.
Mấy ngày nay, tràn ngập trên báo là 3 tin, đều đau lòng. Ấy là tin Miền Trung bị lũ, tin ông Nén thương lượng bất thành với tòa án Bình Thuận và tin 2 gã đàn ông côn đồ hành hung nữ nhân viên VNariline ngay tại sân bay Nội Bài.
Đọc xong tin “Vì sao bồi thường cho ông Nén từ 10 tỉ còn 2,6 tỉ đồng” trênmột tờ báo, thú thực tôi đã phẫn nộ. Cố nén, đọc tiếp trên các báo khác, ngoài chuyện tin đưa như nhau thì phần comment của bạn đọc ở dưới cũng khá giống nhau, ấy là phẫn nộ, là không tin, là những phân tích hết sức thấu tình đạt lý. Hiếm có một “thân phận tù” nào mà lại được sự chia sẻ một cách thống nhất như thế từ ngoài đời đến trên báo chí và mạng xã hội.
Dù người có trách nhiệm của Bộ Tư Pháp đã giải thích rằng, vì ông Nén là… nông dân nên sẽ được bồi thường rất ít (chữ “Được” tôi dùng chỉ mang tính ước lệ vì không ai vào chết ra sống như ông Nén để “được” bồi thường cả), nên dù đã thỏa thuận chừng chục tỉ giờ tòa Bình Thuận rút xuống còn hơn 2 tỉ, thì rất nhiều người cũng vẫn không thông được cả cách giải thích và thương lượng này.
Không thể không thấy một điều rằng, ông Nén bị oan khuất, bị khốn khổ khốn nạn một thời gian dài, bị “sống không bằng chết” đến như thế, là do đồng nghiệp của bà phó chánh án đang trực tiếp thương lượng với ông Nén gây nên. Chưa có cơ sở (vì chúng tôi không trong cuộc) rằng bà có liên can đến sự oan và sự khổ của ông Nén và gia đình ông hay không, nhưng rõ ràng việc một người được cử đứng ra xử lý những việc làm sai, sai một cách trắng trợn, vô lý và... tưởng rằng không thể nào sai... của đồng nghiệp cùng cơ quan với mình, cho dù có căn cứ khoản này khoản kia, thông tư này công văn kia, có vẻ có lý đến mấy đi nữa, thì người dân cũng đã có quyền nghi ngờ rồi, huống chi những quyết định mà bà đưa ra hôm qua, hầu như chả có ai, dù có dễ tính đến mấy, có thể đồng tình. Nên dễ hiểu là tại sao, không chỉ có gia đình ông Nén, luật sư của ông, mà hầu như tất cả những ai biết chuyện đều phản ứng gay gắt...
Có thể bà phó chánh án và đồng nghiệp của bà ở tòa Bình Thuận không đọc báo, không đọc mạng xã hội vì các ông bà không phải là những kẻ “Vô công rồi nghề” như chị tiến sĩ Đoàn Hương đáng kính đã phát biểu, nhưng tôi tin các ông bà còn có con cháu, có người nhà, họ có thể cũng sẽ đọc báo, xem mạng xã hội, họ đọc được sự phản ứng, phẫn nộ của nhân dân, và họ sẽ phản ánh lại cho các ông bà biết.
Có 2 trường hợp xảy ra, một là các ông bà chả coi nhân dân là cái quái gì, và 2 là các ông bà có thần kinh bằng thép, không coi phản ứng của dư luận là gì, cứ nhất nhất rằng mình đúng.
Không ai đo được nỗi thống khổ mà ông Nén và gia đình ông đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài do các đồng nghiệp của bà phó chánh án gây ra, và ông Nén cũng như gia đình ông cũng hoàn toàn không muốn mình phải đi tù chịu cực chịu khổ như vậy để được nhận đền bù. Và nhân dân, bạn đọc báo cũng hiểu trong cơ chế hiện nay thì tiền đền bù cho ông Nén và những người như ông là do chính nhân dân phải trả, xuất ngân sách chi trả chính là lấy tiền thuế của dân, trong đó có tôi nữa, để đền bù cho việc làm cẩu thả, tắc trách, nếu không muốn nói là tội ác của một nhóm người, thế mà nhân dân đồng tình việc lấy tiền của họ để đền bù cho ông Nén, hỏi còn sự nhân văn nào hơn, thế mà bà phó chánh án và các cộng sự ngồi lạnh lùng tính tính toán toán nặn lại của ông từng đồng, đồng nghĩa bóp nặn máu và nước mắt của con người khốn khổ ấy...
Có một cách mà nhiều bạn đọc cũng ủng hộ, ấy là mời những người đang đứng ra thương lượng với ông Nén thử một tuần vào ngồi chỗ ông Nén từng ngồi xem họ sẽ ứng xử thế nào? Cách nữa, chính những người làm sai phải bỏ tiền túi ra bồi thường cho nạn nhân.
Tôi nói thật, đọc tường thuật cuộc làm việc giữa ông Nén, gia đình ông với tòa án Bình Thuận do bà Hòa dẫn đầu tôi hình dung ra một cuộc ngã giá như ở... chợ, vô cảm và vô trách nhiệm, lạnh lùng và tàn nhẫn, bất công và bắt nạt... nó không có hậu, không ân hận, không chia sẻ với những sai lầm, thậm chí là tội ác mà đồng nghiệp mình đã gây ra, nó chỉ là một cuộc ăn thua, bất chấp, dồn ép, bắt nạt và ngạo mạn. Và tôi lại nhớ có cái cuộc xin lỗi lấy được mười lăm phút cách đây mấy tháng cũng với một người tù oan. Nó là một sự khiên cưỡng, giả tạo, làm cho xong việc của những trái tim vô cảm...
Phải đặt mình vào vị trí người dân, nhất là những người dân thấp cổ bé họng, những người mang thân phận “dưới đáy” như ông Nén và bà vợ khốn khổ của ông, người cha đáng thương của ông, thì sẽ tránh được những sai lầm tăm tối khi xử lý công việc, nhất là những việc nhạy cảm đang khiến hàng triệu người quan tâm...
Cũng như thế, cái việc 2 gã đàn ông bảnh bao như “soái ca” tẩn một nhân viên nữ của VNA tại sân bay Nội Bài cũng dậy sóng dư luận mấy ngày nay. Mà việc ấy lại xảy ra ngay sát ngày 20/10. Thực ra, cáu quá, chửi bậy một câu, thậm chí là… “gạt tay vào má” một cái, “nhấc chân hơi cao” một tí,rồi thôi, hối lỗi ngay, nhận lỗi ngay… còn có thể tha thứ. Đằng này, 2 gã, một gã ôm chặt để một gã rảnh tay quật cật lực vào mặt cô gái, ai xem cũng phải sởn gai ốc, cũng phải muốn… văng tục. Thế mà, một trong 2 gã này, công chức nhà nước, lại trả lời ráo hoảnh: “Ăn vạ đấy”. Chưa hết, dư luận lại như bị đổ dầu vào lửa khi giám đốc cảng vụ hàng không miền Bắc lại còn muốn tìm “soái ca áo đen”, là người đàn ông đã lao vào cứu cô gái đang bị một gã ôm chặt để một gã tẩn cật lực vào mặt bằng cách đạp gã đang tẩn vào mặt cô gái ngã văng ra, và nhờ thế gã ôm cô cũng lỏng tay để cô thoát, và cũng đến lúc ấy thì an ninh hàng không mới có mặt, để xử lý anh “Lục Vân Tiên” này về tội gây rối. Hàng nghìn ý kiến comment trên các báo gần như tuyệt đối phản ứng ngược với tuyên bố của giám đốc cảng vụ, bởi không ai có thể dửng dưng đứng nhìn tội ác đang diễn ra trước mắt, dửng dưng khi tính mạng của con người, ở đây cụ thể là một cô gái mỏng manh yếu đuối, bị đe dọa. Nếu anh áo đen không ra tay chưa ai hiểu vụ việc sẽ tiếp diễn đến đâu, bởi sự việc diễn ra khá lâu mà chả thấy nhà chức trách sân bay ở đâu cả, chỉ cô gái bé nhỏ chịu trận trước 2 gã đàn ông côn đồ…
Nhân dân luôn công bằng và phản ứng đúng trước những sự việc trái ngang. Một hai người còn có thể nói là thế này thế kia, chứ khi mà đã cả ngàn người có ý kiến như nhau thì nhà chức trách cũng phải xem lại các quyết định của mình. Vụ lũ lụt Miền Trung, bên cạnh sự ra tay của chính quyền và các tổ chức của nhà nước, thì các cá nhân cũng có những vai trò rất lớn, nếu không muốn nói có khi còn hơn cả… nhà nước. Hãy xem MC Phan Anh chẳng hạn, chỉ thời thời gian rất ngắn tự bỏ tiền ra cứu trợ và kêu gọi, anh đã có hơn 20 tỉ trong tài khoản để trực tiếp đến vùng lũ giúp bà con, và cũng chỉ mấy ngày sau đó anh phải đóng tài khoản cứu trợ vì… nhiều tiền gửi đến quá, mình anh kham không xuể, nhường bớt cho các tổ chức cứu trợ khác, thêm nữa, không loại trừ cả những thị phi. Người tốt, muốn làm điều tốt, việc trước tết là phải vượt qua được thị phi, bởi sẽ có rất nhiều kẻ, không làm gì cả, chỉ rình mò trong bóng tối để ném đá.
Nhân chuyện lũ lụt, lại thấy cần phải bàn thêm, rằng là cứu trợ là rất quý, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhưng làm sao để không phải cứu trợ là tốt nhất. Chúng ta đã biết Miền Trung thường xuyên năm nào cũng hứng bão lũ như thế, vậy thì phải nghĩ cách tổ chức cho bà con sống tốt với hoàn cảnh ấy, dựa vào hoàn cảnh ấy để sống và phát triển cuộc sống từ hoàn cảnh ấy. Là người quê miền Trung tôi rất thấu hiểu và xót khi tài sản tích cóp cả đời, ào phát, một đêm là trắng tay, rồi lại lần hồi gây dựng để rồi cứ thon thót lo mỗi khi thấy mây kéo về đen phía chân trời… Thế thì ai có thể yên ổn mà làm ăn, có thể an tâm để sống…
Tất nhiên rồi là cuộc cuộc sống của chúng ta vẫn cứ diễn ra, với nhiều chiều nhiều hướng. Tốt nhất là làm sao để sự tốt đẹp ngự trị trên từng giờ từng phút chúng ta đang sống, để chúng ta thanh thản với những gì chúng ta xứng đáng được hưởng. Chia sẻ nỗi đau, điều buồn và cả sự vui là cách chúng ta san sẻ cho nhau những mẩu hạnh phúc gom nhặt từ những ngày thường chúng ta sống…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét