Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Không có luật riêng trên Biển Đông


Petrotimes - Giới quân sự cho rằng, cuộc tập trận Nga - Trung tại Biển Đông (từ 12 đến 19-9) nhằm giúp Bắc Kinh thoát khỏi thế cô lập ở vùng biển quan trọng này.

Và cuộc tập trận này (bảo vệ tàu, thuyền cũng như đổ bộ lên đảo) mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, là phép thử mức độ gần gũi trong quan hệ Nga -Trung. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, Trung - Nga nên hỗ trợ lẫn nhau trước các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi. Vì diễn ra sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye (Hà Lan) công bố phán quyết đối với “đường lưỡi bò” phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, nên dư luận khá quan tâm.

Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cuộc tập trận chỉ là một trong những biện pháp phản ứng trước phán quyết của Tòa Trọng tài nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh và chống lại sức ép từ công chúng cũng như giới quân đội về vấn đề này. Còn theo nhận định của ông Malcolm Cook, chuyên gia cấp cao tại Viện Yusof Ishak ở Singapore, cuộc tập trận Nga - Trung là “ngòi nổ hay đá lạnh” phụ thuộc vào hành động của Moskva và Bắc Kinh.

Gắp lửa bỏ tay người

Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) thông báo, hôm 23-8, Bắc Kinh đã cho người gác hải đăng, làm nhiệm vụ dẫn đường, hỗ trợ tàu qua lại và đây là những người Trung Quốc gác hải đăng đầu tiên hoạt động trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xây dựng phi pháp 4 ngọn hải đăng trên các bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, Subi, Chữ Thập và ngọn thứ 5 trên bãi đá Vành Khăn đang gần hoàn tất và sắp đi vào hoạt động. Giới truyền thông Trung Quốc vừa đưa tin về việc Công ty Hà Lan Royal IHC bàn giao cho Công ty Nạo vét Quảng Đông CCC (GDC) tàu hút bùn đất cùng nước bằng hệ thống ống (TSHD) được cho là sẽ hoạt động ở Biển Đông. Đây là chiếc tàu TSHD thứ 19 do Royal Royal IHC đóng cho GDC và là tàu lớn nhất thuộc loại này dành cho Trung Quốc.

Tờ Nikkei (Nhật Bản) vừa đưa tin, tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc có thể sẽ được hạ thủy trong 1 năm tới và có thể đồn trú tại quân cảng ở đảo Hải Nam. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang được đóng tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Sau khi hạ thủy, cũng phải mất 1-2 năm mới có thể bàn giao cho hải quân. Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, nếu không có tàu sân bay nội địa, Bắc Kinh khó bảo vệ hiệu quả cái gọi là quyền và lợi ích ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngày 26-8, tờ Phụ nữ Đô thị (Tế Nam, Trung Quốc) đăng bài: “Vạch mặt kẻ gây rối Biển Đông - Singapore”, coi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là nguồn gốc, nguyên nhân của bất ổn tại Biển Đông. Bởi ông Lý Quang Diệu đã kiến nghị với Mỹ “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương. Và khi thăm Mỹ hồi thượng tuần tháng 8, Thủ tướng Lý Hiển Long muốn Mỹ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. Ông Lý Hiển Long còn nhấn mạnh tới lập trường thống nhất của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, tờ Phụ nữ Đô thị còn dẫn lời 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc (Hứa Lợi Bình và Tiết Lực đều đến từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Nguyễn Thứ Sơn - bình luận viên đài Phượng Hoàng) để chỉ trích Singapore.

Chơi theo luật của Trung Quốc?

Cũng trong ngày 26-8, tờ South China Morning Post dẫn bình luận của nhà báo Frank Ching cho rằng, Bắc Kinh luôn cố gắng thuyết phục thế giới về sự “trỗi dậy hòa bình”, nhưng Trung Quốc không thể kìm chế tham vọng đứng đầu thế giới, bắt tất cả các quốc gia phải “chơi theo luật của Trung Quốc”. Và phán quyết của Tòa Trọng tài không ngăn nổi ông Tập Cận Bình thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” - đưa Trung Quốc trở thành trung tâm của thế giới. Trung Quốc công khai tham vọng đối với các nguồn lực từ biển và đáy biển. Và mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biển Hoa Đông của Bắc Kinh bị Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ kiềm chế, cản trở.

Hãng Reuters nhận định, ASEAN và Trung Quốc đang có những động thái nhằm “hạ nhiệt” tình hình Biển Đông vốn trở nên rất căng thẳng sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” và phần thua thuộc về Bắc Kinh. Có chuyên gia nhận định, việc tạo ra các cuộc xung đột thường xuyên ở các khu vực xen kẽ nhau, nhưng không dẫn tới chiến tranh, là chiến lược mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc… Và tạo xung đột lâu dài là nước cờ khôn ngoan của Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Theo chuyên gia Michael Cole đến từ Viện Chính sách Trung Quốc, thuộc Đại học Nottingham, không có gì là bất hợp lý trong hành động của Trung Quốc - đều được tính toán kỹ lưỡng, chính xác và trong tầm kiểm soát.

Tờ South China Morning Post vừa dẫn nhận định và bình luận của một số chuyên gia quân sự (Joel Wuthnow, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ; Dennis Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh và Hongkong; James Holmes, Giáo sư khoa Chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ) đề cập tới tham vọng cải tổ quân đội theo mô hình của Mỹ, mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Đây là một phần trong kế hoạch của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhằm thay đổi cấu trúc chỉ huy của quân đội, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tính linh hoạt của lực lượng tác chiến - xóa bỏ 18 quân đoàn để xây dựng mô hình 25-30 sư đoàn: đây là lực lượng bộ binh gọn nhẹ, tinh nhuệ và cơ động hơn. Việc này sẽ khắc phục những nhược điểm cố hữu của quân đội Trung Quốc, đó là “2 yếu” và “5 khó”.

Tuy nhiên, cuộc cải tổ này đòi hỏi Trung Quốc phải vượt qua nhiều trở ngại, thậm chí đối mặt với hậu quả tiêu cực nếu thất bại. Và một trong những trở ngại lớn nhất là tình trạng ganh đua giữa các quân binh chủng và tư tưởng coi trọng lục quân của Trung Quốc - có thể phải mất vài thập niên mới có thể thay đổi hoàn toàn tư tưởng này. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi còn phải mất vài thập niên mới có thể “vận hành thông suốt”. Đó là chưa tính tới những cuộc tranh luận về học thuyết quân sự và quan điểm chỉ huy, kiểm soát. Theo Đô đốc J. C. Wylie, chiến lược gia quân sự của hải quân Mỹ, các chỉ huy quân sự thường có quan điểm chiến lược, chiến thuật, chiến dịch rất khác nhau và chịu ảnh hưởng lớn từ đơn vị xuất thân của họ.

Nguy cơ chiến tranh điện tử Mỹ - Trung

Giới quân sự cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh điện tử Mỹ - Trung trên Biển Đông. Thượng tuần tháng 8, Hải quân Trung Quốc tổ chức bắn đạn thật quy mô lớn trên biển Hoa Đông với sự tham gia của hàng trăm tàu chiến và tàu ngầm trong tình huống giả định bị gây nhiễu và chế áp điện tử mạnh.

Theo nhận định của chuyên gia Brendan Thomas-Noone đến từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney, cuộc tập trận là động thái chuẩn bị và phô diễn lực lượng của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh điện tử với Mỹ trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đã thiết lập các trạm radar phi pháp, còn Mỹ điều nhiều thiết bị công nghệ cao đến Biển Đông và việc này có thể khai hỏa cuộc chiến điện tử trên biển. Mỹ - Trung đều hiểu việc sử dụng biện pháp quân sự sẽ dẫn tới kết cục hủy diệt lẫn nhau, nhưng tác chiến điện tử ở 2 vùng biển kể trên có thể diễn ra.

Chuyên gia Brendan Thomas-Noone cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang triển khai các trang thiết bị kết nối vệ tinh trên các đảo nhân tạo, giúp tăng cường năng lực khóa mục tiêu ngoài đường chân trời cho các tên lửa đạn đạo diệt hạm, mở rộng phạm vi đe dọa cho khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu lắp thiết bị kết nối với hệ thống định vị Bắc Đẩu cho hạm đội tàu cá và cả lực lượng dân quân biển, giúp Bắc Kinh có thể huy động lực lượng này đến nơi cần tăng cường sự hiện diện. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng tích cực triển khai và đầu tư cho việc nghiên cứu nhiều công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến, bắt đầu ở cấp chiến thuật trên Biển Đông, như điều 4 tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler đến Philippine. EA-18G Growler có thể tham gia các hoạt động trinh sát và tình báo tín hiệu (SIGNT) ở Biển Đông, cũng như gây nhiễu các trạm radar phi pháp của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố báo cáo “Các diễn tiến quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc 2016”, để cập nhật tình hình quân sự của Trung Quốc. Theo đó, Hạm đội Nam Hải có vị trí quan trọng khi Bắc Kinh triển khai các hoạt động quân sự trên Biển Đông. Theo giới quân sự, các nước châu Á đang tích cực thu mua hoặc hiện đại hóa năng lực tên lửa nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ những quốc gia láng giềng. Tờ Forbes vừa cảnh báo, trong 5 năm tới Mỹ sẽ thiếu hụt tài chính cho một kịch bản xung đột quân sự, riêng phi công lái máy bay chiến đấu thiếu nghiêm trọng. Và Lầu Năm Góc không phóng đại khi nói rằng, trong 10 năm tới, Mỹ không có kế hoạch hiện đại hóa quy mô lớn cho quân đội.
***

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, việc ngư dân Trung Quốc đánh bắt quá mức làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, khiến Bắc Kinh phải lên kế hoạch cắt giảm quy mô của đội tàu cá. Bởi các vùng biển do Trung Quốc kiểm soát chỉ giới hạn cung cấp 8-9 triệu tấn cá/năm.

Hiện nay ngư dân nước này khai thác khoảng 13 triệu tấn/năm. Ngư dân ở tỉnh Hải Nam cho biết, đã nhận được thông báo không gia tăng đội tàu, còn ngư dân tại các tỉnh khác nhận chỉ đạo cắt giảm 3% số tàu cá.

Nguồn: CÀ PHÊ CÓC Blog

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: