Chủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang, đã 'không nói suông' và thông điệp của Việt Nam 'muốn báo động' với một 'nước nào đó càng ngày càng gây hấn' về khả năng Việt Nam 'sẵn sàng tự bảo vệ quyền lợi của mình'.
Đó là một trong những ý kiến trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 01/9, nói về bài phát biểu ở Diễn đàn của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) trong chuyến thăm tới Singapore của ông Trần Đại Quang từ ngày 28 tới 30/8/2016.
Từ Đại học Maine của Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà phân tích chính trị quốc tế, nói với Bàn tròn:
"Đây là một diễn văn rất quan trọng, một diễn văn cho thấy chủ động về phía Việt Nam để vận động Asean cũng như thế giới.
"Bởi vì Việt Nam là một nước rất quan trọng trong khu vực Biển Đông, mà nếu Việt Nam thụ động, thì không thể đẩy Asean đi thêm được nữa.
"Việc ông chủ tịch báo động là có thể chiến tranh xảy ra sẽ bất lợi cho tất cả, tôi nghĩ đây không phải là lời nói suông.
"Tôi nghĩ có thể ông biết có một nước nào đó có thể đi đến việc càng ngày càng gây hấn, ông muốn báo động và ông muốn cho biết Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình, nếu nước kia, hay nước nào đó tiếp tục đe dọa an ninh.
"Mặt khác, tôi cũng thấy trong diễn văn này có một điều rất quan trọng là ông nói về vấn đề cần được sự ủng hộ, gia tăng sự ủng hộ của người dân trong nước, không những trong nước Việt Nam thôi mà các nước Asean, để tham gia vào quá trình đẩy mạnh an ninh trong khu vực," học giả Ngô Vĩnh Long nói với Bàn tròn thứ Năm.
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận thông điệp của Chủ tịch Việt Nam tại Singapore mà theo nhà lãnh đạo Việt Nam nếu xung đột vũ trang nổ ra trên Biển Đông thì sẽ không có ai thắng, mà 'tất cả đều thua'.
"Tôi đặt bối cảnh phát biểu của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bối cảnh mà ông nói là bối cảnh khu vực Đông Nam Á, của Biển Đông và ở khu vực này chúng ta đều biết Trung Quốc là một nước đang phô trương sức mạnh của mình và họ có lẽ là người chắc mẩm phần thắng khi xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.
"Tôi cho rằng ý kiến của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm tới đối tượng như thế, tức là nhằm tới Trung Quốc, để nói với họ rằng không nên nghĩ rằng có thể giải quyết các vấn đề bằng vũ trang, bằng bạo lực và nếu xảy ra xung đột vũ trang, thì người tưởng là thắng cũng chưa chắc đã thắng mà là thua, bởi vì khi đó cũng phải trả giá rất đắt cho chiến tranh, chứ không phải là chuyện đơn giản.
"Và ngay cả một cường quốc dù thắng hay dù thua trong một cuộc chiến tranh dai dẳng, thì cường quốc đó cũng có những vết đau không bao giờ có thể khắc phục được, hoặc hết sức khó khắc phục," Giáo sư Thuyết nói với Bàn tròn.
'Sự tàn phá vô cùng lớn'
Cũng từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện ISEAS về chính trị Việt Nam và khu vực, nói với BBC:
"Ý kiến phát biểu của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thực chất nhằm nhấn mạnh rằng có những yếu tố, có những nguy cơ xảy ra mất ổn định khu vực và xung đột vũ trang.
"Và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng nếu để xảy ra xung đột vũ trang, đặc biệt là chiến tranh, mức cao nhất của xung đột vũ trang là chiến tranh, thì đúng là sự tàn phá vô cùng lớn và không thể xác định được bên nào thắng c
"Đấy là ý mà tôi nghĩ là ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang muốn nói.
"Đồng thời ông muốn nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng lớn là các nước trong khu vực, cũng như các bên liên quan ở trên trường quốc tế, cần phải cùng nhau giữ được ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.
"Để làm sao giữ được ổn định đã, đừng để xảy ra xung đột vũ trang, đấy là nhấn mạnh của ông.
"Ông cũng nhấn mạnh một câu sau nữa trong bài phát biểu ấy là Việt Nam kiên định đi theo con đường xử lý và giải quyết các xung đột bằng các biện pháp hòa bình," ông Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn thứ Năm.
Những nước 'chia sẻ giá trị'
Từ Hà Lan, PGS. TS. Jonathan London, nhà quan sát xã hội Việt Nam và chính trị quốc tế đưa ra bình luận nhân dịp này:
"Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn chúng ta thấy rất rõ những hạn chế của Asean như thế nào, từ trước tới nay đã có nhiều thành viên của Asean, trong đó có Việt Nam, Singapore và các nước khác muốn Asean đóng một vai trò quan trọng, để đề cập những tranh chấp trong Biển Đông.
"Nhưng bây giờ thấy rõ hơn bao giờ hết rằng vị trí của Campuchia không cho phép để khối Asean có một vai trò quyết định và như thế, tôi cũng như nhiều người khác nữa đã nói từ lâu mà tốt nhất là có sự hình thành của một số nước, một nhóm, gọi nó là liên minh thì không cần thiết,
"Chỉ là những nước thực sự có quyền lợi cùng nhau không cho phép một nước như Trung Quốc đô hộ Biển Đông.
"Và như thế, khi ông Trần Đại Quang có nói là có những bài học có thể học được qua kinh nghiệm của Singapore, trong đó không chỉ là mô hình chính trị, kinh tế của Singapore, mà cũng là mô hình hợp tác với Mỹ. Vì như chúng ta biết, sự hợp tác giữa Mỹ và Singapore rất lâu và cũng rất mạnh, nhưng đó không phải là điều mà Singapore nêu ra liên tục, đó chỉ là thực tế, cũng như Việt Nam.
"Và như thế cách nói của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể là rất phù hợp, chỉ nói đơn giản thôi, sẽ chẳng có ai thắng, sẽ có những người thua, và tôi tin rằng chúng ta đang trong giai đoạn hình thành của một nhóm các nước thực sự chia sẻ những giá trị cùng nhau," PGS. TS Jonathan London nói với BBC.
'Có thể dọa kiện chủ quyền'
Từ Viện ISEAS, nơi đang là nghiên cứu viên khách mời, GS. Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học George Mason, Mỹ, nói với Bàn tròn về vài điểm mới trong thông điệp của nhà lãnh đạo Việt Nam ở Singapore.
Ông nói: "Ý kiến thứ hai của ông Trần Đại Quang có nói về quy chế đồng thuận của Asean là tốt, nhưng ông đề nghị có quy chế mới, quy chế bổ sung cho đồng thuận cũ để cho hình thức ngoại giao của Asean không bị tê liệt.
"Bởi chính sách đồng thuận này trước kia lợi cho Việt Nam, vì Việt Nam thường thuộc về thế thiểu số, bây giờ có một số 'ông thiểu số' khác nhỏ hơn mà ngáng chân, thì Việt Nam không muốn cơ chế đồng thuận nữa. Bây giờ ông muốn một cơ chế bổ sung kiểu mới.
"Điểm thứ ba là khi ông Trần Đại Quang nói đến giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao và pháp lý, thì chữ pháp lý này có nghĩa là có thể Việt Nam cũng có triển vọng có thể dọa kiện nếu cần.
"Còn điều thứ ba mà các học giả nói chiến tranh ai cũng thiệt, chiến tranh tôi nghĩ nói toạc ra là ông Quang cũng nói là nếu Trung Quốc muốn chiến tranh thì Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận chiến tranh.
"Điều này do một người khác nói thì không quan trọng, nhưng nó là phát biểu của một ông Chủ tịch Nước, thì điều đó nói lên tầm quan trọng của nó.
"Đó là những điều mà tôi nói về những cái mới của bài diễn văn của ông Trần Đai Quang," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn hôm 01/9/2016 về quan điểm của Chủ tịch Việt Nam tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét