Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

ĐI TÌM CÂU CHUYỆN



Truyện ngắn của HG

Lão Hữu đập đập vào lưng tôi, bảo dừng xe. Chỗ này đường vắng, dọc con đê nhỏ chạy dọc sông Lô, thưa thớt nhà. Hàng quán cũng chỉ lèo tèo kiểu thôn quê, bán mấy thứ như nước mía, hay vá xe đạp, cắt tóc lộ thiên ngoài trời, không có mái che.. Chả có dịch vụ gì. Tôi đoán chắc lão muốn đi giải phóng nỗi buồn. Ở tuổi lão bia uống nhiều chả thể giữ được lâu trong bụng. Nhưng không phải, lão bảo tôi dựng xe, nghỉ một lát ngắm cảnh.
Tôi hơi bất ngờ. Cảnh ở đây có gì mà ngắm nhỉ? Vẫn cảnh đồng quê quen đến thuộc lòng, nhắm mắt vào vẫn hình dung ra. Một vùng bán sơn địa, chạy dọc theo sông. Thôn cư từng quãng na ná giống nhau. Nhà cửa cũng nhang nhác, xây theo kiểu nhà ống, có tí trái vảy hắt ra đường. Còn đường tuy là đường đã tráng nhựa nhưng không rộng, chỉ hơn cỡ đường làng một chút.
Chỉ duy nhất có cây gạo rất to, phải ba bốn người ôm mới xuể. Mà cây gạo này thật lạ. Chỗ đỉnh của nó có cái ngọn bằng thìn thĩn,  bốn cái chạc cành to lớn vươn ra bốn góc xung quanh. Hẳn là từ lâu rồi ngọn nó bị gió bão đánh cụt, mới có hình dạng như thế.
Lão hỏi tôi:
- Chú có biết chỗ này là chỗ nào không?
Tôi bảo chỉ nhớ mang máng. Lão nói: “Chỗ này là cảng An Đạo. Ngày xưa bè mảng qua đây đông vui lắm. Là chỗ bọn đi bè đường dài hay dừng lại, chờ đến gần sáng mới nhổ cày qua trạm.. Lúc ấy đêm đã khuya, trong trạm phần nhiều những người gác trạm đã ngủ. Không thì mắt nhắm, mắt mở họ cũng không để ý bằng lúc chập tối cho đến khuya..”
Gọi là cảng mà tịnh không thấy con tàu nào đỗ tại đây? Cũng không có cầu tàu. Chỉ duy nhất cái cần cẩu chạy ròng rọc cũ kỹ, hình như đã lâu không dùng đến. Bằng chứng là những sợi dây cáp to gần bằng nửa cổ tay đã hoen ố mầu gỉ vàng, khô khốc, không dính dầu, dính mỡ.
Mấy mươi năm trước, chỗ này là nơi người ta bốc gỗ dưới sông lên bờ, xếp lên những chiếc xe tải nằm nơi bãi sỏi tương đối bằng phẳng trước mặt tôi kia.
Một phong cảnh cu cũ, có phần hoang hoải vì để không lâu ngày. Bây giờ gỗ trên rừng chả còn mấy. Mà có còn, người ta cũng không đi đường sông như ngày nào.
Những mũi bè kéo theo hàng đãy, hàng thớt bè kéo dài đến nửa cây số có cắm cờ đỏ đằng mũi nối nhau qua đây..Bây giờ chỉ còn trong dĩ vãng.

Điều gì đã khiến lão Hữu bảo tôi dừng lại một nơi như thế này? Để ngắm nhìn những chiếc tàu đãi vàng đã được “Chuyển giới tính” thành tàu hút cát đang dàn hàng ngang dưới lòng sông kia chăng? Hay cảnh tượng một xưởng nghiền đá tảng đang chạy ì ầm phía bên kia sông?
Lão Hữu bảo tôi:
- Tiền cả đấy chú ạ. Sỏi đá và cát bây giờ cũng quý như vàng. Không phải ai muôn khai thác cũng được.
Lão không nói tôi cũng biết. Những thứ đó giờ đã thành “tài nguyên” cả rồi. Chỉ có người có máu mặt, các đại gia, có quan hệ rộng, đủ tầm cao mới đụng tới nó được.

Hồi đầu năm ngoái cũng cũng có người rủ tôi lập dự án, xin khai thác. Giấy tờ lôi thôi, rườm rà mất hàng năm giời, cuối cùng đành bỏ. Tôi nhận ra rằng phận trép riu như mình điều ấy là không thể. Vốn ít đã đành, cái chính vẫn là không đủ chữ “Ệ” to tát như người ta.
Lão Hữu tay vê cằm dù rằng chả có sợi râu nào. ( Nhiều lúc tôi cũng thấy làm lạ, lão tai to mặt lớn, trán cao, đầu hói, dáng điệu oai vệ mà tại sao không có râu? Lão mà lại có cả râu ria nữa thì phúc lộc thực vô kể, để đâu cho hết? ). Lão Hữu không có râu nhưng có tiếng giàu có nhất nhì tỉnh này. Không đợi lão khoe tôi cũng biết mấy cái tàu hút cát kia và cả xưởng đá bên kia sông cũng đều là tài sản của công ty các con lão.
Nhưng lão bảo dừng lại không phải khoe tôi mấy thứ đấy. Lão bảo dừng lại là vì một chuyện khác, xảy ra đã nhiều năm trước ở chỗ này. Một chuyện mà lão nhớ suốt đời. Ngay cả bây giờ, khi đã có nhiều tỷ trong tay, lão vẫn chưa quên. Mới biết “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Chuyện của lão chả dính gì đến miếng ăn hay đòn vọt. Nhưng nếu có ví như thế cũng gần từa tựa, không sai.

**
“Tôi bây giờ có kể ra chú cũng không thể hình dung hết mức độ khủng khiếp của trận bão năm ấy. Thường thì ký ức người ta mờ dần theo gian. Chỉ có những mất mát thật ghê gớm về thể xác và tinh thần mới khắc sâu mãi mãi. Đến bây giờ dù đã nhiều năm trôi qua, vất vả cay đắng không còn, cuộc sống hiện tại không nói chú cũng biết, là anh phần nào hài lòng..Cái đêm hôm ấy vẫn ám ảnh anh, nhất là những đêm mất ngủ hay mộng mị vô thức của tuổi già.
Lúc bấy giờ truyền thông không như bây giờ. Báo chí có khi chậm vài ngày, còn đài chỗ có, chỗ không. Mỗi khi có bão về chủ yếu là thông tin từ các cấp chính quyền thông báo, gọi loa mồm đến người dân. Mà chú biết không, lúc đấy anh đã lênh đênh ngoài bến cho đến xuôi về đến chỗ này đã gần cả tuần. Gần như chả hay biết gì tin bão cả. Thấy những bè nhà nước cắm cờ đang xuôi dòng táp cả vào bờ, anh lại không nghĩ ra. Lại cho là người ta cần ghé vào bờ vì cần mua thực phẩm. Hoặc có việc ké cẩm, ghé theo bán mua gì đấy. Việc ấy vẫn thường xảy ra không có gì lạ. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, gỗ lạt từ trên rừng muốn đem về xuôi chả có cách nào khác. Một là đi chui, chờ những lúc các trạm kiểm soát sơ hở lúc đêm vắng, len lén thả bè qua, hay ghé ghép vào theo bè nhà nước có giấy phép vận chuyển. Anh nào giỏi quan hệ móc nối các trạm, bôi trơn cho họ chút tiền. “Đến ngày đó, giờ đó thì qua. Chúng tôi sẽ .. lờ như không biết”.  Cũng có những tay buôn lậu móc ngoặc, mua lại của cánh đi bè ở dọc đường. Cách này kiếm lãi ít hơn nhưng lại chắc chắn. Có nhiều cách làm ăn trong bóng tối, ai cũng biết, cũng đoán ra cả, nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Điều này phụ thuộc mánh lới, phụ thuộc quan hệ, lại phải có tiền
Nghĩ thế nên cậu em họ lái thuê cho anh bảo: “Hình như có bão hay có sự cố gì đấy, các bè đi trước họ neo vào bờ cả. Mình đáp lại hay đi?”. Anh vẫn khoát tay: “Kệ họ”. Người ta ăn cơm chúa múa tối ngày. Có nhanh chậm đôi ba ngày với họ không quan trọng. Hết tháng người ta vẫn có lương. Còn tôi với chú lại khác. Anh đi tranh thủ, nếu chậm lên, sợ nhỡ ngày khai giảng. Chú nhận khoán với anh rồi, tiền vẫn chỉ có thế anh không thể trả hơn. Bây giờ chậm thêm ngày, sợ chú ngày công không đảm bảo..”. Đúng là đồng tiền nó liền với ruột. Nói đến đấy cậu ta thôi, không ý kiến gì nữa. Còn bà nhà anh đi theo cơm nước cho mấy anh em cũng nóng ruột, không muốn chuyến đi kéo dài. Giá như hôm đó bà ấy nói thêm vài ba câu có khi anh lưỡng lự, dừng lại theo ý cậu đánh bè không chừng. Đằng này bà ấy lại bảo: “Đi nhanh về nhanh, tôi cũng muốn ngược sớm, về còn mua gạo cho các con ở nhà. Mấy ông cháu có khi cũng gần hết cái ăn”. Thế là tiếp tục xuôi dòng.

Không ai biết cơn bão đang tới gần. Quang cảnh im ắng trước cơn bão thật đáng ngờ mà không ai nhận ra. Hai bờ cây cối đứng im phăng phắc, gió không có lấy một sợi. Không một cánh chim nào ngang qua sông. Đến như sóng nước cũng yên ả, không gợn lên như lúc thường. Khí nóng oi ngộp như ở trong lò bát quái. Đi trên sông mà có cảm giác đang ngồi trên chảo rang..
Bữa tối của bốn người chúng tôi hôm đó vẫn như mọi khi. Vẫn là cơm gạo mậu dịch màu nâu nhạt ăn với dưa cải càng mang theo. Thêm đĩa cá chuồn, loại cá mắm để cả con bằng cỡ chuôi dao nướng qua lửa. Cánh đàn ông có thêm bi đông rượu , vốn là thứ dành riêng cho hai thợ bè.
Thực ra thì bè không có to, chỉ cần hai người là đàn ông khỏe mạnh là có thể chèo chống từ lúc nhổ cày cho đến khi tới bến. Khổ nỗi tôi là ông giáo chỉ quen sách bút, mực bảng, đâu có quen, có biết sông nước là gì? Bà nhà tôi lại càng kém nữa.. Cũng là cô giáo làng, chân yếu tay mềm.
Có chuyến bè này là do nhiều năm tôi dạy học trên vùng cao tích góp được. Không phải từ đồng lương èo ọt lúc bấy giờ, mà từ tăng gia sản xuất chăn nuôi thêm. Nhờ trời, bà con dân bản cho mượn đám đất mầu mỡ như một cử chỉ đỡ đần của phụ huynh đối với thầy giáo dạy con mình. Trong làng lâu lâu có người săn được con nai, con hoẵng, hay con lợn rừng thế nào cũng xách đến cho chúng tôi một miếng. Vợ tôi học theo lối bà con vùng cao, chỉ ăn một miếng nhỏ, còn lại treo lên gác bếp làm thực phẩm khô dự trữ.
Bảo là cuộc sống kham khổ thiếu thốn lúc ấy nhưng thực ra cũng có cái hay, cái cảm động. Bây giờ đời sống cao nhưng thử hỏi làm sao còn nhìn thấy thịt thú rừng?  Còn ai cho người khác vô tư thịt rừng? Nhà hàng đặc sản có thịt thú rừng chăng nữa, chẳng qua là thú nuôi nhốt, khác chi con lợn, con chó, con gà nuôi ở nhà? Nuôi tăng trọng lại càng tệ nữa. Chú có được xem người ta nuôi gấu tăng trọng bao giờ chưa?
Đi bè cần vốn lớn lắm, không có điều kiện không đi được. Phải nói dài một chút chú mới hiểu vì sao đang là thầy giáo, tôi lại nhảy sang chân đi bè? Số là nhờ ăn xẻn để dành, hai vợ chồng tôi cũng dành dụm được chút tiền. Lương tháng gần như không tiêu đến, sống bằng hạt lúa, bắp ngô, cây đậu tự tay mình làm thêm ngoài giờ. Mà có muốn tiêu tiền lúc đó cũng không có chỗ để tiêu. Hàng quán chưa có như bây giờ, chợ lại xa hàng chục cây số.
Tình cờ chú em họ, dân buôn bè chính hiệu ghé qua. Hỏi thăm giá cả gỗ lạt tre nứa chú ấy bảo mang được về dưới xuôi sẽ một lời gấp ba.
Tôi nói: “Không được đâu. Lâm sản ở đây không thiếu. Dùng tại chỗ, xin phép hẳn hoi thì được..Nhưng mang về xuôi bán không đơn giản. Phải có mưu thầy mẹo thợ, quan hệ sành sỏi thế nào mới mang xuôi được”. Nghe xong chú ấy cười: “Bác có nhớ thằng Sự con bà Nho không?”. “Nhớ chứ sao không? Nó là cháu rể gọi tôi bằng cậu mà!”. “Ấy đấy vấn đề ở chỗ ấy đấy. Bác có chìa khóa cả một mỏ vàng trong tay mà bác không để ý. Thằng đấy bây giờ vừa mới lên chi cục trưởng kiểm lâm. Gì chứ cấp cho bác cái giấy vận chuyển đối với nó chỉ là chuyện nhỏ. Đương nhiên về nguyên tắc, quy định rất chặt chẽ và rất khó khăn. Ngoài khu vực nhà nước, hoặc đối tượng ưu tiên ra xin được cái giấy đó thực chả khác gì tìm đường lên giời”. “Chú nói khó thế kể với tôi làm gì?
Người em họ ghé tai tôi nói nhỏ, như thế .. như thế. Tôi kể với vợ, vợ tôi giãy nảy. Bà ấy chưa đi sông nước bao giờ, giờ có giấy “Ưu tiên” cũng chịu, không muốn. Ai lại đem hết số tiền dành dụm bấy lâu, định về làm nhà đi làm liều một chuyến bao giờ? Thuận lợi thì không sao, chả may mất cả chì lẫn chài vv.. nhiều lý do lắm. Tôi phải nói với vợ mất mấy ngày sau bà ấy mới xuôi xuôi. Nào là “ở đời không có gì khổ cực bằng nghèo túng suốt đời”. Nào là “cá muốn hóa rồng phải vượt vũ môn, có chí làm quan, có gan làm giầu..”. Vợ tôi vốn là người nhu mì, chiều chồng thương con, cuối cùng bà ấy cũng chiều lòng.
Đúng như người em họ tôi nói, việc xin cái giấy không quá khó khăn. Tôi khai là xoan vườn tự trồng, chỉ xin phép lấy thêm trăm cây nứa làm lốt rồi lên xã sở tại chứng nhận, nói là mang về xuôi giúp người em “gia đình chính sách” làm lại căn nhà đã đổ. Chủ tịch xã vốn là chỗ thân tình, con gái út ông ta đang học lớp tôi, chứng nhận cái giấy không quá khó. Rồi xuống huyện, lên tỉnh.. hạt kiểm lâm nào cũng trót lọt cả. Nói thực với chú anh không mất đồng nào. Thời đó tham nhũng không như bây giờ. “Cơ chế xin cho” mới chỉ mới bắt đầu. Nghe nói tôi là ông cậu vợ ông hạt trưởng, hạt nào nỡ gây khó? Lại còn bảo: “Quý hóa quá, đây là việc nên làm. Gì chứ giúp gia đình chính sách, chúng cháu ủng hộ cả hai tay”!
Đếm cua trong lỗ, vợ chồng tôi lần đầu hình dung ngôi nhà sắp xây nay mai của mình như thế nào. Nó không còn là ngôi nhà bằng gỗ rừng cũ kỹ, mối mọt lợp bằng ngói loại ba, có chỗ phải kê thêm giấy dầu. Nó sẽ là ngôi nhà tường xây cứng cáp, khang trang, hẳn hoi của tốp nhà khá giả trong thị xã lúc bấy giờ!
Chẳng ai ngờ lại gặp trận bão ái oăm này.
Buổi chiều trời còn trong veo, vậy mà chập tối mây đen ở đâu kéo tới ùn ùn. Cảnh vật tối tăm như ở trong một cái hũ bịt kín. Gió bắt đầu thổi, làm con bè chao đảo. Rồi mừa ào ào như thác trời đổ. Không còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì ngoài tiếng gầm gào, rú rít của cơn bão bất ngờ ụp xuống.
Người em họ tôi vớ vội cây đèn ba pin chạy ra đầu bè, quát anh chàng đi theo chạy vội ra cuối bè. Người bơi bằng khoát, người đánh bằng xeo, hò nhau giữ cho bè đi đúng luồng. Bây giờ có muốn đánh bè vào bờ cũng không kịp nữa rồi. Sức vóc của con người so với cơn thịnh nộ của trời đất chả là cái gì. Trong ánh chớp ghê sợ sáng, tối liên tục khoảng sông trước mặt. Có cảm giác không phải đang ở trên sông mà đang ở trên biển trầm luân, khủng khiếp. Những con sóng cao ngất như chỏm núi lừng lững ấp xuống mũi bè. Con bè tôi nghiệp như chiếc lá nhỏ nhoi, có lúc bị nhấn xuống một thung lũng nước tối đen..
Chú biết không, lúc đó bỗng nghe rầm một tiếng. Tôi thấy mình bị tung lên, choáng váng không biết gì nữa..
Sáng hôm sau tôi ngạc nhiên thấy mình tỉnh lại trong một căn nhà xa lạ. Vợ tôi đôi mắt sưng vù, đầu tóc rũ rượt ngồi bên cạnh. Có nhẽ trước khi tôi tỉnh, vợ tôi đã tưởng tôi đã bỏ bà ấy mà đi rồi.
Mọi người kể cho tôi nghe chuyện đêm qua cái bè của tôi đã bị xé tan như thế nào. May mắn hai vợ chồng tôi đã được chiếc ca nô cứu hộ vớt đưa lên bờ. Hỏi về hai người thợ bè cùng đi, mọi người lặng im, không ai nói gì. Linh tính cho tôi biết họ đã gặp chuyện không hay.
Cũng không phải ngẫu nhiên tôi gặp chiếc ca nô đêm ấy. Đấy là loại ca nô cỡ nhỏ, máy rát khỏe, chuyên dùng cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát bè mảng trên sông. Linh tinh thế nào anh Sự anh ấy gọi cho nó chạy đến khúc sông tôi gặp nạn. Nếu không thì chả còn có ngày đi với chú thế này đâu!
Đúng vào chỗ này đây chú ạ. Đã gọi là cảng “An Đạo”, sao trời lại nỡ có việc khủng khiếp như thế với tôi cơ chứ?”

***
Bây giờ thì tôi hiểu, vì sao lão Hữu lại bảo tôi dừng lại một nơi như thế này. Một nơi phong cảnh không lấy gì làm đẹp, dù nó trên bến dưới thuyền. Gỗ trên rừng đã kiệt, cái “cảng lâm sản” giờ gần như không còn hoạt động.
Chỉ có những ai đã từng có kỷ niệm mới nhớ một nơi như thế này. Nó chẳng khác bến cần cẩu gần khu kho lương thực tỉnh tôi thời bao cấp, cũng bị bỏ quên, ngơ ngác như thế.
Tôi biết lão giàu lên từ tài nguyên của rừng. Có lần lão bảo: “Mình sống ở rừng thì chớ quên điều đó. Mình phải được hưởng nguồn lợi từ nó”.
Nhưng câu chuyện lão kể xem ra trái ngược hẳn là sao? Lần đầu tiên đi bè lại gặp chuyến trắng tay, đâu có được gì? Tôi hỏi lão chỉ ầm ừ không nói. Hồi lâu lão nói:
- Anh được như bây giờ là nhờ anh đã “định hướng” cho các con anh sau này. Bà nhà anh sau chuyến đấy xin về một cục. Đúng là phi thương bất phú. Nếu cứ lẽo đẽo cả hai vợ chồng dạy học, đến tuổi hưu mới về chắc không có ngày hôm nay.. Có lần ai đó, rủ bà ấy đi xem bói. Ông thầy nói “Nhà có người thác oan trên sông nước, bây giờ linh lắm, thường đi theo. Sau này bà sẽ trở nên giàu có”. Tôi thì tôi không tin những chuyện bói toán dị đoan vớ vẩn. Toàn là chuyện gạt gẫm lừa người. Nhưng bà ấy lại bảo, ông ta nói đúng. Ông thày làm sao biết được tôi có người em họ mất trong chuyến bè năm ấy? Bà ấy lập bàn thơ riêng cho người em xấu số này. Chả biết có linh thật hay không, kể từ đó thấy làm ăn mát mặt dần..
Rồi lão lại kể: Bà ấy và đám con về chỗ tôi đang ở bây giờ. Thôi thì đủ thứ việc, mua đường bán kẹo, chế tạo nước ga.. Bấy giờ chưa có từ “hàng nhái”,  “hàng giả” như bây giờ. Làm được thì cứ làm, chả phải phép tắc, đăng ký kinh doanh phức tạp như bây giờ. Thị trường thiếu, làm vơ vẩn cũng bán được. Nhà nước có quản lý chỉ khơi khơi bề ngoài. Làm chặt như bây giờ, có khi phải ra tòa cũng nên.
Việc này lão không nói tôi cũng biết. Tôi còn nhớ hồi mấy thằng con trai lão mang kẹo gia công, nước ga nước ngọt đi giao khắp các hàng quán trong tỉnh. Nhưng chỉ mấy thứ đấy thì không thể giàu được như gia đình lão hiện tại bây giờ. Làm ăn phi pháp thì không phải. Nhưng phải có “bước đột biến”, hay bước ngoặt nào chứ?

Tôi đã nóng ruột định giục lão đi tiếp. Lão đang cần tôi viết giúp “tự truyện” về đời mình. Tôi cũng muốn tìm hiểu sâu thêm về tầng lớp “đại gia thời mới” bắt đầu hình thành và phát triển, nguyên cớ do đâu?
Tôi không tin như những kẻ xấu bảo: “Đó là bon lưu manh kết hợp với quan chức nhà nước lợi dụng kẽ hở pháp luật, xà xẻo tài sản, tài nguyên đất nước..”. Cái bọn xấu ấy cái gì chả nói được. Bằng chứng là ông giáo Hữu đây, liệu có thể gọi ông ấy, con cái ông ấy là lưu manh được không?
Hôm nay là về quê lão để tìm hiểu thêm về bối cảnh đã qua. Những năm tháng cuộc đời lão từ khi lão ở Xốm lên đây. Nếu cứ đà xâm nhập thực tế kiểu này, tôi có khi phải đi hàng năm giời vẫn chưa hết những địa điểm, những nhân vật có liên quan đến con người bề ngoài cởi mở mà lại rất thâm sâu này.
Lão bảo: “Cứ từ từ. Cũng gần đến nơi rồi. Con người ta suy cho cùng, rủi may đều do chữ duyên mà ra. Cả tỉnh có hai trạm thu mua lâm sản đầu nguồn hai con sông xuôi về, thì hai đứa con anh nắm. Một đứa sông Lô, một đứa sông Gâm. Chú biết tiền rừng bạc bể là thế nào không? Chỉ cần chênh lệch hư ảo các loại của hàng ngàn hàng tỷ mét khối gỗ, tre nứa là số tiền không nhỏ. Các con anh nó bảo: “Bố đi bè không thành công, bọn con quản lý hàng đi bè nhất định là kết quả”.
Chúng làm như chúng tài ba lắm! Nhưng không có thầy đố mày làm nên. Ông em họ phù hộ đâu không biết, chứ thằng Sự cháu dể tôi là có công nhất. Chính nó là người đưa hai em vào làm ở hai trạm như tôi nói trên. Khi nào có thời gian thong thả anh sẽ kể chú nghe về chuyện này. Đã không “xâm nhập thực tế” thì thôi. Đi là phải biết tường tận khúc nhôi. Nghề viết là như vậy. Anh chưa viết văn nhưng từng là thầy giáo dạy văn, điều này thì anh biết.”
Rõ ràng là lão còn đắn đo, thận trọng không muốn nói hết. Nếu tôi hỏi nữa có lẽ lão sẽ chỉ dừng câu chuyện ở đây. Chuyện hàng vạn mét khối khối gỗ tận thu lòng hồ thủy điện, hàng tỷ tấn quặng ở tỉnh này con lão đứng ra khai thác bán sang Trung Quốc. Đến bây giờ là cát dưới sông. Bao nhiêu nguồn lợi cách này cách khác chảy vào nhà lão..
Ngoài chuyện cái anh Sự nào đó, còn những ông B, ông Z hữu duyên có mối thâm tình với lão thì sao? Vĩnh viễn là chuyện chìm trong bóng tối. Tôi có giỏi tới đâu cũng không thể tìm hiểu hay điều tra ra được. Vì đấy là chuyện đã qua, nhưng vô cùng hệ trọng, thậm chí là chuyện sinh tử của rất nhiều người. Những người trong tay có gần như mọi thứ, họ “đập phát chết luôn” chứ chẳng đùa. Cái gan con dĩn của tôi làm sao nổi việc đó?
Thì cứ để lão từ từ, khi nào hứng lên, lão sẽ bộc bạch, như lúc vừa rồi. Nếu không tôi làm sao biết được một ông giáo như lão từng thả bè trên sông? Thật không ai tin nếu tôi kể lại.
Con người đi đứng khoan thai, nét mặt oai vệ, tai to mặt lớn thế kia ai tin đã có lúc dắt bò thuê cho bọn buôn bò từ trên rừng về biển? ( Câu chuyện này lão kể hôm trước, khi chỉ có tôi với lão đi ăn sáng ở quán phở bò về nhà lão ngồi uống nước )
Giọng lão rất sang, như tiếng ngân nga của chuông đồng. Chỉ mỗi tội cằm lão không có râu.
Bù lại lão rất khéo điều khiển người khác bằng cách cho người ta đi tàu bay giấy. Chẳng hạn lão cần ai giúp việc gì đó là y như rằng: “Việc này ngoài chú ra không ai làm nổi..” hay: “ Cái này anh là nhất, cả tỉnh chưa chắc có ai bằng”. ( Con người ta có điểm yếu là thích người khác tâng bốc mình, kể cả tôi vốn biết vậy mà vẫn dính với lão vài lần ).
Nhà lão ô tô có kể cả trăm cái, đủ các loại. Xe con cũng hơn chục chiếc. Nhưng lão bảo lão thích đi xe máy cùng với tôi.
Đi như thế này,  muốn ghé chỗ nào cũng tiện, vừa dân dã, hòa đồng với xung quanh, tránh sự phân cách khó xử với các nơi muốn đến.
Tôi thấy lão nói có lý, nên bằng lòng. Chỉ khổ nỗi thồ lão cả tạ ngồi phía sau, tôi lái tương đối vất vả hơn là đi một mình!
Nhưng là cái “vất” của anh đi chơi, nói cho sang là đi “thực tế”. Chứ cưỡi ngựa xem hoa thế này phỏng ích gì, nếu tôi không căng mắt ra mà nhìn, căng óc ra mà nghĩ?
Dù sao, tôi nghĩ mình đã “định đúng hướng” cho công việc sắp tới của mình. Lão bỏ thời gian, bỏ cả của ra, đi thế này khiến tôi thật khó nghĩ. Rồi ra viết thế nào đây?
Ăn đã vậy múa gậy làm sao?



=======================

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: