Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Vì sao hơn 100.000 DN “mất tích”?


>> Dân ơi, xin cố mà chờ!
>> Bệnh đã đến ngay ngoài ngõ
>> Trump thề sẽ hủy diệt băng đảng tàn bạo nhất thế giới

ĐÀO TUẤN
LĐO - “Ra nước ngoài chữa bệnh”, thay họ đổi tên lẩn trốn, chui vào một cái “hang” nào đó gặm nhấm nỗi đau tay trắng, hoặc lao lý. Cũng có thể bán xong hoá đơn, thực hiện xong một “phi vụ” là chuồn... Có rất nhiều khả năng, rất nhiều kịch bản có thể xảy ra xung quanh con số “đứng hình”: 100.000 doanh nghiệp (DN) “mất tích” chỉ tính riêng tại TPHCM.

Con số chính xác là 115.000 DN. Và đây là con số từ Tổng Điều tra kinh tế TPHCM, gắn kèm, là đề nghị “lập kế hoạch xác minh sự tồn tại”!

Gọi là “mất tích” cũng được, dẫu thực tế một DN mà ngay cả cơ quan thuế còn không tìm thấy thì khả năng nó đã thuộc diện “chết mà không khai tử”!

115.000 DN ấy như thế nào còn cần xác minh. Nhưng rất dễ để nhìn thấy tại sao chúng mất tích.

Có một con số nhức nhối được nhắc rất nhiều lần là 70% số DN tư nhân không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong gọi đây là sự “đứt quãng về nguồn lực”!

Có một tình trạng lặp lại triền miên là thanh kiểm tra quá nhiều. Có những DN tiếp 4 đoàn thanh kiểm tra trong một tháng, có DN tiếp tới 15 đoàn một năm.

Nhưng nhiêu khê nhất là việc phải chạy, phải lót tay, phải làm luật trong cả tỉ những vấn nạn từ cơ chế xin cho.

“Đứt quãng nguồn lực”, bị kiểm tra thăm hỏi liên miên, thường xuyên phải chạy, phải xin. Làm được một đồng mất 0,7 đồng bôi trơn. DN không “mất tích” mới là thần kỳ.

Tất nhiên, phải công bằng rằng còn những lý do khác thuộc về... “khách quan”, sinh ra từ “cơ chế”.

TS Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế vừa hôm trước đặt một câu hỏi: DN Việt Nam nhiều năm qua chết nhiều nhất bởi cái gì?!

Và một trong mấy nguyên do, theo ông Nghĩa, là vì DN bị chiếm dụng vốn quá nhiều, và cũng chiếm dụng của nhau ở mức độ “khủng khiếp”!

Có nghĩa, mỗi DN Việt Nam sinh ra đã thành một ông chủ nợ bất đắc dĩ, phải đi van xin từ ngân hàng, chủ đầu tư đến đối tác để được “trả lại tiền của mình”! Và ông chủ nợ ấy cũng đồng thời là “con nợ khó đòi” của những ông... Chúa Chổm khác.

Ít tháng trước, Thủ tướng Chính phủ có một chỉ thị chỉ được thanh kiểm tra DN mỗi năm một lần.

Có lẽ, để các DN thôi “mất tích” còn cần phải có nhiều, rất nhiều chỉ thị mang tính gỡ rối trong bòng bong mối nhợ khó khăn kia nữa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: