Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

MẤY LỜI VỀ CUỘC TRAO ĐỔI..


MẤY LỜI VỀ CUỘC TRAO ĐỔI GIỮA ÔNG NGUYỄN VĂN BÌNH VỚI TUẦN VIỆT NAM MỚI ĐÂY.
Trong một lần trao đổi với Tuần Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, UV Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW nói (đại ý) : 30 năm trước, nhờ Đổi mới (có khoán 10) giao ruộng lại cho hộ, chúng ta đã có bát cơm trắng mà ăn, chứ không còn phải ăn độn như trước nữa (tức là như thời còn HTX) lại còn dư gạo để xuất khẩu.
Ông Bình đã nói đúng về điểm này. Nhưng cần nhấn mạnh hơn: Dân đã cứu Đảng một bàn thua thấy rõ (không tan rã như Đông Âu) nhờ vào kỹ năng sản xuất, sức sáng tạo của mình.
Nhưng điều ông Bình nói tiếp theo thì không hoàn toàn đúng. Ông nói: Đến nay, sau 30 năm, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn thế, vẫn manh mún do lấy hộ làm đơn vị; trong khi, chúng ta cần chuyển tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa lớn, cho nên cần làm HTX kiểu mới, mô hình này hộ không góp tư liệu SX gì, chỉ chung đầu mối (Ban Quản trị hoặc Giám đốc HTX như có nơi gọi) mua phân bón thuốc sâu như nhau, chung đầu mối bao tiêu sản phẩm.
Như vậy có 2 cái hại nhãn tiền và 1 nguy cơ tiềm ẩn:
1: Nông dân dựa vào HTX, triệt tiêu sức cạnh tranh
2: Ban Quản trị sẽ lại tham nhũng (gửi giá đầu vào và đầu ra với doanh nghiệp) ngoài các thứ phí (có khoảng vài ba chục thứ phí thu theo đầu sào) nông dân vẫn phải nộp tới 20% sản lượng.
Có 1 nguy cơ tiềm ẩn, một khi có HTX ra đời, bất biết theo mô hình nào, thì điều 4 Hiến pháp đã nói rõ, Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp. Rồi sẽ xảy ra, Đảng ủy viên (có thể còn là Thường vụ) phải trực tiếp làm Chủ nhiệm HTX, vẫn theo quy trình Đảng cử dân bầu…Như thế thì rồi xã viên sẽ không còn bát cơm trắng mà ăn, như suốt từ 1958 đến 1988 (chẵn 30 năm.)
Ông Nguyễn Văn Bình từng buôn bán làm ăn ở nước ngoài, trên cương vị Thống đốc Ngân hàng ông đã đi đây đi đó, hẳn ông biết rất rõ: Nông dân và nông nghiệp là người lao động phi hành chính, sáng tạo trong tự do. Buổi tối, nông dân lo liệu việc ngày mai, đang ngủ có sương muối hay sấm chớp phải vục dậy lót rơm cho lợn, che cho sân mạ hay đám rau dưa. Như thế, HTX chưa biết làm lợi gì cho họ, nhưng chắc chắn đã triệt tiêu sức “lao động” ban đêm của họ. Còn Đảng ủy, Thường vụ thời nay là một dạng quan chức; không còn là nông dân, biết cái gì mà lo lắng cho nông hộ?
Đi nhiều nước, hẳn ông biết rõ, phải tích tụ ruộng đất. Hạt nhân của tích tụ là trí lự và đồng vốn; ở mọi địa phương đều sẵn có một vài người như vậy, họ sẽ là hạt nhân của thể chế Dân chủ trong vài ba thập niên nữa. Có vốn, họ mua ruộng; có trí lự, họ tự biết phải làm gì để có hiệu quả nhất, sản lượng cao nhất trên một đơn vị diện tích canh tác. Còn nông hộ sau khi bán ruộng, sẽ trở thành người làm thuê. Nếu Đảng nói vì Dân, vì Nông dân thì hãy soạn thảo Luật Lao động có mức lương sàn 100.000đ / công theo thời giá khi Luật có hiệu lực; từ sàn này, các ông chủ sẽ cạnh tranh mức lương với nhau và đòi hỏi kỹ năng và hiệu quả lao động của nông dân.
Khi có sản phẩm hàng hóa, các ông chủ tự biết phải làm thế nào; có cách để bán giá cao nhất hoặc mang cà chua và khoai tây đổ ra đường như cánh điền chủ Pháp năm xưa. Chính phủ Kiến tạo là vậy, là mở một lối khiến tất cả phải cạnh tranh nhau lành mạnh trong một hành lang pháp luật không ai tham nhũng nổi của ai, không ai có thể dựa dẫm vào ai.
Chứ cái mô hình HTX kiểu mới mà ông Bình nói, theo thiển ý của tôi, là chỉ tái lập cái túi tiền cũ nhưng may bằng vải mới mà thôi. Mấy lời chân thật, xin ông suy xét!
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: