Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Vì sao giảng đường Mỹ, Canada đóng cửa Viện Khổng Tử?


Vì sao giảng đường Mỹ, Canada đóng cửa Viện Khổng Tử?
TTCT - Trong vòng một tuần qua, hai trường đại học có uy tín tại Mỹ - Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania - đã lần lượt ra tuyên bố ngưng hợp tác và đóng cửa Viện Khổng Tử, cơ quan giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. 
Khuôn viên Đại học Chicago, nơi tuần trước tuyên bố không tiếp tục gia hạn ký kết - đồng nghĩa với đóng cửa Viện Khổng Tử ở trường - Ảnh: NY Times
Cùng thời điểm này, tại Canada, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cũng đưa ra quyết định tương tự.
Các quyết định này được công bố ngay tại thời điểm Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 10 năm thành lập và mở rộng Viện Khổng Tử trên toàn cầu.
“Quyền lực mềm” hay “tuyên truyền cứng”?
Lễ kỷ niệm được xúc tiến hoành tráng tại Trung Quốc tuần qua. Đích thân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm của Hiệp hội Khổng Tử quốc tế tại Bắc Kinh. Sự có mặt của người đứng đầu nhà nước tại một sự kiện của một tổ chức phi lợi nhuận không phải là ngẫu nhiên - các hoạt động của Viện Khổng Tử được quản lý và kiểm soát bởi Ban Hán học, một cơ quan nhà nước do các thành viên của Bộ Chính trị trực tiếp điều hành. 
Hiện nay hơn 480 Viện Khổng Tử đã có mặt tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hoạt động trong các trường đại học và cao đẳng (nếu tính cả các chương trình “song sinh” mang tên lớp học Khổng Tử, dạy tiếng Hoa cho lứa tuổi phổ thông bằng giáo trình do viện soạn thảo, con số các tổ chức đào tạo mang tên Khổng Tử lên đến hơn 1.100!). Dự kiến đến cuối năm 2015, số lượng Viện Khổng Tử trên toàn cầu sẽ đạt đến con số 500. Ban Hán học của Chính phủ Trung Quốc bày tỏ tham vọng sẽ đạt được cột mốc 1.000 viện vào năm 2020.
Viện Khổng Tử đầu tiên tại Mỹ được mở ở Đại học Maryland tại College Park ngay trong năm 2004. Các Viện Khổng Tử “mọc” lên nhanh chóng trong khuôn viên đại học vùng Bắc Mỹ vào đúng thời điểm suy thoái kinh tế bắt đầu ảnh hưởng đến ngân sách đào tạo đại học, cũng đồng thời điểm Trung Quốc bắt đầu vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Với một số trường đại học và cao đẳng trong vùng, sự có mặt của Viện Khổng Tử trở thành một cơ hội “cung cấp chương trình học giá rẻ” cho sinh viên của mình. Mặt khác, sự có mặt của Viện Khổng Tử cũng là “cần câu” hữu hiệu để thu hút sinh viên Trung Quốc đến học.
Trung Quốc được coi là thị trường trọng điểm của các cơ sở đào tạo giáo dục Mỹ và Canada do số lượng học sinh sinh viên đến từ nước này luôn chiếm tỉ lệ cao trong số du học sinh quốc tế. 
Nguồn tài chính mà Ban Hán học Trung Quốc rót vào các chương trình của Viện Khổng Tử cũng là động lực không nhỏ: riêng tại Mỹ, ngân sách hoạt động hằng năm do Ban Hán học tài trợ là 100.000-150.000 USD, chiếm 50% tổng ngân sách (đại học đối tác Mỹ đóng góp phần còn lại).
Những động cơ nói trên làm học đường Mỹ dễ dàng đón nhận Viện Khổng Tử vào khuôn viên của mình - hiện tại có khoảng 100 viện hoạt động tại các đại học và cao đẳng Mỹ, và 350 chương trình giảng dạy phổ thông do Viện Khổng Tử thiết kế. 
Tuy nhiên, con số không nói lên được toàn bộ câu chuyện. Ban đầu, Viện Khổng Tử được đón nhận như là “đại sứ học thuật” của Chính phủ Trung Quốc, hoạt động theo cùng khuôn mẫu vận hành của các tổ chức có cấu trúc tương tự như Hội đồng Anh, Viện Goethe (của Đức), hoặc Nhà văn hóa Pháp - được coi là đại diện “quyền lực mềm” của các chính phủ Anh, Đức và Pháp trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khác biệt căn bản trong tôn chỉ mục đích của Viện Khổng Tử và các cơ quan văn hóa phương Tây dần lộ rõ. Cả ba cơ quan của Anh, Pháp và Đức đều không được đặt trong các trường đại học trên toàn cầu mà hoạt động độc lập, công khai tôn chỉ và định hướng tại các nước đối tác. 
Trong khi đó, chỉ không lâu sau khi các Viện Khổng Tử đi vào hoạt động, dư luận trong giới học thuật Mỹ đã ồn ào vì việc các viện này giảng dạy “đúng định hướng” của chính sách Bắc Kinh: từ chối công nhận vụ thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, cấm thảo luận về đề tài Tây Tạng...
Thậm chí ông Hạ Nghiệp Lương - nguyên giáo sư kinh tế học bị Đại học Bắc Kinh sa thải năm 2013 vì kêu gọi cải cách chính trị - từng lên tiếng cảnh báo về khả năng Trung Quốc cài cắm gián điệp qua các chương trình trao đổi đào tạo và khách mời đến Mỹ.
Tại Canada, từ năm 2007, một báo cáo giải mật của Cơ quan Tình báo an ninh Canada đã nhắc đến Viện Khổng Tử như một “nỗ lực (của Chính phủ Trung Quốc) trong việc tạo ra tâm lý thân thiện với Trung Quốc và mọi điều liên quan đến Trung Quốc”.
Vi phạm tự do học thuật
Bản thân chính quyền Bắc Kinh không che giấu tham vọng gây ảnh hưởng qua Viện Khổng Tử. Năm 2009, chính ông Lý Trường Xuân, nguyên cục trưởng Cục Tuyên truyền trung ương Trung Quốc, đã chính thức thừa nhận các Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong chiến lược tuyên truyền ngoài nước của Chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp và cấm đoán tự do học thuật tại các nước đối tác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30-9 cho biết các Viện Khổng Tử được thành lập tại các trường đại học Mỹ dựa trên lời mời từ phía Mỹ.
Bà Oánh cũng khẳng định: “Các viện này cung cấp ban giảng huấn, chương trình giảng dạy và các hỗ trợ khác theo yêu cầu tự nguyện từ phía đối tác Mỹ. Các trường (đại học Mỹ) không bị ép phải mở viện, và các viện cũng không thể tác động xấu đến tự do học thuật và tính chính trực hàn lâm được”.
Phản ứng của giới học thuật Bắc Mỹ cho thấy một thực tế khác với tuyên bố của Trung Quốc. Từ tháng 10-2013, giáo sư ngành nhân chủng học Marshall Sahlins thuộc Đại học Chicago đã công bố một điều tra về tình trạng hoạt động của các Viện Khổng Tử tại giảng đường Mỹ.
Sau đó, hơn 100 giảng viên của đại học này đã ký tên vào văn bản chính thức phản đối sự hiện diện của viện trong khuôn viên Đại học Chicago. Tuyên bố không tiếp tục gia hạn ký kết - đồng nghĩa với đóng cửa viện - mà Đại học Chicago đưa ra vào tuần qua là kết quả trực tiếp của phản ứng này. 
Giáo sư Eric Hayot thuộc khoa châu Á học, cựu giám đốc Viện Khổng Tử của Đại học Pennsylvania, cho biết trong thời điểm tại nhiệm, ông và các giáo sư cộng sự liên tục đề xuất các kế hoạch nghiên cứu về khoa học, chính trị, môi trường... của Trung Quốc nhằm tận dụng ngân sách của viện. Tuy nhiên, mọi đề xuất đều bị Ban Hán học bác bỏ vì lý do “nằm ngoài phạm vi hoạt động của viện”. 
Tại Canada, theo nhật báo The Globe and Mail, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto - hệ thống trường phổ thông lớn nhất Canada - đầu tháng 10 bỏ phiếu với tỉ lệ 9-1 quyết định chấm dứt hoạt động những chương trình đào tạo của các Viện Khổng Tử trong hệ thống trường ở Toronto.
Nếu đề xuất này được toàn thể hội đồng trường thông qua, hệ thống trường phổ thông này sẽ là đơn vị thứ 3 sau Đại học McMaster và Đại học Sherbrooke của Canada chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử. Trước đó từ tháng 12-2013, Hiệp hội Giảng viên đại học Canada cũng ra văn bản kêu gọi các trường đại học Canada hủy bỏ các hợp đồng hợp tác với Viện Khổng Tử.
Alice Huynh, giáo viên tại một trường phổ thông Toronto, cho biết bà đã thu thập được 14.000 chữ ký của phụ huynh và người dân trong cộng đồng phản đối sự hiện diện của Viện Khổng Tử trong các trường phổ thông Toronto.
Phát biểu tại buổi bỏ phiếu, bà nói: “Điều mà chúng tôi cực lực phản đối là việc (nhà trường) trao quyền dạy tiếng Hoa vào tay một tổ chức tự thừa nhận là có động cơ chính trị và muốn gây ảnh hưởng đến con em của chúng ta”. 
Trước buổi họp này, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cho biết đã nhận được cảnh báo từ giới chức Trung Quốc rằng việc đóng cửa các Viện Khổng Tử tại khối trường phổ thông Toronto sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ của ban điều hành với “thị trường học sinh nước ngoài lớn nhất của Toronto”.
Tháng 6-2014, tiểu ban về tự do học thuật của Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ đã công bố một báo cáo mang tiêu đề: Về việc hợp tác với các chính phủ nước ngoài: Trường hợp của Viện Khổng Tử.
Bản báo cáo nhấn mạnh: trong xu hướng toàn cầu hóa, các giảng đường nước Mỹ đã dần dần cởi mở hơn trong việc tiếp nhận đóng góp (về nội dung, nhân sự và tài chính) từ nước ngoài, từ chính phủ, viện, trung tâm, tổ chức... đến các công ty tư nhân.
Tuy nhiên, ranh giới của việc tiếp nhận đóng góp tích cực từ ngoài nước và chấp nhận bị mất quyền quản lý và kiểm soát về nội dung đóng góp luôn luôn rõ ràng. Viện Khổng Tử là một điển hình đã vượt qua ranh giới này. 
Điều bất ổn nhất trong các văn bản ký kết hợp tác giữa Viện Khổng Tử Trung Quốc và các trường đại học Mỹ là những điều khoản cho phép ban điều hành Viện Khổng Tử toàn quyền tuyển dụng và kiểm soát nhân sự giảng dạy của viện, lựa chọn chương trình giảng dạy và hạn chế các đề tài tranh luận trong giảng đường theo các quy chuẩn của Chính phủ Trung Quốc.
Bản báo cáo của Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ tuyên bố: “Việc cho phép một tổ chức khác kiểm soát các vấn đề học thuật đi ngược lại với nguyên tắc về tự do học thuật và quyền tự chủ của các đại học Mỹ”. 
Giáo sư ngành lịch sử Trung Hoa Matthew Sommer thuộc Đại học Stanford bày tỏ: “Tôi lo ngại về những hậu quả lâu dài (của việc Viện Khổng Tử hoạt động trong học đường Mỹ). Các chương trình này đang phát triển rầm rộ không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới và hiển nhiên có tác động lớn đến việc ngành Trung Hoa học sẽ được giảng dạy như thế nào. Đáng lo nhất không phải là hiện nay, mà là hậu quả sẽ phát lộ trong 15, 20 năm tới”.
Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, ông Henry Reichman, phó chủ tịch Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ, cho biết: “Tôi tin rằng Chicago và Pennsylvania không phải là hai đại học duy nhất nhận ra rằng hợp tác với một viện như kiểu Viện Khổng Tử là hoàn toàn không đáng!”.
CAM LY tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: