Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Dời núi và lấp biển kiểu Tàu


TRẦN NGỌC VƯƠNG (giáo sư)

Câu chuyện Trung Quốc "Ngu Công dời núi" đã được kể từ ngày xửa ngày xưa, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ người Hán, mà dần dần đã lan truyền ra ít nhất trong phạm vi bốn quốc gia "đồng văn", phổ biến đến mức rất nhiều người Việt tận nơi "hang cùng xóm vắng" cũng có thể thao thao kể lại.

Bài học dễ dàng rút ra qua câu chuyện đó là bài học về lòng kiên nhẫn, nghị lực bền bỉ cùng quyết tâm, ý chí phi thường của con người có thể làm được những chuyện cực lớn lao, thậm chí thoạt tiên dường như bất khả! 

Đó cũng là một câu chuyện phản ánh một nét đặc trưng trong " bản tính tộc người" của người Trung Quốc. Vì những " giấc mơ" to lớn ấy mà quốc gia của họ bao lần đổ vỡ, loạn ly, tan nát, nhưng cũng "vịn vào những giấc mơ mà đứng dậy", người Trung Quốc vẫn tiếp tục mơ những giấc mơ càng ngày càng kỳ vĩ hơn.

Dời núi, họ đã từng mơ, từng làm. Là một đế chế lục địa trong cả một trường kỳ lịch sử, loại hành vi dời núi được họ khuyến khích lẫn nhau và từng nỗ lực thực hiện. Chỉ có điều, họ dời núi theo cách " tiện lợi" là "san thành bình địa", chứ họ không mơ mang đất đá ấy đổ thẳng ra biển trong " câu chuyện Ngu Công" kia! 

Nói cho công bằng thì người Trung Quốc cũng từng mơ lấp biển, qua chuyện truyền thuyết về con chim Tinh vệ. Nhưng đó là giấc mơ bắt đầu từ lòng thù hận, không mang ý nghĩa thực dụng.

Vào thời điểm Quốc - Cộng giao tranh, khi khả năng quân Cộng sản chiến thắng, chính quyền Tưởng Giới Thạch tính kế lui về miền Đông Nam, biển mới thực sự trở thành một địa bàn chiến lược lâu dài. Cái "đường lưỡi bò" là sản phẩm "quy hoạch trong mơ" của họ, ra đời một cách vội vàng, cẩu thả, thậm chí nguệch ngoạc , là như thế.

Nhưng đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, trong giới cầm quyền cao nhất của Trung Quốc đại lục đã bùng lên mạnh mẽ "giấc mơ làm chủ các đại dương". Kể từ đó, họ liên tục triển khai "ý chí Ngu Công" trên biển. Mấy quốc gia biển láng giềng đột ngột và nhanh chóng trở thành kẻ tranh chấp trong mắt họ: Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, rồi cả Hàn Quốc, và không loại trừ trong tương lai, cả Triều Tiên và Nga! 

Hàng đàn Tinh vệ Tàu đang bay ra biển, giấc mơ nghìn đời sống dậy. Một trong những con chim Tinh vệ đầu đàn gắn 3 sao trên cánh và mang cái tên: Phạm Trường Long. 

Nhưng đám Tinh vệ này không định lấp biển! Thay vì làm thế, họ chỉ định làm cướp biển. 

Những quốc gia sống ngàn đời với biển đang bị đe doạ bởi lũ giặc đất (thổ phỉ). 

P/s: Người viết những dòng này là chủ biên cuốn "Sự kiện dàn khoan HD 981 và âm mưu của Trung Quốc độc chiếm biển Đông", NXB Thông tin truyền thông, 2014 - sách đặt hàng của nhà nước. Rất nhiều điều tâm huyết đã được trình bày trong đó. Mẩu viết này chỉ như đính kèm một lời cảnh báo nữa gửi tới những ai có trách nhiệm hàng đầu với chủ quyền quốc gia!

Trần Ngọc Vương
(Giáo sư, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: