Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Hoa hậu Phương Nga: Một vụ án toàn những thông tin dối trá



HH – Xin phép bàn thêm với tác giả và các bạn đọc:
1. Đồng ý với nhận xét của tác giả đây là một vụ án toàn những thông tin dối trá và cả bị hại lẫn bị cáo đều là những kẻ lừa đảo thành thần.
2. Nhưng không đồng ý với quan điểm của tác giả rằng “tất cả (bị cáo và bị hại) đều đánh lừa cơ quan điều tra”. Thì cũng chính tác giả chẳng đặt vấn đề ở phần cuối bài viết dưới cái tiêu đề phụ CƠ QUAN ĐIỀU TRA CŨNG THAM GIA… LẬP HỒ SƠ GIẢ? là gì? Nếu có chuyện “lập hồ sơ giả” này thì “cơ quan điều tra” đâu có bị ai lừa mà chính họ cũng chủ động tham gia vào cuộc lừa đảo này đấy chứ!
3) Tất nhiên, để kết luận có chuyện cơ quan điều tra cũng tham gia lừa đảo hay không thì cần phải có một cuộc điều tra khác nữa một cách toàn diện. Và để xứng đáng hơn với danh hiệu “mẫu mực” như một số người ca ngợi thì với những chứng cứ và lời khai khá rõ ràng của các bên bị cáo và bị hại, lẽ ra Hội đồng xét xử nên thực hiện thẩm quyền chính đáng của mình là khởi tố ngay tại tòa vụ án lừa đảo này để điều tra. Những gì xảy ra tại phiên tòa khiến cho dư luận ngày càng tin rằng chuyện cơ quan điều tra tham gia vào “phi vụ” này là có thật. Điều đó cũng giải thích vì sao một bộ phận dư luận lúc đầu cũng chỉ thờ ơ quan sát, chẳng muốn bênh ai vì coi Mỹ – Nga cũng chỉ là phường “mèo mả – gà đồng” như nhau, thì sau này họ chuyển sang ủng hộ một kẻ thân cô thế cô hơn là Nga một cách rõ rệt. Họ vỗ tay vì thấy kẻ lừa đảo được tiếp tay kia thua cuộc. Họ hả hê vì suy đoán rằng một dự án lừa đảo để ăn theo đã bị đổ bể. Và thời điểm họ bắt đầu có cảm tình với Phương Nga là khi cô hiên ngang và dõng dạc tuyên bố ngay giữa tòa rằng cô không tin cơ quan điều tra và cả viện kiểm sát.
4) Vì thế cũng đừng vội đánh giá rằng một bộ phận dư luận lên tiếng ủng hộ, thậm chí tung hô Phương Nga đều là những kẻ có suy nghĩ tầm thường, là bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”, là dễ dãi…

Gần như 100% các lời khai đều là khai dối; 100% chứng cứ cung cấp cho cơ qquan điều tra đều là ngụy tạo. Một vụ án mà người ta đã nhạo báng công lý, xem công lý như chỗ để giỡn chơi, xem cơ qquan thi hành pháp luật như trẻ con để lừa phỉnh, đùa bỡn.
Chưa có một vụ án nào có thể nói là lạ lùng như vụ án hoa hậu Phương Nga. Một vụ án có nhiều điểm ly kỳ, khác lạ so với tất cả những vụ án xưa nay. Phiên tòa xét xử với những diễn biến đầy kịch tính, nút này chưa gỡ xong đã đến nút thắt khác, căng như dây đàn. Sự căng thẳng này xảy ra bởi đối kháng, đấu trí giữa sự thực và cái giả dối, ngụy tạo của hai bên. Rất may, chính nhờ điều hành tốt của HĐXX mà các bên đều được nói, được trình bày, và nhờ đó tất cả những gì dối trá đã được lật mặt.
TẤT CẢ ĐỀU ĐÁNH LỪA CƠ QUAN ĐIỀU TRA!
Có lẽ, việc liệt kê lại toàn những gì bên nguyên, bên bị, nhân chứng đã khai gian khai dối, cung cấp chứng cứ ngụy tạo cho cơ qquan điều tra, sẽ thành thừa, bởi những ngày qua người quan tâm đến vụ án đã được nghe nhắc đi nhắc lại các chi tiết đến thuộc làu làu. Ở đây chỉ điểm danh một số điểm trọng tâm để người đọc hình dung lại, và có cái nhìn khái quát về một vụ án mà trong đó cơ qquan điều tra và cơ qquan xét xử toàn dựa trên những nội dung bịa đặt.
Khởi nguồn là nhân vật chính, bên nguyên, ông Cao Toàn Mỹ. Ban đầu ông Mỹ tố cáo đến cơ quan điều tra là Trương Hồ Phương Nga lừa đảo, đã vay tiền của ông để mở spa nhưng không trả. Sau đó chính ông lại chuyển sang tố cáo hoa hậu Phương Nga lừa đảo. Ngay trong nội dung đầu tiên, đã có yếu tố không trung thực, bởi sự thực chỉ có một chứ không thể có hai.
Có thể nói, nhân vật mâu thuẫn nhất, lại chính là nhân vật chính tạo ra vụ án, là ông Cao Toàn Mỹ. Ông tố cáo Phương Nga, nhưng từ lời khai của ông đến các chứng cứ cung cấp đều chứa đựng đầy rẫy mâu thuẫn. Ban đầu ông nói ông với Phương Nga chỉ có quan hệ làm ăn bình thường khi ông nhờ Phương Nga làm chương trình cho ông, chứ không thân thiết. Nhưng sau đó ông nói ông với Nga rất thân thiết, đến mức cho mượn 200-300 triệu chẳng cần viết giấy tờ gì. Ban đầu ông nói 17 chuyến bay chỉ là tình cờ đi cùng lúc, nhưng sau đó nói “một vài lần đi công việc, một vài lần tình cờ và một vài lần thì ông đi công tác nên Nga đi theo để mua sắm”. Và, trong khi Nga khai đi và ở chung phòng khách sạn thì ông Mỹ khai ở riêng.
Lạ nhất là người này tố cáo người khác lừa tiền của mình, nhưng về chứng cứ và lời khai thì đa số… không nhớ. Ông không nhớ gì cả, về thời điểm viết giấy, chuyển tiền, các lần trao đổi với Nga về việc làm ăn mua bán, kể cả việc ông đưa tiền hàng tỷ cho người không thân thiết với mình đi mua nhà “giá rẻ” cho mình mà không biết căn nhà đó ở đâu, nhà như thế nào. Kể cả căn nhà ông đã đến xem nhưng rồi cũng không nhớ cụ thể chi tiết ra sao.
Người tố cáo đã đầy mâu thuẫn, còn người bị tố cáo cũng không ít những lời khai gian dối tại cơ quan điều tra. Cũng “na ná” ông Cao Toàn Mỹ, Phương Nga đã làm đơn tố cáo ông Mỹ vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhưng sau đó rút đơn. Điều này không thể hiểu là dối trá với cơ quan chức năng, nhưng ít ra cũng cho thấy người này cũng đã trước sau mâu thuẫn với chính quyết định của mình. Khi Phương Nga nói biết ông Mỹ đã có gia đình, khi nói không biết. Tuy nhiên hơn thế, hoa hậu cũng khai sai sự thực với cơ quan điều tra. Chính Phương Nga khẳng định những lời khai của mình trước khi ra phiên xét xử lần 1 là không đúng. Và tại phiên tòa vừa rồi, chính bị cáo này chứ không ai khác, đã nỗ lực chứng minh là mình đã khai gian tại cơ quan điều tra.
Và cũng vì Phương Nga đã khai như vậy, và có thể có sự tổ chức thông cung, nên Nguyễn Đức Thùy Dung, bạn của Phương Nga và cũng bị khởi tố, cũng có những lời khai trước sau bất nhất. Trong những ngày xét xử trước, Nguyễn Đức Thùy Dung đã có sự thay đổi lời khai về mục đích đưa số tiền của ông Mỹ cho Phương Nga. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, cả Nga và Dung đều khai đó là tiền hợp đồng tình cảm của Cao Toàn Mỹ trả cho bị cáo Nga. Tuy nhiên, trong lần xét xử này, bị cáo Dung lại cho rằng đó là tiền của Cao Toàn Mỹ cho Nga để Nga làm ăn và thực chất 2 người có quan hệ tình cảm với nhau. Việc Mỹ cho Nga tiền là để Nga mở spa và tập trung chăm sóc cho Mỹ. Hoặc kể cả số tiền 2,5 tỷ đồng, trước đó Thùy Dung khai với cơ quan điều tra là do ông Mỹ chuyển khoản, nhưng tại phiên tòa này Dung khai là tiền riêng của mình do lao động mà có.
Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, một nhân vật có thể nói là rất quan trọng, ở phiên xét xử thứ nhất cũng khai dối với cơ quan điều tra, là không biết gì về mối quan hệ Phương Nga – Cao Toàn Mỹ. Trong khi đó, lần xét xử này, vụ việc được làm sáng tỏ ra lại nhờ ở những chứng cứ quan trọng do Lữ Minh Nghĩa cung cấp. Hoặc ông Nguyễn Văn Yên, một nhân chứng, cũng là người giúp Nga tạo lập những giấy tờ giả liên qquan đến căn nhà ở đường Nguyễn Trãi.
Một vụ án, có thể nói, tất cả những nội dung cung cấp cho cơ quan điều tra đều là lời khai gian dối, chứng cứ ngụy tạo, giả mạo. Bởi bị cáo khai dối đã đành, mà nhân chứng cũng gian dối nốt. Theo dõi toàn bộ câu chuyện, người ta có cảm giác, tạo ra mọi sự giả tạo này, lại do một người, bà Nguyễn Mai Phương.
NHÂN VẬT NGUYỄN MAI PHƯƠNG
Dành riêng cho người có tên Nguyễn Mai Phương một đề mục, thiết nghĩ cũng không quá đáng, bởi xung quanh nhân vật này là một màn mây bí ẩn bao trùm, có thể nói là mấu chốt của toàn bộ vụ án. Với bà Nguyễn Mai Phương, người ta gọi bà là “người đàn bà bí ẩn” có lẽ cũng không sai mấy. Qua lời khai của Phương Nga, Thùy Dung, ông Nguyễn Văn Yên, Lữ Minh Nghĩa, ta có thể hình dung đây là người đã chi phối mọi hoạt động từ trước đến sau, tất cả mọi hành vi của người khác.
Theo các lời khai, bà Mai Phương là người hướng dẫn Phương Nga, Thùy Dung, Lữ Minh Nghĩa không khai ra quan hệ tình cảm giữa Phương Nga với Cao Toàn Mỹ, để từ đây vẽ ra một kế hoạch mua bán nhà giả tạo, hướng dẫn cho Phương Nga viết các loại giấy tờ mua bán nhà, và chính bà cùng tham gia thực hiện như đi nhờ ông Nguyễn Văn Yên ký giấy. Bà là người gần như tham gia vào tất cả các vụ việc, quan hệ với tất cả các bên, kể cả với cán bộ trại giam, tổ chức cho việc thông cung.
Thế nhưng, tất cả những gì người đàn bà này nói trên báo chí đều ngược lại với những gì những người trong cuộc nói về bà. Đương nhiên, nếu thấy bất lợi cho mình thì phản đối cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, những gì bà Phương nói, trước sau lại mâu thuẫn khá nhiều. Trên một số tờ báo mà chính bà đã chủ động tìm đến để trần tình, bà cho rằng bà cũng quen biết với Phương Nga như một người bình thường, cũng có qua lại chút đỉnh và đi ăn với nhau chứ không thân. Nhưng ở chỗ khác, bà cho rằng Phương Nga nhờ bà làm chứng cho Nga.
Không ai đi nhờ một người không thân thiết, chưa đạt độ tin cậy đi làm chứng cho những việc mình đang cố tình gian dối với pháp luật!
Tương tự như vậy, bà Nguyễn Mai Phương lại mâu thuẫn khi nói rằng, bà cũng không thân thiết lắm với bà Hồ Mai Phương là mẹ của hoa hậu Phương Nga, nhưng lại có chuyện “chúng tôi nhiều chuyện đàn bà với nhau”. Nhưng hơn thế, cho rằng không thân thiết lắm nhưng lại khẳng định mẹ của hoa hậu tha thiết nhờ bà chạy án! Bà Nguyễn Mai Phương cho rằng, mẹ của Phương Nga gọi điện thoại nhờ bà, ghi âm các cuộc nói chuyện với người khác rồi gửi cho bà, chụp hình bức thư nilon mà Thùy Dung gửi cho Lữ Minh Nghĩa rồi gửi cho bà. Bà không giúp chạy án mà sao cái gì mẹ của Phương Nga cũng chuyển hết cho bà vậy?
Chỉ nghe thôi, người không có kiến thức pháp luật, người không trải đời, cũng nhận thấy đây là những lời nói dối đầy mâu thuẫn.
Bà Mai Phương khai không hề quen biết ông Cao Toàn Mỹ, cũng chỉ loáng cái gặp Lữ Minh Nghĩa “chưa tới 1 phút”. Nhưng Lữ Minh Nghĩa khai rằng, ông Cao Toàn Mỹ yêu cầu Nghĩa viết làm 2 bản tường trình theo nội dung ông Mỹ hướng dẫn; một bản Lữ Minh Nghĩa đã mang đến nộp cho cơ quan điều tra, còn bản duy nhất ông Cao Toàn Mỹ giữ. Tuy nhiên, không hiểu sao một bản đã được bà Nguyễn Mai Phương cất giữ và giao lại cho bà Hồ Mai Phương! Tiếc rằng tòa đã không chất vấn bà Nguyễn Mai Phương, từ đâu bà này có bản tường trình của Nghĩa. Nếu làm rõ chi tiết này cũng đã có thể làm rõ được các mối quan hệ của bà Mai Phương: Bà này không thể nói xa lạ với ông Cao Toàn Mỹ hoặc Lữ Minh Nghĩa. Mà nếu chỉ ra được điều này thì vụ việc sẽ được sáng rõ hơn rất nhanh.
Điểm đáng chú ý, khá lạ ở chỗ, trong vụ án này, người mẹ của hoa hậu Phương Nga, xét cho cùng không liên quan nhiều, nhưng ở phiên xử trước được HĐXX đưa vào diện người có nghĩa vụ liên quan; trong khi đó, bà Nguyễn Mai Phương, được các lời khai có mối quan hệ chằng chịt và tham gia vào hầu hết tất cả các khâu của vụ việc, trong đó có cả việc tổ chức thông cung, trước sau lại chỉ được xác định là nhân chứng. Sự mờ ám còn ở chỗ, người này cho rằng mình không liên quan gì đến vụ án và những người trong vụ án, nhưng khi đến tòa làm nhân chứng đã đòi ngồi cách ly ở phòng kín. Nếu không có gì mờ ám, thì việc gì phải né tránh, giấu mặt đến như vậy. Cộng đồng gọi là “nhân vật bí ẩn” quả không sai. Đây có thể là 2 chi tiết khiến HĐXX bị mất điểm lớn nhất trong đánh giá của cộng đồng theo dõi vụ án (trong khi hoạt động xét xử lần này cũng đã làm được nhiều việc khá tốt, như là sự điều hành khách quan, chủ tọa kiệm lời, tạo điều cho các bên được trình bày, tranh luận (dù chưa tới phần tranh luận), lắng nghe đầy đủ, chấn chính kịp thời để dẫn dắt mọi người đi đúng trọng tâm, tôn trọng bị cáo…).
CƠ QUAN ĐIỀU TRA CŨNG THAM GIA… LẬP HỒ SƠ GIẢ?
Điều bất ngờ của vụ án, là có những dấu hiệu cho thấy chính cán bộ điều tra, cán bộ trại giam, đã tham gia vào câu chuyện ngụy tạo chứng cứ, làm sai lệch nội dung vụ án.
Trên các trang mạng xã hội đã chia sẻ tràn ngập 2 bản khai của Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ. Bản khai của ông Mỹ có trước bản khai của Phương Nga 20 ngày, nhưng có chỗ nguyên đoạn giống nhau, giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Thậm chí, đại từ nhân xưng Phương Nga còn bị xưng danh thành ông Mỹ. Những chỗ giống nhau đó như photocopy, mà có người đã gọi là bản khai “song sinh”.
Cũng nên nhớ rằng, tất cả những gì Phương Nga khai tại cơ quan điều tra, bị cáo này cũng cho rằng khai theo hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương. Và những lời khai của Phương Nga lại khá khớp với các chứng cứ khác.
Chi tiết trên đây cùng với một chi tiết khác, khi Lữ Minh Nghĩa cung cấp 5 bức thư viết trên bì nilon do Thùy Dung từ trong trại giam gửi ra, và khai rằng sự trao đổi này nhờ cán bộ trại giam tên Nghĩa tiếp tay và vận chuyển, khiến tình thế vụ án gần như đảo ngược. Lữ Minh Nghĩa khai để trao đổi qua lại với Thùy Dung được, là nhờ ở sự sắp xếp của bà Nguyễn Mai Phương.
Tất cả những chi tiết trên đây cho thấy khả năng có một sự xâm phạm tư pháp. Theo Phương Nga, ở cơ quan điều tra, bị cáo đã bị điều tra viên dọa dẫm, mớm cung. Riêng bị cáo Dung khai được điều tra viên hướng dẫn khi ghi lời khai, vì vậy các bản cung giống nhau đến từng chi tiết!
* * *
Trước một mớ toàn những lời khai gian, chứng cứ giả, nếu HĐXX không cao tay, dễ bị trở thành con rối, và dễ sa vào xét xử oan sai. Không khéo, nếu sau này phạm nhân từ trong tù hoặc ra tù chứng minh mình bị xử oan, thì HĐXX, người xét xử phải lãnh đạn bồi thường!
Việc pháp luật bị đem đùa bỡn, nếu không có sự trừng phạt nghiêm khắc, thì về sau này người ta sẽ nhờn luật. Bị cáo khai gian, nhân chứng khai dối rồi sau đó… khai lại, mà không bị xử lý gì, thì e rằng không ai sợ pháp luật nữa, sẽ sẵn sàng gian dối để đánh lừa cơ quan điều tra. Trong bộ luật Luật hình sự đã có điều 307 quy định về vấn đề này, nhưng có lẽ lâu nay chưa ai bị xử lý, nên đến giờ cơ quan điều tra, tố tụng vẫn phải đau đầu với lời khai gian, chứng cứ giả.


Hahien's Blog


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: