Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Khi 'thượng đế' thô lỗ

Trần Quốc Quân 





VNExp - Một người bạn của tôi đi công tác châu Âu. Tranh thủ lúc rỗi việc, bạn đi mua sắm.

Trong cửa hàng thời trang khá đắt tiền, bạn thử một loạt rồi chọn ra cái áo lụa ưng ý. Năm bảy chiếc còn lại bạn vứt thành đống như giẻ trên nền trong buồng thử. Tôi nhắc bạn treo vào mắc cho ngay ngắn, bạn dài giọng: “Anh vẽ chuyện! Khách hàng là thượng đế, người ta phải dọn cho mình chứ”.

Dịp này, có câu chuyện cũng đang lan truyền rộng rãi, xảy ra trên chuyến bay từ Long Beach đi San Francisco, Mỹ. Một đoàn du khách Việt khoảng 10 người, nam thanh nữ tú hoàn toàn khỏe mạnh, khi lên máy bay họ sai bảo tiếp viên để hành lý xách tay lên ô chứa hành lý trên đầu. Cô tiếp viên đáp rằng đây là việc hành khách phải tự làm (dĩ nhiên trừ trường hợp đặc biệt cần giúp đỡ). Họ tự cho mình là thượng đế và thóa mạ cô bằng tiếng Việt.

Người Việt Nam từ lâu đã làm quen với cụm từ "khách hàng là thượng đế". Ở phương Tây, các công ty sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cũng có những châm ngôn tương tự: "Khách hàng là vua" hay "Khách hàng luôn đúng". Họ luôn quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của khách hàng, luôn tâm niệm phải cố gắng cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt đẹp, tiện lợi và hiện đại hơn trong khả năng của mình. Bởi, từ chủ doanh nghiệp đến nhân viên tiếp xúc với khách ngày càng thấu hiểu câu nói của Henry Ford: “Không phải người chủ mà khách hàng mới là người trả lương”.

Nhưng bên cạnh đó, trong xã hội văn minh, quyền con người luôn được luật pháp bảo vệ. Không khách hàng nào được phép cho mình là “thượng đế” mà có thái độ coi người cung cấp hàng hóa, dịch vụ là nô lệ.

Nhưng quan niệm "Khách hàng là thượng đế" dành cho giới sản xuất, kinh doanh ở phương Tây khi vào Việt Nam đã bị hiểu có phần sai lệch. Từ mục đích nhắc nhở giới sản xuất kinh doanh phải làm tốt công việc, cách nói này trong nhiều trường hợp bỗng trở thành câu tâng bốc nguy hiểm người sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Đối tượng tích cực của câu châm ngôn đã bị đánh tráo với hậu quả là nội hàm của câu đó bị hiểu chưa đầy đủ.

Với nhận thức như thế, nhiều người trở thành những khách hàng vô văn hóa, thậm chí độc ác. Vụ hành khách VIP tát tiếp viên trên máy bay vì nghi lấy cắp điện thoại; việc khách hàng đánh người giao hàng đến gãy vợt tennis; việc khách hàng bắt shipper phải đi và chờ hàng giờ dưới trời mưa bão cây đổ ngổn ngang; khách hàng gọi điện chửi bới chủ giao hàng, đòi trả lại tiền chỉ vì món ăn chưa vừa miệng… là hệ lụy của một cách hiểu cực đoan. Các “thượng đế” này không ý thức được tính cao cả của quyền con người và hoàn toàn xa lạ với lối cư xử trong xã hội văn minh. Các “thượng đế” này không hiểu rằng với những hành vi manh động ấy, trong xã hội thượng tôn pháp luật, họ sẽ gặp rắc rối lớn.

Trở lại hai câu chuyện ở đầu bài viết, bạn tôi đã được người phục vụ trong cửa hàng nhắc nhở nhẹ nhàng rằng hãy vì những người đến sau mà không nên vứt đồ bừa bãi. Đoàn khách trên chuyến bay kia xui xẻo gặp cô tiếp viên biết tiếng Việt. Họ sau đó bị hãng hàng không từ chối phục vụ trong các chuyến bay về sau.

Phải chăng việc đảo ngược giá trị câu châm ngôn này là do nền tảng văn hoá của chúng ta yếu, hay do hệ thống luật pháp chưa tạo ra ý thức về việc bảo vệ giá trị con người? 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: