Thị trường xuất khẩu lao động ở Việt Nam trong những năm gần đây liên tục gia tăng về số lượng. Theo ước tính có khoảng chừng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc trên 40 quốc gia khác nhau, đem về lượng kiều hối từ 1,7 – 2 tỷ USD hàng năm.
Cùng điểm lại bức tranh nguồn lao động Việt Nam qua các con số.
Việt Nam hiện có hơn 300.000 lao động có bằng cấp không có việc làm. Tỷ lệ người có bằng đại học trở lên thất nghiệp là rất lớn, phản ánh tình trạng mất cân bằng trong giáo dục đại học và hiệu quả chưa cao.
Mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng nhanh (từ 78.860 người năm 2006 lên 126.300 người năm 2016, tăng 60%), nhưng chất lượng hiện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực.
Trong đó tiếng Anh là một điểm yếu. Các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm); Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm).
Lao động có trình độ chuyên môn cao vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, số lượng kỹ sư và kiến trúc sư đạt tiêu chuẩn ASEAN cũng thấp hơn so với nước bạn như Indonesia và Myanmar.
Khu vực Đông Bắc Á là điểm đến ưa thích nhất của lao động Việt Nam, chiếm đến 71,82% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, kế đến là khu vực Đông Nam Á (15,90%), và Trung Đông (7,34%).
Xét theo quy mô quốc gia, Đài Loan là nước dẫn đầu về thu hút lao động Việt Nam (44,7%), bởi Đài Loan vốn có rất nhiều cô dâu Việt đang sinh sống tại đó; kế đến là Nhật Bản (14,35%), Hàn Quốc (10,48%) và Malaysia (9,66%).
Trong 4 thị trường lớn ở trên, thì lao động Việt Nam qua để làm các công việc phổ thông vẫn chiếm phần rất lớn (hơn 99%), mà đa số là làm công nhân trong các nhà máy, xưởng công nghiệp.
Số liệu khảo sát do Viện khoa học Lao động – Xã hội (Molisa) công bố năm 2012 cho thấy:
Tính bình quân chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các thị trường thu nhập thấp, sử dụng lao động giản đơn (Malaysia) khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng; từ 7-12 triệu tại thị trường có thu nhập trung bình (Trung Đông, Đông Âu) và từ 15-20 triệu đồng ở những thị trường thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).
Hàng năm, Việt Nam thu về lượng kiều hối 1,7 đến 2 tỷ USD từ 500.000 lao động làm việc tại hơn 40 quốc gia.
Chân Hồ (t/h)
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét