Trần Thị Trường
30-10-2016
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HNVC
NTT: Nguyễn Thành Phong vừa bị CA Hà Nội bắt chiều 26.10.2016 vì “tội đánh bạc”. Nghe nói chiều hôm đó anh đã chuẩn bị kế hoạch cho lái xe chở anh đi dự lễ kỷ niệm ngày thành lập nxb CAND vào lúc 17 giờ. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà 14 giờ 30′ anh đi bộ ra khỏi cổng cơ quan. Đến 16 giờ 30 không thấy anh đâu, người lái xe gọi điện cho anh nhưng không liên lạc được. Lúc đó người lái xe và cơ quan không biết rằng, anh đã bị bắt sau gần 2 tiếng ra ngoài cơ quan.
Tôi tìm đọc lại những bài viết về anh trước khi bị bắt, thấy anh là người được nhiều bạn bè, đồng nghiệp yêu mến. Đặc biệt, bài viết gần nhất là bài của nhà văn Trần Thị Trường vừa đăng trên báo Văn Nghệ Công An cuối tháng 7 năm nay. Xin giới thiệu cùng bạn:
Người ta bảo Thành Phong là kẻ đa tài, nào biên kịch điện ảnh, làm thơ, viết báo, từng đoạt Giải Báo chí quốc gia (2011) ở thể loại phóng sự – bút ký – điều tra; nào từng học Khoa Hóa Đại học Bách khoa Hà Nội; từng kinh qua các “lò tôi luyện”: Quân đội, Công an; và bây giờ là Tổng biên tập tờ Lao Động – Xã hội. Kẻ đa tài Nguyễn Thành Phong coi nghề Tổng biên tập là một nghề nặng nhọc, làm báo cũng phải giàu cảm xúc như làm thơ, đồng thời ý thức rằng nếu quên mất thơ văn, kịch cọt, phim, truyện thì không còn là chính mình…
1. Người ta vẫn bảo rằng, trong cuộc sống thời bình, muốn biết bạn mình là người thế nào hãy đi với người đó một chuyến ra nước ngoài thì biết, chuyến đi càng xa, càng lâu và độ đắt đỏ, nguy hiểm càng lớn thì chân dung – tính cách người đó hiện ra càng rõ nét.
Nguyễn Thành Phong có tới hơn 20 chuyến đi nước ngoài với nhiều người, đi công tác vùng chiến sự có, du lịch tour có và đi theo kiểu Tây ba lô có… Những chuyến đi ấy, Nguyễn Thành Phong được tiếng là chu đáo, hào phóng. Những câu khen đại loại như: “Đoàn mà có Thành Phong thì nhất”; “Tay Phong chu đáo lắm, tôi đã đi với cậu ấy một lần, cậu ấy đảm hơn phụ nữ…”.
Một trong những người nhận xét Thành Phong đáng tin nhất – đó là Tiến sĩ Phật học, nhà sư Thích Nữ Liên Quý người sống ở Ấn Độ, người coi việc giúp đỡ những đoàn nhà văn Việt Nam trong các chuyến thăm Ấn Độ như một việc cần phải làm trong cuộc đời tu tập của mình. Đoàn Nguyễn Thành Phong đi năm trước, chúng tôi sang năm sau…
Tu hành nên rất ít nói, ấy vậy mà tu sĩ Liên Quý mấy lần nhắc đến Nguyễn Thành Phong vẻ ngưỡng mộ và nể trọng: “Việc này có chú Phong thì ổn ngay… Chú Phong phóng khoáng, nhanh nhạy lắm, cái gì khó, chú nghĩ một lát là có giải pháp ngay… Chú không nề hà việc chi cả, từ nấu ăn đến vác đồ đoàn chung, chú làm tất…
Nhiều bữa nhậu của đám bạn bè thơ phú văn chương nếu có Phong thì hầu hết Phong là người chủ chi, chi một cách vui vẻ…
2.Sinh ra ở Đô Lương Thái Bình, theo bố lên Sơn La từ lúc 3 tuổi, cùng bố sống cảnh nghèo khó, lam lũ như tất cả người miền núi, nhưng khác người ở chỗ Phong học giỏi, nên hồi 1977 đã đỗ Bách Khoa, với mơ ước học chế tạo máy.
Nhưng, giấy gọi trúng tuyển của trường về tới miền núi đã bị một người xếp lại, chờ giải quyết chuyện nội bộ với ông bố của Phong, cho đến khi Phong cầm được giấy về tới Hà Nội thì Khoa Chế tạo máy đã lấy đủ người, trường tiếc Phong điểm cao nên khuyên anh vào Khoa Hóa thực phẩm. Nhiều người học Hóa thực phẩm hồi đó giờ đã là những doanh nhân giàu sụ bởi khả năng điều chế, sản xuất, lãnh đạo ngành bia nước giải khát hay dược, mỹ phẩm.
Thế nhưng, học Hóa thực phẩm nhưng tâm hồn lại để cả ở nàng thơ. Nguyễn Thành Phong có thơ in ở Báo Hà Nội mới cùng trang với nhà thơ nổi tiếng Phan Thị Thanh Nhàn ngay lúc mới 17 tuổi. Học cùng trường với Nguyễn Quang Lập, Hà Đức Hạnh, Nguyễn Thành Phong đã cùng họ và mấy người nữa trong Đại học Bách Khoa lập nên nhóm thơ Vòm cửa xanh hoạt động rất sôi nổi.
Hồi năm thứ 4, Phong đã có bài viết “Quá khứ góp mặt với hôm nay qua các vở kịch lịch sử của Trúc Đường” in trên Văn nghệ Quân đội, giọng văn và kiến văn như một ông cụ (non) khiến giới chuyên môn chú ý và gia đình kịch tác gia Trúc Đường rất cảm động. Tốt nghiệp Bách Khoa, Phong đi làm báo cùng nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Trong bộ ba thiết kế và làm tờ Văn nghệ Trẻ nức tiếng một thời, một trong số đó đã viết về Phong rằng: “Ba chúng tôi vui buồn sướng khổ có nhau, nhiều khi cãi cự nhưng chưa khi nào bỏ nhau, ngay cả trong ý nghĩ… 40 tập đầu phim “Cảnh sát hình sự”, Phong cũng tham gia với Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thiều… Phong cũng có 3, 4 bộ phim truyền hình, hay phết… Cái phim “Canh bạc” đạo diễn Lưu Trọng Ninh, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát là dựa vào cái truyện ngắn “Canh bạc gá vợ” của Nguyễn Thành Phong…
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội dẫn đầu đoàn nhà văn Hà Nội tham quan hồ Thác Bà. Ảnh: VNCA
Nguyễn Thành Phong có mẫn cảm đặc biệt, đây là một khả năng rất cần cho người làm báo. Với khả năng này, những tờ báo do Nguyễn Thành Phong trực tiếp (hoặc tham gia) tổ chức thực hiện (trước đây là Báo Thanh niên Thời đại, Báo Văn nghệ Trẻ) nay là Báo Lao động – Xã hội luôn có bạn đọc bởi tính hấp dẫn do bám sát cuộc sống, chạm được tới cả những vấn đề gai góc nhất, nguy hiểm nhất và cũng được người đọc chờ đón nhiều nhất.
Nhưng cũng có lần, vì yêu bạn, thích tác phẩm của bạn, Nguyễn Thành Phong đã cho in một truyện ngắn mà vì việc ấy, anh mất chức Trưởng ban (tờ Văn nghệ Trẻ). Long đong lận đận, mặt mũi bạc phếch, chạy hết báo này sang báo khác, rất khốn khổ, nhưng Phong vẫn yêu nghề, vẫn có niềm tin vào cái thiện và cái thật trong cái đẹp, nên không bỏ nghề. Phong yêu nghề, sống chết với nó.
Làm báo đâu chỉ là vinh quang với cái tên được in đậm trên bài báo, tờ báo, mà có thể đối diện với các loại hiểm nguy. Chiến dịch giải cứu hơn 10 ngàn lao động Việt Nam tại Libya đang bời bời chiến sự là một minh chứng. Hay những hiểm nguy khác, khi tờ báo đứng về phía lẽ phải, cất tiếng nói cho lẽ phải, đôi khi chấp nhận đối diện với cả những thế lực lớn về tài chính…
Hay những vất vả không thể hình dung được, như: Lo lương cho cán bộ nhân viên, phóng viên tòa soạn hàng trăm người, báo phải hạch toán kinh tế lỗ lãi, tổng biên tập không chỉ là người viết bài hay để phóng viên nể trọng mà còn là người biết quản lý, “nuôi” quân, làm nên một tờ báo có chỗ đứng trong lòng bạn đọc…
Nhiều người chỉ với chức “quan” nhỏ đã tha hóa, không chỉ tha hóa về cách ứng xử với tiền bạc, tha hóa về nhận thức, ngộ nhận về bản thân, về quyền lực mà tha hóa về tinh thần. Nguyễn Thành Phong tâm sự rằng, con người rất khó để tránh điều đó, đôi khi nếu không cảnh giác với chính mình thì cũng sa sút thôi. Muốn chống lại, cách tốt nhất là: Dành thời gian để gần bạn, để làm thơ, viết văn, thưởng thức nghệ thuật.
Nguyễn Thành Phong có con mắt thẩm mỹ với hội họa, phòng làm việc của anh có một số tranh đẹp, không phải của bậc tên tuổi, nhưng nó đủ sức làm tươi mới tâm hồn. Anh cũng là người yêu âm nhạc đến mức, nhiều khi vì yêu mà huy động anh em trong tòa soạn tổ chức cả live show…
Không chỉ có thế, anh còn tự thiết kế và xây dựng cho mình một ngôi nhà khá đẹp… Nếu trong cuộc sống người ta thường thấy nhà thơ, nhà văn trong bộ dạng bơ phờ, mệt mỏi, xộc xệch, và… thiếu thốn thì ngược lại nhà thơ – nhà văn – nhà báo Nguyễn Thành Phong rất bảnh: Mùa đông comlê, càvạt, bên ngoài thêm chiếc măngtô và khăn phula, giày lúc nào cũng bóng loáng. Mùa hè sơ mi trắng cổ cồn, mái tóc thi sĩ bồng bềnh nhưng không xơ xác bù rối.
Anh bảo, văn nghệ sĩ ngày nay phải cải thiện hình ảnh của mình, đừng gây ấn tượng cho đời rằng, cứ là nghệ sĩ thì phải lệch lạc, xơ xác và hèn kém. Cũng không để người ta coi doanh nhân mới có tiền, còn nghệ sĩ thì luôn… túng bấn. Ngày nay, trừ một vài trường hợp, còn hầu hết người có tài thực sự thì sẽ làm ra những giá trị thực sự và như thế thì không thể là kẻ thiếu tiền…
Nguyễn Thành Phong rất nhiệt tình với bạn bè, không kể là đàn ông hay đàn bà, càng nhiệt tình hơn với bạn văn. Trông thư sinh, được coi là điển trai, cánh đàn ông thơ phú đưa Phong vào danh sách đàn ông ham vui. Hỏi, Phong bảo: “Làm sao đàn ông có thể tránh khỏi một vài thói hư tật xấu cơ chứ. Đàn đúm bạn bè, nhậu nhẹt tới bến, nhưng tôi hễ về đến nhà là… tỉnh ra ngay, là nhớ trách nhiệm làm cha làm chồng của mình”.
Vợ anh là nhà giáo Hồ Hằng, dạy chuyên toán PTCS ở Hà Nội. Hai người yêu nhau từ thời sinh viên. Hồ Hằng là một người đàn bà lịch lãm, có kiến thức nhưng cũng là một người yêu chồng, yêu con hết mực nên hy sinh một phần những hoài bão lớn của mình để dành thời gian cho việc truyền đạt kiến thức cho học sinh ở trường và chăm sóc, nuôi dạy con ở nhà.
Nguyễn Thành Phong bảo: “Tôi nể vợ lắm, “bà ấy” rất hay, khó mà nói hết cái hay ấy, tôi có đi khuya về sớm, bận việc tòa soạn hay đi nhậu, có say khướt thì “bà ấy” cũng không lấy đó làm điều. Rất hiểu tâm lý chồng, bỏ qua thói hư tật xấu của chồng, biết nhìn vào ưu điểm…Tôi tự nghĩ, đàn ông chỉ trưởng thành thực sự khi coi gia đình, vợ con là quan trọng. Gia đình là nơi ta xuất phát ra đi và đón ta trở về. Ra ngoài đời là phải tranh đấu, phấn đấu, nỗ lực làm việc, căng thẳng lắm rồi, về nhà là phải được nghỉ ngơi, hưởng thụ… Không gian phải đẹp, không khí gia đình phải an vui… Có được cái không khí ấy là nhờ ở vợ. Vợ mà không tạo ra thì anh chồng lấy đâu ra thành công”.
Nguồn: Báo Văn Nghệ Công An, 18:19 28/07/2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét