Bức tranh Vũ điệu lên đồng. Tranh sơn dầu của Nguyễn Tường Linh. Ảnh: TT & VH.
Nguyễn Gia
Người viết xin bộc bạch rằng, thần kinh của mình chắc cũng có “vấn đề” nên những gì thấy, đọc hoặc nghe ban ngày thì đêm, hoặc bị mất ngủ, hoặc mộng mị trong cơn mê sảng, nhiều khi tới mức “ác mộng”. Xin kể lại những gì hư hư, thực thực trong cơn mộng gần đây.
Chả là cách đây mấy năm, trên một trang báo mạng có một bài viết về ba căn bệnh cơ bản của doanh nghiệp (doanh nhân) Việt nam, đó là: (1) học không đến đầu đến đũa, (2) lãng mạn trong kinh doanh, và, (3) bỏ trứng trong cùng một giỏ.
Người viết cho dù chưa hoàn tòan nhất trí với tác giả bài viết về 3 căn bệnh kể trên, nếu được phép chỉnh sửa, thì căn bệnh thứ 2 xin đổi từ “lãng mạn” thành “hoang tưởng” và căn bệnh này chỉ giới hạn trong một số người, nhất là đối với những ai ít nhiều đã “thành đạt” . Trong cuộc sống, kể cả trong kinh doanh, “lãng mạn” đôi khi cũng là “cái men”, là đông lực cho sáng tạo…song, nếu không kiểm soát được, trong y học hình như kêu là “khu trú”, mà để nó phát triển tới tầm thành “hoang tưởng”, mê sảng như “lên đồng” thì thực nguy hiểm, tùy theo mức độ mà hậu họa lớn nhỏ khác nhau, khi tỉnh ra thì ôi thôi mọi thứ đã tan thành mây khói…
Virus “hoang tưởng”, căn bệnh “lên đồng” này đã lây lan và phát triển ngày càng nặng trong nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, tất cả đều theo cùng một logic “đúng quy trình”, tùy theo khu vực mà được gắn với những “nhãn mác” phù hợp: trong khu vực nhà nước được kêu là “duy ý chí” (không tưởng), ở tầng thấp doanh nghiệp thì tới mức nguy kịch được gọi là… “khùng”…Tất cả cứ lâng lâng “lên đồng” , mê xảng, nhẩy nhót theo tiếng nhạc chầu văn, tiếng thì thầm nhỏ to “tấu cô”, “tấu cậu” …của những kẻ ngồi chầu, người trong nhà cũng như ngoài ngõ, tán tỉnh hòng xin ban lộc…
Cứ để sang bên những “nhóm lợi ích”, những “nôi xâm tham nhũng”, những “tư bản thân quen”… mà ô hay, người viết trong mơ cứ lẩn thẩn nghĩ, nước mình có phải nước tư bản đâu mà kêu bằng “TB thân quen”, mình đàng hòang là nước XHCN cơ mà (?) Phải chăng có nhiều cái chỉ tồn tại (và phát triển) trong môi trường XHCN mà không thể sinh tồn trong môi trường TBCN (?). Thôi để chuyện này cho các học giả trong lĩnh vực lý luận cao xiêu hậu xét!
Hãy gạt sang bên những “Vina xin”, những “Vina lai” vốn có những “Vina cho”, những “Vina dắt”; với “cái lý người… Kinh”, vì quê hương của “cụ này”, “cụ kia” mà cho xây những nhà máy lọc dầu này, những khu gang thép kia, những nhà máy xi măng nọ… với những ống khói cao lừng lững “vô tư” tuôn khói lên bầu trời xanh, từ xa đã thấy tỉnh nhà đã có “công nghiệp” (!), những cảng nước xâu…có gì đâu đủ cho tàu cập bến làm hàng, những sân bay vài ngày một chuyến, số nhân viên “mặt đất” lắm khi còn nhiều hơn số ghế khai thác trên các mỗi chuyến bay đi về, rồi những công trình hoành tráng đủ loại…Chưa kể đồng vốn ngốn trong xây dựng, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”… những “của nợ” đó khi được đưa vào khai thác mỗi năm còn làm lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ…Tất cả đều “đúng quy trình”, có chăng là tại khách quan, quá lắm là “quên” không tính đến các cam kết trong các hiệp định đã ký với nước ngoài, “quên” tính đến yếu tố thị trường, “quên”tiên lượng đến những thay đổi và ứng dụng mới trong công nghệ, sự ra đời và phát triển của những nhiên liệu, vật liêu mới thay thế…Những cái “quên” (thông tin) này, trong thời đại “số hóa” như hiện nay, không phải lúc nào cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian tìm kiếm mà chỉ cần vài cái “nhấp chuột” trên máy tính, dễ hơn cả thời gian chơi games hay đuổi bắt Pokemon ... “Người trần, mắt thit”, lại càng không dám bàn tới khía cạnh an ninh, quốc phòng, lý giải về việc cho thuế đất làm “những sân golf che mắt tầm nhìn, những vạt rừng chắn đường lên điểm chốt”…
“Tấu cô”, “tấu cậu” để “thánh” phán phải “tập trung” phát triển cả 19 ngành “mũi nhọn” hơn cả số ngành “mũi nhọn” phát triển của Mỹ, Pháp, Nhật…vì lũ này nhát gan sợ nhiều mũi nhọn góp đứng kề nhau sẽ thành (góc) “tù”, gai mít đau tay vẫn nhiều hơn số ngón tay quả phật thủ vẫn còn có hương thơm nên được bầy trên bàn thờ Phật.
“Tấu cô”, “tấu cậu”…, đám chầu văn chuyển làn điệu cho “đồng lên” hết màn “DAP phân…lân Đình vũ” (Hải phòng), đến đường sắt trên cao (Hà nội) với những “đường cong mềm mại” uốn lên, lượn xuống, đến lọc dầu Nghi sơn (Thanh hóa) khi đi vào khai thác hàng năm sẽ lỗ từ 1900-2200 tỷ bởi “thánh” khi “thăng hoa” đã quên xướng tới các bài “hiệp định”, khi màn Formosa Hà tĩnh với thảm họa môi trường cho cả 4 tỉnh miền Trung chưa biết bao giờ thánh mới “thăng”, và biết bao nhiêu màn (dự án) khác tiếp theo chưa biết tới bao giờ kết thúc…
Các chiếu trên chưa “thăng” thì bỗng dưng chiếu dưới “cô” lại nhập vào một cậu “khùng”, tay cầm hương bắt quyết mà phán rằng “ngu gì mà không làm sắt thép” ở chốn “chảo rang” Cà ná (Ninh thuận), con nhang đệ tử ngồi chầu cứ há hốc mồm, mắt tròn, mặt dẹt:
- Tấu cô, ở đó không có nước, mỗi năm hàng ngàn con trìu (cừu) chết khô vì khát, người dân thiếu nước ăn, tắm giặt là thứ hàng xa xỉ?
- Ta sẽ phán dẫn đường nước mở vòi lấy 1/3 số nước dự trữ theo thiết kế của tất cả hồ nước ngọt về, thiếu nữa ư, ta sẽ cho xây nhà máy biến nước biển thành nước ngọt (nếu câu này được dịch sang tiếng Hebrew để cho bên Israel nghe thấy thì chắc các thánh đạo Do thái phải phục sát đất “cô đồng” Việt nam này!).
- Tấu cô, cô đã “từ bi” phát lộc quá nhiều, trong hầu bao, ruột tượng của cô chẳng còn bao nhiêu, tiền đâu ra để lên tiếp?
Vừa đúng lúc đám chầu văn mới được “thướng” nên chuyển làn sang “Bà chúa đại ngàn”… đến độ cao trào “Cô bắn súng lục, cô bơi thuyền rồng….”, “cô” cao hứng tưng tửng rung đùi bần bật mà phán rằng:
- Không lo, ta là con Trời, con Phật, oai phong lẫm lệt như ta, ta có một nhưng sẽ tấu “Thiên đình” mở kho (bạc) và phán lũ “đệ” của ta nhung nhúc trong các ngân hàng mở hầu bao rót cho ta chín phần còn lại để ta “ngồi” (đồng) tiếp!
Rồi bao nhiêu câu “tấu” khác, nào là về nguồn “điên nặng” (điện), nào là về môi trường, xử lý rác thải, nào dắn, nào lỏng, nào khí, nào chôn vào đất, nào đổ vào biển, nào phả lên trời… “cô” cứ bỏm bẻm nhai trầu, rất “đẳng cấp”, nhâm nhi ly rượu (không phải rượu đế của “hai lúa chân đất” mà ít ra cũng phải Chivas 25, Ông già chống gậy uytki vỏ vàng 30…), phì phèo điếu thuốc (không phải “ba số” ngoại mà ít ra cũng phải xi-gà gộc Lahavana nghe nói có loại cỡ cả triệu đồng một điếu như giới thượng lưu thường dùng)… “Cô” trả lời vanh vách, nào là đã có sẵn điện gió, điện (mặt) trời, rồi còn điện hạt nhân, nào là không để một giọt nước thải nào đổ vào biển, vân vân và vân vân…Trước khi “cô” thăng, con nhang đệ tử liều lĩnh “tấu” thêm:
- Bẩm “cô”, màn gang thép Cà ná “nhập” mà không “thăng” được thì sao?
Cô cười khẩy thản nhiên phán:
- Lo gì! Ta sẽ “thăng”, “hạ thế” chẳng mất gì, ta sẻ bỏ lại tất cả xiêm y cho các ngươi để làm bằng!
Con nhang đệ tử há hốc mồm nhìn nhau, “cô” người to, sai-dơ (size) XXX lớn như vậy, ai mà mặc cho vừa xiêm y của “cô”, vả lại phàm đã “ra đồng”, ai cũng có những bộ xiêm y riêng của mình, chẳng ai chịu mặc chung, như vậy ngoài việc thể hiện lòng thành và đẳng cấp sang giàu…mà còn về lý do… vệ sinh, bảo vệ than thể “ lá ngọc, cành vàng” của “cô”, tránh lây ghẻ lở, hắc lào, ít ra cũng tránh bắt mùi mồ hôi của người mặc trước, chẳng may lại đúng là kẻ hôi nách thì nguy! Chẳng có con nhang đệ tử nào dám mặc xiêm y của “cô”, có mang ra bán theo hàng Sida (đồ cũ) thì cũng chẳng có ai mua vì…điên gì mà mặc!
Trước khi màn “gang thép Cà ná” thăng, “cô” còn dặn với đám ngồi chầu rằng:
- Đấy, rồi các ngươi hãy xem, ta sẽ tấu đại ca của ta đưa màn “sắt thép Cà ná” cả 11 tỷ (USD) này bổ sung hẳn vào Quy hoạch mà họ đã quên không tính đến! Ta bỏ ngoài tai những lời chê bai thị phi của đám báo in, báo mạng, kỳ lạ thay lần này cả bọn “lề phải” cũng như “lề trái” cứ hùa nhau “ném đá” vào ta, đám này liệu có to hơn “báo hình” phát sóng cho cả nước được xem và nghe lời “thánh phán”!
Rồi “Ú!...Ú!...Ú…”, cô hất khăn che mặt, bật người ra sau, may có lũ đệ tử ngồi sau đỡ, kéo cái đầu mốt đương đại “skin hết” (skinhead-trọc lốc) mà giáng xuống chiếu trên nền xi mắng thì phải gọi “05 cấp cứu” là cái chắc, rồi cô… “thăng”!
Người viết hoảng quá, toát hết cả đẫm mồ hôi, chưa thóat khỏi cơn mộng mị, tự tát vào má trái mình, rồi lại tát mạnh hơn vào má phải cho tỉnh hẳn cơn mê, thấy trời đất vẫn còn chạng vạng mới ngẫm rằng, có lẽ hôm trước trên đường từ Sapa về có ghé thăm đền Ông Hoàng Bẩy, nghe nói rất linh thiêng, thấy cảnh cùng lúc 5,7 màn lên đồng từ ngoài sân lên tới tận hậu cung , trống chiêng inh ỏi, các ban nhạc chầu văn thời điện tử, mở hết công suất, cả nhạc “sống” lẫn “hát nhép” đang chọi lẫn nhau, những lời “tấu” rì rầm , u u , mê mê…nên chuyện thật “thép Cà ná” đã ngấm vào đầu và trở thành ác mộng làm cho mình cũng “nhập đồng” ngồi “tâu” hóng hớt với các “cô”, các “cậu” vậy!
Khi tỉnh hẳn, người viết tự nhủ mình: Đứa trẻ nào từ khi biết nhận thức đều chả muốn “mỗi ngày làm một việc tốt”, rồi người trưởng thành nào, tùy theo địa vị xã hội mà chả muốn làm điều gì đó để lại những dấu ấn cho người thân, cho gia đình, cho đất nước…
Làm kinh tế, mà chẳng riêng gì về kinh tế, mà cứ bệnh hoạn “hoang tưởng”, tới mức “lên đồng” thì khó tránh khỏi những hậu họa khó lường, cả “bia đá” vấn còn đấy và “bia miệng” thì dai dẳng “để đời” còn lâu lắm!
Bỗng dưng người viết nhớ ra có lần “nhấp chuột” vào Youtube về xứ Bhutan, một đất nước nhỏ xiú dưới chân núi Hymalaya, được nghe ông Tschering Tobgay, thủ tướng trẻ của nước này, chỉ có mỗi tấm bằng kỹ sư mà dám nói về chỉ tiêu “Tổng hạnh phúc quốc nội” (GDH) để ngẫm và mong sao ở đất nước ta đừng để các dự án “lên đồng” có làm tăng Tổng sản phầm quốc nội (GDP) đấy, nhưng lại làm giảm chỉ số hạnh phúc của người dân, làm cho cái gánh, vốn đã rất nặng, đè thêm lên nền kinh tế, mà cuối cùng là lên vai người dân, người đóng thuế phải gánh chịu.
Đừng để “gang thép Cà ná” dẫm tiếp vào vết xe đổ Formosa vẫn còn đấy, cho dù người ta cố nói rằng dự án này đã từng có dự kiến quy hoạch hay đã từng “quy hoạch” cách đây cả 10 năm. Hãy chịu khó làm vài cái “nhấp chuột” trên máy tính là có thể thấy tình hình, trong đó có thị trường thế giới (và cả trong nước) đối với từng mặt hàng đã thay đổi rất nhiều…Xin đừng “cố đấm ăn xôi” mà ở đây chắc gì đã có xôi đâu mà ăn, quá lắm chỉ còn lại bùng nhùng một mớ xiêm y… giẻ rách!
Hà nội, 12-9-2016
Nguyễn Gia
Phần nhận xét hiển thị trên trang
1 nhận xét:
Thất tuyệt với khi tìm được khách sạn giá rẻ và săn được cặp vé máy bay giá tốt cho chuyến đi
Đăng nhận xét