Truyện ngắn của Hồng Giang
Lão là Tư bền, không phải “Kép tư Bền” đâu. Vốn dĩ lành hiền ít
nói. Lão chỉ thay đổi tính cách gần đây, khi con trai làm ăn mỗi ngày mỗi khá.
Lão xin nghỉ hẳn chân trửơng thôn, ở nhà chơi với cháu. Hai cái nhẫn tổ bố đeo
ở tay, cổ sợi dây chuyền hơn một cây vàng. Mặt đỏ au, ngực hơi ưỡn về phía
trước, khác hẳn ông Tư Bền đi cui cúi ngày nào. Ít khi thấy lão ra khỏi nhà.
Cái không gian rất riêng khác hẳn với cảnh trạng xung quanh vốn lam lũ nhếch
nhác. Tuy ở gần nhà nhau, nhưng có khi cả năm tôi mới hân hạnh được gặp lão vài
lần. Đó là những lần không thể không đi, việc hiếu việc hỉ, hay họp thôn chẳng
hạn..
Cũng chẳng có gì đặc biệt, con người lão là hiền lương. Không đè
đầu cưỡi cổ ai, không tham nhũng và không lừa dối. Đương nhiên những việc đó
lão có muốn cũng không làm được. Chức lão làm to nhất mới là anh trưởng thôn, “đầu
binh cuối cán” thì làm được nỗi gì? Lão giàu sang hơn người là nhờ “Cái số”,
hoàn toàn “Chả nhờ bố con thằng nào” như lời lão nói, không nhờ bất cứ thứ gì
mờ ám và khuất tất.
Gặp lão ở đám, cười cười, tư tin, cái nhìn chung chung không rõ
quan tâm cái gì. Đi thẳng lưng,ngực hơi ưỡn lão đến ngồi bên tôi sau cái bắt
tay:
-Thế nào, bài vở vẫn tốt chứ?
- Cảm ơn bác, vưỡn thế, chẳng có gì thay đổi.
- Ừ thì nước mình ngàn năm nữa, nếu còn sống các cậu vẫn viết thế,
tớ lạ gì? Nói cho vui thôi, đừng giận nhá!
- Không đâu, giận bác làm gì..
Nói thì nói vậy, thực lòng tôi buồn hết cả chân tay. Một lão già
như Tư Bền còn nói thế thì nguy mất rồi. Lão không đọc báo, nghe đài. Xem ti vi
cũng chỉ xem “Tam Quốc”, “Thủy Hử” vậy mà còn nhận xét như thế thì việc viết
của các ký giả, tác giả ngày nay quả là có vấn đề. Tôi chủ động cho qua việc
này. Tranh luận với lão là điều không hay và rất không nên. Trình của lão rất
có hạn. Còn nhớ lâu rồi, có anh bạn từ Hà Nội lên đòi đi thực tế để tìm hiểu
đời sống dân chúng vùng này. Lão mổ gà mời cơm. Rượu say, không nhớ anh bạn lỡ
lời nói câu gì, lão nổi cáu, vác đòn gánh mời ra khỏi nhà. Bạn tôi mặt tái xanh
tái xám thanh minh thanh nga lại: “ Mình đâu có nói gì sai, chả biết ông ấy
nghĩ thế nào lại cho là sai quan điểm, mất lập trường, phản tuyên truyền? Suýt
nữa thì ăn mấy cái đòn gánh”. Dân mình, nước mình nó thế. Chỉ vì bạn chưa kinh
nghiệm, chưa biết “dân trí” thực ra đang ở chỗ nào, nên mới ra nông nỗi. Hôm
vừa rồi đọc một bài của tay ký giả vớ vẩn nào đó, hắn bảo: “Cần phải thay dân-
Vì bao nhiêu hư hỏng của quan chức, xuống cấp của xã hội đều bắt nguồn từ cung
cách của người dân mà ra- Ấy là cách nhìn nhận vấn đề của nhiều vị chức trách
ngày nay..” Bố láo thật! “Thay dân” có khác gì thay khán giả? Hát không hay, đã
bóng không giỏi bảo người ta không biết nghe, không biết xem, đòi “Thay khán
giả”. Đúng là lý lẽ của bọn khùng, bọn bậy bạ, lếu láo có làm bố thiên hạ mới
có thể nói thế được! Thay gì thì thay, làm sao thay nổi dân? Chắc mấy thằng ấy
sắp mất trí rồi. Ở đấy mà viết với chả lách!
Hôm nay nghe Tư Bền nói câu vừa rồi, không thể nào không thắc mắc,
không ngạc nhiên? Hình như lão có chuyển biến về nhận thức rồi thì phải. Ừ mà
cũng đúng, dân trí là cái phát triển tự nhiên, muốn đẩy nhanh cũng không được,
muốn hãm lại cũng không xong. Như cái cây, như con người, mãi cũng phải cao,
mãi cũng phải lớn! Nhưng gặp lão ở đây tốt nhất là quên đi chuyện này. Nói ra
rất phức tạp, không nên và thật vớ vẩn..
Vẫn là sáu người một mâm, ngồi hai phía đối diện nhau, theo truyền
thống và “bản sắc văn hóa” lâu nay của làng. Phía Tư Bền, ông ta ngồi giữa, hai
bên hai ông phục phịch, tương đương nhau như ba anh em Lưu Quan Trương. Vô tình
thôi chứ không ai có ý chọn lựa. Phe tôi là khập khễnh nhất. Người mập thì mập
ú, mỡ che gần kín mắt vì mi mắt sụp. Tôi mảnh khảnh, tay nữa cao lêu đêu. Cao
đến nỗi bắc dây điện hay hái cau khỏi cần thang. Cũng là ngẫu ý tự nhiên thành,
chẳng ai được chọn lựa. Nhiều nơi bây giờ khá giả, cỗ chỉ ngồi năm. Ít người,
nhưng thêm bia lon, bia chai và nhiều món lạ. Làng Hạ dứt khoát không đổi mới
theo cách ấy vì sức của làng có hạn. Vẫn sáu vị, đủ để đối xứng cân thế cho
mâm. Tiền nong có hạn, nhất là khi moi mói, tháng ba ngày tám này. Nhà nào cũng
chỉ có chi mà chưa có thu nhập gì. Mãi tới tháng tư, tháng năm lúa bấy giờ mới đỏ
đuôi, bông uốn cần, lợn mới kịp lớn..Dưng mà con cái lấy vợ lấy chồng là cái
chuyện chẳng thể đừng! Khó thế, khó nữa vẫn phải lo! Giàu thì làm kép, hẹp làm
đơn. Đơn kép gì người làng vẫn đến, phong bì vẫn một mức. Không thèm như ở nơi
khác, dòm cỗ rồi len lén rút bớt tiền mừng. Cứ bảo phú quý sinh lễ nghĩa, thực
lòng mà nói: Cũng tùy nơi tùy người. Khối anh giàu nứt mắt, có tiền tỷ mà vẫn bo
bo bẹp bẹp, tiêu tiền son són tý một. Làng Hạ chúng tôi nhất khoát là không có
chuyện ấy. Không có thịt thì ăn rau. Chưa ăn ngậm cái tăm vào mồm. Không có
kiểu bủn xỉn “vớ vẩn vợ vân”!
Trong bao nhiêu cái chán ở đời, có lẽ cái cách ngồi mâm thế này là
một: Phần nhiều không ai thân thiết với nhau. Có trường hợp còn đương vướng mắc
cũng phải ngồi một mâm. Hôm nay cũng vậy. Lão mập ú ngồi phía tôi đang không
muốn đội chung trời với lão Tư Bền. Kiểu như hàng tôm, hàng cá ghét nhau. Con
lão Tư mổ bò giết ngựa, đi đâu bố con lão cũng khuyếch trương tính ưu việt của
thịt trâu thịt bò, thịt ngựa. Tất nhiên phải có đối chứng so sánh. Thịt lợn
thịt gà được nêu ra làm ví dụ loại thực phẩm không an toàn, nuôi tăng trọng.
Toàn là những thứ đang bày ra trên mâm, dễ làm đầu đề cho bất cứ câu chuyện gì
có liên quan. Lão mập ngoài kinh doanh mổ lợn, vợ lão còn phụ trách môn thịt
gà. Cỗ nhà nào bao nhiêu mâm, cần bao nhiêu cân thịt gà, mụ đọc ra vanh vách.
Lúc mới ngồi vào, hai lão cũng chào hỏi nhau khách khí lấy lệ. Ra
điều “ Yêu người chẳng cho người hay, ghét người trải chiếu bàn tay cho ngồi”.
Sau vài ba chén, ý tứ gần như mất dần.. Lão mập ( Tên Khánh, nguyên đội trưởng
lâm trường, khi giải thể vì lâm trường thất thu, giải tán, quay ra làm ba toa).
Một nghề khi còn đang tại chức lão không mấy thích vì phạm giới, “sát sinh”.
Làm kiếm được lão mới đâm mê. Ở đâu không nói, làng Hạ này anh một nắng hai
sương làm ăn vất vả chả bằng anh đi buôn. Nuôi con lợn con gà lời lãi anh hàng
thịt hai phần, mình chỉ được một. Không bán thì thôi. Chả có văn bản, nghị định
nào nhưng những anh cùng phường như có một quy ước ngầm với nhau. Mua thịt ở
chợ đắt lòi mắt ra, nhưng bán lợn bán gà rẻ chua rẻ sót. Cũng có anh muốn vượt
rào, tự mổ bán lấy. Nhưng không phải tay nghề tự bán lại càng lỗ hơn. Lợn không
biết làm thịt, lợn lành nom thịt như lợn ốm. Pha thịt nom như bị chuột, bị mèo
ăn dở, không vào mắt người mua. Cuối cùng trăm xôi cũng đổ đầu oản, biết mà
không cưỡng lại được..
Hôm nay hai lão ngồi đối diện nhau, chỗ yếu chỗ mạnh đều rõ cả.
Còn đang thế thủ chưa bên nào xuất chiêu. Tôi biết ý, vội để chai rượu ra đầu
phía chàng cao kều. Nhất sợ hai lão tiện tay nói chuyện với nhau thì phiền. Vừa
cầm chai rượu đặt xuống, Tư Bền đã bảo:
- Nhà Luyện Y rượu độ này mất tiếng, thấy khách mua thưa hẳn đi..
Phục Phịch ngồi gần đỡ lời:
- Nghe bảo người ta bắt gặp nhà nó mua men nước của Tàu. Gì chứ
thứ ấy có khác gì uống chất độc vào
ruột? Người ta bỏ đi tìm rượu men lá là phải thôi!
Khánh mập gừ gừ, đôi mắt sụp mi dài như dao lá lúa ánh lên tia
phòng bị. Tôi biết cuộc xung đột sắp xảy ra. Vội lấy trong túi mẩu cành cây
khô, hôm vô tình nhặt được ở khu di tích thờ
một danh nhân lịch sử. Bảo:
- Rượu đám này cũng của nhà Luyện đấy, nhưng các bác đừng sợ. Đây
là cành cây kim giao, tôi thử các bác biết để khỏi mang tiếng ác cho người ta.
Cả mâm trố mắt. Đúng là người sống vùng rừng thật, nhưng cây kim
giao là cây gì? Làm sao thử lại biết được rượu độc hay không độc?
Tôi nói: Như thế, như thế.. Đại loại là cây này ngày xưa dùng làm
đũa để đầu bếp nấu cơm vua. Hễ có độc là đũa đen tím lại vv..
Chưa kịp dứt lời, Thắng Kều, cái tay cao lỏng ngỏng chen vào:
- Sống chết có số. Tôi có ông anh làm bác sĩ vừa mất vì ung thư
vòm họng tháng trước. Ông này giữ vệ sinh cực đoan lắm. Rượu không uống, thuốc
không hút, kể cả thuốc lào. Mùa hè nhất quyết ngồi trong màn ăn cơm, vừa nóng
vừa vướng nhùng vướng nhằng. Có muốn chạy quạt cũng không được vì vướng màn.
Sạch sẽ thế mà chết vẫn cứ chết. Đầu óc lúc nào cũng bận bịu mấy cái đó, hỏi
còn ăn được cái gì thấy ngon nữa bây giờ?
Tư Bền góp lời:
- Cậu nói thế đếch nào ấy chứ? Ông ấy tôi đâu có lạ. Nhà ông ấy
gắn điều hòa lấy đâu ra ruồi muỗi?
Thắng Kều chống chế:
- Là mấy năm trước, lúc ấy làm gì có máy điều hòa? Mà bệnh ung thư
đâu phải một sớm một chiều sinh ra được? Nó phải âm ỉ tự khi ấy rồi..Thôi kệ
việc ta ăn cứ ăn. Chưa chết vì bệnh có khi lại chết vì nhịn không dám ăn gì,
suy dinh dưỡng..
Miệng nói, tay gắp bỏ vào bát mỗi người một miếng thịt gà. Phàm là
những anh cao lêu đêu thường mắc chứng chủ quan, thích làm theo ý mình, không
hay để ý xung quanh có đồng tình hay không?
Người phản đối đầu tiên là Tư Bền. Ông ta ử ư không nói không rằng, gắp
trả lại đĩa, quay ra làm gắp dưa nộm. Khánh mập cười khẩy. Cái anh mắt he hé
khi cười khẩy nom rất đểu, ra giọng chèo Xuân Hinh ngai ngái:
- Cái giống dưa leo này cũng có thuốc phọt đấy quan anh ạ! ( Thuốc
phọt là thứ thuốc kích thích sinh trưởng rất mạnh, rau dưa gì chỉ trồng vài hôm
là được ăn, nghe bảo rất độc).
Tư Bền chả vừa:
- Có độc cũng không bằng lợn tăng trọng. Dù sao cây ngoài tự nhiên
nó có cách tự thải loại độc tố nhờ nắng, nhờ gió. Gà lợn trong chuồng hấp thụ
hóa chất mới ghê, vì chả biết thải ra bằng cách nào?
Tôi đoán Khánh mập định nói câu gì rất tục. Mặt lão từ màu nâu xậm
chuyển dần sang tái xanh. Cứ đà đấu khẩu thế này va chạm là không thể tránh
khỏi. Bất cứ cuộc chiến nào từ xưa đến nay, trước khi xảy ra đều đánh nhau bằng
mồm trước như thế.
Vừa khi đó, có tiếng điện thoại. Khánh a lô. Mặt tự nhiên biến
sắc, ông ta nói nhà vừa có việc, cáo lỗi mọi người về trước. Bàn tay mập, ngón
ngắn nom như gắn liền với nhau vẫy về phía Tư Bền:
- Tôi nói để ông biết, từ nay bỏ cái lối xỏ xiên xóc óc ấy đi.
Hàng ai người ấy bán, quán ai người ấy ngồi, cạnh khóe nhau là không xong với
tôi đâu?
Tư Bền vẫn bình tĩnh như không:
- Ở đây có anh em chứng kiến, ai xóc óc ai? Chẳng qua là câu
chuyện vui, tự nhiên vơ vào lại còn trách người ta! Không xong thì ông làm gì
tôi? Cậy bố con ông đông người ăn hiếp nhau à?
Khánh mập đã đứng lên, đi được vài bước vẫn quay cổ lại:
- Đúng là cây khô không lộc, người độc không con. Đây có thừa hơi
cũng không thèm dây vào. Nhưng cũng sẽ nói cho mọi người biết thịt ngựa, thịt
bò nhà ông đều xịt thuốc cho nó tươi mã nhá! Thịt để mấy ngày mà vẫn tươi như
thế không nhờ thuốc thì là gì?
Nét mặt Tư Bền biến sắc. Hình như Khánh mập nói đúng tim đen.
Chuyện tưởng như không ai biết lại bị Khánh mập nói ra thật bất ngờ, mình không
kịp trở tay.. Lại chạm vào đúng chỗ đau trong lòng Tư Bền không muốn ai đụng
tới nó..
***
Cuộc va chạm nho nhỏ làm bữa tiệc mất vui. Không ai biết Khánh mập
về vì việc gì? Tư Bền cũng lặng im không nói. Mấy người kia đồ đoán thế này,
thế kia.. Còn tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời thích đáng. Không lẽ người cùng
nghề với nhau lại cay cú nhau đến thế sao?
Lúc về, đi cùng đường tôi rủ Thắng kều đến chơi nhà. Nhắc lại
chuyện vừa rồi, hắn mới bảo:
- Hồi đó anh chưa về đất này, chưa biết kể cũng phải
Rồi Thắng kể: “ Nhà bà Vạn An có cô con gái đẹp nhất làng. Năm cô
mười bảy tuổi, bà đã muốn cho con gái bắt rể để lấy nơi nương tựa. Rất nhiều
người ngấp nghé, muốn cưới cô về làm vợ mà không thành. Khánh mập cũng có trong
số đó. Hồi ấy anh ta còn kẻng trai, chưa phục phịch như bây giờ. Anh ta nổi
tiếng là tay chơi trong vùng, đàn giỏi hát hay mà đánh nhau cũng tài. Riêng cái
tài gây gổ làm người làng e ngại. Không cứ bà Vạn An, nhà nào có con gái đến
tuổi cập kê đều lấy làm lo ngại mỗi khi thấy Khánh xuất hiện trước cửa nhà
mình”
Tôi bảo:
-Việc ấy thì liên quan gì đến sự khúc mắc giữa hai người vừa rồi?
- Sao lại không? Khánh nhờ người đến dạm ngõ bị từ chối thẳng
thừng. Chính vào lúc ấy Tư xuất hiện. Tính nết anh ta cũng chẳng khác bây giờ
bao nhiêu. Cần cù chịu khó, ai nói gì cũng chỉ cười nhen nhen, nhịn hết nước
hết cái. Mới biết câu “lạt mềm buộc chặt, nhu thắng cương”. Rỉ rê thế nào cô
Bền bằng lòng. Nhà mẹ con đàn bà, một mẹ một con cốt tìm người hiền lành. Làng
nước ai cũng mừng cho bà Vạn An tìm được rể hiền. Chỉ riêng Khánh mập là tức
tối hằn học. Bắn tin sẽ đốt nhà bà Vạn An cho hả giận. Có lần Khánh mập chặn
giữa đường, không nói không rằng, lấy cái mũ cối Tàu đập vào mặt Tư Bền, lên
trạm phải khâu mấy mũi. Mãi cho đến ngày Khánh lấy vợ, ghen tức mới nhạt dần..
Lúc này trong thôn cử Tư Bền làm trưởng thôn. Giống như mọi trưởng thôn vùng
này, có công có việc không thể không mó tay. Một lần công an huyện về bắt bạc,
trưởng thôn dĩ nhiên là phải có mặt. Khánh cùng mấy ngươi nữa bị đưa về dưới
huyện. Mối thù năm nào như cái nhọt âm ỉ, giờ lại tấy lên vì Khánh nghi Tư Bền
đi báo, đám bạc mới bị lộ. Thực ra Tư bền chỉ làm theo phận sự. Anh ấy có đi
báo cáo ai đâu?
- Còn cái chuyện lão ấy tỷ ông Tư rằng “cây khô cây khiếc” là sao?
- À.. Anh Tư và cô Bền lấy nhau đến mấy năm mà không có con. Người
nhà ở dưới quê lên bảo ông ấy về quê lấy vợ khác. Nhưng ông ấy không nghe. Ông
ấy bảo “đã lấy người ta rồi, không thể bỏ. Không có con thì nuôi con nuôi”.
Chính đứa con ông Tư bây giờ lại là “con ngoài luồng” của ông Khánh đấy. Hai
bên đều biết cả, nhưng ông Khánh không dám nhận, ông Tư cũng không muốn phức
tạp làm gì. Thằng này càng lớn càng ngoan. Nước làm ăn tính toán của nó hơn hẳn
đám con ông Khánh. Không bài bạc, đua đòi ăn chơi, đề đóm. Ông Khánh nhìn mà
tiếc, cay hùi hụi ấy. Chuyện ấy cả làng biết mà ông lại không à?
- Thì ra là thế.. Chật vật đời thường, quả thật những chuyện phong
thanh, “bí sử” ấy tôi không mấy quan tâm..
Chúng tôi lan man sang chuyện khác. Giống đời rượu vào thì lời ra,
lắm chuyện lắm. Có người í ó ở ngoài ngõ gọi Thắng. Một lúc sau hắn vào. Tôi
hỏi có chuyện gì? Hắn đáp “đứa cháu ở nhà ra vườn bị rắn cắn. Lão Khánh hờ đi
lấy hộ thuốc”. Tôi ngớ người, hắn thì biết thuốc men gì kia chứ? Thắng mới ghé
tai tôi.. Tôi bảo: Không được, tốt nhất cứ nói thẳng ra. Đường đi hay tối, nói
dối hay cùng, đến lúc bấy giờ nhiều phức tạp. Nếu ngại, để tôi đi cùng.
Chúng tôi đến Tư bền. Tôi nói:
- Đứa cháu nhà ông Khánh bị rắn cắn. Ông ấy ngại không dám đến sợ
ông không giúp. Thuốc chữa rắn cắn vùng này ngoài anh ra còn ai chưa được? Thôi
thì nó là đứa trẻ con, chuyện người lớn bác bỏ qua, giúp cho nó nếu không nguy
mất!
- Sao lão không đến đây? Tôi đâu có hẹp hòi như vậy? Nói gì thì
nói, hàng xóm láng giềng, không khi này thì khi khác phải cậy nhờ nhau. Muốn bỏ
là bỏ được ngay sao? Đâu phải chuyện dễ?
Dứt lời, Tư Bền ra sau nhà. Lát sau Tư Bền về, đưa cho Khánh nắm
lá gói trong bẹ chuối. Khánh đã đi được một quãng tư bền gọi giật lại:
- Để tôi đi cùng. Sợ không đúng cách, thuốc không hiệu quả. Mạng
con người đâu phải chuyện chơi!
Nói rồi Tư Bền khoác cái áo vừa cởi ra mặc vào người. Xe máy thời bây
giờ đường làng cũng không được kèm ba người, tôi đành ở lại, về một mình.
Con người ta kể cũng lạ. Đã là người cùng làng có giận đến chết,
lúc lâm nguy cũng không thể bỏ nhau. Như cái duyên tiền định, không bao giờ là
ngẫu nhiên. Không phải tự nhiên mà biết nhau, mà ở cùng làng..
Tôi về một mình,
lan man nghĩ như thế.
Lúc ấy, chiếc xe chở Khánh và Tư Bền đã chạy khá xa rồi..
=============================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét