần Thanh Vân, là Kiến Trúc sư Cảnh quan có trên 50 năm thâm niên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, làm việc tại Hà Nội và đã đóng góp không ít cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Hà Nội.
Hôm nay tôi viết thư này, không có mục đích gì khác ngoài việc khuyên ông nên suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ một lần nữa, việc xử lý sự vụ xảy ra ở Đồng Tâm, để trước hết là bảo vệ sự ổn định an ninh xã hội của chính quyền Hà Nôi, mà ông là người đứng đầu, thứ nữa là bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân ở thôn Hoành, Đồng Tâm, và cao hơn tất cả là bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý mà tất cả mọi người đều phải tuân theo, bởi vì đó là nguyên tắc mà ông Trời sẽ thưởng phạt khen chê phân minh.
Thưa ông,
Khi nghe tin xảy ra đụng độ ở Đồng Tâm cách đây 3 tháng, có thể dẫn đến hậu quả xấu, khiến tôi hết sức lo lắng.
Mấy hôm sau, tôi lại nhận được tin ông Chủ tịch đã về tận Đồng Tâm, giải tỏa mối xung đột đó và ra lệnh sẽ cho thanh tra toàn diện trong thời gian hai tháng, làm tôi thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng đến hôm nay,Thanh tra đã chính thức có kết luận và tôi thật sự thất vọng, nên không thể không có đôi điều lo ngại muốn nói với ông.
Thưa ông Chủ tịch,
Tôi biết nông dân vốn hiền lành chất phác, tuy ít học, nhưng không vì thế mà người khác được quyền coi thường họ, để lừa họ, nhất là ở những làng quê sát nách Trung tâm Ba Đình, Hà Nội, như thôn Hoành, lại có những đảng viên CS lão thành đáng kính như cụ Kình và trong thời buổi hiện nay, chưa nói đến trình độ thông tin đã phát triển khi ở làng quê thôn xóm nào cũng có khá nhiều điện thoại thông minh (smartphone) để người ta có thể định vị bất kỳ một địa điểm nào được nhắc đến.
Điểm mấu chốt của vấn đề tranh chấp mà bản kết luận thanh tra nhắc đến là sân bay Miếu Môn, một vùng đất hình chữ nhật chạy theo hướng Tây Bắc Đông Nam từ huyện Chương Mỹ xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… thì kết thúc.
Là một người rất có kinh nghiệm trong quy hoạch và đọc bản đồ, tôi nhận thấy bản kết luận thanh tra cố tình nói loanh quanh làm rối trí người đọc và cố “nhét” được cánh đồng Sênh vào diện tích sân bay một cách gượng ép và vô lối.
Xin hỏi ông, tại sao sân bay Miếu Môn được quy hoạch từ năm 1981 trên khu đất có diện tích hơn 236 ha là một hình chữ nhật chạy dài theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phần lớn nằm trên huyện Chương Mỹ, xuống đến xã Đồng Tâm thì kết thúc?
Nhìn trên bản đồ Google, chúng tôi thấy hình địa phận sân bay được thể hiện rất rõ, nhưng tại sao kết luận của Thanh tra lại nói bừa rằng đất cánh đồng Sênh là đất sân bay? Và nếu thế thì ranh giới sân bay tự nhiên nở to và quay ngang, trông giống như lưỡi rìu bổ củi?
Thưa ông chủ tịch,
Nếu ông tin kết luận thanh tra là đúng thì xin ông đề nghị Thanh tra trình ra hình vẽ nào, văn bản nào và vì lý do nào sân bay lại có hình thể quái quỷ thế?
Bởi vậy, thưa ông Chủ tịch, một sự bất tín là vạn sự bất tin, xin ông hãy cho kiểm tra ngay lối làm việc tắc trách, coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá trong kết luận thanh tra vừa rồi của đoàn thanh tra dưới quyền ông. Hoặc bằng không, điều gì sẽ xảy ra tôi không dám nói trước.
Nói đến đây tôi không thể không nhắc đến một chuyện tệ hại khác đã từng xảy ra làm xấu mặt UBND TP Hà Nội.
Xin kể tóm tắt:
Tháng 6.2008, Thành phố Hà Nội cấp phép cho khách sạn 4 sao NOVOTEL ON THE PARK được khởi công xây dựng trên diện tích 1ha tại Công viên Thống Nhất, thì dư luận bắt đầu nổi lên phản đối.
Riêng tôi đã bỏ ra 6 tháng để tìm hiểu kỹ lưỡng và viết một bức thư cho chủ đầu tư, khuyên họ nên rút lui và trước khi gửi đi, tôi đã gửi đến UBND Hà Nội, cảnh báo ông chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo nghiên cứu xem xét…
Thế rồi ngày 9/2/2009 thì bức thư của tôi đã được đăng công khai trên Vietnamnet và bản tiếng Anh được một bạn kiến trúc sư người Mỹ gửi tới chủ đầu tư là Tập đoàn Accor Châu Á – Thái Bình Dương và SIH Investment Ltd có trụ sở tại Singapore.
Ngay lập tức, ngày 13/2 Hà Nội tổ chức họp báo, tuyên bố hai điều hệ trọng:
1- Ông phó TGĐ công ty Du lịch Hà Nội công bố, đây là công trình đền ơn đáp nghĩa với nhân dân Thụy Điển, vì Thụy Điển là nước đi đầu đã giúp VN trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Công ty Du lịch Hà Nôi được dùng 1ha đất công viên để “góp vốn” trong dự án tình nghĩa này.
2- Ông Phó văn phòng UBND giải thích thêm: Về địa điểm đã được bàn thảo kỹ từ năm 1990, đến năm 1996 thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý, cho phép xây dựng trong công viên Thống nhất.
3- Cuối cùng đại diện UBND Hà Nội tuyên bố “Vẫn cho phép Dự án khách sạn được triển khai. Đề nghị các báo không được tiếp tục”
Thế là các báo bị “bịt miệng”.
Nhưng làn sóng sôi nổi phản biện của giới trí thức vẫn tiếp tục.
Mấy ngày sau tại phòng tiếp khách của ông KTS Nguyễn Thế Thảo, Gs KTS Nguyễn Thế Bá, chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị và Xây dựng VN đưa cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bản sao công văn của văn phòng TTg viết ngày 12/6/1996, truyền đạt lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng khách sạn phải chuyển đi nơi khác và mấy ngày sau nữa, ngài Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Berman gửi công văn đến UBND Hà Nội thông báo hãng Hàng Không Bắc Âu – SAS mà Thụy Điển có góp vốn trước đây, không có một chút liên quan gì đến dự án xây khách sạn tại Hà Nôi.
Vậy ra công văn của Thủ tướng gửi cho Hà Nội thì không lưu trữ đước, mà nơi khác đã lưu hộ?
Hài hước hơn nữa, ông phó TGĐ du lịch Hà Nội lâu nay cứ tưởng Công ty du lịch Hà Nội góp 1ha đất công viên để liên doanh với Thụy Điển, hóa ra họ liên doanh với đối tác với khác?
Cuối cùng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, khách sạn tai tiếng này phải dừng thi công, cho dù đã có lúc họ đòi Hà Nội đền bù cho họ họ 64 triệu USD vì cái gọi là “Chi phí cơ hội”.
Thưa ông Chủ tịch,
Tôi không rõ 8 năm trước đây thì ông đang làm gì? Ở đâu? Nhưng tôi thì biết chắc chắn rằng ông Luật sư Nguyễn Văn Hoạt, chủ tịch Mỹ Đức hiện nay, lúc đó đang là người cận kề với ông KTS Nguyễn Thế Thảo, là người biết rất rõ chuyện này?
Tôi thành thật khuyên ông nên bàn bạc với ông Hoạt cách xử lý việc Đồng Tâm cho tốt để khỏi hối tiếc.
Nếu 8 năm trước, lớp trí thức chúng tôi đã kiên nhẫn làm rõ sự thật rồi cho qua, mà không chấp nhặt những thói xấu của những kẻ ngoan cố, thì với nông dân hôm nay, họ không chịu đựng sự áp đảo vô lý và sẽ không lịch sự tha thứ đâu.
Kính ông.
Trần Thanh Vân
Sân bay Miếu môn trên Wikimapia.
Sân bay Miếu môn không có cánh đồng Sênh ở góc trái.
_____
Xin mời xem thêm:
PHẢN ĐỐI XÉN ĐẤT CÔNG VIÊN XÂY KHÁCH SẠN
Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân lên tiếng phản đối dự án xây khách sạn tại công viên Thống Nhất trong “Thư ngỏ gửi các ông chủ khách sạn Sas Hanoi Royal“:
Thư ngỏ gửi các ông chủ khách sạn Sas Hanoi Royal,
Đặc biệt ông Michael Issenberg – Chủ tịch Accor Châu Á Thái Bình Dương.
Tôi là kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân, sống ở Hà Nội, nhân dịp Tết đón năm mới 2009, tôi xin gửi tới quý ông lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc.
Đầu tiên, tôi xin nhân danh cá nhân tôi và thay mặt một số đồng nghiệp cảm ơn các nhà đầu tư SIH Investment Limited Singapore, và đặc biệt cảm ơn Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Âu Accor, đã đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch tại Việt Nam, đã và đang có nhiều dự án đầu tư khách sạn cao cấp tại nhiều tỉnh thành trên đất nước chúng tôi, đặc biệt ở Hà Nội. Các vị đã rất quan tâm và có kế hoạch đầu tư rất mạnh để đón lễ lỷ niệm 1000 tuổi của Thủ đô chúng tôi.
Trong bức thư ngỏ này, tôi xin phép quý ông, được nói đến công viên Thống Nhất, một lá phổi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Hà Nội, đang không ngừng bị xâm hại, trong đó có khách sạn cao cấp Novotel Hanoi on the park mà các ông đang liên doanh với Tổng công ty du lịch Hà Nội đầu tư.
Thưa quý ông, công viên Thống Nhất đã hình thành từ 50 năm nay, diện tích tổng cộng trên 50 ha. Xưa kia nơi đây là ao hồ và bãi rác bẩn thỉu, từ năm 1958 đến 1960 đã được học sinh và sinh viên Hà Nội (trong đó có tôi), dùng sức lao động chân tay và mang bánh mỳ, cơm nắm của cha mẹ mình chuẩn bị cho, để đến đây làm nên công viên.
Đó là việc làm công ích của tuổi trẻ chúng tôi, không có cơ quan nhà nước nào trả lương và cũng không có một tổ chức nào đài thọ, dù chỉ là một bữa ăn trưa. Gần 50 năm qua, nơi đây là không gian xanh nghỉ ngơi duy nhất của hàng triệu người dân sống gần khu vực này.
Tuy vậy, do quản lý kém và do nhiều lý do lịch sử để lại, nhiều mảnh đất xung quanh đây đã biến thành đất xây nhà ở hoặc các hoạt động khác.
Thưa các ông, ngày 3/8/2007, bức xúc trước việc công viên Thống Nhất có thể bị một nhóm người biến thành của riêng của họ, trong một dự án xây trung tâm thương mại, trạm điều hành xe taxi, rạp chiếu bóng 3D và nơi vui chơi giải trí như một Disneyland giữa lòng thành phố, Quỹ Health Bridge của Canada do bà Debra Efroymson làm giám đốc vùng, đã phối hợp với Hội Quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam do Giáo sư KTS Nguyễn Thế Bá làm Chủ tịch, tổ chức một buổi hội thảo, lên tiếng phản đối việc phá không gian xanh công cộng của Thủ đô Hà Nội để kinh doanh kiếm lời.
Hội thảo đã thu hút rất nhiều nhà khoa học, các kiến trúc sư Việt Nam và Mỹ tham gia với thái độ kiên quyết chống lại ý tưởng sai trái đó. Sau hội thảo hai tuần, cuộc tranh luận trên còn tiếp tục rất gay gắt và UBND Thành phố Hà Nội đã công bố dừng ngay dự án đó và sẽ có kế hoạch nghiên cứu lại sau.
Vào thời điểm đó, chúng tôi được biết Tổng công ty Du lịch Hà Nội đã lập dự án xây khách sạn SAS Hanoi Royal ở Công viên Thống Nhất trên khu đất gần 10.000 m2. Nhưng trước làn sóng phản đối việc lấy đất công viên để xây các công trình kinh doanh, UBND Hà Nội đã có chủ trương di chuyển khách sạn SAS và rạp xiếc ở cạnh đó đi nơi khác. Bởi vậy, khi cuộc hội thảo tháng 8 năm 2007 diễn ra, khách sạn SAS không bị lên án nữa.
Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu đã nhiều năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Pháp, kể lại việc năm 1995, Ủy ban hợp tác khoa học Việt – Pháp có dự kiến xây nhà chiếu hình vũ trụ trên 2000 m2 đất ở công viên Thống Nhất, gọi là cung khoa học. Phần thiết bị khoa học do Chính phủ Pháp tài trợ, với mục đích phổ biến kiến thức khoa học cho thanh thiếu nhi.
Theo ông Riệu thì việc làm đó có ý nghĩa và không ảnh hưởng đến công viên. Ở Paris, nhà chiếu hình vũ trụ được đặt tại một vườn hoa sát đại lộ Champs Elysées ở khu trung tâm.
Nhưng năm 2002, chính quyền thành phố Hà Nội đã vì “không vi phạm công viên” nên đã thông báo với Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội không đồng ý cho sử dụng diện tích đất đó. Công trình cung khoa học phải bỏ.
Trái lại, hơn một năm qua dự án xây khách sạn ở đây vẫn được âm thầm xúc tiến và ngày 6/6/2008 lễ khởi công xây khách sạn Novotel Hanoi on the park đã diễn ra. Lần này khách sạn đã được đổi tên và đổi chủ đầu tư nên nhiều người chưa kịp biết. Hơn nữa thời gian qua thành phố chúng tôi có quá nhiều sự kiện lớn thu hút sự chú ý của công luận và giới chuyên môn.
Thưa các ông, tôi cho rằng muộn còn hơn không. Tôi xin phép thông báo với quý ông rằng :
Thứ nhất, đất này là đất công viên công cộng, nó được tạo nên bằng sức lao động của tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi, cho mục đích công cộng. Việc Tổng công ty Du lịch Hà Nội lấy mảnh đất này để góp vốn với các ông xây khách sạn là sai cả về quy hoạch lẫn chủ quyền.
Đất đó không phải của họ thì tại sao họ được “góp vốn” ?
Thứ hai:
Tôi đã tìm hiểu về sự phát triển và tư duy của những người quản lý thành phố Paris thì được biết từ những năm 1852 đến 1870, tỉnh trưởng Seine, nam tước Georges Engene Hausmann đã mua nhà của dân rồi phá đi để mở rộng đường phố, xây công viên và quảng trường. Bởi thế nên Paris ngày nay vẫn giữ được vẻ cổ kính, nhưng không gian thoáng rộng, hiện đại. Nhờ đó, Paris có và nhiều công viên như Butter o Chaumont, Monceau vaf Montsouris.
Tôi không thấy thí dụ nào cắt xén đất công viên để xây khách sạn như ở đây.
Là một kiến trúc sư cảnh quan, đã được đến khá nhiều thành phố nổi tiếng ở Châu Âu, tôi chưa thây ở đâu có một cái khách sạn cao cấp mà không có mặt tiền quay ra phố, lại lọt thỏm trong công viên, cổng vào khách sạn cũng phải đi qua công viên, còn được gọi đó là “một resort trong lòng thành phố”. Như vậy có khác nào khi đầu tư khách sạn này, các ông đã chủ tâm lấy một phần công viên và mặt hồ cho mục đích kinh doanh?
Xin các ông xem lại có ở đâu có bản vẽ quy hoạch vô lý như bản vẽ này không? Theo chỉ giới “đường đỏ” thì khách sạn Novotel được sử dụng gần 1ha. Nhưng với cách bố trí một khách sạn đường bệ chịu “khép mình nấp đằng sau” dãy cửa hàng buôn bán và nhà dân dọc đường Lê Duẩn còn lối vào phải đi vòng vèo men theo hồ một cách rất “khiêm tốn”, khiến những người có con mắt nghề nghiệp như chúng tôi “đọc” được ngay thâm ý là sẽ dần dần lấy nốt mặt hồ và dãy nhà dân này. Không gian sử dụng của Novotel on the park sẽ phình ra khoảng 4ha.
Công trình khách sạn Novotel on the park đang được thi công (Ảnh: Phạm Hải)
Là một người dân Hà Nội, chúng tôi rất biết “đất vàng” ở Hà Nội trị giá ra sao. Trong một cuộc đấu giá cách đây không lâu, người thắng thầu đã bỏ ra 30.000 USD để mua được 1m2 đất ở khu phố trung tâm. Vậy mới tính sơ sơ, thì 40.000m2 của khách sạn này sẽ trị giá đến 300 triệu USD, thưa ông.
Tập đoàn Accor đứng hàng đầu châu Âu là một tập đoàn đầu tư du lịch có tầm nhìn xa, vậy xin ông kiểm tra lại tầm nhìn và nhãn quan của mình. Trước khi Thủ đô Hà Nội được Quốc hội Nhà nước chúng tôi thông qua nghị quyết mở rộng thì các nhà đầu tư bị trói buộc trong nội thành cũ, nay Thủ đô của chúng tôi đã mở rộng ra trên 3000 km2 rồi, vùng phía Tây rộng mênh mông đang có rất nhiều công trình mọc lên.
Thứ ba, vừa qua các ông đã khởi công, đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường, dân chúng phàn nàn rất nhiều, tôi đề nghị các ông nên dừng lại khi chưa quá muộn.
Hơn nữa, dự án xây dựng khách sạn Novotel đã từng bị đề nghị di dời đi nơi khác, nhưng cuối cùng vẫn được ở lại phần đất công viên.
Cuối cùng, xét về mặt phong thuỷ, thì nơi đây rất kìm hãm việc kinh doanh. Có thể các ông sẽ có một khách sạn rất đẹp, rất sang trọng, nhưng vẫn không thể thu hút được khách. Việc làm này rất mất lòng dân, đặc biệt là dân sống trong vùng gần đó, bởi vậy các ông sẽ không thể gặp thuận lợi trong kinh doanh. Một người làm nghề kinh doanh thì xin các ông nhớ cho điều đó.
Xin cám ơn các ông! ”
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét