Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ ( 21 ) TT - HG













21.
 
            N
gười ta nói với anh rằng lão già đã ngoài bảy mươi tuổi, Khải không tin. Đó là một người cao lớn, đôi tay dài khác thường, mái tóc đen mượt. Ông ta có hàm răng đều sáng bóng, chỉ có đôi môi mềm màu hồng là hơi run rẩy khi ông ta cười hoặc nói. Đặc biệt giọng nói sắc lạnh như từ một nơi tăm tối nào vọng về. Rất kiệm lời.
            Ông thường đột ngột xuất hiện sau một lùm cây hoặc bức tường nào đó, rồi lại hiến đi ở một chỗ khuất cũng lặng lẽ như khi đến. Suốt ngày con người bí hiểm này ngồi trong nhà đóng cửa. Tất cả cửa ra vào, cửa sổ đều lắp kính, khung cửa là gỗ cẩm lai. Thứ gỗ có hai màu tương phản đen, trắng. Vân đen lì, bóng như sừng. Vân trắng mịn, sáng như ngà voi.
            Đây là dinh thự của một viên tướng chế độ cũ, đã di tản. Bốn bề rào dây thép gai, lớp trong chôn cột bê tông căng lưới chống đạn B40. Giữa hai lớp rào là một lối đi rộng chừng 2m. Từ mười giờ đêm cửa ra vào khuôn viên đóng kín. Đàn chó tây cao lớn như những con bê được thả đi lại canh chừng trong lối đi này. Bên trong hai lớp nhà là những ngôi nhà cấp bốn lợp tôn Mỹ. Chính giữa là ngôi nhà ba tầng kiến trúc theo kiểu Gô - tích. Qua khoảng sân rộng tới một cái hồ nhỏ hình e líp. Xung quanh hồ trông cây cảnh xum xuê. Có những loài cây Khải mới nhìn thấy lần đầu. Nó tạo cho anh cái cảm giác vừa xa lạ, vừa lãnh đạm. Bao bọc khu nhà là vườn cây ăn quả đủ loại của miền nhiệt đới. Xa nữa một đoạn là khoảng đất trống bằng phẳng, chạy ngút mắt. Những nọc tiêu xây bằng gạch cao lớn như ống khói lò gốm xây ngay hàng, thẳng lối. Khi mới đến anh còn không biết nó được dùng vào việc gì. Chỉ khi lão già dẫn ra vườn nói cho biết, Khải mới hay nó là những trụ, nọc tiêu bao quanh. Mỗi một nọc như vậy xây hết hai vạn gạch, dùng xi măng mác cao. Có chừng vài trăm nọc tiêu như thế đã được xây xong. Tốp thợ trước không rõ vì lý do gì không tiếp tục công việc. Mà công trình của lão mới chỉ bắt đầu. Đấy là lý do vì sao Khải có mặt ở nơi này. Tốp thợ của anh sẽ xây tiếp cho đủ một ngàn nọc tiêu theo dự định của lão.
            Lần đầu tiên trong đời Khải thấy một trang trại tư nhân có tầm cỡ này. Vậy chủ nhân của nó là ai, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 80 này lại có tiềm lực lớn như vậy? Như một vùng ốc đảo nằm trên sa mạc. Cả vùng chưa chỗ nào có điện mà nơi lão ở có máy phát riêng, vừa để sinh hoạt, vừa để phục vụ sản xuất. Ngôi nhà ba tầng, hai tầng đã gắn máy lạnh. Dù mưa hay nắng, nóng hay lạnh với lão không thành vấn đề. Phòng làm việc và phòng ngủ của lão lúc nào biểu kế trên dưới hai mươi lăm độ, giữa phòng làm việc kê một cái bàn dài, rộng như kiểu hội nghệ bốn bên. Góc phòng đặt máy bộ đàm, kiểu máy liên lạc của lính thuỷ đánh bộ Mỹ nhưng được sản xuất tại Nhật Bản, chạy bằng pin khô. Từ đây lão có thể gọi đi khắp nơi trong nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Xung quanh tường nhà kê những kệ xếp đầy sách đủ thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp. Sách tiếng Việt chỉ chiếm chỗ một phần rất khiêm tốn.
            Đặc biệt là trên mặt chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng kê gần cửa sổ lúc nào cũng có một lọ hoa tươi. Những bông hồng bạch gửi mua từ thành phố lên mỗi ngày được thay một lần. Đây cũng là công việc duy nhất mà người vợ trẻ của lão phải đụng tay tới. Các công việc khác, kể cả nấu ăn, giặt giũ, quét dọn đều do những người giúp việc trong nhà đảm nhiệm.
            Một người trong đội thợ hồ của Khải người vùng này cho anh biết: Lão già là người Huế. Từng là cán bộ đặc tình hoạt động nội thành Sài Gòn. Vợ con lão hiện ở cả ngoài thành phố. Người vợ trẻ hiện đang ở đây vốn là người yêu của con trai lão. Cô ta có bằng Bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy. Được con trai lão “rước” lên đây chăm sóc sức khoẻ cho cha. Một kiểu báo hiếu hiếm thấy xưa nay. Chỉ những kẻ giàu có mới có cách hành xử khác người, hơn đời như vậy. Con trai đang làm Giám đốc hay Tổng giám đốc quái quỷ gì đấy ngoài Sài Gòn. Việc tìm một cô gái khác trẻ đẹp hơn để thế chân cô này chẳng khó khăn gì. Nhưng nó là nỗi sượng sùng mỗi khi chỉ có hai cha con ngồi với nhau. Vì thế con trao lão ít khi lên đây. Năm thì mười họa mới thấy con trai lão lên thăm cha. Hắn thường đi chiếc xe  con màu đen, kính mờ. Khải cũng chưa lần nào được nhìn rõ mặt người này. Một người nghe nói có lối sống hiện đại, rất coi trọng thời gian. Mỗi lần lên hai cha con chỉ nói với nhau vài ba câu. Sau đó hắn đi một vòng quanh trang trại nhìm ngắm khắp lượt. Không nghe thấy hắn chuyện trò nói năng bất cứ câu gì, kể cả với người vợ nhí của cha hắn, hắn cũng lặng thinh. Sau đó hắn dong xe chạy về thành, không khi nào ở lại qua đêm. Có thể vì sự buồn tẻ ở vùng này. Cũng có thể vì sự tế  nhị đối với bà mẹ trẻ từng là người yêu cũ.
            Chính Ba Tô là người giới thiệu Khải đến làm cho lão già mà anh ta kêu bằng chú Tư. Hai người quen biết nhau từ hồi chưa giải phóng. Lão già là chủ hàng chuyên sản xuất dây kẽm gai phục vụ quân đội còn Ba Tô là trung sĩ cảnh sát Đô thành. Việc Ba Tô được giảm thời gian học tập là có sự can thiệp của Tư Lành. Khi đó ông đã công khai là một cán bộ có cỡ nằm vùng. Ba Tô thường có câu cửa miệng:
- Ông già số hên. Thời nào cũng vai cha thiên hạ!
Ba Tô còn rỉ tai Khải: “ Ông già một năm đổi máu hai lần. Ông thay hết máu cũ trong người bằng máu con trai. Phải là trai tân chưa có vợ và vô bệnh tật. Năm xưa ông còn định thay tuỷ vì nghe nói thay được tuỷ thì sẽ thọ lâu hơn. Với ông tiền bạc “nâu" vấn đề. Ông chưa thay vì ở bệnh viện trong nước chưa nơi nào làm việc này bảo đảm. Nếu có chỗ tốt thì đã thay rồi..!”.
Chả trách lão đi lại nhanh nhẹn như thanh niên. Tóc đen tự nhiên, Khải từng nhầm là tóc nhuộm. Hàm răng của lão già vẫn đều sin sít dễ bị nhầm là răng giả. Nếu con mắt không còn sáng chắc lão cũng đã thay.
Khải đã từng nghe người ta nói tới chuyện thay lắp bộ phận cơ thể. Nhưng cũng chỉ là nghe để mà nghe, chưa được tận mắt chứng kiến khi nào. Ngày còn ở Hà Nội, Khải có lúc gặp từng tốp đông hàng chục người chầu trực ở ngõ B.K. Chỗ đó là cửa sau của Bệnh viện V.Đ nổi tiếng. Những con người trông bề ngoài hết sức thanh cảnh, nhàn nhã nhưng trong túi luôn có cái thẻ màu vàng viết tắt chữ hoa: “T.C.M”. Họ thường có tiếng lóng để gọi nhau là “ dân té me”. Những con người có bộ mặt như thiếu ngủ, xanh dớt. Họ đi từng đoàn, cũng áo da, ca táp mới. Bệnh viện quy định hai tháng mới được hiến máu một lần. Nhưng quy định ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vì ở các bệnh viện khác họ cũng có một cái thẻ tương tự. Cứ một vòng Hà Nội – Hà Đông, Việt Trì - Thái Nguyên, Nam Định – Hải Phòng… là vừa vặn hết năm. Cho máu trở thành một nghề, một phương tiện kiếm sống chuyên nghiệp. Có một lần Khải cùng ông Võ lên Thái Nguyên thăm một người bạn. Vừa ra khỏi ga hai người gặp một tốp cả nam lẫn nữ ăn mặc lịch sự ra vẻ hào hoa. Trong tốp có một người quen của ông Võ tên là Lâm Quân. Anh chàng này là học sinh miền Nam ở trường 26-3 gì đó. Một người tóc quăn tự nhiên, môi mọng như con gái, đôi mắt sáng, lúc nào cũng mang theo cây ghi ta cũ. Bây giờ đang là mùa đông. Mùa đông Thái Nguyên đã từng được mô phỏng trong thơ Tố Hữu. Cái rét chết cò. Khải co ro trong cái áo Bu dông cũ đã bị thủng ở hai khỉu tay. Trong khi đó anh ta đầu đội mũ len, người áo len dài tay, bên ngoài khoác Măng tô san dài chấm gót giày. có cảm tưởng cái rét vùng núi đá chẳng ảnh hưởng gì đến anh ta cả. Vậy mà trong quán cà phê ra mới được một quãng, anh ta tự nhiên gục xuống mặt đường. Cả bọn được một phen hú vía vội dìu vào một quán bên đường. Ít phút sau anh ta tỉnh lại. Người mà lúc mới gặp Khải ngỡ đâu công tử con nhà giàu, té ra là chàng thất nghiệp chuyên sống nhờ bằng dòng máu của chính mình. Anh ta có bài thơ mà Khải còn nhớ mãi đến giờ, mấy câu:
“ …Cuộc đời là bể khổ
Hạnh phúc là ngọc châu
Lặn mò đáy biển tìm châu
Sợ nửa chừng tan nát – biết đâu…?”
Con người này sau đó trở về Hà Nội, Khải còn gặp lại đôi lần. Anh ta có vẻ ngượng, luôn tìm cách tránh mặt. Nhưng cái bộ dạng, giọng nói của anh ta luôn ám ảnh Khải, không hiểu vì sao?
Đến khi gặp lão già gọi “Chú Tư Lành” này, nỗi ám ảnh ấy lại trở về.  “cũng là cách chia sẻ sức sống” giữa người trẻ cho người già chung một mục đích duy trì sự tồn tại, kéo dài nó. Nhưng nó cứ se sắt lòng làm sao!
Kẻ cho không phải vì mình có dư – mà người nhận không phải quá thiếu. Nó là sự san sẻ ngược đời của những chênh lệch hoàn cảnh hết sức khác nhau.
Tự nhiên Khải nhìn lão già thiếu thiện cảm ngày từ lúc mới gặp. Mặc dù lão đón tiếp tốp thợ ân cần và chưa xảy ra điều gì giữa hai bên. Càng về sau lão càng làm anh khó chịu.
Sáng nào lão cũng dậy sớm, chạy một vòng giữa hai lớp rào. Phía sau lão dàn chó lai chạy theo chủ. Chúng giữ khoảng cách đều đặn với lão chừng hai chục bước chân. Khi lão dừng lại, chúng cũng dừng lại tức thời, cúi mõm xuống sát mặt đường vẫy đuôi rối rít. Chạy hết vòng lão vào nhà, tắm nước xông hơi. Buồng tắm của lão thiết kế theo kiểu I-ta-li-a ( người vợ bé của lão khoe thế) chứ thực ra Khải cũng chưa bước chân vào đấy. Anh cũng không hình dung được nó như thế nào. Lão tắm chừng hai mươi phút rồi chải đầu, xoa mặt. Công việc nào lão cũng theo một công thức rất tỷ mỉ theo phương pháp dưỡng sinh hiện đại.
Bữa sáng của lão là hai ly rượu thuốc và tô mì vằn thắn theo kiểu Ba Tàu. Sau đó ra bàn uống cà phê, hút một điếu thuốc ba số dẹt. Cũng có hôm buổi sáng lão chỉ ăn cái bánh ngọt có bơ và uống cà phê.
Lão mặc quần áo chỉnh tề như để đến công sở. áo bỏ trong quần, cài khuy cổ. Chỉ thiếu không thắt cavát. Trên con đỉa ở thắt lưng dắt sợi dây bạc nối với chùm chìa khoá thả trong túi quần.
Mặc dù còn rất khoẻ không cần chống gậy, lão vẫn mang theo cái ba tong, chỗ tay cầm bằng sừng khảm trai rất đẹp. Mắt đeo kính mát, lão lặng lẽ ra xem tốp thợ làm. Nếu ưng ý lão lặng lẽ biến mất. Còn không vừa ý lão sẽ chọc cái ba tong vào chỗ thợ làm sai, bắt phải làm lại. Cốt sao xây tròn đều, không được lệch tâm là được. Đằng này lão yêu cầu xây phải thật đều, dầy mỏng một tẹo đều không được. Đã là thợ, ai không biết khi xây tránh không trùng mạch. Nhưng xây trụ tròn đó là điều khó tránh. Thợ đã cố gắng không để trùng hai lớp liền nhưng lão vẫn không thuận tình. Hễ chỗ nào trùng lão bắt tháo ra xây lại. Xây tường đơn bằng cát xi măng vữa rơi là chuyện khó tránh. Không hôm nào lão ra mà không nhắc việc này. Hôm nào hết buổi, nghỉ muộn không kịp vét vữa rơi lão lẳng lặng ghi vào cuốn sổ tay. Lão bảo khi thanh toán hợp đồng lão sẽ nói chuyện về việc này.
Kể ra thì lão không cần phải ra chỗ làm, vì lão đã thuê riêng một người. Người này có trách nhiệm theo dõi kỹ thuật và cai quản vật liệu, Anh chàng có thân hình hộ pháp, ít nói. Anh ta có thể đứng hàng tiếng đồng hồ không cần đổi chỗ. Anh ta nói với anh em thợ mình từng làm kỹ sư cầu đường sở Mỹ, là chỗ bà con họ xa với ông chủ. Lão già rất ghét việc thợ vừa làm vừa nói chuyện, cười đùa. Lão bảo: “Đấy là tác phong nông dân thiếu tính công nghiệp”. Nên khi có mặt lão không ai hé răng nói một lời. Thợ nề vốn là công việc vất vả, phải im lặng như thế thật căng thẳng. Anh nào anh ấy mặt nhoè mồ hôi.
Rất may là lão già chỉ ra xem  như thế chừng hơn tiếng đồng hồ. Sau đó lão về phòng làm việc của lão. Thường có những chiếc Ci tro en bóng lộn từ thành phố lên vào giờ ấy. Những vị to béo, những bà phốp pháp, ăn mặc sang trọng đến tìm lão vì một việc gì đấy. Hình như lão già đã về hưu vẫn còn tham mưu, cố vấn cho những cơ quan ngoài thành phố. Đấy là Khải đoán thế, chứ con người bí hiểm này ai mà biết được ông ta còn lo làm những việc gì?
Hết lượt lão già là đến phiên bà vợ trẻ của ông ta. Một cô giúp việc nhà mang chiếc ghế xếp ra chỗ thợ làm cho bà vợ trẻ của lão. Bà ta mặc áo quầy có quai đeo hai bên vai để lộ nửa ngực nõn nà. Chiếc minizíp cao quá gối để lộ đôi chân dài đi tất trắng, rất mỏng. Khi bà ta nằm thườn ra ghế xếp đọc sách không hiểu vô tình hay cố ý để lộ chiếc quần sịp màu hồng. Tay cầm sách mà hai mắt thỉnh thoảng lại nhìn chằm chặp vào cặp đùi, bắp tay cánh thợ. Giàn giáo cao quá đầu, thợ hồ nóng chỉ mặc xà lỏn rộng thùng thình. Từ dưới nhìn lên gần như không mặc gì. Của quý lúc lắc mỗi khi anh thợ day hòn gạch cho nó ăn hồ. Nhiều lần Khải bắt gặp cái nhìn ấy. Khiến bà ta đỏ mặt. Anh không hiểu vì sao một người trẻ đẹp, có chuyên môn cao lại chung sống với một lão già? Bà ta thèm một sức trai là chuyện đương nhiên. Không như vậy mới là chuyện lạ! Mấy lần Khải gặp ánh mắt đắm đuối của bà ta. Phải công nhận đó là đôi mắt đẹp. Ai nhìn vào đó cũng phải nao lòng. Tình cảnh trớ trêu khiến việc xưng hô với bà ta quá khó.
Anh kêu bà ta bằng “  bà ” xưng “ tôi ” thì bà ta không bằng lòng, bà ta nói:
- Trước mặt ông chủ kêu sao cũng được. Nhưng không có ổng kêu vậy tội nghiệp em, anh hai à!
Việc đó làm cho Khải khó xử. Xưa nay anh vẫn quan niệm: “con thầy, vợ bạn” là nơi phải giữ gìn cẩn thận. Cho dù bà ta không hẳn là đối tượng như vậy, nhưng là nơi mình quan hệ làm ăn. Có gợi tình gợi ý đến đâu anh cũng không để ý.
Phức tạp một chút, có thể công sức của bao nhiêu con người hàng tháng trời ra sông ra biển!
Thợ thuyền phần đông từ miền Bắc tìm vào. Người ta đi làm cốt kiếm đồng tiền nuôi vợ nuôi con. Công việc nặng nhọc ngày ngày cạn kiệt sức lực. Ai hơi đâu ngó trộm của cấm nhà chùa.
Vậy mà vẫn có kẻ mắt la mày lém . Y người Hải Phòng. Nếu không vì y có tay nghề giỏi Khải đã cho thôi việc. Vì dù sao anh cũng là người có chút quyền hành ở đây. Khải đứng ra nhận việc, ký hợp đồng với nhà chủ, thợ cũng do anh đón về. Đuổi ai, nhận ai anh hoàn toàn quyết định. Nhưng lại nghĩ cùng cảnh áo ngắn, xa nhà, hàng năm không mùi đàn bà, anh lại thôi. Nhưng để y lại lúc nào Khải cũng nơm nớp trong dạ, Khải phải nhắc y.
                - Nếu mày không chịu được hôm nào về thành phố, ăn bánh trả tiền khỏi lằng nhằng, phức tạp khổ lây cả bọn.
Y cười hô hố.
- Thôi đi cha, mấy động quỷ đó con lạy cả nón. Nát nhèo nheo, khô khồng khộc báu gì. Thằng này con nhà lính nhưng tính nhà quan. Không “ ăn” thì thôi “ăn” là phải ngon.
Khải đã định tống cho Y một cái vào miệng. Nhưng nhìn thân thể chắc nịch của Y anh cũng có ý gờm. Không khéo sinh chuyện to trong lúc anh đang cần tiền. Chỉ ít ngày nữa là Khánh Hà “ Nằm bếp ”. Còn đủ thứ phải lo…
 Nhưng Y là người khéo xoa dịu. Y ghé tai Khải mà rằng:
                  - Ông anh yên tâm đi. Thằng này ăn vụng biết cách chùi mồm, của nó nó cũng biết giữ, ông lo làm gì cho mệt người. Khải không ngờ trong đội thợ xây của anh, anh chàng nào trông ngon mắt đều bị bà ta “nhắm” gần hết. Một kẻ có ý dè chừng như anh cũng không thoát ra ngoài vòng ngắm.
Hôm ấy lão già có công chuyện ngoài thành phố không về. Tầm mười giờ đêm có tiếng gõ cửa. Khải chưa kịp hỏi việc chi, bà ta đã cầm tay lôi đi tuồn tuột: “anh Hai sửa giùm cái vòi nước nhà tắm, không hiểu sao tắc hoài à!” Khải đã định từ chối khéo để mai ban ngày ban mặt làm. Bà ta làm bộ vùng vằng : “ Tui chuyên tắm giờ này, để mai chịu sao nổi. Nếu anh Hai không chịu giúp thì thôi vậy” Miệng nói vậy nhưng bà ta không buông tay. Mùi nước hoa đắt tiền sực nức khiến anh nao nao. Khải miễng cưỡng bước theo.
Ở đây đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên anh bước chân vào chỗ này. Mọi khi thợ thuyền tắm ngoài khu giếng đào, có nhà tắm nào rộng rãi như thế này. Bồn tắm to như cái giường nằm bằng sứ trắng bong. Những vòi nước đủ kiểu sáng loá mắt. Bà chủ chỉ cho anh một vòi bị tắc. Nghe bà ta khoá trái cửa Khải đã có ý ngờ ngợ. Khi anh tháo chiếc vòi ra thì thấy bên trong một cục giẻ. Khải lôi ra, vòi lại chảy như cũ. Rõ ràng là có ai đó đã làm việc làm việc này. Bỗng dưng không có chuyện giẻ chui vào vòi nước như vậy. Trước lúc làm, Khải quần áo dài treo trên mắc, vì sợ ướt nên lúc này anh còn độc chiếc quần đùi. Chỉ còn mỗi một việc vặn trả lại cái vòi vào chỗ cũ là xong. Anh thấy có cái gì nhồn nhột trên lưng. Một bàn tay mềm mềm len dần xuống xoa quanh bụng, rồi lần xuống mé chun quần. Khải chợt hiểu ra chuyện gì. Anh định ngăn bàn tay ấy lại. Không hiểu sao anh như không điều khiển được bàn tay của mình. Bàn tay kia túm lấy phần con đực của anh, mơn trớn. Chiếc vòi nước chưa kịp lắp rơi xuống nền đá, nước chảy tứ tung. Người kia kéo anh xoay hẳn lại. Người ấy trên mình không còn mảnh vải. Cảm giác hoang mang đờ đẫn Khải không nghĩ được gì lúc ấy. Những cái hôn bỏng rát lên mặt lên cổ cả vào chỗ không nên hôn. Khải có cảm giác như mình đang bị một con thú ăn thịt. Không khéo còn bị cắn nát cái phần vừa rơ ráy vừa quý hoá của mình. Anh thoáng rùng mình. Người đàn bà hổn hển:
            - Đừng sợ, anh Hai! Đừng chối bỏ tội nghiệp em mà!
Khải như Từ Hải chết đứng! Anh buông thõng tay, mắt nhắm lại mặc người kia làm gì thì làm. Có tiếng khóc nức nở. Cô gái buông anh ra. Cô vẫn trần truồng như thế, hai tay ôm gối. Đầu cô gục xuống, mái tóc dày đen mượt xoà xuống nền nhà. Chưa bao giờ Khải thấy một cái nhìn như thế. Một cái nhìn vừa ham muốn vừa giận dữ, vừa nồng nàn lại vừa nanh ác. Khiến cái áo Khải đang cầm trên tay rơi xuống sàn nhà. Khải lúng túngđịnh nhặt lên. Bất ngờ cô đạp vào chân anh. Vào lúc khác thì đạp như thế không hề húng gì. Không rõ vì sao Khải ngã ngồi bệt xuống đất. Cô gái chồm lên, tóc cô phủ trùm lên mặt khiến Khải không nhìn thấy gì. Đôi bầu vú nóng bỏng của cô úp lên mặt Khải đến ngộp thở. Khải đã làm phận sự của con đực một cách vô ý thức. Không phải lần đầu tiên chung đụng với đàn bà, Khải có cảm giác mình như con gấu bông trong tay cô bé ưa nghịch ngợm. Cô ta xoay ngược, xoay xuôi chồm lên như ngựa phi nước đại. Khải mệt lử. Có cảm giác mình đang trôi dạt về một nơi nào tối tăm xa xôi nào đó. Trôi rất nhanh lại rất nhẹ nhàng… Cho đến lúc cô thở hổn hển, ôm cứng lấy anh, co người một lúc lâu.
            Hai người buông nhau khi bốn bề im ắng, không một tiếng động. Khải mặc quần áo thật nhanh lui về phòng. Anh nằm miên nam cho đến sáng. Không buồn, không vui mà tự nhiên nước mắt tràn hai bên má. Vì thân phận mình hay vì bị kẻ khác giới xem như là đồ vật. Cuối cùng anh phải tự trấn anh mình: Rằng mọi việc không quan trọng đến thế. Chẳng qua mình chưa quen kiểu sinh hoạt chụp giựt của thời bây giờ  mà thôi. Dẫu sao nó cũng xảy ra rồi. Mà đâu phải lỗi tại mình. Khải sực nhớ đến nụ cưới khả ố của gã người Hải Phòng: “ Thích chết cho chết luôn ”.
            Sáng hôm sau Khải mới để ý thấy trong túi áo mình có một cục tiền. Thì ra người này ưa sòng phẳng. Như mười năm sau người đời có câu cửa miệng: “không ai cho không và lấy không của ai cái gì”. Cái gì cũng có giá của nó. Số tiền bằng cả tháng phơi nắng làm thợ hồ. Nhưng so với sự việc vừa rồi nó là cái giá khốn nạn. Và cái chất khốn nạn trong con người mình không phải là không có chút nào.
Đểu thật!
            Khải không nhớ ở đâu đó, anh đã gặp đám trẻ con đầu trần, chân đất vừa đi vừa hát một bài đồng dao:
“ Ngày xưa quả báo thì trầy
Ngày nay quả báo ở ngay nhỡn tiền…”
Khi ấy anh không để ý lắm. Những đám trẻ lang thang với đủ trò nghịch ngợm, đủ vẻ lôi thôi lếch thếch bề ngoài. Chúng vừa nghêu ngao vừa kiếm sống. Những bài ca, câu nói học từ người lớn hay tự chúng nghĩ ra nhiều vô kể. Anh chỉ coi đó là cách chúng tự mua vui, tự an ủi mình trong lúc không cửa không nhà. Bọn trẻ đâu đã có ý thức?
Sau này Khải mới biết đấy là ý nghĩ vội vàng rất chủ quan của mình. Nhiều khi những trò con nít lại là điềm báo trước. Không ít các câu sấm đã từ - lũ trẻ phát ra. Người ta có thể xem xét các trò chơi ý thích con trẻ để liệu đoán tương lai. Khi chúng say mê súng đạn, thích các trò bắn giết giả tưởng là y như rằng sau đó có chiến tranh, loạn lạc. Còn lúc chúng mê say thổi sáo thả diều là điềm báo thanh bình, vận nước đang lên…
Hình như vạn vật và mọi sự trên thế gian này có một mối dây ràng buộc. Có một mã số liên kết nào đó mà nhìn bề ngoài khó nhận ra. Các dữ liệu đều đã có sẵn, cái mới xuất hiện cũng phải theo một lôgíc nào đó không phải rời rạc, phi lý như nhiều người lầm tưởng.
Sau cái đêm bất ngờ trong nhà tắm, Khải nghiệm ra rằng:
Hình như những việc làm tăm tối, bất nghĩa đều có hậu quả không hay.
Mới hôm trước Khải nhận được tin nhà. Lão Quảng vô mao dẫn một cô gái còn khá trẻ tìm mua đất mua nhà ở nơi anh đang ở. Lão khoe đào được hũ bạc trên gò mả hủi nên mới có tiền để đổi đời. Để lại con vợ vừa thô lỗ vừa luộm thuộm trên đất Bắc, lão dứt áo ra đi. Cô gái đi cùng với lão là dân phe tem phiếu ở chợ Hoà Bình. Chính cô là người dắt mối để lão bán những đồng bạc cho một người Tàu ở chợ Hàng Bè. Cô này chồng đi tù mãi đâu trên Cổng trời vì tội buôn thuốc phiện. Hai người đoạn tuyệt quá khứ, rắp tâm làm lại cuộc đời.
Lúc mới gặp, Khải suýt nữa không nhận ra, nếu lão không cười không để lộ hàm răng bịt đồng. Lão ăn mặc y hệt một gã cao bồi Chi-Ca-Gô: Áo phông, quần bò, đội mũ phớt, mắt diện kính đen. Sau này Khải có được nghe người ta kể ông Đặng bên Tầu cũng ăn mặc y như thế, khi ông muốn tỏ rõ cho thế giới biết quyết tâm đổi mới của mình. Đổi hết từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài. Nghe chuyện này bỗng dưng Khải lại nhớ ra bộ dạng của Quảng vô mao. Mặc dù giữa hai chuỵên chẳng liên quan gì đến nhau.
Lão Quảng huyên thuyên nhiều chuyện nhưng Khải không để ý lắm. Điều mà anh quan tâm là mẹ anh vẫn khoẻ. Bé Hà vẫn đi học như mọi ngày. Các nghi án xảy ra từ việc mâu thuẫn giữa Sinh Béo và lão Chỉ Đen cũng nguôi dần. Chuyện ở làng quê là thế. Lúc đầu cứ như lửa bỏng, dầu sôi rồi sau chìm dần vào quên lãng. Con người ta luôn phải đối diện với hiện tại. Công sức đâu mà lần bới mãi những việc đã qua.
Khi Khải hỏi lão làm sao mà biết anh ở đây? Lão nói:
- Tao hỏi bà già cho xem thư mới biết chú ở đây. Tưởng chú vào đây làm gì, chứ thợ xây ngoài Bắc bây giờ cũng không thiếu việc. Không biết thiên hạ tiền giấu ở đâu mà mãi đến tận bây giờ mới chịu tòi ra, đua nhau làm nhà. Nhưng đã vào đến trong này phải kiếm việc gì làm ra tiền chứ? Ba cọc ba đồng thế này thì bao giờ mới hết nghèo?
Khải không giấu:
- Cái khó bó cái khôn anh ạ. Không có vốn có tính việc gì cũng chỉ là tính suông. Tính xong bỏ đấy.
- Hay là chú mày bỏ quách cái việc này đi! Bây giờ đang vụ hạt tiêu, anh em mình gom mang về chợ lớn. Mỗi chuyến cũng được vài chỉ. Chú mày yên tâm đi, vốn anh cấp. Bao giờ khá trả anh!
Quảng vô mao là con người bợm bãi. Nhưng cũng có cái tốt của anh ta là hào phóng, không keo kiệt. Khải tin là anh ta nói thực. Nhưng buôn bán là phải có mối. Quen trung thổ, quen mặt hàng, nắm được mức giá lên xuống ngoài thị trường… Tóm lại phải có kinh nghiệm, có kiến thức… Không phải cứ hễ muốn là làm được ngay. Chưa nói đến cái duyên, cái nghiệp của từng người. Khối anh nghiên cứu thị trường chán ra rồi, vốn hàng tỷ đồng mà vẫn gãy. Lại có người làm như đùa vẫn nên ăn. Tốt nhất là lãnh vực nào mình chưa hiểu mấy, chớ bước chân vào. Biết cưỡi ngựa thì hãy cầm cương kẻo có ngày gãy cổ.
Khải cũng không muốn lão ta mất lòng. Dù sao đó cũng là ý tốt của lão. Anh chỉ nói với lão chót nhận hợp đồng không thể bỏ dở. Lão cũng không nài ép, chỉ bảo:
- ờ thì tuỳ chú mày. Tao nghĩ muốn có anh có em làm ăn nó vững hơn. Mình là kẻ chân nâng, một tay khó vỗ. Tao xem vài chỗ, thấy đất này có khi không bằng ngoài mình, nên quyết định không mua nữa. Chạy lấy vài chuyến có khi tao xuống miền Tây. Thấy người ta nói lúa ở dưới ấy mọc tự nhiên. Chả phải cấy hái gì mà gạo dẻo, cơm thơm. Cá ở dưới sông phải rẽ ra mới đi được. Đi một chuyến cho biết rồi sau sẽ tính!
Nhìn nét mặt, Khải biết lão đang nói những lời chân thực. Anh đã suýt buột miệng: Đó chẳng qua là chuyện hão. Ai đó giàu óc tưởng tượng sáng tạo ra làm quà cho người sẵn óc tưởng bở. Thôi cứ để lão đi, rồi sẽ biết. Không nên làm mất hứng thú của lão làm gì. Đôi khi ảo tưởng, ngộ nhận là nguồn sữa ngọt, là chí hướng của người đời. Nó giúp cho số đông nào đó quên đi nghiệt ngã hàng ngày. Lão Quảng chỉ ở chơi chưa đầy một ngày. Chiếc xe gắn máy như con cào cào to lớn lại đưa lão và cô ả nhân tình kia đi. Nhưng nó để lại tâm trạng bâng khuâng không biết vì cớ gì trong lòng Khải. Khiến anh không tập trung đầu óc vào công việc được. Gợi lại dĩ vãng, sực nhớ tới hiện tại, nhớ đến khao khát thời trai trẻ hay nỗi nhớ nhà? Khải cũng không rõ nữa. Mà có lẽ là tất cả những cái đó trộn lẫn thành cảm xúc rất khó tả.
Mọi khi trước lúc bắt tay vào công việc anh thường kiểm tra lại giàn giáo. Mối buộc nào lỏng lẻo thì xiết chặt lại, tấm ván nào cập kênh thì kê lại. Xong xuôi đâu đó mới đón bắt gạch, kéo hồ lên, bắt đầu vào việc.
Nhưng hôm nay đầu óc anh như để đâu đâu. Mọi cảnh vật xung quanh như được tạo ra từ ảo giác. Như không có thật. Khi lão già ra để nhận mặt cân trong lúc người giúp việc giao thịt cho cánh thợ anh cứ thấy nó khôi hài, ti tiện thế nào đó. Mỗi hôm lão cấp cho đội thợ xây hai cân thịt ba dọi không thừa không thiếu một ly một lai nào. Cử chỉ đó khiến Khải không thấy khó chịu mà chỉ thấy buồn cười. Con người lão dù có chăm sóc đến đâu, một năm thay máu đến mấy lần cũng khó sống ngoài trăm tuổi, tiền của chất như thế, lão để ý tới việc vặt vãnh ấy làm gì? Ngay cả cô vợ trẻ măng lão không giữ được cho riêng mình thì keo kiệt vài lạng thịt có ý nghĩa gì? Lão chưa từng làm thợ hồ nên lão chưa biết. Thợ có ý tốt với nhà chủ thường tiết kiệm cho chủ nhà số tiền không nhỏ. Ngược lại nếu trái ý họ không thiếu gì cách đốt tiền của lão mà lão không thể nào kiểm soát nổi. Lão là người giàu mà không sang… Khải vừa đón gạch vừa nghĩ lan man như thế. Đột nhiên nghe tiếng rắc rất nhẹ rồi sàn giáo chao đảo. Khải không kịp nhận ra điều gì, anh cùng chồng gạch trên giáo đổ rầm xuống bãi đất. Có cảm giác mình hệt như con nhái bị quăng từ trên cao. Khải choáng váng không cảm thấy gì nữa…
Khi tỉnh lại Khải thấy xung quanh mình rất đông người. Anh đang ở trong dãy lán dành cho đám thợ. Người ta đặt anh nằm trên chiếu chăn mỏng có lẽ được dùng làm cánh lúc đưa anh vào. Khải co chân định ngồi dậy. Cả hai chân tê dại nặng như hai cục bê tông không thể nào điều khiển được. Đầu óc anh vẫn rất tỉnh táo. Khải lấy tay sờ đầu, sờ cổ xem có bị đau ở đâu không. Bàn tay anh đỏ nhoè máu. Đầu anh bị sứt một miếng ở sau gáy chỗ ấy bây giờ có cảm giác rất xót, như thoa muối vào vậy. Một lão có cái đầu và khuân mặt từa tựa trái dưa hấu đặt nghiêng trên cổ nói:
- Cũng may cậu ấy không bị gãy xương, chỉ bị sưng tấy nghỉ vài ngày là khỏi.
Người khác vặn lại:
- Ông căn cứ vào đâu mà bảo không gãy?
- Bà cụ tôi ngoài Thanh Hoá chuyên trị gãy xương. Tôi nhìn qua tôi biết mà.
- Mắt thường nhìn thấy làm sao được? Vẫn phải đưa anh ấy xuống bệnh viện chiếu chụp xem thế nào.
Lão mặt dưa, môi mỏng cũng đỡ lời:
- Thì tôi có bảo không nên đi đâu. Cũng chỉ tại cậu ấy. Thợ bây giờ đông rồi, cậu ấy chỉ cần cai quản công việc là được. Đằng này không chịu, cứ một mực cùng làm với anh em. Vừa làm lại vừa lo chả trách sơ sẩy.
Người ta đỡ anh ngồi tựa vào vách. Khải nhờ người kéo thử bên chân. Đau buốt lên tận óc, nhưng đã có cảm giác. Sợ nhất nó tê cứng không cảm thấy gì. Có lẽ khi rơi xuống chồng gạch đè lên chân anh. Lại thêm những tấm ván nặng nên chỗ bắp chân Khải sưng vù, đỏ cứng lên.
Vợ chồng lão già cũng đã có mặt. Lão già nói:
- Mọi người xem có cần đi bệnh viện tôi kêu người nhà đưa đi?
Mọi người nhao nhao nên đưa đi nhưng Khải gạt đi nói không cần. Anh chỉ xoa bóp vài hôm se khỏi. Lão già boả cô vợ trẻ:
- Em vô trỏng lấy chai dầu ngâm mật gấu ra cho cậu ấy thoa. Thức này công hiệu liền à!
Tốp thợ quay lại chỗ làm. Lão già chắp tay sau lưng cũng đi sau. Lão lắc thử mấy chỗ dàn giáo rồi nói lớn:
- Các chú cẩn thận nghe. Suýt nữa sẩy ra chuyện không lành cho tui rồi đó. Tôi khoán việc nhưng các chú phải làm sao cho đặng mà vẫn an toàn chớ!

ó
ó   ó

Bao nhiêu ngày hiểm nguy gian khó của mình, Khải vẫn như có bàn tay che chở nâng đỡ vô hình. Đó là quà tặng của số phận mà thường khi anh không nghĩ đến. Nếu không có nó chắc anh không còn tồn tại đến ngày hôm nay. Năm mười lăm tuổi một lần Khải cùng một bọn tắm ao. Đám trẻ tắm táp thì ít, bày những trò tinh quái thì nhiều. Gọi là ao chứ đúng ra chỗ đó phải gọi là hồ. Nó phải rộng đến hàng mẫu, Hợp tác xã năm nào cũng thả cá và cũng không năm nào cá không mất trộm. Tổ bảo vệ đã tìm đủ cách rình nhiều đêm mà vẫn không ngăn cấm được kẻ trộm cá. Thời ấy có câu mà trong lòng ai ai cũng thuộc:
" Chính sách em học đã thông
Nhưng vì đói quá xin ông một nồi "
Không biết ai sáng tác ra nó, nhưng nghe vừa bi vừa hài. Một người nào đấy nghĩ ra một sáng kiến: Mỗi nhà xã viên phải góp một bó tre gai cùng năm cái cọc vót nhọn. Người ta đóng cọc xuống đáy ao rồi dùng dây thép cột những bó gai vào. Cách làm này hạn chế được phần nào bọn trộm cá đêm.
Cũng chính sáng kiến ấy khiến Khải suýt mất mạng. Bây giờ phìa sườn sau lưng Khải còn vệt sẹo dài. Dấu vết của đầu cọc xiên từ dưới lên.
Buổi trưa trời nắng, bọn trẻ leo lên ngọn cây sung to vươn ra mặt hồ. Cả bọn trần truồng nhảy từ cành cây xuống, mọi khi chúng vẫn làm như thế gọi là chơi trò nhảy dù. Người lớn đóng cọc khi chúng đến trường. Chỉ sát vài phân nữa là cái cọc xiên từ dưới lên. Khải sẽ không khác con cá lóc người ta xiên để đốt rơm. Máu loang đỏ mặt hồ. Vết xước cả tháng mới khỏi nhờ cậu lành da. Cả một thời gian dài, đêm nằm Khải còn mê sảng…
Lần khác khi ấy Khải đã gần ba mươi tuổi. Người ta vẫn có câu " Ba mốt bước qua, ba ba bước lại " để nói cái đại hạn của mỗi đời người. Khải là đội trưởng thợ xây, xây tường trại giam. Tường xây bằng đá hộc. Bốn góc có bốn chòi canh. Cổng ra vào cuốn vòm xây bằng gạch. Tường xây đá có cái khó là phải lấy phẳng ở cả hai mặt. Công việc chọn đá, ghè để lấy mặt phẳng là công việc khó khăn, nặng nhọc. Lại thêm vôi vữa ăn tya. Dầu ngón chân ngón tay nào cũng bị vữa ăn mòn rớm máu. Nhưng rồi công việc cũng được hoàn tất từng phần. Chỉ còn một chòi canh cuối cùng còn chưa xây xong. Mà ngày lễ lớn lại sắp đến. Ông quản giáo nhắc Khải bằng cách nào cũng phải xong trước ngày kỷ niệm lấy thành tích. Ai đã làm qua nghề thợ hồ chắc đều biết. Ngay cả tường xây gạch đến độ cao nào đó phải ngưng lại gọi là cho tường nghỉ. Xi măng mới kịp đông cứng đảm bảo an toàn. Nếu cứ tiếp tục xây cao mãi lên, tường còn non ắt đổ. Huống hồ tường xây đá thời gian nghỉ chờ chết xi phải lâu hơn. Vì độ nhám của đá và độ hút ẩm của đá không như gạch.
Tường đá xây cao tới tám mét rồi, may chưa xẩy ra chuyện gì. Đáng lẽ phải dừng lại một thời gian mới được xây tiếp. Nhưng theo lệnh vẫn tiếp tục đổ một tấm bê tông ở góc tường rồi xây chòi cao nữa lên. Khải đã trình bày, quản giáo không nghe. Ông ta vừa được chuyển từ chân khoác súng dài sang mang súng ngắn làm quản giáo nên tinh thân rất hăng, lại không biết gì về xây dựng. Khải đành nhắm mắt làm, mong sao đừng xẩy ra chuỵên gì. Anh đã có ý chọn trong đội những người nhanh nhẹn khéo léo giỏi tay nghề để lên giáo cao làm. Khải cũng cùng lên với họ. Anh để ý từng mối lạt buộc, từng tấm ván ghép làm giáo mà tai nạn vẫn xảy ra. Bức tường xây ép cứ phụng phịu như được đắp bằng bùn. Bốn bề im ắng đến nỗi nghe rõ tiếng giọt mồ hôi rơi trên đá. Phần chòi canh xây bằng gạch - không đến nỗi khó lắm. Chỉ độ nửa giờ nữa là xong, chỉ còn chờ để đóng mái. Có tiếng chim cắt kêu thất thanh trên bầu trời. Không ai bảo ai đều nhất loạt ngửng lên. Một giải mây trắng toát trải ngang nền trời u ám. Rồi sầm một cái như tất cả sụt xuống một cái hố sâu thăm thẳm. Khải có cảm giác mình giống như viên đạn vừa bắn ra khỏi nòng. Sau đó không còn biết gì nữa.
Năm người trên giàn giáo hôm ấy anh là kẻ sống sót duy nhất. Cả một góc tường xây bằng đá sụp đổ. Mấy người kia bị đá gạch vùi lấp phải đào bới đến gần tối mới lôi ra được. Mặt mũi họ nhừ nát, không còn nhận diện được nếu không còn dấu vân tay trong hồ sơ của những người kém may mắn. Những chuyện này Khải được nghe kể lại. Còn khi ấy anh cũng bất tỉnh, không biết gì nữa. Khải bị bắn văng ra bãi cỏ dùng làm sân bóng phía ngoài trại. Anh rơi trúng đống cát người ta vừa chuyển đến vài ba ngày, chỉ cách đấy mấy bước chân là nền đất cứng. Mà rơi xuống đất thì … Còn mấy lần cũng hiểm nguy không kém. Lần Khải bị dồn đuổi trên tàu. Anh đã nhảy đại xuống vệ đường xếp lô nhô đá hộc. Tưởng cầm chắc cái chết thì chỉ bị chầy sước hai cùi tay…
Bây giờ nằm đây những ám ảnh cũ lại có dịp trở về. Anh không biết mình nên buồn hay nên vui? Trò chơi số phận thật éo le lắm nỗi. Thượng đế thích đùa - Còn những gì nữa đây? Dẫu sao cũng cảm ơn trời. Cám ơn bàn tay vô hình nào đấy chở che, nâng đỡ anh. Khải thấy nóng ran, cay xè quanh mi mắt. Cuộc đời xét cho cùng cũng là đáng sống. Khải thoáng nôn nao nỗi nhớ nhà. Ước gì giây phút này anh được ở bên mẹ, như ngày còn ấu thơ…

ó
ó   ó

ở xứ này có nhiều cái tạm bợ. Con người cũng lắm kẻ nay ở mai đi. Hôm trước Khải có nghe người ta nói bà vợ ông Bảy Bình bỏ chồng theo trai. Theo đúng cái anh chàng làm mướn cho nhà mình. Khải không tin. Anh đã từng đến nhà ông Bảy. Một con người giàu có, thể lực ở vùng này. Nhà ông xe lớn xe con có đôi ba chiếc. Vườn nhà ông rộng cả chục héc ta. Đồn rằng mùa tiêu, mùa điều ông bán hàng bạc phải đo bằng thước. Ông chỉ lấy những tờ bạc mới, phẳng phiu. Cứ một phân đếm đủ mọt ngàn hai trăm tờ. Mức độ giàu sang chẳng kém gì dinh cơ của lão già mà anh đang làm đây. Ông lại hơn hẳng lão già ở sự rộng rãi hào hoa. Trong nhà ông không mấy lúc vắng tiếng đờn ca, sáo thổi. Ông bận đi họp suốt ngày. Nhưng bà vợ trẻ ở nàh chăm nom khách. Bà từng là ca sĩ phòng trà. Từ ngày cải tạo công thương nghịêp bà theo ông về đây. Ông đi tập kết khi về vợ con đã bị giặc giết không còn sót một người. Lấy bà này đã mấy năm rồi ông chưa được đứa con nào.
Khải cũng biết sơ sơ người làm công nhà ông Bảy. Anh chàng đẹp trai người Cần Thơ nhưng nói giọng Sài Gòn. Anh ta nói trước ngày anh học trường Luật. Thế thờ thay đổi, anh chấp nhận làm công cho nhà ông Bảy. Bản tính ông Bảy trọng thụ trí thức. Ông luôn tỏ ra có lòng trắc ẩn, thông cảm với những hoàn cảnh éo le. Một con người như thế thật hiếm có trong thời củi quế, gạo châu này. Vậy mà bà vợ nhẫn tâm vơ hết vàng vòng, cậy cả két sắt ôm sạch của bỏ đi. Cái anh chàng cao ráo, tóc xoăn nói giọng Sài Gòn kia đưa bà vượt biên. Không biết họ có tới được bờ ảo vọng không? Hay lại đắm chìm giữa đại dương sóng gió?
Nghe câu chuyện của người mà Khải thấy như chính mình bị xúc phạm. Cảm thương ông cán bộ già có tấm lòng đẹp gặp phải con người tráo trở vô nhân.
Anh cho là đó là chuyện hiếm, chỉ xảy ra ở đất này. Mảnh đất nhiều năm chịu tác động của văn hoá Mỹ. Của lối sống hiện sinh, thác loạn. Khải không ngờ rằng chuỵên đó lại đang muốn lặp lại với chính mình. Từ sau cái đêm ở nhà tắm tâm tư anh nhiều lúc như rối loạn. Vừa là cảm giác ham muốn vừa nỗi hối hận day dứt, dày vò. Khải đã cố gạt nó ra khỏi tâm trí mình nhưng nó hễ có dịp lại len lỏi trở lại. Nó khiến anh bứt dứt không yên. Khải muốn đi khỏi đây để tránh xảy ra sự rắc rối, nhưng lại không đi được. Không phải anh ham muốn tình cảm lạ lùng người đàn bà kia đem lại. Đơn giản là công việc còn rất lâu mới xong. Khi đó anh mới nhận được tiền công thanh toán của mình và anh em trong đội. Trước ông chủ chỉ tạm ứng để đủ sinh hoạt hàng ngày. Điều đó đã được ghi rõ ràng đầy đủ trong bản hợp đồng. Không thể thay đổi. Bỏ đi lúc này nghĩa là với hai bàn tay không. Mà Khải không muốn thế. Không dễ gì kiếm được công việc vào lúc này. Cuộc sống sau hậu chiến người ta lo miếng ăn còn chưa xong. Có mấy người sẵn tiền để xây cất, dù rằng ai cũng mong mỏi?
Ở lại, xem ra cũng không đơn giản. Từ hôm anh bị ngã giáo không mấy lúc bà chủ vắng mặt ở phòng anh. Những người khác ra chỗ làm cả. Khải chân đau không thể ra ngoài. Cách chăm sóc kỳ quái của bà chủ khiến anh phát hoảng. Bề ngoài bà ta là bác sĩ, chăm sóc người làm bị thương, chẳng có gì là không chính đáng. Nhưng thực ra anh là con đực thảm hại trước con cái đói khát, thèm ăn một cách khốc liệt. Bà ta lau chùi buộc lại vết thương cho anh. Cửa ngoài đã được đóng kín, xung quanh vắng vẻ. Khải giống như con gấu nhồi bông bị dựa vào tường. Anh ngồi như thế trong lúc bà chủ thở hổn hển trong những tư thế quái gở ngược đời. Bà ta gì, miết xoay sở cho đến lúc mái tóc, khuân mặt bà đẫm mồ hôi. Xong việc bà ta trở lại ngoan hiền, dịu dàng rất lạ lùng. Khải ở vào thế kẹt. Anh mới hiểu người đàn ông bị quấy rối tình dục là như thế nào. Trước đây Khải không tin. Anh nghĩ trong chuyện này người đàn ông mới là người chủ động chứ không phải là ngược lại.
Khải thấy nhức nhối ê chề, không còn ham muốn. Anh mong sao chóng khỏi bên chân đau để lại đi làm. Để tránh gặp phải những trận sóng thần bất đắc dĩ bà chủ nhà hiến tặng. Nói đúng hơn bà ta đang " nhắm " anh từng ngày.
Hình như bà ta nhận ra ý nghĩ ấy của anh. Một hôm bảo:
- Cưng không vừa lòng sao? Hương chăm cho cưng lành bệnh rồi sẽ đưa cưng về miền Tây. Sống ở nơi khô khát này, cực không chịu nổi, cưng tính sao?
Khải lắc đầu:
- Tôi nghĩ bà đang ở chốn địa đàng đấy. Trời đất này kiếm đâu ra một chỗ giàu sang, sung sướng như ở đây?
Bà ta cười ngặt nghẽo:
- Địa đàng ư? Thiên đang mù loà, què quặt thì có. Hương thất vọng lắm rồi!
- Thì đâu có ai ép. Bà hoàn toàn tự nguyện cơ mà?
Bà ta chớp chớp mắt rồi sụt sịt:
- Cưng không thấu hiểu được đâu. Chuyện rất dài. Nhưng tóm lại tình duyên của tôi nó là cuộc phi luân, vô nhân tính và hoàn toàn giả dối. Nếu sau này cùng nhau, tui sẽ kể cưng nghe…
Bà ta lau nước mắt, mau chóng đi ra ngoài, như thể trốn chạy điều gì đó. Sự thực chăng?
Không. Khải không thể là người làm công người nhà ông Bảy. Vướng vào cuộc đời Khánh Hà đã là nan giải lắm rồi. Anh không thể phiêu lưu tình ái thêm được nữa. Phải tìm một lối thoát nếu như còn muốn sống cuộc sống của một con người. Khải nghĩ như thế.


 




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: