Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

FORMOSA TO BE OR NOT TO BE?

Ảnh của Văn Chinh Đinh.

Văn Chinh
(Nhà văn & Tác phẩm số 18 tháng 7 - 8 năm 2016)
Tại Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học Tam Đảo lần thứ IV ngày 25 – 6 - 2016, hội trường nóng lên khi nhà thơ Lê Minh Quốc đọc tham luận bằng thơ:
Thơ ở đâu trong những ngày biển động
Xác cá khô nằm xếp lớp buồn rầu
Thơ hoan ca qua bình minh chói sáng
Sao lại quên biên giới trắng hoa lau
Thành ý của Hội Nhà văn Việt Nam cử đoàn nhà văn vào Hà Tĩnh trong những ngày “động biển” đã được nhen nhóm cân nhắc rồi quyết định từ đó.
Sau một tuần nóng sốt Euro 2016, Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi bảo tôi thảo công văn, giấy xin xe cùng danh sách đoàn nhà văn thăm Hà Tĩnh. Té ra viết được văn vào hạng đọc được, nhưng vị tất đã thảo được công văn. Hữu Thỉnh cặm cụi sửa bản thảo, chỉ còn lại đúng hai dòng Quốc hiệu là của tôi. Công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề ngày 15 tháng 7 của Hội Nhà văn Việt Nam do đó mà không có chữ ký nháy. Không thể ký nháy vào công văn khi chỉ có chẵn hai dòng Quốc hiệu là của mình!
Chúng tôi đi như người ra trận: Thuốc men, bông băng, lương khô, bánh mì, cam chuối và mặt nạ phòng độc. Họp đoàn ngay trên xe, Trưởng đoàn Hoàng Quốc Hải nói:
“Vào Vũng Áng chưa chắc đã viết được gì ngay. Nhưng nhà văn thì không thể không có mặt ở Vũng Áng lúc này, để chia sẻ với mất mát, với nỗi buồn thương của mọi người. Nó là trải nghiệm cần để nuôi dưỡng cảm xúc của giới ta. Nó là nhân cách nhà văn, nên hiện tại Hội hết tiền thì chúng ta Campuchia.” Mọi người nói đồng ý, riêng bác Trần Nhương (.com) còn nhấn mạnh: “Nhất trí với trên!” Hoàng Quốc Hải cười cùng mọi người, sau thì nói: “Làm việc lớn không thể bắt đầu từ việc vặt, thấy gì nghe gì hãy cứ ghi chép lại, không được phê búc phê biếc gì nhá!”
Bác Trần Nhương nói, “nhất trí với trên” thôi, mình đi với phương diện Hội, lại đã già có đâu lại lèm bèm để trẻ nó bắt bẻ có mà ra dại. Lúc ấy tôi nghĩ: Formosa là vết thương chí tử của đất nước trên hành trình công nghiệp hóa. Là cơn sốt vỡ da gây nhiễm trùng vốn thường xảy đến với người đi sau. Chưa làm gì được cho vết thương lành ngay, cũng chưa biết rõ phác đồ điều trị phải thế nào, nhưng ở bên cạnh nỗi đau là cần thiết. Và chả cứ là nhà văn.
Điều đáng nói là ở chỗ, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã ngót nghét 80, mắt đã mờ, tai đã nặng mà còn thể lọc ra giữa ồn ào phức hợp cái tin sẽ diễn ra năm ngày sau đó. Khi bàn bạc với Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, ông Hải nói Chính phủ sẽ công bố thủ phạm cá chết hàng loạt vào cuối tháng Sáu. Tôi có nói nhận xét này, ông Hải nói, lão lai tài tận, không ai còn mạnh ở tuổi này. Nhưng chú mục vào một việc, tập trung thính lực, cảm lực vào có một việc thôi, thì có thể biết cái sắp diễn ra. Và có thể ứng xử tốt ngay cả khi gặp một rắc rối lớn chưa từng có trong đừi. Người xưa nói, 50 tuổi có thể cảm biết được mệnh giời là vì vậy.

Nhưng hóa ra chả phải chia chác gì. Ngoài bữa trưa tại nhà hàng Dạ Lan 1 Thanh Hóa, tôi chả phải rút ví thêm lần nào. Là nhờ trước hết cái FB Trần Lão đã đưa tin ảnh các nhà văn đi Hà Tĩnh, khiến mọi người xôn xao nhắn tin, chúc bình an, dặn dò cẩn thận. Bạn bè từng đi thực tế sáng tác với Trần Nhương gọi ông là Nhương Tác Nghiệp thật đúng, ông chụp ảnh nhoay nhoáy, gõ chữ máy Ipad nhoay nhoáy ngay trên ô tô gập ghềnh đường trường, đi đến đâu có hàng ngàn hàng vạn bạn bè biết tin và chen chúc like ập về. Lại nhờ cái tình nghĩa thầy trò của nhà văn Bùi Việt Thắng. Thật cảm động. Ông dạy người ta đã mấy chục năm, nay người ta đã là giảng viên đại học Hồng Đức, con người ta đã là sinh viên mẻ mới, người ta đã chồng vợ mỗi người mỗi ô tô, vậy mà nghe tin thầy vào Vũng Áng, trò đã mang rượu Macalan và phong bì đòi thanh toán bữa trưa Thanh Hóa. Không cho thì nói khó với thầy, thầy cầm tiền này rồi chiều mời cơm các nhà văn giúp em. Mọi người vô Vũng Áng, em bận việc không đi được, coi như là một chút lòng thành. Bữa tối và tính luôn ba phòng khách sạn Ngân Hà đêm đầu tiên “thuộc quyền chi” của nhà văn Đức Ban. Nói khó mãi, ông mới cho dùng rượu của khách mà ông nói, rứa thì được, rượu của hàng xách tay thì được. Bùi Việt Thắng đỏ mặt suýt giận. Quả thực, thầy trò chợ búa đâu không biết, chứ với thầy Thắng nó thiêng liêng cổ điển. Ngày thứ hai tại Vũng Áng, nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng và nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã hân hoan tiếp đoàn trong cái vất vả của nắng nóng ngột ngạt Vũng Áng 410 C ngoài trời cũng như trong nhà. Rượu cả can ngâm thảo dược quý, loại rượu mà Nguyễn Ngọc Phú nói “vợ em nấu riêng cho em uống, vì nó mà xa nhà đến 20 cây số nhưng em cứ đi về mỗi ngày, có khi trưa nhớ rượu quá cùng chạy về làm một choác.” Phú là Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh, người Cửa Sót huyện Lộc Hà. Phú nói, vợ em người Vĩnh Phúc, của hồi môn chả nhiều tiền bạc, chỉ độc có nghề nấu rượu, mà chỉ nấu riêng cho chồng uống. Men mua ở vùng Bắc Ninh, ủ rượu bằng nước khe Hao Hao, ngọt và trong ít nơi nào còn được thế. Tôi nhấm thử, ngon thật, rất nhiều vị, vị nào cũng nồng nàn nhưng không tách bạch nổi có vẻ như chúng lịm vào nhau. Màu mật ong trong veo như tranh lụa, đặc trưng như bia Hà Nội không nơi nào có. Phú nói đấy đấy, cái nước khe Hao Hao vùng Cửa Sót nhà em nó tạo nên như nước sông Hồng ngấm qua cát lành mà lọc đến tinh khiết cho thành vị bia Hà Nội. Giờ Formosa mới chạy thử, đã thế, nhưng chưa làm bẩn nổi rượu nhà em. Nay mai nó chạy thật, khói than bụi bốc lên trời, gió Tây Nam nổi lên, nó sẽ giết nốt nguồn nước là hết, hết tất. Uống đi các bác, vâng, chúng tôi uống như rồi không chắc còn được uống cái vị thật nồng nàn mà thật trong trẻo này nữa. Trong veo như tuổi thơ cho còng còng uống “rượu” từ ống cỏ. Vâng, cạn!
Ngồi bên lò rượu đêm hôm ấy
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu
Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 có diện tích 22.781ha với mục tiêu xây dựng, phát triển thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực. Nó được lập trong giao thời quyền lực, sắp bầu cử Quốc hội khóa XI, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ nghỉ sau 2 tháng 24 ngày nữa để chính thức bàn giao cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 27 tháng 6 năm 2006. Chắc rằng trong Giáo khoa thư Chính trị Kinh tế học sẽ phải có tiểu mục Formosa, với nội dung phải hết sức cảnh giác lúc giao thời. Nhân thể, ta có thể tham khảo thêm: Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu chấp thuận Patriot Act (Luật Yêu nước), vào ngày thứ Năm lúc nửa đêm (đêm 5 rạng sáng ngày 6 - 3 – 2006) cho phép FPI nghe lén điện thoại. Hạ viện chạy đua với thời gian để thông qua, bất chấp một số thành viên nói rằng pháp luật cần phải được thay đổi để bảo tồn quyền tự do dân sự nhiều hơn và quả nhiên sau này nó bị cáo buộc vi hiến, các nguyên thủ Đức, Pháp cũng bị nghe lén, trở thành một vụ Formosa về cuộc chiến ngoại giao đầy tai tiếng. Nó cũng nhân danh vì Quốc gia đấy!
Dục tốc bất đạt.
Thực ra, các tỉnh Nghệ - Tĩnh và song Quảng Bình Trị nghèo đã thành độc quyền – bản sắc và các vị lãnh đạo tiền bối không phải không biết phi công bất phú. Chỉ các tài nguyên văn hóa phi vật thể là giàu, dân thông minh, giàu trí lự và ý chí cách mạng. Hà Tĩnh có tới hai Tổng bí thư, 80 nhà văn đang viết, biển đẹp và trong lành. Là một tỉnh, cùng với Bến Tre và Thái Bình, bậc nhất hiếu học và “chuyên” sản sinh ra các đại trí thức: Các cụ bác học Lê Quý Đôn, Trương Vĩnh Ký; các thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu…Tôi không biết gì về phong thủy, nhưng nếu ai cũng nói “địa linh (thì) nhân kiệt”, vậy thì Hà Tĩnh là đất linh vào bậc nhất vậy. Nói chung, đặc sản vùng đất này là núi biển đất đai gió cát hun đúc lên khí thiêng để con người hít thở lại được cái nghèo tôi luyện mà thành tài cao chí lớn.
Nghèo chứ. Nghèo đến mức lãnh đạo Quảng Bình than thở với Đại tướng, Đại Tướng thở dài hỏi lại, xem có việc gì tôi có thể giúp quê không? Nói chỉ xin khi nào đến lúc, Đại tướng về lại quê nhà để dân lập đền thờ, tạo nên một điểm nhấn cho du lịch tâm linh. Và câu chuyện đảo Yến, Vũng Chùa đã ra đời như thế!
Không nghèo mới lạ. Cả Hà Tĩnh chỉ độc có mỏ sắt ở Thạch Hà. Nhưng khai mỏ sắt lên mà luyện cốc, eo ôi sẽ gây ô nhiễm môi trường để rồi, cùng với chút chút việc làm là bầu khí quyển các bon hủy hoại nguyên khí ư? Các nhà cựu lãnh đạo đã lắc đầu với rất, rất nhiều người và nhiều lần mời mọc năn nỉ. Tuy vậy, tuy Quyết định 72 năm 2006 là một dục tốc, nó chả của riêng ai, có lẽ là tại do cái nghèo quá đã xin được chữ ký ấy, nhưng Quyết định 72, Điểm thứ 3 của mục tiêu ghi rõ: “Xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng, đồng thời ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung Bộ.”
Người đệ trình Dự án Formosa đã vi phạm Điểm thứ ba, Quyết định 72/2006/QĐ-TTg. Có câu, bây giờ biển đã chết thì nói khôn ai chả “khôn”? Không phải, không thể nói thế. Bán đất, bán quặng, dầu thô và tài nguyên nói chung…là đệ nhất hạ sách. Bán hơn 300.000 ha đất biển trong lành và tiềm năng du lịch đến có thể có các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung bộ để làm lò luyện quặng ra sắt thép là một tầm nhìn người dân có chút hiểu biết trung bình không thể chấp nhận. Vả lại, cái anh giai tế Hải Dương người Hán Chu Xuân Phàm nói dại. Anh nói “chọn thép hay chọn cá” là giả đề vô nghĩa. Ở đây cần nói, cá của tôi và thép của anh, chứ thép nào của tôi? Khi cần, tôi mua thép của Úc, Nhật, Hàn rẻ lắm vì nó là hàng đang khủng hoảng thừa. Cái tôi cần là việc làm, anh có việc cho vài nghìn người của cả nước rồi gây thất nghiệp cho hàng triệu người 4 tỉnh miền Trung; cái tôi cần là khí trời nước biển trong lành để sống thì nay anh làm chúng tôi khó sống. Anh con rể người Việt, hãy nhớ, khí độc tác động vào hệ thần kinh có thể biến các cô vợ xinh đẹp hiền thục thành những bà nạ dòng hung dữ, hãy nhớ lấy!
Vâng, hạ sách là đào quặng sắt lên mà xuất khẩu, như mười mấy năm trước người ta đã bán cát đen (titan) ở Hà Tĩnh hay mười mấy năm nay không biết là đất quặng gì mà xe trọng tải lớn vẫn chở ngày đêm ở Lào Cai bán qua biên giới. Là hạ sách, nhưng còn khả dĩ. Trung sách, thì 30 năm trước khi Formosa ra đời, lãnh đạo Hà Tĩnh đã dùng, là kiên nhẫn chờ các thế hệ mai sau hoặc khi nào con cháu sở hữu được công nghệ tân tiến cái đã, mới bàn. Của chìm trong nhà cứ để đấy, còn người là còn của.
Nghèo chưa chết. Chưa ai chết vì nghèo. Nhưng vội làm giàu thì không thể không gây ra chứng nọ tật kia như nó đã và còn sẽ gây ra.

Quan niệm cũ, quan như phụ mẫu, từ đấy có câu, cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không. Không sao, cha mẹ nghèo đã sinh ra, đã nuôi ăn học cả hàng vạn cán bộ to. Nhưng nếu cha mẹ vừa ham giàu vừa dốt mới thật thảm họa.
Người ký cấp phép cho Formosa tại Khu Công nghiệp Vũng Áng từng là cán bộ Xã Đoàn xuất thân, lên đến Tỉnh Đoàn thì gặp thời “bung ra” chuyên xúc cát đen giàu titan mang bán mà trở nên giàu có, còn được tiếng là năng động. Khi hiểu được bí quyết và nhẽ thăng tiến từ bệnh thành tích, “cán bộ nào phong trào ấy” mà nên to, ông rước Dự án Formosa khủng này về. Một dự án lớn nhất nước.
Âu cũng là hết nạc (cát đen) vạc đến xương. Thủa hàn vi, nhà hết gạo tôi từng hầm xương gà với cơm cháy từ bữa trước bố mẹ đãi khách thành nồi cháo gà ngon nắc nỏm. Bí quyết là phải ninh nhừ cả buổi, để thúc chất bổ trong xương tủy quyện vào với cháo, chứ sốt ruột háu ăn thì trông bát cháo khác gì cái bát rếch của một bữa nhậu, lại còn dễ bị hóc. Hóc gì chứ hóc xương gà thì thảm họa tức khắc, hệt Formosa.
Vạc đến xương là cả một năng lực, một phép tắc làm ăn của mọi nền kinh tế. Nó khác hẳn quy trình xúc cát đen thiên nhiên tạo ra từ hàng triệu năm mang bán lấy tiền đếm trong vài giờ. Chúng tôi ngồi trong xe đi thăm khu luyện thép của Formosa, họ không cho xuống đất của họ, không được chụp ảnh. Phép tắc ở đây là thế. Vừa qua khỏi cổng, Nhương Tác Nghiệp đã nhanh nhảu bấm máy, thì ngay lập tức có tiếng hét ở bục bảo vệ rồi thấy có tay ăn mặc rằn ri bụng đeo máy bộ đàm, tay cầm dùi cui roi điện gõ vào xe chúng tôi như gõ lên đầu kẻ phạm tội, bảo phải xóa hết cái ảnh vừa chụp. Thật chả còn biết ra làm sao. Họ cứ làm như đất của họ với nghĩa sở hữu chứ không còn là đất thuê 70 năm, định ra phép tắc luật lệ riêng, bất chấp việc đoàn nhà văn nước chủ nhà đến địa chỉ cụ thể của đất nước mình, với lệnh của Chủ tịch tỉnh “cấp” lần lượt qua điện thoại và có hẳn Chánh Văn phòng Khu Kinh tế Hà Tĩnh ngồi xe dẫn đường. Ở đây đề nghị cần có ai giải thích chủ thuê đất với chủ sở hữu đất, cho các người có kinh nghiệm xả độc ở Campuchia, ở Mỹ biết rõ, dù thời gian họ còn ở đây hẳn là không còn lâu la gì. Nhưng một ngày ở lại đất này cũng phải biết phép tắc mới được. Tinh thần của Luật Đất đai mà ai cũng hiểu, nhà anh là nhà anh, bất khả xâm phạm; nhưng anh thuê đất làm nhà rồi trong nhà anh chứa vũ khí trái phép, làm ổ chứa mại dâm thì tôi có quyền ập đến bắt quả tang tội phạm chứ đâu phải là của anh thì tôi không còn quyền sở hữu thực? Ở cổng Formosa lại không hề có biển đề hoặc NO PHOTO hoặc 不罩相 nhưng kẻ ăn người ở lại dám gõ lên mái nhà di động của chúng tôi thì khác gì chúng tôi đang lạc đến xứ sở dã man? Đến đây mới thật ngấm cái mệnh đề kinh tế học của Mark: Chủ nghĩa tiền tích lũy tư bản dã man, chúng bất chấp lẽ phải và luật pháp. Nghĩ, càng nghĩ càng rã rời, nhưng đành nhẫn nhịn để ngồi xe đi vòng vèo xem vóc dáng của nó. Công tơ mét xe đếm được 16 km mà mới chỉ xem được một góc. Quả thực, nếu mệnh đề Formosa là một thảm họa thì hôm ấy chúng tôi đi vào lòng cái thảm họa mênh mông. Phải nói thẳng, thảm họa mênh mông vĩ đại này trông nhã nhặn và lịch sự. Màu, khối, mảng và đường đi đâu ra đấy. Giá đất thuê mỗi mét vuông một năm chỉ có giá mươi mười lăm ly trà đá có khác. Khối u ác của đất linh mang dáng dấp một thiên đường, đầy bí ẩn.
Không nghe tiếng máy chạy, không một đống rác sinh hoạt, ngay một bóng người đi lại cũng không.
Nhưng rời không gian nhã nhặn bí ẩn ấy, sà vào một xóm dân là sôi sục ngay.
Tôi đứng dưới mái hiên nhà chị Nguyễn Thị Vinh, người từ xã Kỳ Lợi di dời về đây, nhận 250 triệu đền bù để đất vườn nhà cho Formosa, xây xong được ngôi nhà ống trần thấp thì tay trắng giữa những người trắng tay khác ngày ngày chịu đựng cái nắng nóng không một bóng cây, hiện tại là nắng gió Lào. Ở Kỳ Lợi, chồng chị đi biển kiếm cá cho vợ bán, vợ ở nhà cấy trồng nuôi con gà con lợn rồi đón cá chồng kiếm về, đi chợ. Trẻ con dắt con bò một buổi, đi học một buổi. Một đời sống nghèo nghèo nhưng yên bình. Giờ biển chết, thuyền nằm úp mặt xuống cát bỏng, cong vênh như cái bánh đa nướng; còn vợ chồng chịu đựng cảnh thất cơ lơ vận. Da mặt sắt se. Tôi có cảm giác, rồi họ ngày càng hoặc teo gầy do bởi toàn bộ năng lượng phải dùng để tái tạo lớp da dày lên trong chịu đựng, hoặc họ sẽ nổ tung bởi lo âu phẫn uất. Tôi đứng dưới cái nóng từ trời dội xuống, từ mặt đường nhựa hắt lên. Mặt tôi lúc ấy hẳn xấu như ma bị cấu. Nghe các ngư phủ thất nghiệp dãi bày. Ông Nguyễn Văn Thành, 57 tuổi thì nhận được hơn 700 triệu đền bù, xây xong nhà thì hết tiền, hết cả tích lũy. Hết tiền cũng không lo, ông là một ngư phủ cự phách; nuôi 8 con, 4 đứa đã xong đại học, còn 4 đứa nữa “đang không biết lấy chi nuôi chúng ăn học.” Tôi mới tập thói quen ghi chép trên iPhon, nhưng lúc này ruột gan quặn thắt, đau nhói, mắt nảy đom đóm trong triệu triệu li ti ánh lóe từ đường nhựa múa may dưới nắng, bấm chữ nọ xọ chữ kia. Đành cứ đứng nhìn trân trối vào cơn nóng ngột ngạt đang dần quánh lại.
Chúng tôi xuống Vũng Áng, qua những mảnh làng hoặc xác xơ hoang phế hoặc đang tháo dỡ, ngổn ngang như vừa qua trận bom. Gần bãi biển hơn, đã có những bóng cây, những hơi nước biển. Nhưng gặp những cái quán phục vụ ngư dân hay du lịch vắng vẻ đến tuyệt đối thì cái ngột ngạt trở lại. Nóng dường như dữ dội hơn khi chúng tôi đứng bên cầu bến kè đá, nằm la liệt những thuyền lớn thuyền nhỏ úp sấp trên cát bỏng. Biển xanh ngắt ngoài khơi xa, hiện không có sóng gió, biển thành tấm gương phẳng mịn xanh phản quang cái nắng từ trời không ngừng dội xuống, không ngừng phát tỉ tỉ ánh lóe bung lên. Tuyệt đối không bóng người. Biển nằm thiêm thiếp mê man, mặc cho những con thuyền không người không buồm chèo như cái xác ve nằm úp lên da thịt người đang mệt mỏi đến không còn sức phủi đi. Cát trắng giống da người hơn, thuyền càng giống xác ve hơn. Biển Vũng Áng đẹp như mơ từ khai thiên lập địa giờ đã hoang tàn, thật sự hoang tàn.
Cạnh cảng Vũng Áng có trụ sở Hải quan, chúng tôi ghé qua nhờ máy điều hòa hạ nhiệt giúp. Không biết những ngày Formosa nhập hóa chất về súc xả thải thì sức sống của Hải quan ta thế ra sao chứ giờ nó cũng vắng ngắt. Nhưng tôi ngờ rằng, từ nay, nó chỉ còn dùng để phục vụ máy móc hóa chất của Formosa nhập về. Không thấy đồ dùng, máy móc phục vụ cho việc thông quan đâu, trụ sở Đồn Hải quan vắng ngắt vì thế nó không giống Hải quan, giống cái đồn biên phòng hơn nhưng lại không có súng ống gì. Lạ thật!
Lạ ở chỗ, Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt lẫy lừng trăm ngàn năm nay mà có thời lại sinh ra một ông quan đầu tỉnh chuyên xúc cát bán rồi trưởng thành lên rước Formosa về, sinh ra một ông Chánh Văn phòng Khu Kinh tế Hà Tĩnh không bênh vực nổi việc đoàn khách do ông hướng dẫn khỏi bị gõ dùi cui gõ lên nóc xe – kẻ này cũng dân Hà Tĩnh nhưng nhân danh kẻ có tiền để gõ trên nóc xe của đoàn khách của ông và tại Vũng Áng này lại sinh ra một Trụ sở Hải quan mà không hề thấy dụng cụ nghề nghiệp.
Nhưng cái nhức nhối hơn lại ở chỗ, không riêng Hà Tĩnh là nơi con người và cảnh vật mà tôi vô cùng yêu kính mới trang bị sơ sài như vậy mà lại hăm hở cưỡi trên lưng những con hổ dữ là các nhà đầu tư nước ngoài hơn mình mấy trăm – mấy chục năm kinh nghiệm công nghiệp hóa và sức mạnh của kim tiền. Cần rút gọn lại Tư bản = Đầu tư = Tiền. Quản trị Tiền thì phải mạnh lắm, vô cùng mạnh mẽ hơn nó, mới không bị nó bắt nạt và đùa giỡn, biến anh từ Có về Mo, từ hẳn hoi nghiêm chỉnh hóa ngay ra thằng tội phạm!
Rõ hơn chả bõ hao, từ chỗ mát ra bãi cát bỏng, biển hoang, thuyền như mo nang như xác ve khiến cái ngột ngạt càng dữ dằn bỏng rát hơn. Có câu thơ Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Còn cái ngột ngạt như thế này thì sức đâu mà chịu? Ngột ngạt phối trộn bởi nắng, gió Lào 410 C trong bóng râm bạch đàn gầy cùng với bức bối cảm xúc, quyện lại, quánh lại đến có thể cắt ra từng miếng từng tảng.
Thật may, rượu ủ bằng nước suối Hao Hao do vợ Nguyễn Ngọc Phú nấu riêng cho chồng rồi ngâm vị thuốc gia truyền đã hạ hỏa chúng tôi. Vị nồng nàn mà mát thơm mùi thảo dược làm tan dần cái ngột ngạt đặc quánh, cái dịu ngọt thơm hiền như khí vị ngày xưa giúp hậ nhiệt. Gió từ quạt chủ quán vẫn là gió Lào, những chúng tôi đã mát lại tâm, tâm đã mát như vừa uống nước rau muống luộc dầm sấu thì còn sợ gì nữa. Thế rồi rượu vào thì lời ra, thơ ra. Lạ là Phạm Cảnh Nam, cháu gọi nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là chú ruột từ bàn nhậu bên cạnh dè dặt đến xin góp vui cùng đồng nghiệp bạn bè của chú. Và anh ta hát, hát rất hay. Ngôn ngữ, đúng hơn là tôi không đủ sức truyền đạt cái hay của giọng ca xót xa trầm buồn của Nam. Nó làm gió để biển đang mê man thức dậy, lao xao sóng. Nó làm chúng tôi đang như các cái xác khô đét dưới ngột ngạt gió Lào hiền lành rồi đi đến nghiêng ngả cùng nhau. Gõ thìa đũa, lẩm nhẩm theo ca từ, ư ư theo giai điệu rồi Nguyễn Ngọc Phú dường như không chịu nổi sự dịu mềm, đã vùng lên đọc trường ca Biển. Thơ Phú đã hay, giọng đọc như lên đồng mới thật đắm đuối, thật vang vọng.
Cũng cần kể ơn tại không gian thiêng liêng bí ẩn của Đền Chế thắng Phu nhân u huyền dưới bóng mát khu rừng đã làm dịu hẳn lòng tôi. Tâm linh thực quả có phép cân bằng!
Và như thế, hồn biển Vũng Áng đã trở lại, an ủi vỗ về tôi phần còn lại của ngày 19 – 7 - 2016!
Nhiều ý nguyện đòi hỏi truy tố Formosa và những kẻ tội phạm gây ra sự có mặt của nó ở Hà Tĩnh để nó gây ra thảm họa môi trường mấy trăm cây số dọc bờ biển đẹp như mơ của ta. Đó là việc của công quyền.
Nhưng trước khi Chính phủ, Viện Kiểm sát có quyết định chính thức, tôi đề nghị cần coi thảm họa này nguy hiểm ác độc ít nhất là bằng bom Mỹ và đạn pháo Trung Quốc bắn sang Vị Xuyên năm 1984 và cần gọi nó là giặc, giặc môi trường của cá, người và giá trị nhân văn không có gì thay thế nổi của Biển. Xin lỗi là trạng thái lỗi do vô tình gây ra, thì chấp nhận được. Còn đây là lỗi cố ý, không thể xin lỗi mà xong. Con số 500 triệu dollar khi đặt cạnh giá trị nhân văn bao la và bất tuyệt của Biển là một sự giễu nhại ghê gớm rồi. Còn chưa kể hàng triệu, nhiều triệu ngư dân và con em của họ (sao lại chỉ tính có con số vài trăm nghìn ngư dân?) từ nay sẽ sống bằng gì? Có cán bộ còn dại mồm dại miệng nói “ưu tiên ngư dân đi xuất khẩu lao động”, có khác gì bảo dọn dân đi chỗ khác để lấy đất cho cư dân nước khác sang làm giàu kiêm hủy hoại môi trường sống của người Việt? Nói trên TV thì gió thoảng qua, chứ chớ nói trước mặt ông Nguyễn Văn Thành ở Kỳ Lợi. Là ông chủ của biển khơi, sao ông lại thèm đi làm mướn? Ông Nguyễn Văn Thành nói: Biển là ruộng của chúng tôi cấy gặt, nay vùng biển quen thuộc của chúng tôi không còn tôm cá. Bảo ra khơi xa đánh bắt cũng khó. Ra may đánh bắt được, thì bán tôm cá không ai mua (nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng có bài cá tôm ở bến Thiên Cầm chở ngược ra bán ở chỗ khác) mà ra khơi thì tàu Trung Quốc nó đâm, nó nạt, nó bắn nữa. Chụt đường sống mất rồi!
Xem ra, kinh nghiệm quản trị đất nước có lỗi ở vụ này. Kinh nghiệm quản trị dân Việt hiền lành giúp rất ít trong việc quản trị Tiền và những âm mưu tiềm ẩn dưới vẻ lịch sự nhã nhặn. Khi sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, hai ngày sau Công an môi trường đã tìm ra, qua công tơ điện ở hệ thống xử lý xả thải thấp xuống đột ngột, qua đấu tranh, Formosa đã nhận do mất điện, khi có điện cứ thế đổ từ bể chứa ra biển; một tuần sau Bộ Nông nghiệp – PTNT đã có thông tin trong ruột cá chết có chất độc do kim loại nặng. Vậy mà gần 3 tháng sau, dân mới biết thông tin kèm một lời xin lỗi cúi đầu rất thấp. Trong ba tháng ấy, có biết bao bão tố ở trong dư luận, trong lòng mỗi người – phải nói là toàn Đảng toàn dân lo lắng hoang mang - có quá nhiều xử lý không đàng hoàng. Đã vậy, lại còn “trấn an dư luận” bằng cách cho mấy quan chức non dại nói trên TV, nói lấy được, đinh ninh như cụ Tản Đà nói, kẻ trong xi nê ma nói thì ta nghe, chứ ta nói nó không thể nghe được. Đó là 3 tháng sự khăng khít như cá với nước giữa dân với chính quyền xuống đến mức thấp nhất kể từ ngày lập nước. Sao không cứ nói ngay sự thật rồi cùng dư luận và các nhà khoa học đồng sức đồng lòng đấu tranh với tội phạm? Lại cứ phải dè dặt, chờ cho chắc chắn mới công bố?
Về quyết tâm (mà tôi không dám nghi ngờ ý chí thật) “sẽ đóng cửa Formosa nếu còn tái diễn” xem ra cũng vẫn còn là một giải pháp tình thế. Vâng, xin hỏi với công nghệ lạc hậu, lại coi thường chủ nhà như Formosa, nó sẽ mang chất xả thải xuất khẩu đi đâu nếu không đổ đây ở đó tại Việt Nam? Cần nhận rõ, nó vẫn đang tái diễn ý đồ, chỉ thay đổi mẹo mực, mánh lới. Hiện Formosa đã thuê Công ty Môi trường của một huyện ở Hà Tĩnh, với công nghệ chủ yếu là đào, chất lên xe rồi đem đi đổ ở đâu thì đổ rồi nhận thù lao hơn 400 tấn độc hại từ Formosa thải ra. Ngay một trung úy C 47 của Tổng cục Cảnh sát, cũng có thể trả lời rất nhanh kẻ phạm tội là A khi A thuê một đứa trẻ 40 ký, vác một bao tải ma túy nặng 70 ký đi từ điểm X đến Y. Vâng, kỹ năng suy luận tội phạm thật đơn giản; chứ nếu không thì để kẻ ác mà tinh ranh gây họa cho nhân loại còn biết đến bao giờ?
Tôi cũng như người xưa nói quốc gia hưng vong thất phu hữu trách (đứng trước sự mất còn, đến kẻ thất học cũng có trách nhiệm) tôi xin tham góp vào quá trình luận tội như vầy: Ông Võ Kim Cự ký giấy phép cho Formosa thuê 70 năm là hai lần sai phạm. Ông cho phép ngành kinh doanh sẽ tàn phá môi trường là luyện thép, là vi phạm điểm thứ 3 (nêu trên) Quyết định số 72/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Vụ cá chết hàng loạt khi đó chưa diễn ra, nhưng sản xuất gang thép ở nơi mà sẽ phải xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc miền Trung như quyết định của Thủ tướng đã nói rõ; như thế có là tội không? Tội thứ hai là làm quan đầu tỉnh mà lại đề xuất cho Formosa thuê 70 năm là vượt quá thẩm quyền.
Nay thì cái sự làm trái và lạm quyền đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ông Võ Kim Cự cũng vi phạm Điều 7, khoản 1 Luật Đầu tư (luật năm 2014, luật năm 2005 là điều 50) quy định về việc đảm bảo An ninh Quốc phòng trong Dự án đầu tư. Điều 31, khoản 1 điểm c: Khu công nghiệp gắn với cảng biển quốc tế…đều phải được Quốc hội cho phép hay không. Điều 30 Luật Đầu tư nói kỹ hơn về điều này, như sau:
“Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:
1. Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc TIỀM ẨN khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
a) Nhà máy điện hạt nhân;
b) Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;
2. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng ĐẤT TRỒNG LÚA NƯỚC TỪ HAI VỤ TRỞ LÊN với quy mô từ 500 HECTA trở lên; (riêng Formosa chiếm hơn 2000 ha ta lúa nước, đồng cỏ)
3. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;
4. Dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.”
Vả lại, ông cựu Chủ tịch Hà Tĩnh từng huênh hoang Dự án gần 10 tỷ đô la lớn nhất nước là Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư. Đến nay ông vẫn nhận thế chứ ạ?
Vâng, nếu nó lớn nhất nước thì chắc nó phải được Quốc hội xem xét quyết định. Vậy xin hỏi, Dự án Formosa được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp nào và do ai quyết định cho Chủ trương đầu tư?
Xin hãy trả lời và đừng coi thường câu hỏi của dân như người trong phim, làm như là không nghe rõ. Nhân dân Việt Nam đã dành 30 năm đánh giặc để cứu Nước. Nay là thời kỳ Dân giữ Nước. Xin nhớ giữ Nước là việc không thể không có nhời nhẽ, sức lực, xương máu và tiền của Dân.
Nguồn: Nhà văn & Tác phẩm số 18, tháng 7 - 8 năm 2016
Chú thích ảnh thứ ba, từ trái sang: Bùi VIệt Thắng, Trần Nhương, VC, chú Khôi lái xe của Hội ngồi sau VC và lão nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: