Các nhà lãnh đạo Mỹ phản ứng quá đà bằng cách quyết định tránh né bất kỳ hành động mạnh mẽ nào nhằm hỗ trợ nhân quyền ở Trung Quốc. Thay vào đó, họ đề nghị một "Ảo tưởng Trung Quốc": nghĩ rằng sự thay đổi thế nào cũng sẽ xảy ra.
Trong suốt những năm của thập niên 1990 và đầu những năm 2000, các nhà lãnh đạo kinh tế của Mỹ quốc, các lãnh đạo chính trị của cả hai đảng ở Mỹ đều liên tục đưa ra những quan điểm mà tôi gọi là "Ảo tưởng Trung Quốc": quan điểm cho rằng thương mại, đầu tư nước ngoài và sự gia tăng thịnh vượng sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Tổng thống George W. Bush từng nói: "Hãy buôn bán tự do với Trung Quốc, và thời gian sẽ đứng về phía chúng ta". TT Bush chỉ lập lại quan điểm của vị TT tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ, Bill Clinton, người đã tuyên bố sự cởi mở của hệ thống chính trị Trung Quốc là "không thể tránh khỏi, cũng giống như bức tường Bá Linh sụp đổ là điều không thể tránh khỏi."
Ít nhất giờ đây chúng ta có thể nói rằng tình hình ở Trung Quốc đã không xảy ra như ý muốn.
Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc càng trở nên khắt khe hơn với những người bất đồng quan điểm chính trị - đến mức độ mà giờ đây các nhà lãnh đạo Mỹ đã trở nên rất miễn cưỡng khi tuyên bố về tương lai chính trị của Trung Quốc hoặc về tác động của thương mại và đầu tư vào tình hình chính trị Trung Quốc. "Ảo tưởng Trung Quốc" đã hoàn toàn sai về biến chuyển và hậu quả của vấn đề: phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư đã làm gia tăng sự trấn áp chính trị và làm cho hệ thống chính trị ở Trung Quốc trở nên khép kín hơn.
Rốt cuộc điều này dẫn đến một mô hình Trung Quốc mới: một nhà nước độc đảng có tầm ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ nhưng cũng là một nhà nước độc tài đàn áp dữ dội. Trung Quốc cung cấp một mô hình mà các chế độ độc tài khác, từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đến Ai Cập, có thể tìm cách bắt chước. Kết quả là, Hoa Kỳ sẽ thấy chính nó phải tiếp tục chật vật đối phó với mô hình Trung Quốc mới này trong những năm tới.
Khi dùng từ "đàn áp", tôi muốn nói về những hoạt động chính trị có tổ chức, không phải việc phát ngôn cá nhân riêng lẻ. Khách du lịch đến Trung Quốc đôi khi ngạc nhiên khi thấy rằng tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch hoặc những người bạn cũ có thể nói chuyện với họ một cách thẳng thắn, thậm chí về các chủ đề chính trị. Tuy nhiên, điều mà những người này không thể làm là hình thành một tổ chức độc lập với đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc có hành động độc lập để cố gắng thay đổi bất cứ điều gì.
Thật vậy, trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đã chuyển qua những cách thức mới đối phó với người dân và các tổ chức có thể, trực tiếp hay gián tiếp, cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động chính trị độc lập. TQ đã thắt chặt luật lệ về những tổ chức phi chính phủ. Gần đây, nhà cầm quyền TQ đã bắt giữ nhiều luật sư trong nước. Nhiều màn thú tội trên đài truyền hình được dàn dựng, một hoạt động làm gợi nhớ đến các phiên xử thời Stalin.
Tại sao thương mại và đầu tư với Tây phương đã dẫn đến một chế độ ở Trung Quốc đàn áp bất đồng chính kiến nhiều hơn 5, 10 hay 20 năm trước? Câu trả lời đơn giản là chế độ đó nghĩ rằng nó cần phải làm như vậy, có thể làm như vậy và càng lúc càng ít có hơn những yếu tố bên ngoài có thể ngăn cản nó làm như vậy.
Đầu tiên, nhà cầm quyền TQ nghĩ rằng cần đàn áp nhiều hơn vì khi nền kinh tế phát triển và trở nên phức tạp hơn, người dân Trung Quốc có những bất bình mới cần phải ngăn chận nếu không sẽ dẫn đến các hoạt động chính trị có tổ chức. Vấn đề môi trường ô nhiễm càng ngày càng nhiều. Người tiêu dùng lo lắng về an toàn sản phẩm (chẳng hạn như sữa nhiễm độc) và tai nạn (như lật tàu xe lửa). Và ít nhất đối với giới trí thức Trung Quốc, vấn đề kiểm duyệt internet có thể làm phiền toái, nếu không muốn nói là một sự xúc phạm.
Thứ hai, bộ máy an ninh của Trung Quốc có khả năng đàn áp bất đồng chính kiến nhiều hơn so với quá khứ. Kỹ thuật mới cung cấp cho bộ máy an ninh nhiều khả năng kiểm soát cả không gian vật lý (các đường phố) và không gian mạng (internet).
Cuối cùng, việc thế giới càng lúc càng buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn trong hai thập kỷ qua đã làm cho các nhà lãnh đạo nước ngoài do dự hơn khi phải có biện pháp gì để đối phó với những đàn áp nhân quyền của Trung Quốc, vì sợ rằng chính quyền Trung Quốc trả đũa. Phần lớn đây là một vấn đề của nhận thức: Trong thực tế, chính quyền Trung Quốc quan tâm đến vị thế của mình trên thế giới và sẽ tìm cách tránh việc bị quốc tế lên án nếu các nhà lãnh đạo thế giới tỏ ra mạnh mẽ hơn và cộng tác với nhau.
Một sự kiện mà bây giờ hầu như bị lãng quên là vào những năm của thập niên 1990, Hoa Kỳ lúc đó có thế mạnh kinh tế lớn hơn nhiều so với bây giờ trong việc đối phó với Trung Quốc, đã đe dọa hạn chế thương mại nếu Bắc Kinh không cải thiện môi trường nhân quyền. Sau nhiều cuộc tranh luận gay gắt, chính quyền Clinton cuối cùng bỏ qua, không theo đuổi các biện pháp đe dọa hạn chế thương mại với Trung Quốc.
Hậu quả của cuộc tranh luận đó thật là một thảm họa. Các nhà lãnh đạo Mỹ phản ứng quá đà bằng cách quyết định tránh né bất kỳ hành động mạnh mẽ nào nhằm hỗ trợ nhân quyền ở Trung Quốc. Thay vào đó, họ đề nghị một "Ảo tưởng Trung Quốc": nghĩ rằng sự thay đổi thế nào cũng sẽ xảy ra.
Có lúc Tổng thống Clinton, góp tiếng với những người lạc quan và những giả định sai rằng thương mại sẽ tự do hóa Trung Quốc, đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại một cuộc họp báo ở Washington, "Quý vị đang đứng ở phía sai trái của lịch sử." Tuy nhiên lịch sử có sự phán xét của riêng nó - rằng sự tự tin của Mỹ về ảnh hưởng của thương mãi sẽ tác động lên chính trị của Trung Quốc là sai lầm một cách đáng thương.
Nhìn về tương lai, chúng ta buộc phải đối phó với một Trung Quốc có khả năng đàn áp liên tục, không bị gián đoạn bởi các hòa hoãn thỉnh thoảng xảy ra hay thời kỳ "Mùa Xuân Bắc Kinh"* của quá khứ. Trung Quốc sẽ là một đất nước khác, trong đó giai cấp trung lưu có học có thể ít trung thành, nhưng quan điểm của họ sẽ ít có ảnh hưởng.
Những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục thể hiện một cách mạnh mẽ nhất các giá trị của tự do chính trị và quyền đối lập. Các chính phủ dân chủ trên thế giới cần phải cộng tác thường xuyên hơn trong việc lên án sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc - không chỉ trong các cuộc gặp riêng mà cả ở những nơi công cộng. Chúng ta cũng nên tìm những cách thức mới để phát hiện và trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan trong những vụ đàn áp. Tại sao lại có con đường một chiều, trong đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc gửi con em của mình đến các trường học tốt nhất ở Mỹ, và tại xứ sở của họ thì lại bắt nhốt các luật sư?
Chế độ ở Trung Quốc sẽ không cởi mở chỉ vì buôn bán với chúng ta. "Ảo tưởng Trung Quốc" là một sự thất bại về khái niệm và một sai lầm chiến lược. Tổng thống nhiệm kỳ sắp đến cần phải bắt đầu lại từ đầu.
James Mann
Đỗ Tùng dịch
--------------------------
Nguồn: Thời báo New York - 28 tháng 10, 2016
Nguồn: Thời báo New York - 28 tháng 10, 2016
Ghi chú (*): "Mùa Xuân Bắc-Kinh" là giai đoạn cởi mở chính trị vào những năm 1978-1979 và 1997-1998
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét