Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

'Điểm mặt' bất cập của Luật Phòng chống tham nhũng

(PLO)- Có tám nguyên nhân được TS Đỗ Gia Thư (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính Phủ, chuyên gia PCTN) "điểm mặt".
Sáng 8-9, tại TP Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi với sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu.
Tại hội thảo, TS Đỗ Gia Thư (Vụ Trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính Phủ, chuyên gia PCTN) cho rằng tình hình tham nhũng hiện nay diễn biến phức tạp; công tác phát hiện và xử lý chưa đạt yêu cầu; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp nên gây tâm lý hoài nghi và bức xúc trong xã hội.

TS Thư điểm mặt các nguyên nhân bất cập trong công tác PCTN hiện nay. Ảnh: LÊ PHI
Trước việc PCTN không đạt kết quả như mong đợi của nhân dân, TS Thư chỉ ra tám nguyên nhân bất cập của Luật PCTN hiện hành dẫn tới những vấn đề không thỏa đáng trong PCTN hiện nay. 
Thứ nhất: Quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện (đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, thời gian, trách nhiệm… công khai minh bạch)
Thứ hai: Quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chưa toàn diện, trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng, chưa khả thi…)
Thứ ba: Chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ (thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ…)
Thứ tư: Các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng…).
Về nguyên nhân thứ tư này, TS Thư cho rằng luật hiện hành chưa chỉ rõ người đứng đầu là ai? Vì người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành có rất nhiều tầng nấc. Ngoài ra, về việc xử lý khi có tham nhũng cũng chỉ chung chung là kỷ luật, xử lý hình sự mà chưa quy định cụ thể là kỷ luật thì ở mức nào và hình sự thì nặng nhẹ ra sao.
Thứ năm: Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; thiếu quy định về việc xử lý tài sản thu nhập không được giải trình một cách hợp lý…
Thứ sáu: Hiện các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của các cơ quan tổ chức có thẩm quyền bao gồm kiểm tra của Đảng, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và các cơ quan giám sát chưa phù hợp. Đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chưa phát huy được vai trò trong xử lý tham nhũng.
Thứ bảy: Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là vấn đề bảo vệ người tố cáo. Về việc này, TS Thư đưa ra ví dụ: Từng có trường hợp lộ thông tin người tố cáo nên cơ quan chức năng chưa biết mà người bị tố cáo đã biết ai tố cáo mình.
Nguyên nhân thứ tám chính là chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản khác trong hệ thống luật pháp dẫn đến cách hiểu, vận dụng chưa thống nhất. Thiếu các quy định về các biện pháp xử lý phi hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng…
Các nguyên nhân này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị nhìn nhận thẳng thắn, do đó Tổng Bí Thư đã chỉ đạo lần sửa đổi này phải toàn diện Luật PCTN năm 2005 để đáp ứng sát hơn yêu cầu PCTN hiện nay.
LÊ PHI

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: