Hoàng Văn Minh
Giờ thì ông Võ Kim Cự không lẩn trốn báo chí nữa. Và thật bất ngờ khi ông nói ông “thật sự bất ngờ”, nghe cứ như “tin giật gân” trên báo lá ngón về việc Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung. Bất ngờ không kém là chuyện ông Trịnh Xuân Thanh cùng ban giám đốc PVC vẫn nhận lương “khủng” trong thời kỳ ông này làm Chủ tịch HĐQT cùng thành tích thua lỗ hơn 3.500 tỷ đồng. Bất ngờ là khi người Trung Quốc vào bệnh viện ở Khánh Hòa chữa bệnh xong rồi quỵt tiền, mỗi năm có 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài và sau “ăn không từ thứ gì” đến “bán không còn thứ gì”.
1. Ông Cự “bất ngờ” vì như “tin giật gân”
Sau bao nhiêu chờ đợi, cuối cùng ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch và Bí thư Hà Tĩnh cũng đã chịu mở miệng với báo chí sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hứa sẽ nhắc ông Võ Kim Cự không được “khoát tay” từ chối trả lời báo chí về vụ Formosa.
Ông bảo thời qua mình chỉ bận thôi chứ không cố ý trốn hay lẩn ai cả.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng hậu quả Formosa gây ra với bốn tỉnh miền Trung ngày hôm nay ông có từng nghĩ đến khi đặt bút ký giấy phép cho họ?
Ông bảo ông “thật sự bất ngờ. Đùng một cái xảy ra sự cố, nghe như kiểu là “tin giật gân”. Vì trước đó chúng tôi đã bắt buộc Formosa tuân thủ luật pháp Việt Nam, đảm bảo môi trường… Tôi thật sự băn khoăn và trăn trở vì thấy họ đã cam kết, đầu tư một lượng vốn khá lớn, cứ nghĩ như vậy thì họ sẽ làm việc nghiêm túc. Có ai ngờ…”.
Dù mới đây Thanh tra Chính phủ cho rằng việc Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa là chưa đúng pháp luật, đồng thời lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong thời điểm đó cũng phải có trách nhiệm. Nhưng ông Cự khẳng định là “tôi làm đúng. Khi thẩm định dự án đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh… Sau đó báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép”.
Vậy là rõ rồi nhé, có sai là ở đâu đó sai, có lỗi thì đâu đó, ai đó có lỗi chứ không phải tôi đâu nhé! Cùng lắm là ông Cự thấy mình có “trăn trở” và “một phần trách nhiệm trong bộ máy địa phương” mà thôi.
Có lẽ, báo chí và dư luận đã uổng công chờ đợi. Bởi tất cả những gì ông Cự trả lời, không có gì nằm ngoài dự đoán, ngay cả với sự “bất ngờ” của ông! Xem tại đây
2. Ông Thanh lương “khủng” dù làm ăn thua lỗ
Chuyện khó tin về ông Trịnh Xuân Thanh, biên mãi không hết quý vị ạ. Chuyện ông Thanh góp phần làm Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ gần 3.500 tỷ đồng trong thời kỳ ông làm lãnh đạo thì đã rõ rồi.
Nhưng chuyện ít người biết là trong thời kỳ thua lỗ đó, ông Thanh và ban giám đốc lại nhận lương rất “khủng”. Mặc dù thu nhập của ông Thanh nói riêng và dàn lãnh đạo trong Hội đồng quản trị không được tiết lộ nhưng có thể suy ra từ chế độ đãi ngộ mà PVC dành cho Ban Tổng giám đốc.
Cụ thể, năm 2011, một năm trước khi PVC rơi vào khủng hoảng với những khoản thua lỗ khủng, Ban Giám đốc PVC được nhận 9,1 tỷ đồng. Bình quân, mỗi lãnh đạo nhận 1,3 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 108,3 triệu đồng/người/tháng.
Sang năm 2012 – thời điểm “lịch sử” của PVC, do công ty thua lỗ mạnh, quỹ lương dành cho các sếp lớn cũng hao hụt nhiều. Dù vậy, đó vẫn là con số khổng lồ với 5,8 tỷ đồng cho Ban Giám đốc. Bình quân mỗi lãnh đạo PVC nhận 967 triệu đồng/người/năm, tương ứng 80,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân người lao động của PVC chỉ là gần 6 triệu đồng/người/tháng, tương ứng 72 triệu đồng/người/năm. Như vậy, thu nhập cả năm của người lao động PVC không bằng thu nhập 1 tháng của lãnh đạo.
Nhưng như ông Thanh và các cộng sự không phải là hiếm ở các tổng công ty nhà nước. Tâm lý chung là cứ “túi mình” đầy là được, còn “túi nhà nước” đã có… nhân dân lo bằng cách è cổ nộp thuế rồi! Xem tại đây
3. Khách Trung Quốc quỵt tiền viện phí
Khách Trung Quốc vào chữa bệnh rồi quỵt tiền viện phí khiến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa phải lấy lương, thưởng của cán bộ viên chức bù vào. Ảnh minh họa.
Nỗi khiếp đảm mang tên khách du lịch Trung Quốc lại vừa có thêm chiêu trò mới là vào bệnh viện cấp cứu, chữa bệnh xong thì tìm cách bỏ trốn quỵt tiền viện phí.
Theo ông Nguyễn Văn Xáng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thì tình trạng trên đã xảy ra một thời gian, tuy nhiên hiện nay bệnh viện chưa có biện pháp gì để khắc phục.
Khách Trung Quốc đến bệnh viện đa phần là những trường hợp cấp cứu như ngộ độc thức ăn, bị tai biến, bị tim mạch, nhồi máu, tai nạn giao thông. Khi đến nơi, thông thường họ đi một mình, ít có phiên dịch đi cùng, không có người đại diện cơ quan du lịch và nói gì họ cũng không hiểu.
Sau khi được cấp cứu, bệnh viện yêu cầu làm thủ tục nhập viện, cung cấp tên tuổi, địa chỉ, hộ chiếu… thì họ nói không có hộ chiếu theo người, đã bị giữ lại hết và sau đó viện đủ các lý do để rời khỏi bệnh viện.
Ông Xáng than tìm đến các công ty du lịch để đòi nợ thì thường là gặp toàn công ty hoạt động “chui” nên họ không hợp tác. Mà bệnh viện không phải là công an nên không thể yêu cầu công ty du lịch phối hợp giải quyết được.
Và khó tin, đau xót là, do không có cách nào khác để giải quyết việc quỵt tiền của người Trung Quốc nên các cán bộ y, bác sĩ đều phải tự bỏ tiền lương, thưởng cá nhân để… đền bù viện phí!
Những chuyện vô lý như thế sao lại có thể ngang nhiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật được nhỉ? Điều gì đang xảy ra trên đất nước mình thế này? Xem tại đây
4. Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài
Bản đồ di cư của người Việt. Biểu tượng chấm hoa chỉ những quốc gia, vùng lãnh thổ có người Việt sinh sống. Nguồn: IOM.
Mấy hôm nay, cộng động mạng cứ gọi là dậy sóng với thông tin cựu Tổng Giám đốc FPT Trương Đình Anh cùng gia đình “chào” Việt Nam để sang Mỹ làm ăn, sinh sống lâu dài. Và tất nhiên ông Trương Đình Anh không phải là người đầu tiên “chào” Việt Nam.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người), Úc (227,3 nghìn người), Hàn Quốc (114 nghìn người),…
Tại các nước Đông Âu, và một số nước châu Á như Lào, Campuchia, Malaysia mỗi nước có khoảng trên 10.000 người Việt di cư đến đây. Cũng theo tổ chức này, trong năm 2015, 2,67% công dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Trong ấn bản “Migration and remittances factbook 2016” về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp cho biết đã trình Chủ tịch nước giải quyết 4.974 hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam (giảm 1.524 hồ sơ so với năm 2014), trả lời 2.673 trường hợp tra cứu quốc tịch theo đề nghị của các cơ quan.
Tính chung trong 5 năm qua, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước cho phép hơn 40.000 trường hợp xin nhập, trở lại và thôi quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu, xác minh hơn 15.000 trường hợp từ các cơ quan và các Sở Tư pháp gửi về.
Theo một báo cáo của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung – cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội,… đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Số lượng người Việt Nam đang lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài hiện đã lên đến con số nhiều triệu người. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng…
Nước mình vừa mới được công nhận là đứng đầu châu Á và thứ 5 thế giới về chỉ số hành tinh hạnh phúc năm 2016. Vị trí từ 1 đến 4 thế giới về chỉ số hành tinh hạnh phúc cũng không thấy nhắc tên Mỹ và các nước chấu Âu. Nơi hạnh phúc thế này không sống, mọi người đổ xô qua đó làm gì nhỉ? Xem tại đây và tại đây
5. Phát ngôn trong ngày: “Bán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì”
Nước mình, lâu lâu lại xuất hiện một “mật ngữ”. Và “mật ngữ” mới lần này là “bán không từ thừ gì” ghép đôi với “ăn không từ thứ gì” đã phổ biến trước đó của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan.
Người ghép là đạo biểu Bùi Việt Phương (Ninh Bình), khi liên tưởng đến bộ máy công chức hiện nay trong buổi thảo luận cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội vào sáng qua.
Ông Phương dẫn chứng: “Chúng ta để người dân ăn bẩn ảnh hưởng sức khỏe và để môi trường ô nhiễm. Bộ máy chúng ta không làm tròn trách nhiệm. Chúng ta rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ thứ gì” giờ thêm cụm từ “bán không từ thứ gì”. Bán từ giấy chứng nhận VietGAP, bán giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán chứng nhận con dấu”.
Ông bảo “những việc trên họ đều biết cả nhưng vì đằng sau đó có lợi ích chi phối nên người ta mới làm ngơ đi để cho xả thải chất độc ra môi trường một cách thoải mái, làm ngơ để cho hàng gian, hàng giả. Đấy là gì, đấy là phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức”.
Và ông đề nghi: “Chúng ta phải tập trung làm rõ thực trạng bộ máy, cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2016 để làm rõ, chỉ ra xem cái gì dẫn đến sự yếu kém của chúng ta khiến dân ai oán. Chúng ta khắc phục được cái này sẽ không có chuyện bán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì”.
Ông Phương cũng đề nghị cần xem lại việc quy trách nhiệm cá nhân. Không thể cứ để bộ máy làm sai xong trách nhiệm lại cứ đổ loanh quanh, dưới đổ cho trên, trên đổ cho dưới. Xem tại đây
|
Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016
Buồn nào buồn hơn..?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét