THUẬN PHƯƠNG
(GDVN) - Chị không nhớ trong các cuộc họp hội đồng, “sếp” nghiêm cấm chia sẻ hoặc thích những bài viết phản ánh về mảng giáo dục hay sao?
Tôi là “fan ruột” của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bởi tôi tìm thấy nơi đây có nhiều góc nhìn đa chiều về giáo dục; những bài viết về những việc làm tốt, hay những chuyện còn tiêu cực, hạn chế của ngành…
Nhiều bài viết thật sự tâm đắc nên bản thân tôi thường thích và chia sẻ về trang facebook cá nhân mình, đâu ngờ vì chuyện này đã lọt vào tầm ngắm của các “sếp”.
Không ít lần, tôi bị gọi lên gặp lãnh đạo chất vấn: “Tại sao em lại chia sẻ bài báo ấy? Chia sẻ là mình thích đúng không? Giáo dục của mình còn nhiều chuyện tiêu cực, mình người trong nghề đừng vạch áo cho người khác xem lưng”.
Thấy tôi bị sếp “soi”, một số đồng nghiệp thân tín mắng yêu:
“Ai bảo chị không nghe mà cứ ngang bướng chống lại yêu cầu của họ. Chị không nhớ trong các cuộc họp hội đồng, “sếp” nghiêm cấm chia sẻ hoặc thích những bài viết phản ánh về mảng giáo dục hay sao?”.
Lần khác, tôi phát biểu trước mọi người về những bất cập của Thông tư 30 như việc gánh nặng về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, học sinh lười học hơn khi không được chấm điểm… liền bị sếp gọi vào phòng nhắc nhở:
“Giáo viên mà còn phát biểu như thế hỏi sao phụ huynh không đồng tình?
Cô nên biết đây là chủ trương lớn của ngành, đã là giáo viên phải nhiệt tình ủng hộ.
Cô nên nhớ, các cô chỉ là giáo viên chưa đủ tầm để bàn về những điều bất cập ấy, lãnh đạo như chúng tôi còn phải im lặng nữa là”.
Chẳng hạn về Mô hình trường học mới VNEN, học sinh ngồi theo nhóm, tự học nhưng các em tự do nói chuyện nhiều hơn, do phải xoay xở với nhiều nhóm cùng một lúc nên giáo viên khó lòng kểm soát nổi.
Giáo viên buộc thoát li khỏi bảng lớp nhưng nhiều giáo viên sợ trò tiếp thu bài kém đã lén lút dạy theo kiểu truyền thống, Ban Giám hiệu biết rõ điều này nhưng chẳng ai đủ can đảm nói ra.
Có lẽ do bản tính quá thẳng thắn nên tôi không thể im lặng trước những điều vô lý và trở thành “mục tiêu” để cấp trên trút giận, cũng là cách trấn áp những ai không biết giữ mồm miệng.
Thế rồi, những mặt hạn chế về Mô hình trường học mới VNEN, về phương pháp bàn tay nặn bột, về Thông tư 30 hay việc học sinh không được ở lại lớp vì cấn chỉ tiêu, việc giáo viên trở thành nhân viên bảo hiểm, cũng như những bất cập về hàng loạt hội thi của cả giáo viên và học sinh… luôn được giáo viên rì rầm, to nhỏ với nhau trước ánh nhìn lấm lét vì sợ kiểu “bờ vách có tai”.
Những bài viết hay về giáo dục ở góc nhìn phê phán cũng được cho nhau địa chỉ, đường linh để cùng nhau tìm đọc.
Giáo viên lén lút đọc, nhỏ to bình luận và tâm đắc hoặc nhiều người lập hội kín để thoải mái chia sẻ mà không sợ ai biết.
Sau tất cả những điều ấy, lại trở về công việc hàng ngày, vẫn là một nhà giáo cần mẫn và toàn tâm thi hành sự chỉ đạo của cấp trên đôi khi vẫn biết là chưa đúng. Rồi, trong những cuộc họp, những bản góp ý vẫn phải ra lời ca tụng, tung hô về tính khả thi, tính hiệu quả của nó.
Chuyện này không chỉ xảy ra một trường, một địa phương mà xảy ra khắp các trường học trong cả nước.
Với kiểu bưng bít thông tin như hiện nay thì mọi Thông tư, quyết định, mọi mô hình dạy học mới sẽ chẳng bao giờ có được những lời nhận xét trung thực từ giáo viên; và như thế sẽ rất khó khăn cho việc điều chỉnh và hoàn thiện.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét