Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

HAI TRÁI ĐÀO TIÊN


               Truyện ngắn của HG
Xe dừng lại giữa đường. Cả đoàn lớn nhỏ cộng thêm lái xe, lớn bé năm mạng vào một quán ăn ngang đường.
Quãng này vắng.
Một bên là con đê sông Đà chạy dài, chắn tầm mắt nhìn sang phía bên kia đường. Phía bên này, nối nhau những nhà vườn trồng cây ăn trái. Một hai công trường đất đang đổ ngổn ngang, không một bóng người, không thấy một chiếc xe bắt kể loại nào lại qua. Những kiểu công trường làm dở dang này có rất nhiều, nghe nói vì chủ đầu tư thiếu vốn, hoặc vướng mắc giải phóng mặt bằng.. Có cả những khu nhà đang xây dở, chưa có mái lợp và tường vẫn bỏ mộc đã lâu, chưa trát..
Từ đây về cầu Trung Hà không xa, chỉ độ năm bảy cây số là cùng
Quán vắng tanh, một lúc lâu mới thấy chủ quán chạy về. Ý chừng chị ta đang làm việc gì đấy sau quán, cạnh con mương nước cạn. Gian bên cạnh thụt xuống một cấp có ông già ôm đứa cháu gái. Có thể là ông ấy vừa gọi nên chủ quán mới biết là đang có khách, mò về.
 Tịnh không thấy đói, nhưng đứa cháu bảo vào quán, anh cũng ơ hờ, nhưng rồi vẫn vào. Cái điếu cày là vật anh thấy đầu tiên, theo thói quen của người nghiền thuốc.
Lái xe đi vòng vòng ra phía sau, nơi có một khoảng vườn nho nhỏ, trồng một vài thứ cây lạ mắt. Gã đứng trước một cây có quả không cao lắm, có những trái to tròn tròn rất lạ. Trái nào trái nấy vo vo, nom giống như trái bóng của trẻ con, da láng bóng. Gã nhìn chăm chú đến nỗi ông lão đang trông cháu phải đứng dậy đi về phía đó.
- Cây này là cây gì đây hả bác?
Ông già vui vẻ:
- Cây đào tiên cậu ạ!
- Quả có ăn được không?
- Không ăn được nhưng ngâm rượu làm thuốc tốt lắm. Nhất là cho người già, phụ nữ nuôi con nhỏ..
Nghe vậy, Tịnh đi lại gần. Quả thực là Tịnh đã từng thấy loại quả này, nhưng chưa dùng nó bao giờ. Lại còn nói ngâm thuốc nữa chứ..Anh có vẻ tò mò vì cũng cũng có  biết võ vẽ về thuốc, nên hễ thấy cây gì có thể liên quan đến thuốc là hay để ý. Anh hỏi ông già kia:
- Cây này cụ trồng lâu chưa? Mua giống ở đâu?
- Cũng cả chục năm rồi. Cây này dễ trồng, cắm bằng cành cũng sống. Nó vốn là thứ cây từ Mã Lai nhập vào miền nam mang ra. Năm tôi vào thăm chiến trường cũ, có ông bạn đồng ngũ biếu mang về trồng. Ở ngoài mình thứ này ít người có.
- Cụ có cây con không? Tôi muốn mua một cây.
Ông cụ xởi lởi:
-         Mua bán gì, ông cần tôi biếu ông một cây. Giống này dễ trồng, không cần ươm cây con, cắm bằng cành cũng sống được mà.
-         Được vậy hay quá, cảm ơn cụ. Nhưng chúng tôi đang về đám hiếu, mang đi bất tiện. Để khi ngược lên sẽ ghé xin cụ.
-         Vậy cũng được, ông với các bác vào ăn hàng đi, cháu nó đã  làm xong rồi đấy ạ!
Tịnh đứng dậy vào trong quán. Vợ chồng đứa cháu gọi anh bằng bác đã ngồi quanh bàn chỉ còn chờ anh vào.
Tự đây về đến quê chỉ còn một thôi đường, sao không về luôn cho kịp đám, lại dừng giữa đường. Anh chưa kịp hỏi đứa cháu, nó đã nói luôn:
- Bây giờ chắc ở quê đang lu bu công việc. Ông con mình ăn tạm ở đây cho nó có tinh thần chủ động. Sợ về lúc này, nhà đám lắm việc, lại lo ăn uống không tiện bác ạ!
Tự nhiên hôm nay anh thấy đứa cháu gọi mình bằng bác lại chu đáo quá. Chả giống hôm trước cũng đi đám hiếu ông chú họ trên Sơn La. Đói mềm cả người, nó tỉnh bơ như không. Đến lúc ông gọi nhà hàng, nó còn lửng lơ ra điều chưa muốn ăn. Thằng này nó hợp mẹ nó, tính nết như đúc một khuôn, vừa giả dối vừa thớ lợ, Tịnh vốn không ưa.
Hay là ngày hôm nay lên đường gặp giờ tốt? Không tốt sao ngay cả ông lão chưa quen biết bao giờ cũng muốn cho không anh cây đào tiên dù mới gặp anh lần đầu?

Nghĩ đi nghĩ lại, Tịnh thấy hình như không phải. Hôm nay là ngày rằm tháng giêng, một ngày người ta phải kiêng kỵ nhiều thứ, đi đám hiếu thể này anh cứ thấy phân vân, mà không đi không được. Chả gì người chết cũng là chỗ thông gia với mẹ mình, vợ ông ngoại của đứa cháu đang ngồi trước mặt anh đây.
Ngày thường nó là đứa keo kiệt, lại có thêm con vợ tham lam đáo để, thường làm cho anh bực mình. Vì là người trên, nhiều cái anh phải nhịn như nhịn cơm sống. Mới gần đây lại va chạm với thằng con trai anh, đứa cháu này đã không kể trên dưới, dám vác gậy đánh anh họ mình. Nếu anh không rắn, đã xảy ra đánh nhau to chỉ vì tí đất đồi chó ỉa, bao năm không ai nhìn tới.
Nó thuê xe đưa đón, tiếp rước anh như này liệu có phải thực bụng không? Hay chỉ cốt đẹp mặt cho bên ngoại nhà nó trong đám tang bà ngoại?
“Nội ngoại tương tề”, Tịnh không phải hạng cổ lỗ, lúc nào cũng coi bên nội là hơn. Nhưng sính ngoại quá mà coi thường họ nội là cách mà anh không đồng tình. Tuy nó có vợ có con, nghĩ chưa hẳn chín. Mẹ nó thì từ ngày về làm dâu nhà anh đã khoét sâu mâu mâu thuẫn trong gia đình. Có những chuyện mà ngay đến bây giờ, mấy chục năm đã trôi qua mà anh vẫn chưa quên..

**
Đúng là ở đời không có cái gì tự nhiên mà có. Nó được manh nha, tích lũy từ khi nào, có khi chính người trong cuộc nhiều lúc không thể hiểu. “Duyên” tích “nghiệp” là cái quy tắc của muôn đời. Nó là một hàm số luôn luôn bí ẩn, thách thức trí não, tâm can con người ta.
Bốn mươi năm trước, Tịnh còn là chàng trai trẻ, chưa thấu lẽ sự đời. Năm ấy anh mất việc một cách vô cớ, rồi gặp chuyện oan khiên. Đi tù mà không biết tù vì tội gì. Anh ở trại tạm giam hơn một năm, tội trạng chỉ ghi rất hàm hồ: “Thành phần nguy hại cho an ninh xã hội chủ nghĩa”. Cũng chỉ duy nhất một lần hỏi cung, chưa một lần có cáo trạng hoặc ra tòa. Cái án tập trung cải tạo là cái án về hình thức rất mơ hồ, xem ra nhẹ nhàng mà thực chất còn đáng sợ hơn án phạt của tòa tuyên. Nó là cái “án cao su”, co giãn không biết đâu mà lường, ngày về chưa biết ngày nào. Tốt thì ba năm, chưa tốt thêm lệnh ba năm nữa. Mà “tốt xấu” thì chả biết đâu mà lần. Có những người một lệnh ba năm mà rồi ở tới hai chục năm, hoặc vĩnh viễn không về.
Đó là thời chiến tranh, đến luật pháp cũng phải “phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới”. Tịnh chỉ mang máng là mình bị liên quan đến một rắc rối trong quan hệ xã hội. Ai đó trong số bạn bè đã mang đến cho anh cái ách giữa đường?
Nếu kể hết câu chuyện, không biết bao giờ mới xong. Tốt nhất là.. quên đi. Như người ta nói, “xếp lại quá khứ, hướng về tương lai”, như muôn vạn người đã sinh ra, đã gặp phải, nhiều điều oan khuất trên đất nước này!
Nhưng những vấp váp đầu đời để lại cho anh nhiều di họa sau này. Đến cả người thân cũng không phải ai cũng hiểu và thông cảm. Tịnh mặc nhiên chấp nhận như một khía cạnh không thể thay đổi, như định mệnh, dính vào da thịt, phải mang. Nhiều lúc vừa đớn đau vừa chua xót. Nó giống như vết thương nằm sâu trong xương tủy, lâu lâu trái nắng trở trời lại nhức đau! Người dưng nghĩ sao anh không để tâm, nhưng thân tình đụng đến Tịnh nhiều phen ức hận chỉ muốn kêu trời! Lắm lúc anh tự than thà chỉ có một mình, không bị chi phối những mối dây liên hệ thân tình có lẽ nhẹ lòng, đỡ đắng cay hơn!
Hết hạn, anh về nhà thì thằng em trai mới cưới vợ. Vợ nó người làng trên, con ông Thập Thành, còn có tên nữa là ông “Thập è”.Ông này dáng đi nhún nhẩy, có cái cười rất tươi, hai môi chúm nhọn mỗi khi tức tối điều gì. Nói chung ngoài thành tích mới ở chiến trường về sau năm bảy nhăm, ông chỉ có cái tài duy nhất là giỏi cho người ta đi tàu bay giấy. Ông mà muốn lấy lòng ai là y như rằng: “Ở làng này, xã này nhất bác (hoặc anh hay chị ). Chả có ai bằng được". Thực ra chiêu này cũng chả có gì ghê gớm. Nhưng khốn nỗi con người ta ưa ngọt chứ không ai ưa dẳng. Thích người khác tâng bốc mình, dù biết là giả tạo, hơn là thích người ta phê phán.
Nói chung là ông Thập Thành khéo miệng rất được lòng người. Chả thế văn hóa mới chỉ có lớp ba, mà có đận làm người đứng đầu cả xã có tới bốn năm ngàn người!
Quan hệ bề ngoài hai nhà thân thiết lắm vì mẹ Tịnh cũng là cán bộ xã, cùng công tác với ông Thập Thành. Là thông gia như vậy kể ra không có gì đáng nói. Không phải là “môn đăng hộ đối” thì là gì?
Năm người ta lo phòng lũ lụt cho thủ đô Hà Nội, vùng quê anh trở thành bụng chứa, nếu năm nào đó nước sông Hồng lên to. Một con đê quai chạy vòng quanh hai huyện chấp nhận hi sinh lợi ích, an toàn của cải, thậm chí cả sinh mệnh con người cho Hà Nội an toàn. Làng anh ở bên dưới cống thoát lũ ba mươi sáu cửa chừng hai cây số. Đã từng có năm, cống xả lũ, nước chảy xiết thành luồng, những con đường trong làng bị xói lở không còn chạy được xe đạp nữa.. Cho đến tận bây giờ, khi đã nhiều năm tháng đi qua, Tịnh đã trở thành một người già,  vẫn không hiểu làm sao mà lại có kiểu làm thủy lợi, phòng chống lũ lụt kì cục như vậy? Thay vì nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy, người ta lại tôn cao mãi những con đê. Với hàng tỷ khối nước thì cái gọi là “bụng chứa” kia phỏng chứa được bao nhiêu? Nhưng đấy lại là câu chuyện khác.
Câu chuyện của anh bây giờ chỉ còn liên quan tí xíu với nó. Đấy là cương vị của ông Thập Thành, Đội trưởng đội thủy lợi 202 của xã anh lúc bấy giờ.
Thập niên tám mươi là một thập niên đen tối, nhức nhối, đau buồn trong lịch sử. Đội 202 ăn ngủ, làm việc ngay hiện trường. Thiếu thốn đủ đường. Bàn chải đánh răng, xà phòng còn là cái xa lạ, ít khi được cung cấp. Lâu lâu có được ít đường Hoa Mai. Thứ đường sản xuất thủ công màu vàng nhạt kiểu đường Cu Ba. Những hôm đó Lão Thập Thành cười khè khè, mồm vẩu ra, hai môi chúm lại nhọn hoắt. Có nhiều kêu ca, phàn nàn về lão. Nhưng mẹ Tịnh bảo: “Lão ấy làm cán bộ.. dưng mờ tốt, chan hòa, dân dã lắm..” Tịnh chỉ cười trong bụng không nói ra. Tốt xấu đâu phải cái vẻ bề ngoài? Nhưng đã là thông gia chả nhẽ nói xấu nhau?
Thực ra thì chuyện ở công trường Tịnh không biết nhiều. Chỉ nghe người làng kể. Ngay cả vai trò của ông Thập thành ở đấy anh cũng chả quan tâm.
Mãi đến một hôm, thằng Toan trước cùng học với anh đến nhờ một việc:
- Mày là nhà báo, chắc chuyện đơn từ mày rành hơn tao. Tao có một việc muốn nhờ mày.
- Nhà báo nhà biếc gì, tao mất việc rồi. Mà có còn làm chăng nữa cũng chả thể giúp được. Nhà báo xứ mình chủ yếu phản ảnh cái hay cái tốt, định hướng dư luân, mục đích là tuyên truyền. Những việc phức tạp đã có bên công an tòa án giải quyết. Nhưng mờ mày định kiện ai?
- Tao không kiện cá nhân người nào. Tao chỉ kiến nghị về cách làm việc của ban chỉ huy công trường về chính sách đãi ngộ với xã viên.  Cách quản lý vật tư, phương tiện. Mày bảo cả đội có năm chục cái xe cải tiến, không biết thủng từ đâu bốc hơi mất hơn một nửa. Phải ngửa ngực gánh đất vượt dốc cao vì không có xe, mày bảo chúng tao có nên kiến nghị không?
Lại thế nữa. Tịnh nghĩ bạn mình bức bối có phần chính đáng. Hắn lại đưa sẵn cho anh cái đơn viết sẵn nhờ anh viết lại vì chữ hắn vừa xấu, vừa khó đọc. Tịnh nghĩ cũng chẳng có gì to tát. Nội dung đã có người đứng tên, chịu trách nhiệm. Hộ bạn bè viết lại cho sáng sủa lá đơn không có gì sai. Anh chỉ lược bớt những câu tối nghĩa, trình bày dài dòng.
Không ngờ lá đơn gửi đi lại lớn chuyện. Lão Thập Thành và vài người nữa tạm bị đình chỉ công tác. Hết thanh tra lại đến công an huyện tìm đến nhà.
Từ đó lão Thập Thành đối với gia đình anh khác hẳn. Có lần lão nói bắn tin rằng anh chủ mưu đứng đơn kiện lão. Anh nghĩ lão đã hiểu sai về mình. Giá như hôm đó Tịnh không hộ viết lại lá đơn thì cũng có người khác. Người ta đã định thì thiếu gì cách? Không có nghĩa rằng anh không hộ thì người ta chịu chết. Nhưng cũng bởi từ đấy vết rạn nứt giữa hai bên thông gia tuy không biểu lộ ra bề ngoài, nhưng ngày càng xấu đi..
***
Về đến nhà đám. Sân nhà ông Thập Thành đông nghịt người. Người chết chưa được nhập quan vì mất vào đúng ngày rằm tháng riêng, làng đang có hội ngoài đình. Lệ ở đây là thế, muốn gì cũng phải hết ngày hôm nay, sang ngày mai mới làm lễ phát tang.
Vậy là Tịnh phải ở lại thêm ngày nữa. Anh làm gì cho hết thời giờ cho đến bốn giờ chiều mai?
Lão Thập Thành vẻ mặt khang khác bảo:
- Bác đã về đây rồi, cứ ở lại đây. Tôi sẽ bảo các em nó sắp xếp chỗ ăn chỗ nghỉ. Xong công việc của bà cháu rồi hãy ngược.
- Vâng, ông cứ để mặc, đã về đây rồi cũng phải xong xuôi công việc cháu mới ngược ạ!
Đứa em trai kéo anh ra một chỗ khuất. Nó bảo:
- Tục lệ ở dưới này không như trên nhà. Em muốn nhờ bác một việc?
-         Việc gì?
Nó xoa đầu gãi tai, cái cử chỉ thường thấy mỗi khi có việc gì quan trọng:
-         Ở dưới này bố mẹ chết, con cái đều phải gánh ma. ( Tịnh nghĩ bụng ở đâu chả thế, nhưng anh không nói)-
Người em tiếp:
- Nhưng chúng em không thể đưa được. Phải là bác đứng ra, đưa người ta mới dám nhận. Phần tiền thì nhà em và các cháu đã chuẩn bị sẵn, bác chỉ đứng ra để gánh ma về danh nghĩa thôi.
Thực là vẽ chuyện. Đằng nào chả là tiền của con cái góp vào? Bày đặt ra chuyện họ mạc ở đây làm gì? Nghĩ thì nghĩ vậy, Tịnh vẫn nói:
- Thôi được, chú đã nói vậy tôi từ chối không tiện. Đất có lề quê có thói, mình cũng không nên làm khác người ta.
Tịnh mượn chiếc xe máy của đứa em họ người làng. Anh bảo đi thửa vòng hoa và bức trướng. Người em nói:
- Anh còn nhớ hôm bà ở trên nhà mình mất không?
- Là chuyện gì, chú nói thế anh biết những chuyện gì chứ?
Ngận ngự một lúc, em họ mới nói:
- Không phải em suy bì gì.. Nhưng hôm bà mình trên nhà mất lão Thập Thành có thấy vòng hoa bức trướng nào đâu? Lão len lén đặt cái phong bì, cắm cây nhang rồi lặng lẽ đi lúc nào không ai hay. Cấm có nói lấy một câu gọi là chia buồn với tang chủ.. Em nghĩ lão xử sao, bác cứ vậy mà làm.
- Không chú ạ. Người ta xử thế nào do lương tâm người ta. Mình là nhà thông gia đến viếng, không có bức trướng kỳ lắm!
- Thì tùy bác, em không dám cản. Nhưng nghĩ cái hôm ấy, em vẫn tức đến bây giờ. Đúng là lão ấy coi thường gia đình mình. Người như lão ấy đâu phải người ngu, không nghĩ ra cái việc cần phải có, cần phải làm?
- Thôi, rải chiếu dẹp rác. Ở đời mà cứ chấp nhặt mọi sự thì con người ta sống sao được với nhau?
Thực ra thì thêm vòng hoa, bức trướng số tiền cũng không lớn lắm, Tịnh vẫn có thể lo được. Cái chính là ý ăn, ý ở ở đời. Liệu lão Thập Thành có cho là anh đại lượng bỏ qua, hay lại cao ngạo nghĩ rằng dù lão đối xử thế nào, phía anh vẫn phải trọng vọng gia đình lão? Dù sao lão cũng là cán bộ nhiều năm, được trọng vọng trong vùng, ai dám thất thố với lão chứ?
Có những việc bề ngoài xem ra đơn thuần, lại rất phức tạp. Thì mình cứ làm theo ý của mình, ai nghĩ sao mặc người ta.
Buổi chiều hôm ấy và cả sáng hôm sau Tịnh đi chơi, thăm người nhà, vài người bạn học cũ. Có ở lại nhà đám anh cũng thấy bất tiện. Một bức tường vô hình khiến mọi gặp gỡ trở nên gượng gạo.
Buổi chiều theo lời lão Thập Thành, bốn giờ làm lễ phát tang. Lễ gánh ma tiến hành trước đó một giờ. Đứa cháu gọi điện cho Tịnh, anh vội đến đám ngay.
Vừa đến đầu ngõ đã thấy thằng em tò tò:
- Ban nãy dẫn lễ, sợ bác không về kịp, nhà em nhờ bác Đăng đưa hộ rồi.
Tịnh hơi sững người. Đăng là anh con bà bá, lão ấy họ Trần, làm sao lại thay mặt cho họ Nguyễn nhà mình được? Tịnh lặng người.
Đây có nhẽ là ý của đứa em dâu, muốn làm bỉ mặt mình đây. Ra cái điều “không cần”. Vậy thì anh cần gì chứ? Chú thím khỏe anh mừng. Nói thật chuyện thưa gửi anh rất ngại. Nếu có người làm thế được, còn gì bằng? Tịnh cười mà thấy nhói trong lòng.
Hữu sự mới biết người ta ăn ở thế nào. Bề ngoài đon đả, cười nói chưa tất đã hay.
Chả hiểu sao, tự nhiên Tịnh thoáng nhớ đến hai quả đào tiên được ông lão bán quán tặng cho dọc đường. Trông bề ngoài tròn trĩnh láng bóng như thế, chưa chắc đã ăn được. Còn ngâm thuốc ư? Cái xứ này cây cỏ gì ngâm mà chả thành thuốc?
Ban tổ chức xướng tên, đã đến lượt đoàn của Tịnh vào viếng. Anh giật mình thấy mâm hoa quả anh mua hồi sáng được bày lên, lại thêm một thứ nữa. Đó là hai trái đào tiên lúc lên xe, ông quán đưa cho!
Trần đời, anh chưa thấy có lễ phúng đám ma nào dùng loại trái cây này. Nó là thứ cây ngoại lai, nhập vào chủ yếu để trồng làm cảnh. Quả của nó cũng chỉ để nom cho vui mắt, có ai ăn được nó khi nào? Sao lại bày lên mâm lễ phúng thế kia chứ? Hẳn là vợ chồng thằng em nghĩ nó là sản vật quý, giá trị lắm, sang trọng lắm nó mới bày lên. Thực là sự nhầm lẫn chết người. Nhưng không kịp nữa rồi, kèn trống đã tấu lên, dòng người từ từ tiến vào.
Xong việc, Tịnh toát mồ hôi. Không phải thời tiết tháng giêng đã nóng, mà vì cái mâm lễ vừa rồi. Cho dù anh không chủ định, nhưng không biết gia chủ và làng xóm sau đấy sẽ nghĩ thế nào khi thấy mâm lễ kỳ cục kia?
Nhớ lại năm xưa, gì chứ trái đào tiên này anh không lạ. Anh đã từng tận mắt chứng kiến hồi ở phương nam. Cái vỏ ngoài trơn bóng hồng hào của nó rất cứng. Nhưng bên trong ruột vừa xốp và nhũn. Đem phơi nắng lên, ruột quả đen chả khác cứt gà sáp. Những người yếu sinh lý bảo nhau thứ này “bổ cho làm chuyện ấy”.
Chả biết có đúng không?
Nhưng dâng lên làm lễ phúng thế này thì thật không phải. Ngẫu nhiên hay có duyên cớ gì đấy mà xảy ra chuyện này?

Chuyện xảy ra từ hồi đầu năm, anh vẫn nghĩ và buồn đến tận bây giờ. Có những sự việc tưởng đã chìm vào dĩ vãng, lúc nào đó lại lừng lững, lù lù ngồi dậy. Cả những chuyện bề ngoài thế này, mà bên trong thế khác.
Ai đúng, ai sai, ân oán ở đời có khi còn là câu hỏi, là nỗi dằn vặt khôn nguôi một kiếp người!

=======================


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: