Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Bà "nghị sĩ" ăn cây táo... rào cây dâu da.



Ai ai cũng bất ngờ! Tổ chức bất ngờ, cử tri cũng bất ngờ! Vừa công bố kết quả bầu cử Quốc hội thì lại phải họp không công nhận tư cách 2 “nghị sĩ” là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Nguyệt Hường là nghị sĩ Quốc hội thờ phụng quốc gia Việt Nam mà nhập quốc tịch Malta sai phạm Luật Quốc tịch nước ta. Ông Tổng thư ký Quốc hội cũng bất ngờ, chia sẻ: “Hồ sơ của bà Hường rất đẹp, nên việc cử tri lựa chọn bầu cho bà Hường cũng là đương nhiên.” Có ai ăn cây táo lại... rào cây dâu da như thế?
* ĐÁNG TIẾC VÀ... KHÔNG ĐÁNG TIẾC!
Quả thật là rất tiếc! Tiếc cho bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 thành phố Hà Nội (gồm các huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức) và trúng cử với tỷ lệ phiếu khá cao... 78,51%, phải khép lại những nấc thang thăng tiến của sự nghiệp dân biểu. Tiếc cho một tài năng sinh năm 1970, “đại diện của giới doanh nhân tại diễn đàn nghị trường, là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII đang độ chín và có thể sải những bước vững chắc, phải dừng lại chỉ còn bước chân kinh tế. Tiếc... bởi “100% thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Người đẹp – doanh nhân – nghị sĩ Nguyệt Hường sẽ đi vào lịch sử nghị trường với một nốt trầm buồn xót xa.
Việt Nam đã từng trải qua hàng ngàn năm chế độ phong kiến. Xã hội ngưng đọng, tù túng, ù lì như cái cối xay đá của người Mông chậm chạp những vòng quay sốt ruột. Nho giáo thống trị đời sống tinh thần với các phép ứng xử “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” có nghĩa là "một con trai thì là có, nhưng mười con gái vẫn là không". Người phụ nữ không được đi học, dĩ nhiên là không được đi thi, dù là học chui học lủi, không được làm quan, suốt đời chỉ cắm mặt vào cái bếp và quanh quẩn trong lũy tre làng. Người đàn bà tam tòng tứ đức: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” - Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con. Cơ khổ! Không có nỗi khổ nào hơn vì chẳng bao giờ ngẩng mặt lên với đời. Ngày nay, người phụ nữ đã được cải thiện thân phận, bình đẳng với nam giới, được học hành phát tiển, được tham gia công tác xã hội và làm chủ vận mệnh của mình. Chế độ bình đẳng ưu việt ấy mới sinh ra những người phụ nữ hoạt động chính trị như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng... Còn nữ doanh nhân cỡ như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường thì cũng không hiếm. Không hiếm, nhưng cũng chẳng phải là nhiều. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cũng chỉ đạt 24,4%. Vì thế, những nữ doanh nhân vừa làm kinh tế giỏi vừa làm chính trị như bà Nguyệt Hường là rất cần, rất đáng trân trọng. Quốc hội khóa 14 loại một nữ đại biểu như thế là điều rất đáng tiếc!
Tiếc, nhưng hóa ra lại... không đáng tiếc! Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia thì: “Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV vì vi phạm Luật Quốc tịch Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, luật quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trong khi bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta. Việc nhập quốc tịch Malta cũng không được bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật.”
Mang hai quốc tịch trái luật, quý bà Nguyệt Hường biết hay không biết? Không biết vì đơn giản, thấy nó chẳng có gì quan trọng, hay biết mà vẫn cố ý làm?
* KHÔNG BIẾT HAY BIẾT MÀ VẪN CHỌN... "DÂU DA"?
Lạ kỳ! Một “nghị sĩ” đã qua hai khóa Quốc hội, từng giơ tay bấm nút thông qua bao nhiêu bộ luật mà không biết mình làm trái luật? Chả lẽ trình độ nhận thức luật pháp của nữ “nghị sĩ” sơ đẳng, lùn đến mức âm u như thế? Không! Tôi tin quý bà thông minh, thành công, thành đạt trên thị trường và ngồi mòn ghế nghị trường lại không biết luật, hiểu luật! Ở đây có câu chuyện trung thực. Bước chân vào nghị trường là đã qua sự chọn lọc của cử tri. Cử tri tin tưởng bầu quý bà vào Quốc hội, họ muốn đại diện của mình mang suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng và cả nỗi bức xúc đến nghị trường. Trung thực với mình và phải trung thực với cử tri thì mới tạo ra lòng tin. Dấu giếm hồ sơ, dấu giếm thân nhân hai quốc tịch trước khi bầu cử cũng có nghĩa là dấu diếm cử tri. Nghị trường khác với thị trường. Nghị trường là làm chính trị, thị trường là làm kinh tế. Mỗi lĩnh vực đều vận động theo quy luật riêng của nó. Làm chính trị là người phải có bản lĩnh, trung thành với nhân dân, với tổ quốc với lý tưởng mình theo đuổi, không chấp nhận nước đôi. Càng không chấp nhận ăn cây táo rào cây dâu da. Không nắm được quy luật của sự trung thành ấy thì vô cùng mạo hiểm như người chơi dao sẽ có ngày đứt tay. Quả thật! “Cuộc chơi” chốn nghị trường quý bà Nguyệt Hường đã bị “đứt tay”.
Malta là cái xứ xở diệu kỳ đến mức nào mà quyến rũ, mê dụ “nữ nghị sĩ” xinh đẹp làm thêm một quốc tịch như thế? Cộng hòa Malta là một quốc đảo quốc nhỏ nhoi gồm bảy hòn đảo nằm ở giữa Địa Trung Hải, phía nam đảo Sicilia của Italia 93 km. Theo truyền thông: “... được cấp quốc tịch Malta, sẽ trở thành công dân châu Âu, họ được hưởng quyền tự do đi lại tới tất cả 28 quốc gia châu Âu và Thụy Sĩ. Họ được phép thành lập doanh nghiệp ở Malta và được cấp hộ chiếu Malta cho phép họ được miễn thị thực khi đến hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có cả Mỹ.” Nhưng muốn thành công dân quốc đảo Malta thì không phải ai cũng làm được. Malta không giành cho người nghèo. Để trở thành công dân Malta, người nhập quốc tịch hòn đảo này “phải trả khoản tiền mặt lên tới 891.000 USD, phải có tài sản hoặc mức đầu tư làm ăn tại Malta trị giá lên tới 685.000 USD...”. Tóm lại là... phải giàu có, tiền kho bạc đụn.
Giàu có không có tội tình gì và cũng không nên kỳ thị, dè bỉu người giàu nếu như họ làm ra tiền kho bạc đụn một cách chính đáng. Rất nên khuyến khích. Nhiều người giàu thì xã hội mới giàu. Quyền tự do cư trú cũng nên tôn trọng, nhưng phải hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc gia. Với tư cách công dân và tư cách đại biểu quốc hội, rõ ràng quý bà doanh nhân Nguyệt Hường nhập quốc tịch Malta là sai Luật quốc tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dù Hội đồng bầu cử quốc gia đã không công nhận tư cách đại biểu quốc hội, nhưng mọi nghi ngờ về lý do nhập quốc tịch Malta của quý bà Nguyệt Hường lại dấy lên những dấu hỏi. Thiên hạ mất bao nhiêu thời gian để đồn thổi, tra vấn và họ có quyền thả các câu hỏi ra rồi tự trả lời.
* CÓ PHẢI... LO XA?
Xưa nay, “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng gậy”, tiểu nhân thì chỉ chăm chăm lo cái ăn và điểu nhỏ nhặt, lụn vụn trước mắt, tính gần chưa nổi gang tay. Người quân tử tri thức đầy đầu, khôn ngoan lọc lõi, tinh quái thường lo xa, nghĩ đến khi có biến thì có nơi mà thoát, có chốn dung thân. Xã hội công nghiệp với nền kỹ trị và công nghệ đã san phẳng thế giới. Công dân toàn cầu là một khái niệm không còn xa lạ ở Việt Nam. Xã hội càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Người nghèo vẫn lọ mọ kiếm ăn trên đường phố và cánh đồng quen thuộc. Người giàu đã tính đến chuyện đem tiền bạc gửi ở ngân hàng Thụy Sỹ, mua nhà ở Hawaii, Boston, cho con ăn học ở phương Tây ở Nhật, đầu tư tài chính ra nước ngoài và khá nhiều người có hai, thậm chí ba quốc tịch. Đã có lúc tôi buồn bã hình dung: Nếu nhân dân ta buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống quân xâm lăng thì ai sẽ là người cầm súng? Ai trốn ở phía sau? Những ai sẽ thoát thân đầu tiên trong các chuyến bay sớm nhất ra bên ngoài biên giới và nhìn về tổ quốc bằng con mắt thương hại những người lính nông dân cầm súng?
*MỌI NGƯỜI PHẢI BÌNH ĐẲNG TRƯỚC LUẬT PHÁP.
Công bằng xã hội và mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật là mục tiêu chúng ta hướng tới. Song, có chuyện hai thằng bé chưa thành niên cướp cái bánh mình giá chưa đến 45 ngàn đồng thì chịu 10 tháng tù, vô lý đến mức Chánh án TAND tối cao phải yêu cầu xem xét lại. Trong khi, có chuyện những ông kễnh, bà lớn làm thất thoát, hư hao hàng ngàn tỷ đồng, làm mất lòng tin nhân dân, làm mục ruỗng quốc gia thì vẫn cứ nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật. Đúng là lưới pháp luật lồng lộng có khi con ruồi bé tý thì mắc, nhưng con voi thì chui tọt qua.
Nhưng tôi tin vẫn ở luật nhân quả, ở sự công bằng của xã hội mà chúng ta cần phấn đấu để hướng tới. Thì cái việc quý bà “nghị sĩ” Nguyệt Hường bị truất đại biểu quốc hội cũng là một biểu hiện công bằng và mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Tham thì thâm! Lưới trời thưa nhưng khó lọt. Nếu có lọt lưới pháp luật thì còn lưới nhân quả cuộc đời. Trước đây 4 năm, “Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, MTTQ Việt Nam cũng đã đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Đặng Thị Hoàng Yến do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử. Cụ thể, bà Yến không kê khai ngày vào Đảng, không khai trong hồ sơ chồng bà là Jimmy Trần đang có lệnh truy nã”. Người ta thì “thả con săn sắt, bắt con cá quả”. Các bà “nghị sĩ” chọn cả hai, chẳng thả con nào. Việc làm sai pháp luật tày trời như quý bà “nghị sĩ” nhập quốc tịch Malta, chả nhẽ chỉ không công nhận tư cách đại biểu quốc hội? Cũng không thấy nói gì đến việc xử lý một công dân Việt Nam có hai quốc tịch! Đến lúc này, quý bà Nguyệt Hường và gia đình bỏ quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch Malta, hay được mang cả hai quốc tịch như một trường hợp đặc cách cũng con đang bỏ ngỏ? Chọn quốc tịch Việt Nam ở với nhân dân hay chọn bên ngoài tổ quốc?
Sương Nguyệt Minh
\
Ai ai cũng bất ngờ! Tổ chức bất ngờ, cử tri cũng bất ngờ! Vừa công bố kết quả bầu cử Quốc hội thì lại phải họp không công nhận tư cách 2 đại biểu Quốc hội là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ông Tổng thư ký Quốc hội…
TAMSUGIADINH.VN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: