Sự khả kính của hai bậc thức giả là cha và con khiến người viết bài này tự hỏi: Chẳng lẽ chỉ vì vướng cái đinh là bài phê phán Phan Khôi cách đây những 50 năm, mà công trình Nguyễn Đổng Chi toàn tập cứ phải dừng lại, và dừng đến bao giờ?
Phê phán trên phương diện học thuật...
Cuối tháng 10/1954, Phan Khôi chuyển về Hà Nội và làm việc ở Hội Văn nghệ, còn Nguyễn Đổng Chi sau một thời gian lao đao trong cải cách ruộng đất, đến năm 1955 mới được đưa về Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa.
Cuối tháng 10/1954, Phan Khôi chuyển về Hà Nội và làm việc ở Hội Văn nghệ, còn Nguyễn Đổng Chi sau một thời gian lao đao trong cải cách ruộng đất, đến năm 1955 mới được đưa về Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa.
Những năm sau đó là khoảng thời gian Nguyễn Đổng Chi đang ở độ tuổi sung sức, sự dày công sưu tầm, tích lũy, nghiên cứu bao lâu nay đã đến độ chín, bút lực nơi ông trở nên sung mãn, và nhờ thế, ông trở nên nổi tiếng.
Sự xuất hiện của Phan Khôi trong cái gọi là Nhân văn - Giai phẩm của các năm 1956 - 1958 chỉ có thế. Đến ba, bốn chục văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong quân đội, ngoài dân sự, các vị giáo sư ở các trường đại học, già có, trẻ có, đã tham gia viết bài cho hai ấn phẩm nói trên đều bị coi là mắc vào nhiều tội, nhưng tội chung là phản động.
Nhiệm vụ đặt ra là phải vạch rõ chân tướng bọn phản động này, đấu tranh tiêu diệt tư tưởng độc hại của chúng và phải xử lý nghiêm khắc từng người tùy theo tội trạng nặng, nhẹ. Phan Khôi bị liệt vào hàng đầu sỏ, bị coi là có tội nặng, nhưng vì ông tuổi cao, uy tín cũng cao nên chỉ bị hai lần điều đến chỗ ở kém tiện nghi hơn, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, và nghe nói là còn bị cấm công bố tác phẩm.
Đã có nhiều người viết nhiều bài phê phán, chửi rủa, thóa mạ Phan Khôi, thậm chí dựng đứng nhiều chuyện cho ông, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Cần có những bài nghiên cứu đi sâu vào học thuật cũng theo chủ đề ấy để giúp mọi người thấy rõ hơn Phan Khôi là kẻ phản động không phải chỉ ở đầu môi chót lưỡi, mà ngay trong chiều sâu tư tưởng, trên tầm cao lý luận ông ta cũng phản động lắm. Có khó mấy cũng phải tìm cho ra cái tội ấy. Ai cũng đã có việc của người ấy rồi, chỉ còn Nguyễn Đổng Chi, và thế là ông được nhắm đến.
Nguyễn Đổng Chi và con trai ông - Nguyễn Huệ Chi, lúc đó đang là sinh viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - trong học thuật, đối xử với nhau bình đẳng như bạn bè, có gì cũng trao đổi với nhau. Khoảng tháng 3/1958, nhân một ngày chủ nhật, hai bố con ông cùng đi chơi phố, từ Ô Đống Mác lên phố Tràng Tiền là nơi có nhiều hiệu sách cả quốc văn lẫn ngoại văn. Đến ngã tư Tràng Tiền rẽ về phía Nhà Hát Lớn, tới gần hiệu Bôđêga, nhìn thấy hai bên đường có những tờ báo treo thòng xuống là chỗ bán sách báo, như sực nhớ ra, Nguyễn Đổng Chi nói với con trai:
Ông Liệu - tức nhà sử học Trần Huy Liệu, Trưởng Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, thủ trưởng trực tiếp của Nguyễn Đổng Chi - có nói với bố là: Phan Khôi thì rõ là sai rồi, bởi vì tự dưng lại đứng ra làm Chủ nhiệm báo Nhân Văn, để cho anh em trẻ nhân danh đòi tự do cho văn nghệ mà thoát ly đường lối lãnh đạo của Đảng, cho nên Phan Khôi phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Thế nhưng đối xử với Phan Khôi như thế là không được, bởi vì Phan Khôi là một học giả nổi tiếng và một trí thức lão thành, không thể đánh đồng với những người khác.
Gần 1 tháng sau, một buổi chiều Nguyễn Đổng Chi đi làm về, thái độ lặng lẽ khác với ngày thường, chỉ đi đi lại lại mà không nói gì, rõ ràng là ông đang bận tâm vào một điều gì đó. Người con trai hỏi bố:
- Hôm nay có chuyện gì mà bố có vẻ ưu tư thế? Người bố đáp:
- Bố mới nhận một nhiệm vụ khó nghĩ quá. Người con hỏi nhiệm vụ gì, thì ông trả lời:
- Phải phê phán Phan Khôi. Người con ngạc nhiên, hỏi lại:
- Ủa, sao hôm trước bố đã nói thế rồi kia mà? Người bố đáp
- Nhưng hôm nay thì yêu cầu đặt ra là Tập san Văn Sử Địa phải có một bài phê phán Phan Khôi mà bố được lãnh cái trách nhiệm ấy.
Mấy hôm sau thì Nguyễn Đổng Chi bắt đầu đi thư viện rất miệt mài, đơn giản chỉ vì muốn phê phán Phan Khôi về phương diện học thuật thì phải biết ông ta đã viết gì, nói gì về phương diện ấy, mà về chuyện học thuật thì Phan Khôi đã bàn về quá nhiều lĩnh vực, biết chọn lĩnh vực nào? Khoảng nửa tháng sau, có vẻ là đã tìm ra đề tài, ông nói với con trai:
- Bố sẽ cố gắng chỉ nói về Phan Khôi trong giai đoạn từ 1945 về trước mà thôi. Còn giai đoạn sau, bố không nói, bởi vì xem ra, những bài ông ấy viết trên các báo vừa rồi thì không có gì để nói được. Là bởi vì ông ấy phê phán lãnh đạo văn nghệ, mà việc ông ấy phê phán một cái tập thể đứng ra thẩm định giải thưởng, đồng thời lại đưa tác phẩm vào để xin được trao giải, thế thì cái tập thể ấy có còn đạt được tiêu chuẩn gì gọi là dân chủ, gọi là công bằng nữa hay không? Thì bố thấy ông Phan Khôi nói chuyện ấy rõ là được chứ. Cho nên bố chỉ khoanh lại, nói về ông ấy từ 1945 trở về trước cho tiện.
Thật tội cho nhà học giả, về tri thức và lương tâm, rõ ràng là ông đã không thể làm được cái việc bị giao, nhưng vẫn phải làm, vì vậy muốn làm được thì phải vận dụng toàn bộ trí tuệ học giả của mình để làm một việc thậm chí ít trí tuệ là bới lông tìm vết. Người con chờ đợi bài viết của người bố với lòng tin rằng ông chỉ phê phán một cách chừng mực thôi.
Khi viết xong bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích? Nguyễn Đổng Chi đưa cho con xem thì anh hơi bị choáng vì thấy cha mình viết với lời lẽ nặng quá. Vì kính trọng bố, người con không nói gì, vả lại bấy giờ anh cũng nghĩ Phan Khôi sai mặc dù anh chưa biết được nhiều lắm về cụ. Anh tự trấn an: một người nghiêm cẩn như bố mà phê phán đến thế, thì chắc là phải đúng. Bài này sau đó đăng trong Tập san Văn Sử Địa số 41 tháng 6/1958.
|
"Sau này con cố gắng sửa sai lầm của bố"
Chuyện đến đó coi như xong, mãi lâu sau bố con họ không đả động đến nữa. Thế nhưng có một lần, nhân câu chuyện gì đó, Nguyễn Đổng Chi có nói lại với người con trai:
- Bố ân hận quá, đã nói những chuyện không đúng về cụ Phan Khôi, bởi vì cụ Phan Khôi từ trước cách mạng đã được dư luận coi là Ngự sử văn đàn, là một người rắn rỏi, cứng cỏi, thẳng thắn. Ngay với chính quyền thực dân Pháp từ thập kỷ 20 ông ấy đã dám nêu lên nhiều vấn đề xã hội, chính sách cai trị của họ mà không sợ. Cho nên những điều ông ấy viết bao giờ cũng có tính chất đối thoại với người khác. Mà đối thoại chính là cái biểu hiện của sự dân chủ. Vì thế mà bố nghĩ, bố đã phê phán trúng vào chỗ đó thì chính là bố đã theo đuôi để góp phần đưa đến không khí mất dân chủ trong cái bài của bố.
Bây giờ nghe thuật lại điều này, chúng ta bắt đầu nhận ra sự can đảm của một nhà trí thức, chia sẻ với ông sự trầm ngâm rất lâu sau câu ông vừa nói với người con trai. Chắc chắn là ông đau lắm, nhưng ông cố nuốt nỗi đau đó vào trong để nó tiếp tục chà xát lương tri ông, để nó không cho ông sống yên ổn. Chẳng ai bắt ông phải làm thế, nhưng ông tự bắt mình phải làm thế, như là một sự sám hối. Và ông đã đi từ sự trăn trở, quặn đau để rồi đạt đến sự giải thoát, thanh thản. Giây phút ấy vụt lóe lên thứ ánh sáng của lương tri được bảo toàn, một lương tri hiếm thấy vào thời ấy ở những trí thức như ông.
Mùa xuân năm 1984, lần đầu tiên Nguyễn Đổng Chi được cử đi nghiên cứu ở Liên Xô chừng 2 tháng, ông không chịu nổi cái giá rét của xứ bạch dương, nên khi về bị ốm khá nặng. Nguyễn Huệ Chi đến thăm bố. Thấy con đến, như chỉ chờ có thế, Nguyễn Đổng Chi nói tiếp câu chuyện tưởng đã dừng lại từ ngày nào:
- Bố thấy ở Liên Xô có hai điều đáng lưu ý: Một là việc nghiên cứu Đông phương học của họ đến nơi đến chốn, chứ không phải là nóng đâu phủi đấy như chúng ta. Họ giải quyết việc gì cũng rất hệ thống. Nhưng điều thứ hai bố thấy họ có chỗ này không được: tức là họ vẫn đặt công việc nghiên cứu vào một đường rãnh (chính trị - khi thuật lại, con trai ông thêm vào cho rõ ý người nói) mà mọi người đều phải trượt trên cái đường rãnh ấy; cuối cùng thì người nào cũng quy về một điểm mà không còn nhìn thấy sự đa dạng trong nghiên cứu nữa.
Đến khi khỏe lại rồi, Nguyễn Đổng Chi vẫn tiếp tục mạch chuyện ấy với người con trai, ông nói:
- Thật ra nước mình không phải là một nước có lý luận và cũng không có triết học, chỉ là một nước thực tiễn thôi. Cho nên việc nóng đâu phủi đấy là chuyện bình thường. Và việc mà bố gán cho Phan Khôi là học mót cái thực dụng của Hồ Thích mà Hồ Thích thì học mót của J. Dewey, là sai.
Bởi vì một chủ nghĩa thực dụng như của J. Dewey nhìn cho thấu đáo là lớn lắm chứ không thể coi thường, và chuyện ông Hồ Thích cắt gọt chỗ này chỗ khác, ông ấy áp dụng vào Trung Hoa cho đúng theo điều kiện thực tiễn của Trung Hoa, cái đó cũng bình thường. Còn chúng ta vốn quen học lại của Trung Hoa cũng chẳng có gì lạ. Do đó, nói rằng Phan Khôi đã học mót Hồ Thích và Hồ Thích thì đã học mót J. Dewey, là một lời phê phán quá nóng vội.
Rồi ông dặn lại người con:
- Sau này nếu có điều kiện thì con cố gắng làm thế nào sửa được cái sai lầm của bố.
Ghi nhớ lời bố dặn như là một di chúc, nguời con trai của ông càng về sau càng thấy những lời bố mình nói là rất đúng, và theo ông, sự ân hận của bố ông là sự ân hận của một người có lương tri, có tư cách của một trí thức. Đã có nhiều người gợi ý với ông nên làm toàn tập Nguyễn Đổng Chi, nhưng ông chỉ cười, không nói gì.
Không nói gì, bởi vì ông biết là chưa thể làm được. Đã làm toàn tập thì nhất định phải đưa hết các bài nghiên cứu của tác giả vào, dù hay dù dở, tức là phải có cái bài không vẻ vang gì cho bố ông là bài phê phán Phan Khôi. Ông quyết không giấu diếm ai hết, để bạn đọc thấy rõ cái bài đó đã làm cho bố ông xấu hổ như thế nào.
Công khai lời bố dặn, đã là sự can đảm và trung hiếu của người con đối với bố. Ở đây, người con trai của ông còn làm hơn thế. Trong thời gian biên tập bộ Từ điển Văn học - Bộ mới, nhận lời ủy thác của Văn Tâm - một người cũng lao đao trong thời Nhân văn - Giai phẩm - ông đã bổ sung, chỉnh sửa lại mục từ “Phan Khôi” do Văn Tâm viết từ nhiều năm về trước, sau này Văn Tâm rất muốn sửa mục từ ấy đi cho đúng thực chất, giá trị của đối tượng mình viết, nhưng bệnh tật không cho Văn Tâm kịp làm. Tuy rằng nhận lời ủy thác của Văn Tâm, nhưng trong thâm tâm mình, người con trai của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi muốn tự mình thực hiện lời di chúc của bố để rửa mối nhục mà bố ông đã bị buộc phải gây ra cho mình.
Cũng trong Từ điển văn học - Bộ mới, các mục từ viết về những tác gia Nhân văn - Giai phẩm, ông rất quan tâm và đều có sửa chữa hoặc trực tiếp viết để ít nhất cũng lấy lại được cái nhìn tương đối đúng đắn - tương đối thôi chứ vẫn chưa nói được hết giá trị thực mà họ có. Cũng ở cuốn từ điển này, ông tự mình đảm nhiệm mục từ “Hồ Thích”, cốt là để giải oan phần nào cho cái gọi là chủ nghĩa thực dụng (le pragmatisme) học mót J. Dewey của Hồ Thích mà bố ông đã cực lực phê phán.
Sự khả kính của hai bậc thức giả là cha và con khiến người viết bài này tự hỏi: Chẳng lẽ chỉ vì vướng cái đinh là bài phê phán Phan Khôi cách đây những 50 năm, mà công trình Nguyễn Đổng Chi toàn tập cứ phải dừng lại, và dừng đến bao giờ?
Phan An Sa (Theo Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 10/2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét