Trái với mong đợi của Trung Quốc, tham gia tập trận ở Biển Đông lần này, hạm đội Nga có quy mô nhỏ, không điều tàu chiến tối tân, không tuyên bố ồn ào... tất cả đều là bởi Putin có toan tính của mình.
Trung Quốc ‘tưởng bở’
Từ ngày 12-19/9, Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận hải quân kéo dài 8 ngày ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông thuộc Biển Đông. Lương Dương, người phát ngôn Hải quân Trung Quốc cho biết cuộc tập trận này, mang tên "Phối hợp trên biển-2016", sẽ có sự tham gia của nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay trực thăng và xe bọc thép lội nước từ hải quân của cả hai bên.
Hải quân hai nước sẽ tiến hành các khoa mục diễn tập gồm phòng ngự, cứu hộ, chống tàu ngầm cùng nhiều hoạt động khác.
Cũng theo ông Lương Dương, phần lớn lực lượng quân nhân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này đến từ Hạm đội Nam Hải thuộc Lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Thông cáo của hải quân Trung Quốc còn nhấn mạnh hải quân hai nước sẽ tiến hành các chiến dịch cứu hộ, chống tàu ngầm, phòng thủ cũng như “chiếm đảo” và nhiều hoạt động khác. Trong đó, lính thủy đánh bộ sẽ tham gia diễn tập bắn đạn thật, đổ bộ và bảo vệ đảo với quy mô “lớn nhất” từ trước tới nay.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc chỉ tuyên bố sẽ tập trận cùng Nga trên Biển Đông, mà không nêu rõ vị trí chính xác, gây tranh cãi về khả năng cuộc tập trận sẽ diễn ra ở khu vực tranh chấp. Theo giới phân tích, sự mơ hồ về địa điểm này là một chiêu bài của Trung Quốc nhằm truyền đi thông điệp bóp méo rằng họ có được sự ủng hộ của Moscow trong cuộc tranh chấp, một thái độ tự huyễn hoặc của những người ở vị thế yếu ớt, vốn luôn tìm kiếm điều mà họ tưởng là sự ủng hộ bằng mọi giá giữa lúc hứng chịu búa rìu dư luận.
Ngoài ra, cuộc tập trận thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận quốc tế bởi nó diễn ra sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.
Trong một phát biểu được tờ New York Times dẫn lời, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng cuộc tập trận là một trong chuỗi các biện pháp phản ứng trước phán quyết từ Tòa Trọng tài nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, qua đó chống lại sức ép từ dư luận cũng như giới quân đội.
Vì thế, truyền thông Trung Quốc nói nhiều về cuộc tập trận này. Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng cuộc diễn tập này xuất phát từ tính toán phối hợp chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, có tính răn đe và kiềm chế cũng như có ý nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Toan tính của Nga
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, sớm tuyên bố sẽ tập trận chung với Nga ở Biển Đông (từ ngày 28/7), phía Nga khá im lặng về vấn đề này, gần một tháng sau mới xác nhận thông tin về kế hoạch liên quan.
Điều đáng chú ý nữa là phía Nga chỉ cử một lực lượng rất hạn chế tham gia tập trận. Tờ China Times của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 1/9 cho biết tổng cộng 5 tàu Nga tham gia tập trận, gồm: tàu chống ngầm Đô đốc Tributs, tàu chống ngầm Đô đốc Vinogradov, tàu đổ bộ Peresvet, tàu kéo Alatau và tàu chở dầu Pechenga.
Tờ Diplomat cho rằng quy mô như vậy là rất hạn chế. Hơn nữa, các chiến hạm mà Nga cử tới Biển Đông tập trận không phải là loại tàu tối tân của nước này, chỉ có chiếc tàu đổ bộ Peresvet được hạ thủy vào đầu những năm 1990, còn hai chiếc tàu chống ngầm đều từ thời Liên Xô.
Tàu Peresvet là tàu đổ bộ lớp Ropucha, thiết kế chuyên dùng cho đổ bộ đánh chiếm bờ biển, đồng thời có thể chở tới 10 xe tăng chiến đấu hoặc 12 xe chở quân bọc thép, cộng với 230 - 340 binh sĩ.
Tờ Diplomat cho rằng vì đang trong quá trình cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam, từ khu trục hạm cho đến tàu ngầm, cho nên Moscow rất cẩn thận và cố gắng duy trì một thế cân bằng đối với tranh chấp Biển Đông. Điều này trái ngược với mong muốn của Bắc Kinh.
Theo Diplomat, Trung Quốc và Nga không có quan hệ liên minh quân sự chính thức, cho nên, tập trận chung giữa hai nước có ý nghĩa chính trị hơn là ý nghĩa thực chất, chủ yếu cho thấy quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia vấn đề Đông Á của Nga, ông Sumsky, việc Nga tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông không phải là dấu hiệu cho thấy Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, Andrew O'Neil, giáo sư từ Đại học Griffith, Australia, cũng cho rằng thế giới cần "thận trọng khi phóng đại về sức mạnh của mối quan hệ Nga - Trung bởi hai nước vẫn tồn tại những ngờ vực. Trong mắt nhiều người Nga, Trung Quốc không khác gì một đối thủ tiềm tàng".
Chính vì vậy, giới chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, trong cuộc tập trận này, Nga cũng khôn khéo đặt ra cái bẫy đề phòng Trung Quốc. Theo tạp chí National Interest của Mỹ, rất có thể mục tiêu thực sự của Nga là do thám những tàu ngầm như 039G sẽ tham gia cuộc tập trận này. Mặc dù không được đánh giá cao về chất lượng nhưng với số lượng đông đảo của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, sự thận trọng của Nga được cho rằng không phải là thừa.
Như vậy, vì lý do chiến lược, Nga không thể không tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông do Trung Quốc khởi xướng, tuy nhiên, việc Nga tham gia chỉ mang tính chất chiếu lệ.
Mục tiêu của một cuộc tập trận thường là phô trương thanh thế và uy lực. Thế nhưng dường như lần này Nga không hề nhắm mục tiêu đó bởi Mosocw không muốn cho thấy là mình hoàn toàn về hùa với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Điều đó có nghĩa là mục đích chính của Trung Quốc trong cuộc tập trận này đã không đạt được, trong khi đó, Putin đã khéo léo tạo cơ hội cho Nga thăm dò được sức mạnh ngầm của Trung Quốc, có được lợi ích chiến lược từ Bắc Kinh mà không ảnh hưởng đến quan hệ với bất cứ “đối tác” nào.
Bạn đang đọc bài viết Tập trận ‘chiếm đảo’ ở Biển Đông: Trung Quốc ‘trúng kế’ của Putin? tại chuyên mục Bình luận Quân sự của trangTin Tức Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư bbt@tintuc.vn
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét