Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

BÊN KIA CÂY CẦU


          
                            Truyện ngắn Hồng Giang

Lần thứ hai mình vào quán của em. Một cái quán nhỏ, sâu hun hút, ẩm thấp, độ âm so với gương đường.
Vốn dĩ nó là cửa hàng photo coppy không ăn khách, em thuê lại. Lòng quán hẹp chỉ kê duy nhất một dãy ba cái bàn gỗ ép, chân bàn bằng sắt uốn, có thể gấp lại được. Ban ngày khoảng trống ấy dùng làm chỗ ngủ, những hôm em không có việc gì, đi đâu đó..
Một gian xép làm chỗ đun nấu, chỉ nhóm bếp lò đun than vào lúc xâm xẩm tối.
Quán như thế, không thể bán hàng ăn buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều vì không chứa được bao nhiêu khách.
Dĩ nhiên rồi.
 Em chỉ bán về đêm, cho những khách cơ nhỡ dọc đường. Như mình chẳng hạn. Hoặc cánh lái xe, người đi chợ đêm ngoài thành phố. Đông nhất là đám con bạc, kẻ ăn sương ( chỉ có giời mới biết là họ đang làm những gì )!
Em có vẻ mừng khi thấy mình đỗ xe trước cửa:
- Cứ tưởng không có khi nào còn được gặp nữa.. Em đang mong anh đây!

Mình sướng. Một gã như mình vẫn có người mong chờ, ngóng đợi nữa hay sao?
Chả cứ mình, trừ những thằng ngu ra, ai chả sướng khi có người khác quan tâm đến mình, còn bảo là “đợi” nữa? Người “mong” ấy lại là một cô nàng có bề ngoài khả ái, nom “đường được” như thế này?
Nhưng không biết chuyện gì mà em mong?
Mình không phải đợi lâu. Em pha cho mình cốc trà chanh nóng, đúng như sở thích của mình. Còn cẩn thận đưa cho mình cái khăn lạnh lau mặt. Cử chỉ này khiến mình nhớ đến cô vợ lành hiền chất phác ở quê của mình. ( Tất nhiên về mặt nhan sắc, vợ mình chả ăn thua con mẹ gì với cô chủ quán này đây ). Nói thế cho vui. Vợ bao giờ chả “Năm pờ oăn”? Gái đời có xinh bằng mười, cũng không thể hơn vợ quê của mình được!
( Ngàn đời nay, truyền thống gia đình Việt “vẫn là”, “mãi là” thế mà! )
Bởi vì vợ ngoài chữ “tình”, còn hơn cái “nghĩa” ở đời với nhau. “Bồ hay đến mấy, mãi chỉ là bồ”.
Mình thề!

Em dạo khúc đầu:
- Thật là ngại quá! Mới quen biết mà nhờ anh chuyện này em thấy áy náy thế nào í.. Nhưng vì gấp quá rồi, em cứ đánh bạo. Được thì được, không được thì thôi, anh đừng cười nhé?
- Gì mà cứ phải úp mở như thế?
- Còn một ngày nữa, em phải trả nốt số tiền cho người ta. Dạo này buôn bán ế ẩm quá, dự tính của em không thành công. Có hai triệu bạc mà khó như người ta cả trăm, cả tỷ.. Nếu anh có, cho em mượn tạm. Chỉ một tuần đổ lại em sẽ trả đầy đủ..
Không cần em nói, mình quá biết sự buôn, sự bán hiện thời như thế nào. Buôn thua bán lỗ đâu chỉ mình em?
Hàng trăm siêu thị, nhà hàng trong nam ngoài bắc có ngày không bán được đồng tiền hàng nào. Khách ra vào chủ yếu để “xem” và “ngắm”.
Tiền bạc như có trí khôn, và rất kỹ tính, cứ tìm cách chui vào két sắt các đại gia, các ông to bà lớn, chả thèm để ý đến cái ví lép xẹp của người nghèo, đến người buôn bán phọt phẹt, công chức quèn như tôi với em.
Bạc tiền ở một đất nước không thiếu, bởi quê hương nền tảng của nó là: “rừng vàng biển bạc, rẽ cá mới thấy nước” hết chiến, hết loạn rồi, “đang phới phới đi lên”. Bảo hết tiền hết gạo là cớ làm sao?
Em một thân một mình. Ăn tiêu đáng bao nhiêu, để mang công mắc nợ?

-  Em hận cái thằng chồng cũ của em nên cố mua cái xe này ( Em chỉ cái xe tay ga hình như mua lại vì không được mới cho lắm ). Hơn ba chục vé đấy anh ạ. Cứ nghĩ thiếu một tý, dành dụm trả dần.
Lần đầu tiên mình thấy có người hỏi vay tiền khách qua đường là mình, như em!
Ít ra nó cũng phải “có quá trình”, “hình thành và phát triển”, cái gọi là tình củm một chút với nhau!
Chưa hề cầm tay, chưa hẹn hò, thề thốt, ai lại làm quả hỏi “vay đứng” như thế này?

Em bảo nếu không thể trả cả một lần, em sẽ trả làm mấy đợt.”mỗi đợt hai trăm”. Thật, mà lại không thật. Có chút gì ẩn ý, điêu điêu, kín hở ở trong?
Có lẽ là em hiểu sai mình. Mình đến không phải vì “chuyện ấy”, vì cách cho vay “kiểu ấy”! Nhưng dù sao thì vẫn ý tứ, tế nhị kín đáo hơn cách tiếp thị của kẻ chuyên nghiệp, không trắng trợn vì mới vào nghề.
Hai triệu bạc không phải số tiền to, nhưng cũng không nhỏ. Bằng cả tháng lương giáo viên tiểu học của đứa em dạy hợp đồng. Bằng cả vụ “nông nhàn” vất vả của chị gái anh ở quê. Và nữa, bằng bữa “ăn rượu” vô tư nhà hàng của bọn môi giới đủ hạng đãi nhau.. Bằng..và không bằng gì gì nữa? Chả cần quan tâm!
Rất may là mình có lý do chính đáng. “Đêm hôm nằm một mình ở chân cầu mang tiền theo làm gì?”
Em cười, tin là thật. Em biết thừa mình đang làm ở đội thi công cầu. Một cây cầu cách đây không xa. Cầu khởi công hơn ba năm rồi vẫn chưa xong. Không phải vì thiếu vật liệu. Vật liệu thời nay có thừa. Máy móc thiết bị cũng sẵn, chả thiếu thứ gì. Thời hội nhập, mở cửa ra với thế giới bên ngoài, máy móc thiết bị cần gì cũng có. Chỉ thiếu mỗi tiền..
Mà cũng chả giống ai. Cầu xây gần xong rồi, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong ở hai bên đầu cầu!
Đáng lẽ ra chuyện này phải “đi trước, đón đầu một bước”. Ban quản lý dự án “chơi theo kiểu du kích”, đánh tỉa. Tưởng đâu bớt được chút tiền đền bù.
Đâm ra thất cách.
Khi giải ngân lại mỗi nhà một giá, không làm đồng loạt, kẻ trước người sau. Người nhận sau lại đòi thêm một tý. Người sau nữa đòi lên một tý nữa..
Từ giá theo quy định chung, thành giá ảo.. Người dân vì vậy mà không nhận tiền đền bù, không biết đâu là giá “chuẩn”, đòi ngước mãi lên.. May mà chưa có kiện cáo nào xảy ra.

Chỉ tạm dừng công trình. Công ty tạm đưa người, máy móc, thiết bị làm công việc khác.
Giá như làm đồng loạt, sự thể đã không nên nỗi. Có phải “chiến thuật du kích”, cò con bất cứ lúc nào cũng áp dụng tốt được cả đâu?
Tiến độ thi công chậm, bên A “ách lại” không giải ngân!
Ông “Tổng”, ông “Giám” cong đít lên mà “chạy”, huy động nguồn vốn. Mà đồng tiền bấy giờ như có “tinh”, thấy chỗ mắc mớ, “có vấn đề”, vướng víu một tý là nó liền thắt hầu bao lại. Trừ đi vay “xấp”, “tín dụng đen”. Nhưng đó là cái “lỗ đen” chết người. Các ông ấy còn do dự chưa dám “ vào chơi”.
Đã không ít nạn nhân chui vào cái lỗ này để rồi chả bao giờ có đường ra. Công ty chúng anh là không có dại, chả dám dây vào!

Để lại hai thằng anh ở lại trông nom thiết bị, với kho vật liệu đợi chờ.. Ăn vật, nằm vạ gần cả năm nay. Cứ như hai thằng tù lỏng, chỉ quanh quẩn hai bên đầu cầu, chả dám đi đâu xa.
Đến hàng của em như trường hợp này chỉ là việc hãn hữu.

Em có biết đâu lương bọn anh chậm cả hai tháng nay rồi, chưa nhận được đồng nào?

Vợ ở quê cứ liên chi hồ điệp gọi điện, nhắn tin. Nào là mua xe cho thằng anh lớn chuẩn bị đi làm. Nào là đóng học phí, tiền trọ cho con bé em đang học ở Hà Nội..
Từ lâu nhà nước đã “Xã hội hóa giáo dục và đào tạo”, quả bóng giáo dục đá hẳn sang sân ở phía người dân.
Sự học của con trẻ tất tần tật cha mẹ phải lo chả được miễn phí như xưa. Tiền đóng gạo góp như biết đường lên trời, mỗi ngày mỗi tăng!
Không như hồi xưa anh đi học chuyên nghiệp trung cấp. Tiền đã chả mất đồng nào, lại có thêm học bổng. Dù chỉ số ít, dưng mờ an tâm vô cùng em ạ!
Chỉ là tiền xà phòng đánh răng, tiền cơm hai bữa, nhưng mà đỡ khối. Không như bây giờ.
Ai chê thời bao cấp điểm nào thì chê. Chứ anh thì anh thấy thời ấy đi học khá thuận lợi, lại trong sáng, tử tế hơn bây giờ nhiều. Còn được nhà nước quan tâm.
Giờ khó thế đấy, theo được thì theo. Mặc!
Vợ chồng anh bóp mồm bóp miệng gửi hầu hết số tiền kiếm được của mình cho con. Em đâu có biết chuyện này? Đừng nghĩ bọn anh ở “Đội công trình số 4” tiền như nước sông, “Đông như quân Nguyên” mà lầm, em ạ!
Kể ra thì cũng không phải. Phái yếu, đang kỳ cơ nhỡ như em mở lời mà không giúp được, cũng cảm thấy ngượng, và áy náy thế nào trong lòng. Nhưng con người ta có phải điều gì muốn cũng làm được cả đâu?
Đêm nằm lại nghĩ. Chắc là em nói đùa thế, chứ em chả đến nỗi nào, hoặc là thấy cảnh nhếch nhác của bọn anh muốn đuổi khéo. Sợ anh ghi sổ nợ, ảnh hưởng đến quán của em.
( Nếu đúng thế, hẳn là em không biết. Giai cấp công nhân chúng anh bao giờ cũng mẫu mực, làm gì có chuyện nhố nhăng, chằng bửa? )
Hoặc em nghĩ: Không có gì chấm dứt nhanh, chấm dứt ngay được sự hiện diện của kẻ mình không thích dây dưa bằng cách hỏi vay tiền!
 Nhất là trong quan hệ của hai bên khác giới với nhau. Bảo “yêu”, bảo “mến” ư? Cứ thử hỏi vay tiền là biết ngay.
Cũng chẳng cứ quan hệ khác phái.
Ngay như bọn đực dựa với nhau, chơi bời, qua lại bao nhiêu năm giời.. Có lúc hứng lên nói như thể sẵn sàng cởi áo cho nhau mặc. Nhưng phép thử “Vay tiền” là biết hết!

Chung quy, bởi lòng tin giữa con người với con người. Hình như có điều gì đó không ổn. Đề cao lối sống vật chất, thổi nó lên to hơn cả con voi, trọng tiền bạc, đúng nó là khắc tinh của truyền thống tình nghĩa đời nay.
Mà đâu phải do khó khăn, bần hàn quá gây nên?
Dù sao so với ngày trước, còn chán vạn lần hơn, có khó cũng một trời, một vực. Có còn ai phải thèm ăn, thèm mặc, đói rách quá thể nữa đâu?
Tinh thần và vật chất đáng lý ra phải hài hòa, bỗng nhiên mâu thuẫn, thành con đường hai chiều, hai lối đi trái ngược hẳn với nhau.
Đỡ va chạm thật, dưng mờ buồn, lỏng lẻo hết cả chân tay!
**
Lần đầu mình đến quán của em là bởi do sếp.
Nếu “Giám” không đưa tới, mình cóc biết chỗ này là chỗ quái nào đâu? Một là không có “xiền”, hai là lo lắng công việc, chả dám đi đâu xa. Quanh quẩn ngày ngày bên hai chân cầu, sợ thằng nào vô phúc phá hoại, trộm cắp gì đó thì gay.
Công trình chưa hoàn thiện đã bàn giao được với “cơ quan chức năng” đâu? Trông coi chủ yếu vẫn hai thằng mình.
Chín giờ tối “giám” đột xuất đến! Đây là kiểu kiểm tra bất ngờ chưa từng có trong lịch sử quản lý nhân viên công ti mình.
May, mình lúc ấy đang soi đèn “kiểm tra kho bãi”. “Giám” có vẻ hài lòng. Lão ấy nói:
- Tinh thần các cậu thế là tốt. Tớ chả mang theo gì. Bây giờ hai cậu lên xe, ra quán thích gì tớ đãi một chầu!
Lão để tài xế ở lại trông lán thay mình, tự tay lái xe. Hai thằng lộc ngộc lên xe. Bấy giờ mình mới để ý đến cái xe của lão. Không phải “con” bóng mượt, long lanh trước kia. ( “Con ấy” mấy tỷ kia, chứ không ghẻ như con này! ). “Con” bây giờ như “xe bà già”, đời cũ lắm rồi. Có lẽ “giám” đã đổi xe để “xén” ra tý vốn?
Mình nghĩ thế nhưng không dám hỏi. Lão bực, điên lên chả hay ho gì vào lúc này. Người ta không nên gợi câu chuyện buồn những khi không phải lúc!
Dầu sao vẫn là đi “xế hộp”, không phải đi bộ là được rồi.
Mấy khi được sếp ưu ái, đãi ngộ như này?
Chả cứ công ty mình, chỗ quái nào cũng vậy. Phần nhiều nhân viên đãi sếp. Mấy khi sếp đãi nhân viên? Chả hóa ra là “đãi ngược” à? “Giám” đãi nhân viên như này là trời “để chân” ra ngoài!
Hiếm có lắm!
Thật là không may! Xe mới chạy được quãng, ạch ạch mấy cái rồi lịm hẳn. Thằng bảo vệ cùng cánh với mình có võ vẽ biết sửa xe một tý. Hắn vốn là lái xe đổi nghề. Mò mẫm mãi, hết cả pin điện thoại, cũng không biết nó là cái bệnh tội nợ gì?  Đành bó tay chấm than!

Sếp bảo cái tật của xe này chỉ tay lái xe nó biết. Thường vẫn xảy ra luôn. Chả biết tay ấy nó sờ sờ, mó mó thế nào lại chạy tốt?
Mình mới bảo:
- Thôi sếp cứ ngồi lên xe, bọn em đẩy về lán cho anh ấy sửa. Chả đi hôm này, đi hôm khác. Với lại bữa chiều bọn em vớ được con rắn ráo, thêm hai xị cũng khơ khớ rồi. Chẳng qua sếp bảo thì chúng em phải đi cùng cho vui thôi. “Điện” nạp đã đủ, sếp không cần lăn tăn!

Câu này mình thực tâm. Thỉnh thoảng mình với gã cùng làm “công tác bảo vệ” có kiếm thêm. Ở gần sông cũng phải biết “hưởng lợi” từ nguồn sông chứ? Cải thiện thêm “chất”, có sức khỏe để cống hiến lâu dài. Chiều nào cũng thả vài cái dọ tôm, nhờ tài lẻ từ hồi còn bé của mình, hôm nào cũng có đĩa tôm kho. Cứ đậu phụ mãi, nhạt miệng, chịu sao nổi?
Sếp không chịu. “Ai lại làm thế? Các cậu là công nhân viên nhà nước, với mình bình đẳng như nhau. Có phải quan hệ chủ tớ đâu để các cậu đẩy xe như thế? Phong kiến, lạc hậu bỏ mẹ!”
Câu này khiến mình rưng rưng cảm động. Mình nghĩ ra một cách:
- Hay là sếp cứ lên xe ngồi đây. Em chạy một lèo gọi lái xe ra?
Sếp không nói gì, nhìn quanh. Chợt thấy gần đó có ánh đèn, một quán ăn thì phải?
Ba thày trò đẩy xe đến trước cửa quán. Đúng ngay quán của em, mình đang kể trong câu chuyện này.
Quán nghèo, chả có gì vì em mới mở được nửa năm, chưa kịp “phát triển kinh doanh”. Mấy tháng trước còn có món chân gà nướng, nhưng giờ thì không.
Thiên hạ rỉ tai nhau, rồi truyền thông cũng đưa tin: “Chân gà nhập ngoại là thực phẩm không hợp vệ sinh, chứa nhiều độc tố của hóa chất bảo quản. Có khi đọng trong kho ba bốn năm mới sang đến nước mình”. Khách chê nên em cũng không nhập về nữa. Em bảo:
- Kể ra người mình cũng khôn các anh nhỉ?
Hỏi khôn làm sao?
- Không dùng thực phẩm bỏ đi, đầu thừa đuôi thẹo của nước ngoài kém phẩm chất. Ưu tiên dùng hàng Việt cho kinh tế Việt có cơ hội cạnh tranh với nước ngoài ngay sân nhà, mà lại an toàn thực phẩm. Em cho đó là giải pháp khôn ngoan!
Sếp không để ý đến lời em nói. Có lẽ mấy câu này ông nghe quen tai, nghe nhiều ở các hội nghị. Nhưng mình phục.
Tuổi em ý, lại quán khiêm tốn thế này, nghĩ được tầm “Vĩ mô” như thế không phải chủ quán nào cũng nghĩ được. Thậm chí chủ các nhà hàng to lớn, sang trọng chưa tất đã nghĩ ra. Chắc là em ấy có ăn học. Hoàn cảnh thế nào mới rẽ bước, sang ngang bôn bán như này?
Quả này là mình đã đoán không sai?
Chuyện được một lúc, chợt sếp của mình nhớ ra chuyện từng quen biết chồng em thời gian đã lâu, đã từng ăn cơm với vợ chồng em tại tư gia!
Chủ khách không nhận ra nhau, vì sếp không ngờ gặp em trong tình cảnh này.
Chồng em cũng là “giám” của một công ty đã tuyên bố phá sản cuối năm ngoái. Không biết giờ đang lưu lạc nơi đâu?
Em không tin người ta nói chồng em đang làm thợ xây bên Lào. Ngôi biệt thự của hai vợ chồng hiện ngân hàng đang thông báo bán thanh lý nhưng chưa có người mua. Em là kế toán trưởng của công ty giờ chuyển sang dịch vụ “bán hàng ăn đêm” cho khách qua đường.
Món nhậu đã sơ sài thì chớ, vì chỉ có trứng vịt lộn ăn với lá dăm, thêm câu chuyện buồn nữa, rượu như nhạt hẳn đi.
Mình chả có số đào hoa, gặp toàn chuyện buồn là chuyện buồn.
Và bây giờ là lần gặp thứ hai!
**
Ba tháng sau.
Mình hỏi tình hình “cây cột cái” bây giờ ra sao rồi? Em lặng im không nói. Mắt rơm rớm lệ, em tảng lờ như không nghe thấy. Mình hẫng, ai lại vô duyên hỏi em như thế? Mình có là cái gì của em đâu mà đi sâu vào đời tư người ta?
Định đứng dậy ra về. Lúc ấy em mới bảo:
- Hôm qua quán em không có khách. Nồi cháo gần như còn nguyên, buồn hết cả chân tay anh ạ! Cũng bởi tại em ham mua cái xe này. Nhà em về bảo mang đi để lấy phương tiện làm ăn, em không cho. Thế là sinh sự. Hắn bảo viết đơn ly dị. Em bực, ly dị thì ly dị, em cóc cần. Không ngờ hắn làm thật. Đơn đã gửi ra tòa rồi, chỉ chờ ngày tòa gọi.. Anh bảo em nên làm sao bây giờ?
Thì ra không phải em khinh mình. Tôn trọng, tin cậy là đằng khác!
Sở dĩ không trả lời ngay câu mình hỏi là vì tâm trạng không được vui. Mình chả biết góp ý với em thế nào?
Xui người ta làm phúc, ai giục người làm tội bao giờ?
Chia rẽ vợ chồng người ta, các cụ ngày xưa bảo: “sau này xuống âm phủ bị tội cưa đầu xẻ tai”. Là một cái tội không nhỏ.
Nhưng bảo em cứ ràng buộc với người chồng không còn yêu thương mình nữa như em kể liệu có nên? Mà mình biết nội tình hai người ra sao mà góp với chả ý? Nhỡ chỉ là quá bức xúc nhất thời mà xung đột, mình thêm dầu vào lửa, là chuyện chẳng nên gì.
Mình nước đôi:
- Cái này phải là người trong cuộc mới tự quyết định được. Người ngoài dễ phiến diện, chủ quan lắm!
Em cười gượng:
- Anh nói cứ như nhà đài. Nói thế em còn hỏi anh làm gì?
Rồi em thêm:
- Thực ra em đâu có tiếc anh ấy? ( Em đổi cách gọi tên chồng, có lẽ để giữ ý ). Nhưng anh có biết bây giờ anh ấy thế nào không? Chán ở bên Lào chả mang được đồng nào về thì thôi chả nói làm gì.. Vợ chồng với nhau không phải thấy lúc xa cơ nhỡ bước mà chia lìa. Thôi thì cùng nhau làm lại từ đầu, no đói có vợ có chồng, mãi rồi cũng qua..
Hai tay em cứ đan vào nhau, nói như thể với mình chứ không phải cho người khác nghe: “Người ta nói mưa to, gió lớn mới biết cây cứng mềm. Thiếu gì người lên voi, xuống lợn cuối cùng cũng nên người? Đằng này vấp váp một tý đã hoang mang, chán nản. Tệ nhất sinh ảo tưởng hoang đường.. Phát mại tài sản còn một chút đầu tư vào chứng khoán. Em nói thực, người Việt mình còn lâu mới chơi được trò ghê gớm, đáo để này. Đấy là cách mấy anh giàu non học làm sang, mấy anh nữa chết đuối mơ vớ được cọc!  Lại thêm máu mê đỏ đen cờ bạc, số đề. Anh ấy bảo “ Giẫm phải gai phải lấy gai mới nhỉ được, cần cù ăn dè hà tiện biết đến bao giờ trả hết công nợ?” Chịu, không thể hiểu cái  kiểu tính toán, kiểu hy vọng của anh ấy. Vay mượn chả thiếu đâu. Hết chỗ mới tính cái xe của em.
Em nói cái xe này là em mua chịu, người ta cho trả dần. Không phải để làm sang, cốt lấy chân đi. Cốp xe rộng là nơi cất giấy tờ, vài thứ quan trọng khác không biết để đâu. “Anh tính quán xá thế này, tủ ỷ chả có, những thứ ấy cất vào đâu? Đã không thương vợ thì chớ, đến nước này còn dồn thêm, em chịu làm sao được?”
Không nói mình cũng biết. Từ đây ra chợ cũng khá xa. Không có xe máy hàng ngày em đi chợ bằng gì?
Trông cái dáng người có vẻ quý bà của em, nếu không biết chuyện, ngay đến mình cũng không thể biết em đang khổ sở đến cỡ nào?

Chuyện khủng hoảng suy thoái đâu phải là chuyện bên Tây, bên Tầu? Nó ở ngay trước mũi mình. Chính bản thân mình cũng đang là nạn nhân của nó?
Tình hình lúng túng này rồi sẽ ra sao? Đã lâu mình mù tịt, chả có thông tin gì. Có mỗi hai “nhân dân” thằng mình, công ty chả bố trí một cái ty vi. Báo chí cũng ù suông nốt.
Sống gần thành phố mà như chỗ không có con người, như trên cung trăng hay nơi hoang mạc..
Một kẻ như thế, không có tiền giúp cho em vay thì chớ, đến câu góp ý thỏa đáng trong trường hợp em cũng tịt luôn.
Có thằng mù thông tin nào chỉ dẫn được cho người sáng bao giờ không?
Quá tam ba bận. Đây là lần nữa đến quán em, toàn gặp những điều khó nói.
Đành âm thầm cầu chúc cho em chân cứng đá mềm, qua khỏi cái đận này!
Đừng trách nhau, mà tội nghiệp!

==========




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: