Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Việt Nam đừng mừng nếu làm công xưởng cho thế giới


Trong khi cả thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức và công nghệ, thì Việt Nam lại đang hài lòng với một nền kinh tế có mức độ gia công ngày càng lớn hơn.
Khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng vừa qua kể từ khi Chính phủ mới bắt đầu hoạt động là một trong những giai đoạn mà kinh tế Việt Nam có những bước chuyển quan trọng nhất trong vòng vài năm trở lại đây, trên hầu khắp các lĩnh vực quan trọng. Nó vừa là điều đáng mừng nhưng cũng vừa là điều đáng lo. Đáng mừng ở chỗ nền kinh tế vốn cồng kềnh, nặng nề và thiếu hiệu quả của Việt Nam cuối cùng cũng đã chịu nhúc nhích; nhưng đáng lo ở chỗ thời gian cho chúng ta còn lại không nhiều, khi mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã tới hạn và ngưỡng chịu đựng chỉ còn rất mong manh. Đây là thời điểm mà kinh tế Việt Nam phải lựa chọn hướng đi đúng đắn.
Những vấn đề được các chuyên gia kinh tế đặt ra tại hội thảo “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” do Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, đang khiến chúng ta không khỏi lo ngại về tương lai của nền kinh tế cũng như tương lai đất nước. Trong đó, vấn đề chính yếu được nhiều chuyên gia cùng đặt ra là nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở ngưỡng giới hạn chịu đựng khi mô hình tăng trưởng cũ gần như đã cạn kiệt. Tác động tổng hợp này đang đẩy nền kinh tế Việt Nam đến chân tường, và nhất là phía sau chúng ta đã gần như không còn đường lùi.
Về khía cạnh tài chính, nền kinh tế của Việt Nam là một nền kinh tế không hiệu quả. Mức độ hiệu quả trong đầu tư là rất thấp, đặc biệt là ở khu vực kinh tế quốc doanh, tình trạng thất thoát lãng phí ngày càng trầm trọng, bội chi ngân sách tăng cao buộc chính phủ phải tăng cường vay nợ. Trong vòng 5 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam đã tăng rất nhanh, và hiện đã sát ngưỡng giới hạn cho phép là 65% GDP. Ở thời điểm hiện tại Việt Nam không những không được phép vay nợ thêm nếu như không muốn vượt ngưỡng 65% GDP, đồng thời phải giảm bội chi ngân sách nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Đó là một nhiệm vụ gần như bất khả, khi một nền kinh tế có thói quen tiêu xài hoang phí và ưa thích vay mượn để chi dùng thì khó có chuyện vừa chấm dứt được sự hoang phí mà vẫn có đủ tiền để đầu tư để ổn định tăng trưởng.
Về khía cạnh cơ cấu nền kinh tế, thì Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào khu vực FDI trong khi hai bộ phận quan trọng khác là khu vực quốc doanh và khu vực tư nhân đang có dấu hiệu sụt giảm về quy mô. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI hiện đang chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hiệu quả và mức đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế lại đang có chiều hướng suy giảm. Tỷ trọng giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất công nghiệp mà khu vực FDI chiếm vị trí chủ đạo đang giảm mạnh từ mức 34,7% (năm 2000) xuống còn 21,7% (năm 2013) (theo The Saigon Times).
Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam càng mở cửa chào đón các doanh nghiệp FDI, ngành sản xuất càng tăng trưởng mạnh, xuất khẩu hàng hóa càng nhiều, nhưng lợi ích thực mà Việt Nam nhận được lại đang ngày càng ít, trong khi các rủi ro về môi trường và ổn định thì lại đang ngày càng tăng lên. Một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi lợi ích nhận được thì ngày càng ít ỏi hơn, là một nền kinh tế sớm muộn cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng bị vắt kiệt và bị vứt bỏ bất cứ lúc nào.
Về khía cạnh mô hình tăng trưởng, Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng phát triển của thế giới khi đang tiếp tục bám víu vào mô hình tăng trưởng cũ kỹ và không hiệu quả. Trong những năm qua, khi mà thế giới đang theo đuổi sự gia tăng về trình độ và công nghệ, thì Việt Nam vẫn đang chọn cách tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách sử dụng vốn, tận dụng lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.
Nền kinh tế Việt Nam kiếm cơm bằng cách dễ dàng nhất nhưng cũng lạc hậu nhất và nhiều nguy cơ nhất. Trong khi cả thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức và công nghệ, thì Việt Nam lại đang hài lòng với một nền kinh tế có mức độ gia công ngày càng lớn hơn. Thế giới tự hào với vai trò những chuyên gia công nghệ và nhà khoa học, thì Việt Nam tự hào với vai trò người làm thuê. Tình trạng gia công hóa nền kinh tế này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, khi các hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đã ký kết sẽ chỉ khiến cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp gia công nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến mà thôi.
Nói cách khác, một tương lai vô cùng bấp bênh và đầy bất trắc đang chờ đợi nền kinh tế Việt Nam. Nếu ví von kinh tế Việt Nam với một cá nhân, thì đó là một con người vừa lười nhác, không có một công việc ổn định và có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại có thói quen tiêu xài hoang phí và nhất là đang nợ ngập đầu. Và đây có thể chính là thời khắc sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế và đất nước, khi mà chúng ta đã đứng ở sát chân tường và phía sau đã không còn đường lùi. Một vài cải cách mang tính đơn lẻ trong thời gian qua sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như xét trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang cần những thay đổi triệt để về căn bản. Đây là thời điểm mà những cải cách nửa vời cũng không khác gì một sự thất bại.
Nhàn Đàm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: