Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Tin VHNT:

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

DỰ THẢO “LUẬT VỀ HỘI” ĐƯỢC ĐƯA RA TẠI QUỐC HỘI KỲ NÀY“KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ QUYỀN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN”;
“KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ QUYỀN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN”, “VI PHẠM LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT”
                                    
Đó là một trong những quan điểm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đưa ra trong công văn báo cáo số 375/CV-LH ngày 24/10/2016 của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam; các Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội và các UVBCT. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đưa “Luật về hội” ra để các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua.
Công văn 375/CV –LH nêu rõ: Sáng 24/10/2016, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội đã có buổi làm việc với “Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội” do đồng chí Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH) phụ trách với sự tham gia của các cựu đại biểu Quốc hội như: Vũ Đức Khiển (nguyên Phó chủ tịch QH), Nguyễn Lân Dũng, Bùi Ngọc Thanh (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH), Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa xã hội của QH), trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trần Thế Vượng (nguyên Phó chủ nhiệm UB Luật pháp của QH), các cựu đại biểu QH Chu Thúy Quỳnh, Đỗ Hồng Quân, Hữu Thỉnh…
 Với tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và Nhà nước, Quốc hội, các đại biểu tham gia Hội nghị nói trên đã nghiên cứu, thảo luận kỹ bản dự thảo “Luật về Hội” và báo cáo giải trình dự thảo “Luật về Hội” do Ủy ban Thường vụ QH trình. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng cho bản dự thảo “Luật về Hội”. Trong đó, một số đại biểu cho rằng dự thảo “Luật về Hội” đã không thể hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật đều coi các Hội VHNT từ trung ương tới địa phương là các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo; Căn cứ vào tình hình hình chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội của nước ta hiện nay và ý kiến bức xúc của đông đảo văn nghệ sĩ; Căn cứ vào quá trình phát triển của các Hội VHNT Việt Nam trong hơn 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Các đại biểu tại buổi họp sáng 24/10/2016 đều thống nhất cho rằng: Dự thảo “Luật về Hội” chưa thể thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này với các lý do sau:
-Một là: Không đáp ứng được yêu cầu ổn định xã hội và quyền dân chủ của nhân dân. Mỗi Hội ra đời với chức năng, nhiệm vụ của mình được luật pháp cho phép đều nhằm góp phần ổn định xã hội, thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh” nhưng mục đích, ý nghĩa  của bản dự thảo “Luật về Hội” đã không đạt được mục đích đó.
-Hai là: Vi phạm luật ban hành văn bản pháp luật. Các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh không được hỏi ý kiến; mặt khác, luật sau luật lại luật hóa cái khác của luật trước, gây rối loạn và mâu thuẫn. Đáng lẽ ra phải làm luật khung rồi mới làm luật cụ thể nhưng đây lại làm ngược lại, không thể chấp nhận được. “Luật về Hội” lẽ  ra cần ra đời sớm để định hướng, làm khung cho các luật khác nhưng sự có mặt của một số luật đã được Quốc hội các khóa trước thông qua, dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp.
- Ba là: Kỹ thuật văn bản còn nhiều chỗ mâu thuẫn, thiếu chuẩn xác, không phù hợp với tình hình hiện nay.
-Bốn là: Can thiệp quá sâu vào điều lệ của Hội, gây rối loạn, không phù hợp.
-Năm là: Nhận thức của những thành viên tham gia soạn thảo dự thảo “Luật về Hội” chưa có thông tin đầy đủ, chưa hiểu biết cặn kẽ về chức năng, nhiệm vụ cũng như quá trình hình thành và phát triển của các hội, trong đó có Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gắn với các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử đất nước.
 Trên đây là những kiến nghị tại công văn 375/CV-LH ngày 24/10/2016 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi tới các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để có tiếng nói với kỳ họp Quốc hội lần này.
VANVN.NET

Kết quả hình ảnh cho đại hội hội nhà văn hà nội


ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI (ngành thơ)
TN
Chủ nhật ngày 30 tháng 10 năm 2016 5:57 AM


TNc: Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội kì này hóa ra sướng, có tới 3 cuộc họp để gặp nhau tay bắt mặt mừng (Thơ, Văn xuôi và Đại hội toàn thể) . Không tiệc tùng, chỉ có cái phong bì 100k cho đại biểu đi taxi.
Sáng nay (29-10) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đại hội ngành Thơ đã nhóm họp. Số hội viên hơn 300 thì chỉ có gần 200 người dự. Thông lệ đại hội ở xứ ta đều có báo cáo kiểm điểm nhiệm kì, báo cáo kiểm tra, báo cáo tài chính. Công bằng mà nói nhiệm kì này BCH hoạt động tốt, tổ chức nghe chuyên đề hàng 100 cuộc, đi thực tế các vùng nhiều cuộc...Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên năng nổ sáng kiến nên hoạt động của Hội khá phong phú. Giải thưởng hàng năm có tiếng vang.
Cũng còn khuyết điểm nhất là giải thưởng năm qua và chưa làm được website của Hội nhà văn Thủ đô.
Hội trường nóng rừng rực khi nhà thơ Hương Mộc chất vấn Bằng Việt về việc Phạm Xuân Nguyên tham gia Văn đoàn độc lập. Ý kiến có vẻ gay gắt như quả điểm huyệt với Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Hương Mộc cho rằng Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên tham gia Văn đoàn là không chấp nhận được. Vậy Bằng Việt xử lí ra sao xin được trả lời.
Phạm Xuân Nguyên trả lời đại ý: Tôi tham gia Ban vận động VĐĐL chứ chưa là một hội, chỉ là Ban vận động. Tôi là đảng viên, trưởng phòng của Viện Văn học. Tôi chưa nhận một lời nào yêu cầu tôi rời văn đoàn, nhà nước và các cơ quan hữu quan chưa có chỉ thị hay thông báo về Ban vận động này. Vừa rồi nhà thơ Thái Kế Toại người có chân trong Ban vận động VDĐL vẫn được bầu vào BCH Hội Điện ảnh thành phố. Sao với tôi thì có ý kiến nọ kia. Nhà thơ Hương Mộc yêu cầu nhà thơ Bằng Việt trả lời. Bằng Việt nói đại ý :Ban vận đông VDĐL có nhiều người tài danh, nhiều người là bạn tôi. Trong chỉ đạo của thành phố cũng nhắc rằng không được đẩy họ sang phía thù địch, đều là anh em mình cả. Nhưng nhiều lần tôi nói với Phạm Xuân Nguyên rằng ông có vợ lại có một cô bồ xinh đẹp, thế là bắt cá hai tay. BVĐ Văn đoàn tuyên bố độc lập nghĩa là không nằm trong hệ thống của Nhà nước, cho nên một chủ tịch Hội Nhà văn thì không nên tham gia...Tóm lại vấn đề này vẫn là cái cấn cái của Hà Nội.
Trần Nhương xin được phát biểu để ĐH không sa đà vào Văn đoàn. Tôi nói đừng phong thánh cho Văn đoàn, mới chỉ là Ban vận động thì biết hình hài sẽ ra sao. Nước ta đã có Tự lực văn đoàn làm rạng danh văn học Việt, biết đâu trong mươi năm nữa đúng sai thế nào. Ta rất hay chỉ mình đúng còn người khác sai. Trong tình hình cởi mở và Luật về Hội sắp ban hành thì tôi cho rằng không nên quá lo lắng cho những hội đoàn khác. Ta đang thực hiện Hiến pháp tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến. Hội trường vỗ tay rào rào...
Thế là Đại hội bỏ lại chuyện Văn đoàn mà bàn về công việc của nhà văn. Cuối cùng là giới thiệu nhân sự BCH khóa mới. BCH cũ giới thiệu 11 nhân sự gồm 5 chấp hành cũ và thêm 6 người như Hữu Việt, Lưu Khánh Thơ, Đỗ Bích Thúy...Cuối cùng để cử lên tới 32 vị. lại rút, bất ngờ Nguyễn Sỹ Đại phó CT khóa cũ xin rút...

Hơn 12 giờ chưa xong, tôi đói quá và phóng xe về nhà làm bát cơm sau khi đã làm xong nghĩa vụ hội viên...
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

1 nhận xét:

ba nguyen nói...

Có một tóm tắt ở bài viết này,nhắc tới việc Đảng chủ trương đa phương hóa quan hệ,thì sao lại phê anh Nguyên ăn ở hai lòng.Thật không hiểu nổi trình người viết nghĩ gì?Việc đa phương hóa trong ngoại giao sao lại đánh lận đưa vào đây đẻ ngụy biện?