Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

MỘT CUỐN SÁCH CÓ THỂ GIÚP HIỂU THÊM: VÌ SAO CÓ NHỮNG PHÁT SÚNG CỦA ĐỖ CƯỜNG MINH Ở YÊN BÁI, VÀ SỰ NGẠO MẠN CỦA DOANH NHÂN LÊ PHƯỚC VŨ!






Trung Quốc có nhiều hành động khiến chúng ta bức xúc, nhưng có một điều hôm nay chúng ta phải học hỏi: đó là đời sống văn hóa của họ có một dòng văn chương chống tiêu cực mạnh mẽ. Trung Quốc có những tiểu thuyết đánh thẳng vào giới lãnh đạo đương thời như “Bí thư tỉnh ủy”, “Đoàn xe cơ quan” hoặc “Tiểu nhân đắc chí”. Còn ở Việt Nam, các nhà văn quen thói bao cấp, lúc nào cũng khúm núm trước những người có chức vụ. Nhà văn tỉnh lẻ có kiểu xun xoe của tỉnh lẻ, mà nhà văn trung ương có kiểu xu nịnh của trung ương. Thậm chí, có không ít cuốn sách được mệnh danh là bút ký hay ghi chép về chân dung lãnh đạo, thì giọng điệu tâng bốc thối kinh khủng, không phải thối từng trang mà thối từng câu!
Đối ngược với trào lưu ca tụng, nhà văn Việt Nam nào dám đụng bút đến cỡ… chủ tịch huyện, thì đã cảm thấy bản thân xứng đáng phong tặng anh hùng, ngay khi tác phẩm chưa được xuất bản!
Suốt hơn 1,5 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tình trạng suy thoái đạo đức cán bộ được cả xã hội thừa nhận, nhưng không có nhà văn Việt Nam nào dám đề cập trực diện. Các nhà văn Hội viên Hội nhà văn VN thì rất ngoan ngoãn, vì còn mong mỏi chút ơn rơi rớt ban phát được đi trại sáng tác, được đầu tư chiều sâu chiều nông, hoặc được giải thưởng này nọ. Chỉ có hai cuốn sách do hai người không chuyên viết, chọn đối tượng phản ánh đến cấp Bộ trưởng là “Người cùng làng” của Nguyễn Thiện Luân và “Hoàn chỉnh sai” của Phan Khánh. Ông Nguyễn Thiện Luân nhiều năm làm thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, còn ông Phan Khánh là chuyên gia thủy lợi, đã từng làm thư ký cho Ủy viên Bộ Chính trị - Nguyễn Thanh Bình, nên hai ông rất rành giới chóp bu: anh nào lú, anh nào đần, anh nào mê gái, anh nào háo danh, anh nào hám lợi… Vì vậy, các chi tiết trong “Người cùng làng” và “Hoàn chỉnh sai” rất thú vị và rất hấp dẫn, tuy cách diễn đạt còn hạn chế!
Cứ tưởng văn chương chống tiêu cực tại Việt Nam chỉ dành cho người nghỉ hưu, thì thật may, tiểu thuyết “Bút mòn” của Núi Hồng xuất hiện. Núi Hồng là bút danh của Âu Văn Vượng, một nhà báo dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên. Cuốn sách gần 400 trang của Núi Hồng được viết với bút pháp hơi thật thà, nhưng lột tả được sự nhơ nhớp trong hàng ngũ những kẻ tha hóa chốn công quyền.
Bối cảnh “Bút mòn” là một tỉnh miền núi phía Bắc, dân thì khốn khổ còn lãnh đạo thì nhăm nhăm tối ngày ăn chơi sa đọa và giành giật khai thác tài nguyên. Ba Huỳnh là Bí thư tỉnh ủy, Vũ Trình là chủ tịch tỉnh, đều ngu dốt và chạy chọt để leo lên vị trí ngất ngưởng. Ba Huỳnh và Vũ Trình liên minh với doanh nghiệp Phạt Nguyễn để chia chác tài nguyên. Bọn chúng dùng tiền lẻ để xoa đầu những phóng viên chuyên sống bằng nghề bồi bút, nhưng không có cách nào xử lý được nhà báo Việt Anh can trường. Mưu sâu kế hiểm, bọn chúng bỏ tiền to mua chuộc Vương Trầm – Tổng giám đốc tập đoàn truyền thông đại chúng, để dùng quyền lực cấp trên ra tay trù dập và luân chuyển Việt Anh sang địa bàn khác, hòng thuận tiện cho kế hoạch nuốt trọn 24 mỏ vàng.
“Bút mòn” do nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành. Dù hơi ít giá trị văn học, nhưng một cây bút tuổi 40 như Núi Hồng công khai vạch ra sự thối nát của liên minh ma quỷ giữa Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh và Tổng giám đốc tập đoàn truyền thông đại chúng, thì đã là một thái độ can đảm, đáng trân trọng.
Ở những hoàn cảnh nhất định, lịch sử không có cơ hội tồn tại bằng chính sử thì lịch sử hé lộ dưới dạng huyền sử. Cứ tạm cho “Bút mòn” là huyền sử, thì chỉ cần đọc một cách kỹ lưỡng và ngẫm nghĩ thật sâu sắc, sẽ hiểu những doanh nghiệp dựa vào thế lực nào để ngạo mạn coi thường dư luận, và sẽ hiểu vì sao có những phát súng chấn động của Đỗ Cường Minh ở Yên Bái!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: