AI GIÚP NGUYỄN ĐĂNG QUANG VÀ MASAN THÂU TÓM MỎ NÚI PHÁO
Dự án Núi Pháo có diện tích hơn 9 km2, là một trong những mỏ vonfram đa kim có trữ lượng lớn nhất thế giới. Dự án này được giao cho CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (thuộc tập đoàn Masan) quản lý và khai thác.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Masan thâu tóm mỏ Núi Pháo như thế nào?
Ngay lập tức sau khi có thông tin Bộ TN&MT thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường của Công ty Núi Pháo, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan đã giảm 0,7% trong phiên giao dịch ngày 26/07/2016 về mức 66.500 đồng/cổ phiếu.
Như báo chí đã đưa tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường của công ty Núi Pháo bắt đầu từ đầu tháng 8 tới. Việc thanh tra sẽ bao gồm một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường như: bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra. Trên cơ sở đó sẽ phối họp với UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét phạm vi các hộ dân tại xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ có thể phải di dời; báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện và các nội dung thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ khai thác và chế biến (làm rõ việc từng chủng loại và khối lượng hóa chất sử dụng) so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời lập kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định.
Trước đó, người dân sinh sống quanh khu vực mỏ Núi Pháo đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm do khai thác vonfram tại mỏ Núi Pháo nhưng không được giải quyết dứt điểm. Dự án Núi Pháo có diện tích hơn 9 km2, là một trong những mỏ vonfram đa kim có trữ lượng lớn nhất thế giới. Dự án này được giao cho CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (thuộc tập đoàn Masan) quản lý và khai thác.
Chân dung ông chủ quyền lực của Masan
Nhắc đến đế chế Masan không thể không nhắc đến ông chủ quyền lực Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group. Ông được biết đến là người giàu thứ hai trên thị trường chứng khoán với tổng tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang trong một sự kiện nội bộ của MSN. |
Ông là cổ đông lớn nhất sở hữu 46% cổ phần của CTCP Masan, công ty mẹ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 51% cổ phần của CTCP Tập đoàn Masan. Bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Quang, là Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Masan Group, Thành viên HĐQT của Masan Consumer. Với gần 22 triệu cổ phiếu MSN đang nắm giữ, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện là người giàu thứ 4 trên TTCK Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, ông có bằng Tiến sỹ vật lý và thạc sỹ quản trị kinh doanh. Hiện ông đang giữ các chức vụ như:
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Masan
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group – MSN)
Chủ tịch HĐQT Masan Consumer
Phó Chủ tịch thứ nhất Techcombank
Chủ tịch Công ty TNHH Masan (US) LLC
Chủ tịch Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo
Thành viên HĐQT Vinacafe Biên Hòa
Thành viên HĐTV Tecom Capital
Tài sản của gia đình ông được tính thông qua việc ông và vợ sở hữu 46,09% cổ phần của CTCP Masan (Masan Corp); Vợ ông Quang, bà Nguyễn Hoàng Yến sở hữu 21,78 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 2,93% cổ phần của Masan Group, trị giá xấp xỉ 1.800 tỷ đồng; ông cũng sở hữu trên 10% cổ phần của CTCP Khoáng sản Minh Tiến. Ngoài ra, ông Quang cùng gia đình sở hữu 1,5% cổ phần của Techcombank.
Ông Nguyễn Đăng Quang được giới truyền thông gọi là “người dạy người Nga dùng mì gói và tương ớt” khi những lô mì gói đầu tiên của ông đã thành công trên thị trường Nga cách đây khoảng 20 năm. Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: Nước tương Chin-su. Sang năm 2003 thì bắt đầu có thêm nước mắm Chin-su. Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gòi bằng sản phẩm Omachi. Hiện tại, Masan Consumer đang thống lĩnh thị trường nước mắm, nước tương với hơn 3/4 thị phần. Trong phân khúc mì ăn liền, thị phần của công ty đến cuối năm 2011 vào khoảng 16%, đứng thứ 2 sau Acecook Việt Nam.
Mới đây, Công ty con của MSN là Masan Nutri Science công bố mua nốt 30% cổ phần tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế (Anco) và nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%. Trước đó, Anco cũng đã mua thêm 10,9% cổ phần của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,9%. Để đạt được thương vụ này, Anco đã bỏ ra bình quân 106.000 đồng/cp với tổng số tiền là khoảng 2.136 tỷ đông để mua 24,9% cổ phần Vissan. Mục tiêu của Masan Nutri Science là trực tiếp vận hành và tích hợp toàn bộ chuỗi giá trị đạm độc vật từ thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt có thương hiệu. Theo đó việc mua Anco và Vissan là một trong các bước thực hiện chiến lược này.
"Phả hệ" nhà Masan. Đây mới chỉ là những công ty do MSN trực tiếp sở hữu. |
Thương vụ M&A phức tạp và đình đám
Trước đó, công ty Núi Pháo được thành lập năm 2004 và được cấp giấy phép khai thác năm 2005, thời điểm này đối tác nước ngoài là Tibron Canada đang nắm giữ 70% mỏ Núi Pháo, Việt Nam chỉ có 30%. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến Tibron năm 2007 đã bán lại Núi Pháo cho Quỹ đầu tư Dragon Capital, thế nhưng Dragon Capital cũng không thể lo liệu vốn để khai thác dự án và buộc phải tạm dừng khai thác vào năm 2008.
Những biến cố trên của Núi Pháo là cơ hội để ông Nguyễn Đăng Quang, bấy giờ là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Chủ tịch tập đoàn Masan tham gia vào dự án Núi Pháo với việc tập đoàn này mua lại toàn bộ 70% cổ phần tại Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital vào năm 2010. Đến thời điểm hiện tại, Masan Group công bố đã nắm giữ 74,3% vốn tại dự án Núi Pháo.
Trong các ngành công nghiệp như: ô tô, khai thác mỏ, điện tử, chế tạo vũ khí…, vonfram là kim loại cứng không thể thay thế. Năm 2016, Masan Resources dự kiến doanh thu trong khoảng 4.500-5.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 220 - 660 tỷ đồng. Sở dĩ lợi nhuận được dự kiến trong biên độ rộng là vì giá vonfram biến động khó lường. Masan Resources hiện chiếm 36% thị phần vonfram thế giới và mục tiêu của công ty là 50% vào năm 2020.
Thương vụ Masan mua lại dự án Núi Pháo được xem là một thương vụ M&A kéo dài thời gian và phức tạp nhất từ trước đến nay với một loạt các giao dịch phát hành hối phiếu nhận nợ, quyền chọn mua, quyền chọn bán. Phải đến cuối năm 2013, thương vụ này mới chính thức được hoàn tất.
Để khai thác siêu dự án này, Masan đã thành lập tới 4 pháp nhân để tiếp quản dự án Núi Pháo, gồm Masan Horizon, Masan Resources, Masan Thai Nguyen Resources và Nui Phao Mining. Trong đó, Masan Resources (MSR) là công ty nắm vai trò đầu mối và Nui Phao Mining là công ty trực tiếp được cấp giấy phép khai thác thay cho liên doanh Nuiphaovica trước đây.
Để vận hành mỏ Núi Pháo, MSN cần tới 4 công ty con. |
Tại ĐHCĐ thường niên 2016, Masan Group đặt kế hoạch doanh thu là 42.000-45.000 tỷ đồng, tăng trưởng 37%-47%. Trong đó, doanh thu của Masan Resource dự kiến đạt 200-230 triệu USD, tăng trưởng 57%- 80% nhờ sản lượng khai thác tăng. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Masan Group là 1.900-2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 29%- 35%, trong đó dự kiến lợi nhuận sau thuế của Masan Resources từ 10-30 triệu USD, tăng trưởng 44,7%-344% với giả định giá bán vẫn ở mức thấp.
Năm 2015, Masan Group đạt 30.628 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 90% so với năm 2014. Doanh thu thuần của Masan Resources giảm nhẹ còn 2.658 tỷ đồng, giảm 5,9% so với năm 2014 do giá bán giảm mặc dù sản lượng tăng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn ở mức tốt là 84 tỷ đồng, tăng trưởng 136,5%.
Kết thúc quý 1/2016, sản lượng sản xuất của mỏ Núi Pháo cải thiện nhưng giá bán giảm đã làm hạn chế khả năng sinh lời của dự án này. Dù vậy, Masan Resources vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng trong quý 1/2016 so với khoản lỗ 89 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 1/2016, Masan Group đạt 8.770 tỷ đồng doanh thu, tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái, và 253 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế . Trong khi đó, mỏ Núi Pháo tiếp tục có dòng tiền tự do âm do trả lãi cao và đầu tư xây dựng cơ bản 435 tỷ đồng, chủ yếu để xây dựng hồ xử lý nước thải và các dự án khác nhằm cải thiện hiệu suất khai thác mỏ.
Nguyễn Tuân
Theo Infonet
Nguồn : Kiến thức trẻ
Nguồn : Kiến thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét